Năm ấy ta đã mua một món hời
"Cơ hội không đến như một miếng bánh ngọt ngào của số phận. Nó ẩn mình dưới nhiều hình thức như một sự kiện, một biến cố, một nỗi đau, một cuộc gặp gỡ tình cỡ...
Và những hiệp sĩ trong thế giới này không phải sinh ra đã như vậy mà họ được tạo ra từ lối sống tốt kèm lòng trắc ẩn trong suốt cuộc đời mình".
Thu đứng nhìn ánh nắng vàng rực rỡ bao trùm lên khu vườn xanh mướt mắt, lắng nghe tiếng chim hót du dương và cố gắng thả hồn vào phong cảnh mê say đó để quên đi những khúc mắc trong lòng mình nhưng rốt cuộc chỉ thấy kí ức về những ngày đầu tiên đến đây quay về.
Cô đã từng có một người anh tên là Vũ còn cha mẹ thì đã mất sớm từ khi còn quá bé để nhớ nổi khuôn mặt họ. Hai đứa trẻ đã lớn lên trong sự đùm bọc của những người hàng xóm tốt bụng nhưng cũng không thể có thêm điều gì khác ngoài vài bữa cơm thi thoảng.
Cô nhớ về những ngày mưa bão, sấm chớp. Căn nhà, túp lều hay bất cứ cái tên nào để chỉ nơi ở được dựng lên từ vài mảnh ngói, miếng tranh... Vá víu quấn lấy nhau bằng mấy sợi dây thép như rung lên trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên, dường như có thể bị cuốn bay bất cứ lúc nào.
Nỗi sợ dâng lên trong trái tim bé nhỏ khiến cô bật khóc, anh trai cô mỗi lần như thế lại ôm chặt cô an ủi dù cũng sợ hãi không kém, thể hiện trong từng giọng nói run run và ánh mắt dáo dác nhìn bốn phía xung quanh.
Để có cái ăn, khi lớn lên một chút, cô đến với đoàn sân khấu địa phương thực hiện mấy tiết mục múa hát, nhào lộn còn anh cô thì làm bất cứ việc gì được mướn.
Cuộc sống vất vả mà vẫn bữa đói bữa no.
Một ngày nọ cô đợi anh mình về bên bữa tối đã nguội lạnh. Lòng lo lắng như lửa đốt và chỉ được dịu đi khi hình dáng nhỏ nhắn quen thuộc của anh ấy xuất hiện.
Nhưng lần này khác quá, không còn vẻ mệt mỏi hay nụ cười gượng gạo thường thấy mà là một cơn giận giữ không thể kìm nén.
- Có chuyện gì vậy anh? Là công việc không ổn hay chủ không tốt à?
Vũ lắc đầu, chẳng nói chẳng rằng và vội bát cơm như muốn nuốt trôi cơn giận mắc kẹt nơi cổ họng.
- Nói em biết đi.
- Có một gã chủ tàu đến đề nghị với anh.
- Đề nghị gì?
- Hắn nói hắn sẽ chu cấp cho anh mỗi tháng bảy triệu với điều kiện em phải chuyên tới nhà hắn giúp việc còn anh phải rời khỏi vùng đất này và không bao giờ được gặp lại em nữa trừ khi trả lại gấp mười lần tổng số tiền hắn đã chu cấp.
- Chủ tàu à? Là ông Văn phải không?
- Thì còn ai vào đây nữa? Tên phú hào đáng ghét, giờ là thời đại nào rồi mà còn bày đặt mua bán người như nô lệ!
Vũ giận đến ứa nước mắt. Còn cô thì im lặng lục lọi trong đầu những gì đã biết về con người này.
Ông Văn có bảy con tàu để chở hàng trên vùng đồng bằng sông Cửu Long. Miền đất này đã sản sinh ra những con người cực kì giàu có như công tử Bạc Liêu, Bạch công tử... Nhưng ông Văn còn xa mới ở mức đó, chỉ là ông đối xử với mọi người rất tốt chứ không như những gì Vũ nói.
Nhưng tại sao lại là cô? Thu nhớ ra cách đây ba ngày, cô có đi biểu diễn, hôm ấy hình như ông Văn ngồi ở hàng ghế đầu, chắc vậy...
- Đó là lời đề nghị tốt, sao anh lại từ chối?
- Tốt? Tốt cái gì?
