bởi Mỹ Diệu

184
12
1457 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Câu hò xứ nổi



“Hò ơi…

Con sáo buồn không tiếng hát

Kể từ khi lạc quê người

Đã lâu thiếu vắng nụ cười

Trái tim để lại.

Ớ ờ ơ ơ ơ…

Trái tim để lại mãi xứ quê”

 

Rời xa xứ quê chân tình ấy, tôi nào có thể thôi nhớ nhung mà quên đi tiếng hát ân tình, ngọt ngào. Hồi tôi còn nhỏ xíu, tôi lớn lên với câu hò ấy, những đêm trời trở nóng bức hoặc có luồng gió lạnh thổi vào làm tôi run cầm cập, má đều ôm chặt tôi vào lòng rồi hát ru cho tôi nghe. So với nơi ấy thì cuộc sống ở miền đất mới ồn ào và tấp nập. Ai ai cũng tự lo sống cho cuộc đời của riêng mình, ít khi nào có dịp ghé qua nhà nhau chơi để hỏi thăm hoặc nói chuyện. Điều khác lạ nhất, họ không thích nghe thứ giọng ca ví dầu của xứ quê tôi. Hồi tôi vào học,  tôi nói thứ tiếng này họ đều cười ầm lên làm như nghe thấy điều kì lạ. Họ thích nghe những bản nhạc tân thời của các giới trẻ với đủ âm điệu mạnh mẽ,  kì quái xen lẫn nhiều ngôn ngữ khác nhau. 

Sống lâu dần với thứ âm thanh ấy,  tôi quên mất thứ giai điệu ngọt ngào của quê hương. Tôi như một kẻ phụ bạc mới đi xa vài tháng hay vài năm đã quên mất đi ngày nào đắm đuối, năn nỉ ỉ ôi chỉ được nghe má hát,  ngoại ca trước khi ngủ.

Rồi bỗng một ngày,  khi tôi nghe lại âm thanh ấy. Một câu hò xứ nổi trù phú cá tôm và nặng trĩu phù sa bởi dòng sông Mekong qua giọng hát của Phương Mỹ Chi, lòng tôi cảm thấy xuyến xao và bồi hổi lạ thường? Một thứ cảm xúc mãnh liệt đến khó tả đang lấn át lí trí và suy nghĩ của tôi. 

Phải chăng, sau mười năm chuyển xứ lên Sài Gòn tấp nập này, tôi vẫn nặng tình với miền quê ấy. Miền quê mà cứ tháng bảy nước nhảy xô bờ, tôi với mẹ và cả gia đình tôi cũng như bao nhà khác lênh đênh trên biển nước. Lúa bị trôi dạt tạo thành từng mảng vàng xanh giữa mặt nước xanh ngắt. Dịp ấy tất cả cỏ cây cối thu hoạch của bà con đều bị hư hỏng nặng, chỉ riêng đám bông súng lại nở ngát tím cả một vùng trời. Má cùng dì Bảy dậy sớm đi bẻ bông về để sẵn trong nhà chuẩn bị cho phiên chợ và làm món gỏi súng thơm lừng với đậu phộng và vài con tép. Những thứ ấy tưởng chừng như đã bị bỏ quên bởi những món ăn hiện đại và lạ miệng của đất Sài Gòn, nay sao hiện rõ trong tâm trí của tôi. 

Tôi đứng ngẩn ngơ trong nhà, không muốn vội bỏ đi làm sớm để mua ít đồ ăn chuẩn bị cho ngày mới làm việc. Tôi nghĩ lại những ngày trước,  dạo hồi còn sống ở quê được ăn những món ấy dưới bàn tay khéo léo của mẹ. 


Trong số món ăn ấy,  tôi thèm nhất món canh chua cá lóc. Chỉ khi nào bố tôi vớ được nắm lưới nhiều cá, may ra mới có dịp may mắn ăn món đấy. Khi thấy mẻ cá đầy, con nào con ấy to bằng cái bắp tay đang giãy đành đạch trên thuyền, hai mắt tôi sáng lên, cứ lâu lâu lại chạy ra xem bố đã làm gì với chúng,  khi thấy bố tính đem bán cho mọi người thì lại õng ẹo,  năn nỉ để lại một con để nấu bữa tối. 

Khi xách con cá ấy trên tay, tôi phi nhanh về nhà khoe mẹ, hối thúc mẹ làm nhanh lên để được ăn. Nhưng ai dè nấu xong phải chờ mọi người đông đủ, bụng thì đói meo, tôi cứ thấp thỏm đứng trước mâm cơm đã dọn sẵn. Miệng chảy nước dãi, tôi cứ phải nuốt ừng ực từng cơn thèm thuồng để tránh mấy đòn roi cho việc ăn vụng và cũng để kìm nén sự ham muốn của chính mình. 

