Nắng xứ Đoài
"Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương?"
Sinh ra là một người con vùng quê xứ Đoài, tuổi thơ chẳng có gì ngoài mây trắng, nắng xanh, gió lộng và những triền đề cùng đàn trâu, đàn bò làm bạn. Cái màu rêu phong cũ kĩ ấy cứ ám ảnh tôi suốt một thời gian, nhuộm một màu ảm đạm lên kí ức về thời thơ ấu của tôi.
Còn nhớ cái năm vỡ đê ấy, cả làng cả mạc đều chìm trong biển nước, lúc ấy mới thấm thía biết bao những trưa nắng vỡ đầu rong ruổi trên con đê bỏng rát.
Ngồi trên nóc nhà, đứa bé buộc tóc hai bên cười khúc khích nhìn anh trai nó hí hoáy đóng cái bè chuối.
"Cái bè này thì được mấy người hả anh?"
"Mày cứ cười đi, tí nữa tao dùng nó để sang nhà bác, mày có đi cùng không?"
"Không, em không biết bơi, đi giữa đường ngỏm thì sao?"
"Ai cho đi mà đi, ở nhà liệu mà thổi nồi cơm, ngồi đấy mà chống cằm chê tao."
Tôi lại cười ngoảnh mặt đi chỗ khác và rồi la toáng lên khi thấy con lợn ở trong rọ trên mái nhà hàng xóm bị rơi "tõm" một cái xuống biển nước. Tiếng nó kêu "eng éc" nghe mà ngộ, tôi chống cằm nhìn rồi lắc đầu, vừa thấy thương mà lại buồn cười.
"Ơ mày hay nhỉ, lợn nhà người ta rơi xuống thì mày lo ngồi canh mấy con gà nhà mình đi, chúng nó giẫm đạp lên nhau lại lăn xuống nước giờ, ngồi đấy cười cái gì?"
Tôi bĩu môi mặc kệ lời nói của anh trai, rồi anh lại nói:
"Tao đóng xong cái bè chuối rồi, giờ tao sang nhà bác rồi ra bãi hái luôn ít lá sắn về cho vào hũ ăn dần. Chứ ngập lụt thế này thì lấy đâu ra thức ăn mà ăn."
"Hơ, lấy mấy thân cây chuối non rồi buộc lại mà cũng kêu đóng, làm màu. Anh giờ ra hái chắc gì đã còn, em thấy nhà hàng xóm làm mấy hũ to trù ụ rồi kìa."
"Vơ củi nấu cơm đi."
Anh tôi gắt rồi nhảy lên cái bè vừa mới làm được và rẽ nước tiến về phía trước. Còn mình tôi ở lại trên cái nóc nhà chênh vênh này, tôi ngán ngẩm nhìn đống gạch ngói bị thủng lỗ chỗ, nhặt mấy viên gạch vỡ lên, xếp lại để làm cái bếp, tôi kê cái nồi méo xẹo lên rồi vơ mấy cái lá gần đấy cho vào, toàn là rác với lá ướt ấy thế mà hí hoáy một hồi thế nào tôi cũng nhóm được mồi lửa. Còn ít gạo, tôi xẻ năm xẻ bảy ra rồi cho vào nấu, chẳng cần phải lấy nước đâu xa, tôi múc luôn ca nước dưới mái nhà để vo gạo. Gì thì gì ngẫm lại vẫn thấy sạch hơn cả nước sông bây giờ.
Tranh thủ lúc đợi mọi người về, tôi lần mò ra mái nhà sau cùng với cái rổ trên tay, tôi vịn cành sung và đánh đu cả người mình lên đấy. Tôi quắp chặt lấy cành cây và cứ thế tuồn sang cái thân lớn nhất của cây sung già. Sát mái nhà tôi có một cây sung lại đúng mùa quả chín, ngập lụt thế này thì ăn sung còn gì sung sướng bằng. Thoăn thoắt leo trèo một hồi thế là cũng được đầy một túi sung. Tôi cười nức nẻ với túi sung trên tay mình. Vừa lúc định trèo xuống thì thấy cái bè chuối của anh tôi đang về đến gần, tôi liền gọi với:
"Về rồi à, sao em không thấy gì thế?"