- Hãy xem này, ta không có một nơi trú ngụ, đất này là đất người làng cho chúng ta ở tạm, khi lớn ta phải đi chứ đâu ở đây mãi được. Rồi có cố hết sức cũng chỉ lo được bữa cơm, rủi ốm đau, anh tính thế nào? Tương lai ta sẽ thế nào?
Vũ cúi xuống nhìn lòng bàn tay, không nói gì cả. Thu nói đúng: họ chỉ đơn giản là đang sinh tồn.
- Nếu có mỗi tháng bảy triệu, anh sẽ không phải lo về ăn ở nữa, em cũng vậy, chưa biết điều gì sẽ chờ đợi, nhưng ít nhất người ta cũng không để em phải đói. Ta sẽ chỉ là không liên lạc, không gặp nhau một thời gian thôi, ta sẽ cùng tiết kiệm và sau chục năm nữa, có lẽ sẽ đủ để chuộc em ra.
- Không! Anh không thể bán em được - Vũ khóc nấc lên.
- Anh à, em xin anh...
Thu không nhớ nổi điều gì đã làm cho trái tim non trẻ khi ấy của cô cứng rắn đến vậy, không giọt nước mắt, không chút sợ hãi nào để an ủi và thuyết phục người anh hơn mình mấy tuổi chấp nhận lời đề nghị.
Nhưng cô lại có chút chần chừ khi lần đầu tiên tới nơi này.
Hôm ấy cũng một ngày nắng đẹp như hôm nay, Thu cầm một bọc quần áo đứng ngoài cổng. Một chị khá trẻ tên là Quỳnh đã dẫn cô vào, chị ấy đẹp tới nỗi Thu lúc ấy còn nghĩ đó là vợ bé của ông Văn.
- Em chờ ở đây một lát nhé, chị vào bẩm với ông ấy trước!
- Ơ thế chị không phải là vợ ổng à?
- Không, trời ạ, con bé này, nghĩ gì vậy chứ.
Quỳnh tủm tỉm cười xoa đầu Thu rồi vào trong nhà, còn Thu thì nhanh chóng quên đi lo lắng và mọi thứ xung quanh sau khi nhìn ngắm khu vườn.
Đã có lúc, cô muốn mình như những con bướm ngoài kia, suốt ngày vui chơi mà chẳng phải lo toan gì. Hay là một ngọn gió chăng?
- Em vào đi, ổng đang đợi đó - Giọng nói của Quỳnh cất lên làm Thu giật mình quay trở về hiện tại.
Cảm giác lo lắng trở lại khiến mỗi bước chân thêm nặng nề. Ông Văn mới hơn bốn mươi tuổi, quần áo giản đơn, mắt không nhìn cô đang ghi chép gì đó chăm chú, ai không biết khéo tưởng là quản gia nhà này cũng nên.
- Con chào chú!
- Ừ chào con!
- Hôm nay, chú muốn xem con múa bài gì ạ?
Thu nghĩ đến việc mình được "mua", cô còn quá bé và ngôi nhà này chẳng thiếu người giúp việc.
Vậy còn điều gì khác để mình xứng đáng với số tiền kia ngoài những kĩ năng cô đã thể hiện ở sân khấu đây?
- Chú không cần con nhảy múa hay làm bất cứ công việc gì ở đây. Đã đủ người để lo việc đó - ông Văn dừng viết quay sang nhìn Thu, nhưng cái nhìn lạnh lùng khiến cô không thể đoán được ổng nghĩ gì - một ngày nào đó, chú sẽ yêu cầu con phải thực hiện một việc mà con không thể không làm, và giờ con sẽ sống ở đây, đi học để chuẩn bị cho "ngày đó"!
"Ngày đó" là khi nào?
"Việc không thể không làm" là việc gì?
Thu không bao giờ được biết và phải sống với những câu hỏi đó suốt hơn chục năm ròng vì cuộc nói chuyện đó cũng là lần duy nhất ổng nói với cô nhiều chữ vậy.
Cô sống với những người giúp việc khác trong một căn nhà giữa vườn và ngôi nhà lớn của ông Văn. Và rồi nhận ra, họ cũng như cô, đều là những con người "bị bỏ lại và lãng quên".
Chị Quỳnh là mẹ đơn thân đã dũng cảm đối mặt với áp lực từ gia đình để giữ lấy đứa con - sản phẩm của một mối tình lầm lỡ để rồi bị đuổi khỏi nhà và suýt chết trong một cơn mưa gió nếu không gặp ông Văn hôm ấy đi thuyền trên sông phát hiện ra chị bất tỉnh dưới gốc cây dừa.
