bởi hnadyan

1
0
770 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Murakami - He wanna talk.


Tiếp tục nói về H. Murakami (hình như "he wanna talk").


Đọc lại Murakami, mình càng thấy một phần của mình trong những Toru, Midori, Sumire, Kafka, Tazaki,... và cả những người đàn ông không có đàn bà. Murakami luôn viết về sự cô đơn, sự chia ly hay hành trình đi tìm một giá trị nào đó xuyên suốt cuộc đời con người. Đọc những tác phẩm của ông, bao giờ mình cũng thấy một cái tôi cô đơn đang chật vật đi tìm sự gắn kết với kẻ khác hay là một con người đang chịu đựng khủng hoảng hiện sinh sâu sắc và cả những nỗi đau hậu sang chấn mà bất kì ai cũng có thể gặp phải. Nhân vật của Murakami bao giờ cũng phải sống trong sự cô đơn gần như là tuyệt đối. Họ mất kết nối với kẻ khác. Lúc đọc “Nếu biết trăm năm là hữu hạn”, điều mình nhớ nhất trong lời của Phạm Lữ Ân là phép so sánh sự cô đơn của con người với những khoảng trống trong gương sen. Nó không bao giờ mất đi, nó luôn ở đó từ khi cây sen vừa tồn tại. Phép so sánh ấy cho thấy rằng sự cô đơn hiện hình một cách vĩnh hằng trong mỗi con người dù ít hay nhiều, dù mạnh mẽ hay yếu ớt. Nhân vật trong hầu hết các tiểu thuyết của Murakami cũng như thế. Họ mang một nỗi cô đơn tự thân. Đó là lý do vì sao Naoko yêu Kizuki nhưng không bao giờ ta thấy giữa hai người có sự kết nối tuyệt đối. Đó cũng là lý do vì sao Toru luôn cảm thấy xa lìa với nhân thế hay Tazaki luôn một mình trên hành trình của bản thân.


Nhưng không chỉ như thế, những nhân vật của Murakami còn cô đơn hơn nhiều khi đối diện với chính mình. Trong tiểu thuyết “Người tình Sputnik”, khi nhìn thấy một cái tôi khác của bản thân đang quan hệ tình dục với gã trai Tây Ban Nha, Miu gần như là vô cảm và trống rỗng. Điều đó tương đồng với Toru, anh luôn sống trong trạng thái mơ hồ, day dứt khôn nguôi. Họ luôn tự đưa mình vào trạng thái hiện sinh, luôn trăn trở về những vấn đề như “tôi đang ở đâu?”, “tôi đang làm gì?” và quan trọng nhất- “tôi là ai?”. Cảm giác cô đơn đến từ việc nhân vật của Murakami không thể hiểu, không thể có cái nhìn toàn tri về chính mình. Họ luôn bị rỗng và không bao giờ được lấp đầy. Có lẽ đó là lý do vì sao Murakami nhắc nhiều đến chi tiết “cái giếng” từ “Rừng Nauy” đến các tiểu thuyết khác, như “Kafka bên bờ biển” chẳng hạn. Cái giếng là một ẩn dụ cho sự cô đơn, dù vô tình hay cố ý, sự cô đơn đến mức rỗng tuếch luôn có ở mỗi con người vào nhiều thời khắc khác nhau.


Hồi đọc Murakami, mình không khỏi liên tưởng đến nhân vật Yozo trong “Thất lạc cõi người” của Dazai Osamu hay là những Gatsby, Daisy của F.S.Fitzgerald. Những nhân vật của Murakami giống Yozo của Dazai ở sự hoài nghi nhân thế, nhưng Yozo lại ở phần tiêu cực hơn. Còn Toru, Naoko giống Gatsby, Daisy ở những phần phù phiếm nhất của con người, và với mình thì Gatsby, Daisy phù phiếm hơn. Quan trọng hơn cả là nhân vật của Murakami giống nhân vật của Fitzgerald ở sự mất mát của một thế hệ cô đơn, một “the lost generation”. Dẫu sao thì họ vẫn luôn là những nhân vật riêng lẻ trong không gian của mình.


Nói về sex nhiều (và mình cũng thừa nhận Murakami có điểm yếu khá lớn là ông thường vật hoá phụ nữ), nhưng với mình thì ông cũng thành công ở chỗ đã dùng chính chuyện tình dục để nói về cái chết, nỗi đau và cả sự cô đơn. Nhân vật của Murakami tìm đến sex để giải toả bản thân như cách mà Chí Phèo đã tìm đến Thị Nở… Toru của Murakami là Wantanabe, luôn “muốn được là” (want to be) một cái gì đó và phải chăng, chuyện sex khiến Toru thấy được một mặt nào đó của bản thân?


Chẳng biết, Murakami và những nhân vật của ông luôn khiến mình có nhiều trăn trở và thắc mắc. Đó là những nỗi niềm, sự phân vân thú vị thôi thúc mình luôn phải đọc lại.