Anh tôi nhăn mặt:
"Trưa nay hai ông bà ở lại nhà bác, nãy tao ra bãi chẳng còn ngọn sắn nào cả, mót mãi mới được ít này". Nói rồi anh tôi chìa ra trước mặt một nắm là sắn bé còn con, tôi lắc đầu:
"Đấy, em đã bảo mà, may là hôm nay bố mẹ ở lại nhà bác. Mà đằng nào cũng có ít thế thì trưa nay nấu anh em mình ăn luôn, còn tối thì sang hàng xóm xin, mà mới hái được túi sung đó."
Tôi giơ thành quả lên khoe với anh trai, mặt anh nom thích lắm nhưng vẫn nạt:
"Mày cứ suốt ngày ở nhà leo trèo, quần áo cái nào cũng dính nhựa, hay nhỡ ngã xuống, hàng xóm tưởng lợn nhà ai rơi không chạy lại cứu thì sao, toi mạng"
"Hơ, có khi chính vì người ta tưởng là lợn rơi nên mới vội vàng ra cứu đấy chứ, không cứu thì có mà chết đói."
Anh tôi chẳng nói gì, buộc cái bè lại, thoáng thấy khuôn mặt anh có chút ủ rột. Tôi tuột xuống, bước đến lấy nắm sắn từ tay anh:
"Hì, bị ngập lớn như thế cũng có cái hay nhỉ, thân cây sắn ngập hết, có mỗi cái ngọn là không bị sao, nhờ thế mới có được nắm lá sắn non mơn mởn thế này chứ mọi khi trời khô ráo, mình đứng còn chưa đến nửa cây sắn, ăn toàn phải lá già."
"Haizzz nếu hái được nhiều lá sắn, tao định ngâm trong lu rồi lôi ra ăn dần, nó bùi bùi mà ngon."
Tôi cười toe khi thấy bộ mặt rầu rầu của anh:
"Thôi kệ, dù gì cũng còn đống sung này, nhai qua ngày cho đỡ buồn. Mà không có thì mình sang xin hàng xóm, đỡ mất công."
Anh tôi quay sang chép miệng "Mày đúng là trẻ con". Chẳng nói chẳng rằng cả hai chúng tôi cùng ngồi xuống, xới cơm ra và xúc lên ăn ngon lành.
"Ừ, nhà mình vẫn còn cơm ăn là may lắm rồi, may lúc em chỉ lấy có chút, không lại phí. Em tính còn được đến mai là hết."
Anh tôi ngậm đôi đũa, mắt nhìn đăm đăm xuống dòng nước đang chảy rồi cất giọng:
"Tình hình này nước có vẻ rút nhanh thôi, chắc hôm nay không mưa nữa đâu, nãy tao đi thấy trời cũng có chút hửng nắng rồi."
Tôi cắn môi, cố nuốt hết mấy hạt cơm vào bụng mà tưởng chừng như nước mắt sắp rơi. Nhìn cảnh bao la toàn là nước, tiếng người í ới gọi nhau hòa cùng tiếng lợn, gà rồi tiếng chó sủa nghe sao mà não lòng thế. Nước có rút mà sao vẫn in hình mênh mông trong đáy mắt tôi. Kí ức tôi ngày ấy, chết chìm trong màu nước.
Chiều đến, tôi hí hoáy ngồi gấp mấy cái thuyền giấy, hí hửng định thả xuống dòng nước thì lại bị anh kéo lại:
"Điên à, có tí giấy để nhóm lửa, mày thả rồi lấy gì mà ăn."
"Ơ, anh này." Mặt tôi trù ụ nhưng vì anh nói đúng nên không cãi được, tôi cắn môi tiếc nuối cất mấy cái thuyền nhỏ vào trong.
Quả như anh tôi nói, chiều hôm ấy không có mưa mà lại có chút nắng, nước rút đi nhiều, tôi tìm đường xuống căn gác xép trong nhà mà mừng khôn xiết. Ngước mắt lên nhìn đường ranh giới nước để lại trên tường nhà rồi ngước lên khoe với anh:
"Anh xem, mực nước rút nhanh chưa, thế này là tối nay không phải lo phơi bụng trên nóc nhà rồi."
Không thấy anh trả lời mà chỉ thấy môi anh cười, tôi cũng cười theo.