Một người mẹ đơn thân đến sống với một người đàn ông chưa vợ chẳng thể tránh thiên hạ dị nghị. Nhưng chị không thấy đó làm phiền, thậm chí chị thừa nhận đâu đó sâu thẳm trong lòng, chị đã mơ nó là sự thực. Ông Văn dạy chị ghi chép, quản lý thu chi trong nhà.
"Cô cần học mấy thứ này, sau còn dạy cho thằng nhỏ" - ông đã nói vậy.
Bà Tư - một người mẹ đã bán cả miếng đất tổ tiên để lên ở với con trai để rồi nửa năm sau không chịu nổi sự ngược đãi của con dâu mà rời khỏi căn nhà đó và phải đi bán vé số sống qua ngày. Từ khi tới đây, bà chỉ cần lo cơm nước, trước thì có đảm nhiệm việc quạt và hát ru cho chủ nhưng rốt cuộc bà còn ngủ trước cả ông ấy.
Hay như Thắng - một đứa trẻ mồ côi cũng trạc tuổi anh cô, được ông Văn xin trên chùa lo việc chăm sóc khu vườn. Ông cũng cho cậu ta đi học nhưng Thắng học không vào lại hay nghịch phá.
"Con xin lỗi" - cậu ta khóc khi phải thừa nhận rằng mình đã bị đuổi học.
"Mỗi người một số phận, không thể cưỡng cầu được" - ông Văn thở dài - "con sẽ phải chăm sóc vườn. Nếu làm tốt, ta sẽ cho con học làm việc trên tàu. Hãy nhớ đây là cơ hội cuối cùng của con, đừng để ta phải từ bỏ con trai mình".
Thắng sau đó đã làm việc rất cẩn thận, không phải vì nỗi sợ bị đuổi mà là vì tiếng gọi "con trai" thân thương đó, cậu ta liệu tìm ở nơi đâu một gia đình như thế này nữa?
Nghĩ tới anh mình, lòng cô thắt lại, tại sao ông Văn - một người nhân hậu đã cứu vớt cô và những con người tội nghiệp này lại không thể dung thêm một đứa trẻ mồ côi nữa?
Nhưng cô cảm thấy yên tâm vì dù không gặp lại nhưng qua những lời của người trong làng, anh Vũ đã lên Sài Gòn và hàng tháng, bảy triệu vẫn được đều đặn chuyển lên cho ảnh.
Hằng ngày, Thu chỉ phải đi học. Có mấy lần cô muốn làm việc gì đó nhưng chẳng ai để cô làm.
" Đây không phải việc của em, ông ấy có dự định khác cho em".
"Nhưng em ngại lắm, em muốn giúp gì đó... "
"Vậy hãy học nâng cao đi!"
Ở đây, mọi người sống với nhau như gia đình, ban ngày làm việc, tối lại quây quần bên tivi.
Nhưng ai làm việc người nấy và rất ít nói với nhau. Với ông Văn thì lại càng ít hơn, ổng thường đi đâu đó cả ngày và chỉ ở nhà trong vài bữa cơm hoặc cần một nơi đem đến giấc ngủ ngon.
Thu mỗi khi gặp ổng đều lễ phép chào và mong ổng nói gì đó về nhiệm vụ dành riêng cho cô nhưng ổng chỉ mỉm cười gật đầu rồi ngắm khu vườn hoặc nói chuyện công việc với chị Quỳnh.
"Nhiều lúc em ganh tị với chị luôn đấy" - Thu phụng phịu.
"Vì cái gì?"
"Vì mỗi chị được nói chuyện với ông ấy".
"À, nhưng bọn chị cũng chỉ nói về công việc thì có gì mà ganh tị chứ" - chị Thu cười khúc khích.
"Em không thể hiểu ổng nghĩ gì, người đâu mà kì lạ, chả trách đến giờ vẫn không có vợ con".
"Chị cũng không biết, nhưng ổng chưa già lắm lại có tiền và tốt bụng, nếu muốn thì chẳng khó gì" - Chị Quỳnh mơ màng.
Mọi người ở đây đều cảm nhận thấy một tình cảm lớn dần với người chủ của họ, nhưng nó cũng không hẳn là tình cảm gia đình.
