Mộ đom đóm (Nosaka Akiyuki) - Khi chiến tranh chính là tội ác
Đọc xong Mộ đom đóm, tôi tin rằng ai cũng phải ngẩn người thật lâu khi nghĩ về những đau thương mà hai anh em Setsuko và Seita phải trải qua nói riêng và những đứa trẻ mồ côi những năm 45 nói chung.
Truyện mở ra khung cảnh nhà ga Sannomiya nhộn nhịp, đông đúc với mùi thức ăn tỏa ra ngào ngạt. Trong khung cảnh tưởng như rất đời thường ấy, hiện lên hình ảnh cậu bé Seita đã chết vì suy dinh dưỡng. Trong đống quần áo đầy chấy rận của cậu, người ta tìm được một hộp kẹo gỉ sắt, bên trong là ba mẩu xương nhỏ của Setsuko - em gái cậu. Nosaka Akiyuki đã đưa ta trở về với trận ném bom ở Kobe, khi mẹ của Seita và Setsuko bị bỏng nặng do bom và qua đời. Hai anh em phải sống tại nhà một bà cô vợ của em họ bố, nhưng họ nhanh chóng bị bà ta ghét bỏ, lạnh nhạt. Seita và Setsuko liền rời đi và trú trong một hang tránh bom gần đấy. Tuy nhiên,vì thiếu thức ăn nên Setsuko ngày càng gầy yếu, suy dinh dưỡng và bị tiêu chảy. Và cô bé qua đời. Seita đặt em gái vào giỏ mây cùng với những vật dụng thân thiết của em. Khi lửa bùng lên, hàng ngàn con đom đóm bay xung quanh khiến Seita nghĩ chúng sẽ cùng Setsuko bay lên thiên đường.
Bao trùm khắp truyện là cái đói hoành hành lấy hai anh em Seita và Setsuko. Cái đói đã khiến cho bà cô góa của 2 anh em xa lánh, khinh bỉ và ghét bỏ họ chỉ vì một túi gạo. Cái đói ấy bắt nguồn từ cuộc chiến tranh tàn khốc và phi nghĩa. Chiến tranh đã gây ra biết bao đau thương và mất mát mà trẻ em chính là đối tượng phải hứng chịu những hậu quả nặng nề nhất. Hai anh em đáng lẽ đã được hưởng một cuộc sống êm ấm trong một gia đình hạnh phúc, thì bỗng trở thành những đứa trẻ mồ côi và sống một cuộc sống cơ cực. Nosaka đã khắc họa chân thực những bi kịch của con người Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ hai. Bi kịch khi hai anh em còn quá nhỏ đã mất đi cả cha lẫn mẹ. Bi kịch khi Setsuko phải chết vì suy dinh dưỡng. Bi kịch khi trước ngày chính phủ Nhật tuyên bố chính sách dành cho trẻ mồ côi, Seita lại qua đời. Xuyên suốt toàn bộ câu chuyện, có thể nói là một chuỗi những bi kịch dài ám ảnh.
Nếu như các nhà văn nói chung, đặc biệt là Việt Nam tránh nói về những đau thương, tang tóc của chiến tranh thì ta có thể dễ dàng bắt gặp những hiện thực tàn khốc ấy ở "Mộ đom đóm".
Nếu như cuộc đời của hai anh em là những chuỗi ngày dài tăm tối, mù mịt thì những chú đom đóm tỏa ra ánh sáng yếu ớt kia chính là những vị cứu tinh bé nhỏ, giúp cho hai em tìm thấy những ánh sáng le lói, nhỏ nhoi của cuộc đời. Đom đóm là biểu tượng cho niềm hy vọng của 2 anh em và là những người bạn luôn luôn bên cạnh Seita và Setsuko trong những đêm dài lạnh lẽo. Vậy nên, khi những con đom đóm chết, Setsuko đã xây mộ cho chúng, như thể hiện lòng biết ơn chân thành dành cho những người bạn bé nhỏ của mình.
Có thể nói hình ảnh những con đom đóm chính là hình ảnh đắt giá nhất trong tác phẩm. Truyện ngắn khép lại với một cái kết u tối nhưng lại ẩn chứa những chiêm nghiệm sâu sắc về hậu quả của chiến tranh đến số phận con người. Nosaka đã vẽ lại bức tranh một xã hội đầy rẫy những đói khổ, mất mát, đau thương của Nhật Bản thời bấy giờ.
"Mộ đom đóm" chính là lời tố cáo hùng hồn cho tội ác chiến tranh nhưng vẫn lấp lánh tình yêu thương sáng ngời giữa hai đứa trẻ.