Bữa cơm tối ấy cũng chỉ có mình tôi với anh, nhà chúng tôi còn một đứa em trai nữa, cũng chỉ được gần tuổi, sợ ở nhà gặp chuyện nên bố mẹ tôi đưa nó sang nhà bác trú tạm mấy hôm. Nhà bác tôi cũng ở trong khu xóm này nhưng vì thế đất cao nên cũng chẳng ảnh hưởng gì nhiều, mỗi lần vào cổng nhà bác là cứ như leo lên một con dốc vậy, bình thường thấy mệt mà nhờ mấy dịp ngập lụt này mới thấy cái "dốc" ấy nó hay.
Ăn bữa tối xong, chúng tôi lấy mấy tàu lá chuối trải ra trên nền gác xép để ngủ tạm, gọi là gác xép cho sang mồm chứ thực ra nó là gian bếp nhỏ, trước được bố tôi dùng thêm mấy tấm gỗ ngăn ở phía trên để chứa mấy đồ đạc cũ không dùng đến, đi cũng phải khom lưng, nằm ở đây chỉ sợ chuột chạy qua, nhưng thế còn hơn là nằm trên nóc nhà, bon xuống nước lúc nào mà không biết.
Tôi cầm rổ sung lên nóc nhà đãi cho sạch rồi buộc cẩn thận vào cái cột gần đấy để chắc chắn không bị rơi xuống, rồi tôi vắt vẻo ngồi nhìn trời với anh. Tôi đặt tay lên gối, chống cằm, ngước mắt nhìn anh:
"Anh sống nhiều hơn em, biết nhiều hơn em, nhìn cảnh này, anh nghĩ gì?"
Anh tôi phì cười:
"Nghĩ cái m* gì chứ, bụng tao đang đình công như lúc chưa ăn đây này, tao đang nghĩ mai mà bố mẹ về thì lấy gì mà ăn?"
"Ơ, thế mà em tưởng anh nghĩ cái gì cao siêu lắm chứ?"
"Với những người như mình, còn gì cao siêu hơn là cái ăn."
Cuối cùng anh tôi cũng buông được một câu khiến tôi gật gù. Rồi anh nói tiếp:
"Nãy tao có lên xã cùng mấy đứa, thấy họ nói là mấy hôm nữa nhà nước có về phát bánh mì, mà không biết có đến lượt mình không?"
"Uầy, bánh mì, sang thế?"
Anh tôi cười khẩy:
"Trong mùa lũ này, cái gì chả sang, chỉ có điều... không sang như những gì mình tưởng tượng."
Tôi lại gật gù nhưng mà lần này thì không hiểu í anh tôi lắm. Tôi ngước mắt xa xăm:
"Anh, nhà hàng xóm có cây mít vĩ đại nhờ"
"Ừ, nhà mình thì có cây sung."
"Sung này phải chấm bột canh mới ngon, mà ăn chả bõ. Mít nhà người ta vừa ăn được múi, sơ cũng được mà hạt thì lại càng ngon."
"Mày thích, mai sang canh lúc người ta ăn mà xin."
Tôi cười trừ "Người ta còn đông người hơn cả mình nữa."
Hai anh em tôi im lặng, tôi chống tay ra sau lắng nghe tiếng người ta trò chuyện. Âm thanh cứ trôi theo dòng nước nên tôi nghe rõ lắm. Chống tay một hồi, tôi bèn phủi mông đứng dậy rồi chèo xuống nhà. Thoáng nhìn hũ gạo rồi đặt tay lên bụng, mặt tôi tiu nghỉu hẳn. Gọi là ăn cơm tối nhưng anh em tôi đã ăn gì ngoài mấy quả sung hay lá sắn đâu, may chăng là còn mấy hạt cơm cháy từ hồi trưa bỏ vào bụng. Nhà còn mấy nắm gạo nhưng có dám nấu đâu, nhỡ mai bố mẹ với em về không có gì ăn thì sao.
Nước rút rồi, tôi giật mình tỉnh giấc vì tiếng dân làng cười nói xung quanh, đưa mắt sang thì nhận ra anh tôi đã dậy tự lúc nào. Tôi vội bật dậy, nóng lòng muốn biết nước đã rút đi bao nhiêu. Tôi trèo lên nóc nhà nhìn điệu bộ rất phởn đang chống nạnh của anh mà tôi phì cười.
"Thế này thì hôm nay bố mẹ về là chắc rồi."