Nó không có sự thân mật trong đó.
Nó là trách nhiệm thi ân và trả ơn, nhắc nhở rằng mỗi người đều luôn phải nhớ tới mình tới từ đâu chứ không bao giờ được phép đi quá giới hạn bằng những ảo tưởng. Ngôi nhà riêng của ông Văn ngay sát nơi họ ở nhưng lại xa cách như chân trời, mãi chẳng thể chạm tới.
Nhờ những cuộc nói chuyện với chị Quỳnh, Thu đã ghi chép tỉ mỉ số tiền gửi lên cho anh cô. Năm năm tháng tháng, đó đã là con số khổng lồ lại nhân lên mười lần như thoả thuận thì cái hũ nhỏ đựng tiền tiết kiệm của cô chỉ như muối bỏ bể.
Có lần vì nhớ anh quá, cô đã khóc lóc và cầu xin ông Văn cả buổi, ổng chỉ lạnh lùng đáp lại.
- Thoả thuận là thoả thuận, được tạo nên bởi danh dự, nếu như con hay cậu ta muốn gặp lại nhau, hãy cố gắng để hoàn thành những gì đã giao ước!
Nỗi nhớ và hi vọng đã tạo ra sức mạnh. Thu đã luôn xuất sắc trong việc học, sau khi thi đậu đại học với điểm tối đa, cô tạm rời khỏi nhà để đến Sài Gòn học, tiền học, ăn ở và thậm chí một khoản nhỏ cho việc tiêu vặt vẫn được chị Quỳnh gửi lên đều đặn.
Lần này có bằng cử nhân trong tay, cô trở về muốn dùng nó và bản lĩnh của một luật sư tương lai để "thương lượng" cho gặp lại người anh, một chút, một chút thôi!
Nhưng lần trở về "nhà" lần này cũng thật buồn.
Bà Tư đã mất vì tuổi già. Ông Văn làm lễ tang cẩn thận. Con trai và con dâu bà cũng đến nhưng ổng đã nói "cút" và họ chỉ được phép quỳ trước cổng nhìn vào lễ tang bên trong để bày tỏ sự hối hận của mình với người mẹ đã khuất.
Thắng đã theo đội tàu của ông Văn học việc từ lâu và giờ quản lý một con tàu nên đi suốt, có lần cậu ta toe toét khoe "cha nuôi" mình hứa sẽ cho con tàu đó nếu như cậu có thể độc lập làm ăn tốt trong năm năm. Thế là cu cậu tự tìm mối làm ăn, phấn đấu vì "con tàu trong mơ", nghe đâu vừa rồi còn mới cưới vợ.
Chị Quỳnh thì được đích thân ông Văn mai mối cho một anh lái tàu dưới quyền. Lúc đầu chị không chịu, ổng mắng suốt một buổi.
- Không chịu? Sao lại không chịu? Thằng đó nó hiền lành, chịu thương chịu khó, lâu nay không lấy vợ vì muốn tích góp tiền cho gia đình. Một người phụ nữ còn mong gì hơn thế? Cô định để thằng nhỏ phải mang tiếng là thằng không cha còn cô thì bị người ta đàm tếu suốt đời đấy hả?
Thu biết anh kia cũng theo đuổi chị Quỳnh đã lâu, chị cũng có xiêu lòng nhưng không nỡ rời xa nơi này, xa ông Văn, người mà đối với chị như người cha, ân nhân và cả là người trong mộng.
- Đi ra khỏi đây, không một hai gì nữa! - ông Văn ra lệnh bất chấp sự van nài.
Chị Quỳnh đành phải đưa đứa con mới học cấp một ra khỏi nhà và anh lái tàu cũng đã đợi sẵn ở đó để đưa hai người về nhà ảnh chung sống, nghe đâu vào ngày cưới chị cũng là ngày anh ta được ổng tặng một con tàu như quà cưới kèm lời cảnh báo nếu đối xử không tốt với chị, ảnh sẽ trở về cuộc sống trước đây với cái lưới rách.
Thu cảm thấy có gì đó đang nhảy múa trong trái tim hỗn loạn của mình. Nơi này đã tiêu điều kể từ sau khi không còn được những bàn tay cẩn thận chăm sóc và... Con người ấy cũng vậy!