Nhưng kết quả tôi vẫn thua cuộc, lao vào ăn vụng. Những lần ấy, má hình như biết. Má núp sau cửa bếp nhìn tôi cười phì, chỉ đợi tôi làm việc ấy là lao vào chửi liền. Dù biết rõ điều ấy nhưng tôi mặc kệ. Nếu ăn vài cái roi hay trận chửi thì cũng có đáng bao nhiêu chứ!

Làm sao có thể cưỡng lại cái mùi thơm phức, nồng nặc tỏa ra khắp gian bếp, nó khiến tôi hít một hơi dài liên tục, mồm chảy đầy nước.Tôi nhanh chân vô húp thử một miếng, sợ lỡ tý nữa má hay mọi người ăn hết thì sao. Vả lại nội dạy tôi không được lãng phí đồ ăn, đó là một việc xấu. Hai chân nhún lên, tay cầm muỗng múc đưa lên miệng thổi phù phù, rồi cho ngay vô miệng, lấy đôi đũa gắp miếng cá đưa lên mũi ngửi sau đó bỏ vô mồm luôn.  Má tôi chỉ căn lúc ấy, lao vụt ra từ sau cửa hù:

“Ủa nhà tuôi nay có con mèo nào ấy ta?”

Tôi bịt miệng, nuốt ực miếng cá, chẳng may có xương. Tôi mắc nghẹn, òa lên khóc huhu, còn má cứ đừng cười khúc khích. 

Đầu óc tôi sống lại những kí ức đẹp ấy làm tôi trở nên nhớ và khát khao trở lại miền quê ấy làm bao!

Có lẽ, tôi còn yêu xứ quê đó lắm. Yêu tới mức bất chấp kể xứ ấy có nghèo và buồn tới đâu thì vẫn yêu. Ngày còn ton ton trên những mỏm đất nhô lên sau mùa nước nổi, tôi đã cùng với lũ bạn rủ nhau đi hái những bông súng, đi chơi chợ nổi và xin mẹ vài đồng bạc để ăn vài món. Ngày tôi còn ngồi trên chiếc xuồng lênh đênh trên sông nước, ngắm cái mảnh quê ấy nghèo đang tối dần sau hoàng hôn. Ngày đó, tôi rất hay buồn. Có vẻ cái cảnh ở xứ quê ấy mang một màu buồn riêng biệt, chỉ ngồi lặng lẽ một mình giữa xuồng mà sao thấy mình nhỏ bé và lạc lõng lắm. Rồi chẳng bao lâu, tôi học tốt chuyển lên Sài Gòn. Trước khi ra đi, bạn bè tôi, cái Út nó cứ ôm chặt lấy tôi mếu máo

"Hai đi xa mau về nha, Út nhớ lắm ấy."

Vậy mà rất lâu rồi, tôi chỉ chăm chút cho công việc với học hành rồi có trở lại quê đâu. Tôi dặn bản thân khi nào có đủ điều kiện thì mới về để không phụ lòng cái Út, má với ba, còn cả các bác trong xóm nữa. Mọi người đều đặt niềm tin và hy vọng lên đôi vai này, tôi sao dám trở lại khi tay vẫn trắng và chưa có kết quả gì. Tôi muốn khi quay về xứ nghèo ấy, tôi sẽ mang đến thứ ánh dương diệu kì, sửa xây lại chốn học hành của đám trẻ nhỏ, dựng lên mấy căn nhà kiên cố để họp hành mỗi tháng trở nên dễ dàng. Tôi sẽ đưa cái xứ nghèo ấy từng bước một phát triển, không để cho cái đói cái khổ nó rình rập mỗi khi trận lũ kéo về, trẻ nhỏ phải nghỉ học, lang thang trên những chuyến đò vô định chỉ để kiếm miếng ăn. 


Nghĩ vậy, tôi không còn cảm thấy sự mệt mỏi đè nặng mỗi ngày nữa, bản thân tràn đầy sinh lực và năng lượng cho ngày mới làm việc. 

Đúng như cách người ta vẫn nói "Khi không còn đủ sức để cố gắng thì hãy suy nghĩ lí do vì sao bắt đầu". Và thế, tôi phải tiếp tục cố gắng cho mai sau, lo cho cái xứ nghèo ấy được hơn xưa, để đôi mắt mẹ không còn nặng trĩu nỗi sầu và nỗi sợ cho cái mai sau. Tương lai sẽ tràn ngập ánh sáng và niềm vui, mọi người đều có cuộc sống hạnh phúc. Khi ấy quê hương trong tôi không còn là cái nôi đung đưa nuôi lớn tôi khi nhỏ mà giờ nó như một ngọn lửa đỏ rực nhiệt huyết đang khiến tim tôi đập mạnh, bước chân nhanh hơn trên con đường phía trước.

Sau này, tôi sẽ về lại quê hương ấy, mảnh đất miền Tây yêu thương.