Đã không ít lần, cô nhớ tới hình ảnh cô độc của ông ấy trong ngôi nhà rộng nhưng trống vắng, cô lại thấy đau nhói trong lòng, muốn được ôm người ấy phía sau, bỏ đi tất cả để lại được sống nơi này chăm sóc ổng. Chỉ là không chắc chắn nó là tình cảm cha con hay tình yêu nam nữ.
Cô nhớ tới nhiệm vụ của mình, liệu có phải là... Trái tim Thu như rung lên khi nghĩ tới việc mình được huấn luyện để một ngày nào đó trở thành người phụ nữ của ổng. Nếu vậy thì tốt biết bao...
- Con đã về? - Giọng ông Văn cất lên đưa Thu rời khỏi giấc mơ ngọt ngào.
Vẫn con người đó, vẫn đôi mắt lạnh lùng hờ hững mà cô luôn cố gắng tìm kiếm một chút yêu thương ẩn sâu bên trong nhưng mái tóc giờ đã bạc đi nhiều cùng sự mệt mỏi theo năm tháng hằn lên khuôn mặt.
- Vâng thưa chú!
- Vào trong đi, ta cũng có chuyện muốn nói với con.
Tất cả mọi người đều đã rời khỏi đây, nên ông Văn phải tự làm mọi việc kể cả việc pha trà. Thu vội vàng:
- Chú để con làm!
- Ta làm được!
Ông Văn lạnh lùng, gạt tay Thu ra, pha trà rồi rót ra hai cái chén.
- Hãy nói việc của con trước!
- Vâng...
Thu tính mở túi xách lấy cái bằng và mở lời nhưng không hiểu sao cô lại dừng giữa chừng. Có lẽ vì đã quá hiểu nhau nên cô có thể đoán trước được ông ấy sẽ phản ứng thế nào.
Sẽ không có niềm vui theo kiểu một người cha nhìn thấy thành công của con gái mình mà là một nỗi thất vọng tàn phá hiện lên trong khuôn mặt của ổng khi chứng kiến đứa trẻ mình đã chăm sóc hết lòng chỉ chực chờ cơ hội để thoát khỏi cái giao ước đã ràng buộc họ lại với nhau.
- Chú đã nói một ngày nào đó, chú sẽ yêu cầu con làm một việc gì đó cho chú, nay con đã lớn và sẵn sàng để trả ơn chú!
Tim Thu đập mạnh trong lồng ngực, hồi hộp đợi chờ con người kia mở lời:
"Thu, hãy làm vợ của chú!"
"Con, hãy ở lại nơi này với ta!"
"Chú yêu con!"
...
Bất cứ điều gì trong đó, Thu cũng đều mong đợi!
Dường như cả thế kỉ trôi qua trong sự im lặng, chỉ có tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ quả lắc trên tường.
Ông Văn nhấp một ngụm trà, chậm rãi nhìn lên trần nhà, cân nhắc từng câu chữ.
Có đôi khi, một lời nói đem lại niềm vui và khích lệ lớn lao, đôi khi lại hủy hoại một con người. Từ ngữ phải chọn lọc để tránh hiểu lầm, ngữ điệu phải thể hiện đúng mong muốn.
- Ta đã chuẩn bị cho con sang Đức du học.
- Sao kia?
Một cái gì đó vỡ vụn trong lòng Thu, cô đã nghĩ đến cả ngàn kịch bản nhưng không có cái nào giống thế!
- Nhưng ta chỉ chuẩn bị cho con một năm ở đó, con cần giành được học bổng để bám trụ và sinh tồn. Sau đó làm việc bên đó hoặc về nước tùy con!
- Nhưng sao lại? Chú không cần con nữa sao? Còn dự định mà năm xưa chú dành cho con, nó là gì mà đòi hỏi phải học cao đến vậy?
- Con không muốn gặp lại anh con nữa sao? Để trả số nợ đó, sẽ phải kiếm ít nhất bảy mươi triệu/tháng và đó là chưa kể số tiền trước đó cần tích lũy hàng tỉ để trả. Còn việc kia, ta có thể chờ!
Thu đành ngồi phịch xuống khóc, tay không ngừng lau nước mắt.
- Đêm nay hãy ngủ ở ngôi nhà cũ, mai lên Sài Gòn sửa soạn và làm thủ tục. Ta không muốn nhìn thấy con lúc này nữa!
Căn nhà cũ giờ đầy bụi và mạng nhện như nhắc nhở rằng đã quá lâu rồi cô mới quay lại đây. Thu nghĩ tới anh mình.
Vũ là một chàng trai có trái tim tốt, nhưng không nhanh nhẹn, tay chân vụng về, không đủ khoẻ để làm việc nặng chân tay cũng chẳng đủ kiến thức để làm việc trí óc.
Anh ấy đã dừng nhận tiền trợ cấp của ông Văn sáu,bảy năm nay nhưng lo được cho bản thân đã khó nói gì tới trả món nợ khổng lồ kia.
Đúng! Đây là cơ hội duy nhất để cô còn gặp lại anh ấy.
Cô phải làm cho công ty nước ngoài kiếm thật nhiều tiền và giành lại anh mình từ bản giao ước kia. Nhưng... Sau đó thì sao? Trái tim Thu lại thổn thức, bản giao ước đó là mối liên kết duy nhất của cô với ông Văn, nếu không còn nó... Thì sao.
Lần đầu tiên trong đời, Thu cảm thấy khó xử đến vậy, lần đầu tiên trong đời, cô không còn coi bản giao ước đó như một kẻ thù. Cô thức nguyên đêm cùng trăng sao và gửi câu hỏi đó cùng tiếng lòng mình vào trong thinh lặng...
Cuộc sống xứ người chưa bao giờ dễ dàng, nhất là khi ông Văn chỉ chu cấp cho một năm. Nó giống như thay vì kèm cặp một người từ không biết bơi cho tới khi bơi được thì chỉ đơn giản ông ta ném người ta ra giữa sông và bắt người ta phải tự biết bơi để mà sinh tồn. Nhưng Thu đã vượt qua được, vừa cạnh tranh với cả ngàn sinh viên trong và ngoài nước để giành học bổng vừa đi làm thêm để trang trải sinh hoạt phí.
Cô không biết điều gì đã tiếp cho mình nghị lực khi ấy. Là mong muốn cháy bỏng đoàn tụ với anh trai hay là khát vọng được thấy sự hài lòng trong mắt "người đó". Ngay cả ở nơi xa xôi này, cô vẫn kiếm tìm hình ảnh hai người thân thương đó trên bầu trời đầy sao và khổ nhất là lang thang trong những ngày tuyết rơi phủ trắng xoá hay khi mưa rơi lộp độp bên khung cửa nghe buồn, cô phải ôm chặt gối vào lòng và chờ nỗi nhớ trong tim tan dần.
Thu đã được vài công ty lớn săn đón ngay cả khi chưa kết thúc khoá học. Cô liền nhắn tin về cho ông Văn. Có cả ngàn lời muốn nói:
- Chú muốn con về nước làm việc hay ở lại đây?
- Ở lại đó kiếm tiền một thời gian rồi hãy về.
- Chú không muốn con ở bên chú sao?
- ....
- Con nhớ chú!
- ....
Đáp lại những lời yêu thương từ tận đáy lòng đó chỉ là sự im lặng, Thu vứt điện thoại sang một bên và úp mặt xuống gối khóc.
Lại thêm năm năm nữa trôi qua, tài khoản tiết kiệm của cô giờ đã tích trữ được số tiền lớn sau khi cô làm cho một công ty hàng đầu ở Đức. Thu biết giờ cô đã đủ tiền để vô hiệu hoá bản giao ước kia nhưng muốn làm thêm vài năm nữa để về xây cho anh cô một ngôi nhà và hỗ trợ thêm một khoản để lập nghiệp. Còn ông Văn... ổng già rồi đâu còn ai bên cạnh, cô sẽ ở lì trong cái nhà đó chăm sóc ổng, không đi đâu nữa!
Nhưng số phận là một con đường lắt léo. Ta không thể biết nó sẽ đưa ta đến đâu hay điều gì đang đợi chờ ở những ngã rẽ...
Một ngày mưa tầm tã, Thu vội vàng về nước. Ông Văn không còn ở ngôi nhà cũ, nó đã bị sang tên cùng năm con tàu còn lại. Cô cũng không gặp lại chị Quỳnh hay Thắng. Hẳn giờ này họ đã ở bên ông ấy rồi.
Dò hỏi mãi, Thu mới tìm ra căn nhà hiện tại ông Văn đang ở. Không tin vào mắt mình vì nó là một căn nhà tập thể cũ nhiều tầng trông tồi tàn xập xệ, cô chạy vội lên những bậc thang và sững người vì anh Vũ đang đứng đó!
- Anh... Sao anh lại ở đây? Còn bản giao ước...
Thu cảm thấy khó hiểu, anh cô sao có thể biết được cô đã để dành được bao tiền và cũng không có chút tình nghĩa gì với ông Văn để ở đây thăm ổng. Trừ khi...
- Sau khi lên Sài Gòn, anh đã đi làm phục vụ và dần dành dụm để mở một nhà hàng trên đó. Anh đủ tiền rồi Thu!
Thu oà khóc và ôm lấy Vũ. Nỗi nhớ dồn nén hơn hai mươi năm chỉ để vỡ oà trong giây phút này.
- Được rồi, ta hãy nói chuyện sau, giờ vào đã, ông ấy... đang đợi em!
Trong căn phòng giản đơn, gia đình chị Quỳnh và Thắng đều ở đó, họ quây quần bên một người đàn ông gầy gò đang thở oxy qua ống thông mũi một cách khó nhọc.
Nỗi đau ngưng tụ thành nước mắt, họ nhìn Thu và không thể thốt ra lời nào, rồi lặng lẽ rời khỏi để anh em Thu ở lại với ông Văn. Chỉ còn sự im lặng và tiếng đồng hồ như đếm ngược thời gian Tử thần đến và đưa con người kiên cường kia đi.
Thu một tay nắm lấy đôi bàn tay gầy gộc của ông Văn, tay kia vuốt những sợi tóc lưa thưa đã bạc trắng. Chưa bao giờ, cô thấy ông già đến vậy mặc dù tình yêu trong cô vẫn vẹn nguyên như ngày nào...
- Chú... Con...
Thu không thể nói được hết câu, cô gục xuống ngực ông và khóc nức nở.
- Con đã về đấy à?
Cảm nhận thấy một bàn tay đang xoa đầu, cô ngẩng lên và thấy nụ cười cùng ánh mắt yêu thương của con người đó. Điều mà cô khao khát bấy lâu!
- Cả hai đứa đều đang ở đây... Vậy là bản giao ước đó đã xong rồi phải không?
- Vâng chú, chúng con đã tích lũy đủ tiền và con xin ở đây tiếp tục chăm sóc chú!
- Bản giao ước khó vậy mà đã hoàn thành... - ông Văn nở một nụ cười yếu ớt - năm ấy ta đã mua một món hời nhỉ? - rồi ông ho gập người, cố nói tiếp - hãy đi đi, ta không cần gì ở con nữa!
- Sao lại không? Còn nhiệm vụ của con, chú nhớ không? Con có một nhiệm vụ không thể từ chối!
Thu vồn vã, cô biết cô đang mất ông ấy!
- Phải... rồi nhỉ - ông Văn nở một nụ cười kèm cơn ho gắt - đó là... là... con phải dùng số tiền giao ước đó... làm từ thiện... và... giúp đỡ bất cứ người khốn khổ nào... trong khả năng. Con... làm... được... chứ?
- Con sẽ làm! Con sẽ làm! Chú đừng đi mà, ở lại với con! - Thu khóc nức nở ôm lấy ông Văn như muốn giữ ông khỏi bàn tay Tử thần nhưng chẳng ai trên đời thoát khỏi quy luật sinh tử...
Thu muốn làm một đám ma thật lớn, để cho tất cả những người từng được ông Văn giúp có thể đến bày tỏ sự tiếc thương nhưng chị Quỳnh đã ngăn lại vì trước khi chết, ổng đã yêu cầu làm mọi thứ thật giản đơn.
Giản đơn như chính con người đó lúc còn sống, như khi ông đã dùng số tiền bán năm con tàu để từ thiện và chỉ dùng một phần số tiền bán căn nhà tổ tiên để lại nhằm chữa căn bệnh ung thư đang hành hạ.
Con người đó không cần một áo choàng để trở thành anh hùng và không cần những lời nói ngọt ngào để thể hiện tình yêu thương.
Đã sử dụng sự chia cắt để tôi luyện nên hai con người mạnh mẽ trước sóng gió cuộc đời, đủ tài năng để tiếp quản sứ mệnh khó khăn kén người trao lại.
Và Thu, hàng năm lại đến ngôi mộ giản đơn này, chỉ để rót hai chén trà trước mộ và ngồi xuống thủ thỉ với tình yêu đầu:
- Thưa chú, con đã về...