Nói rồi anh đưa tôi một cây ngô và nói:
"Mày chống xuống dưới xem, nước còn bao nhiêu, tao đoán là chưa tới một mét."
Tôi hí hửng cầm lấy cây ngô già từ anh, định đứng từ mái nhà chống xuống thì mặt tôi chưng hửng:
"Anh đùa à, cây ngô này có hơn mét, đứng từ đây thì đo kiểu gì?"
Anh cười "Vậy mà mày cũng định làm đấy, không phải đo đâu, nước này mày vẫn lội được tốt, không đến nổi thân đâu."
Tôi thỏa mãn ngước mắt nhìn trời, để mặt mình ra phơi trước cái gió sáng sớm hòa lẫn màu khói của một vùng quê ven đê.
Bỗng chợt nhớ ra điều gì đó, tôi vội vàng bước đến cái cột gần mái nhà thì hốt hoảng nhận ra rổ sung hoàn toàn trống rỗng, chỉ còn lại vài cái cuống nhỏ và mấy cái lá, tôi ngạc nhiên nhìn anh:
"Ơ, chuyện gì vậy, là anh ăn hết à?"
Anh tôi quay qua nhìn, mặt cũng bất ngờ không kém:
"Đâu, điên à, mình tao ăn sao hết được, kiểm tra lại xem nào?"
"Xem gì, tối qua em để đây, hay là ai lấy mất?"
Tôi cằn nhằn tháo chiếc rổ từ cột ra, mặt tiếc ngẩn tiếc ngơ:
"Có mỗi rổ sung để ăn lót dạ thế mà cũng lấy, xem có được không?"
Anh tôi thở dài, buông giọng:
"Thế mới thấy, có người vẫn còn khổ hơn mình" rồi vỗ vai tôi:
"Thôi, xuống nhà, cố gắng sang hàng xóm xin bát lá sắn, còn tao thì xách cần ra ngoài kia xem có được cái gì không."
Tôi cắn môi, giậm chân bước xuống nhà. Cầm cái bát mẻ sang nhà hàng xóm để xin bát lá sắn muối chua, còn anh tôi thì hí hoáy chuẩn bị đồ để đi câu. Vừa bước sang nhà hàng xóm là đã thấy đám trẻ con nhao nhao chạy ra, chúng nó thích thú đùa nghịch với nước dưới chân mình. Thấy bác gái bước ra, tôi vội mỉm cười chào hỏi bác rồi ngại ngại gãi đầu xin bác ít sắn, bác cười tươi rói, nói không có gì cứ vào trong mà lấy, bác bận ít việc ở ngoài. Tôi vội gật đầu rồi ra hiên sau nhà, liếc mắt trông thấy mấy cái vại ở đầu hiên được kê cao hơn hẳn để tránh nước vào, tôi thích thú khi mà nhìn thấy đang khom lưng ngồi mắc dây cước vào cần câu ở bên nhà, hai nhà chỉ cách nhau có cái hàng rào gai, chạy có vài bước là qua.
Tôi mở nắp vại ra, dòm mắt vào trong và cho tay vào bốc, tôi hí hửng vét ít lá dưới đáy vại chợt tôi rùng mình vì có cảm giác vật gì đó mềm mềm, trơn trơn vừa bò qua tay tôi.
"A!!!"
Tôi hét toáng lên, sững người đến nỗi rơi cả cái bát trên tay, mặt tôi trắng bệch như không tin vào những gì vừa thấy trước mắt mình. Nghe tiếng tôi la thì mấy đứa trẻ con và bác gái cũng chạy vào xem có chuyện gì. Trong lúc vẫn bần thần thì tôi thấy anh traicũng chạy sang, tôi vội nắm chặt lấy áo anh, anh liền đẩy tôi ra sau và anh tiến về phía trước để nhìn xem trong vại có gì, mấy người xung quanh cũng không hỏi tò mò. Anh tôi nuốt nước bọt lùi lại ra sau theo bước chân tôi. Trong lúc tôi vẫn chưa hoàn hồn thì mấy đứa trẻ hàng xóm lại cười khúc khích.
"Nhìn này, là giun đó"
"Mẹ ơi, ở đâu mà nhiều như vậy"
"Quái, chúng nó bò vào trong này kiểu gì vậy?"
Khi tôi vét nốt lượt lá sắn thì có một con giun trườn qua tay tôi, nhưng không phải một con mà là rất nhiều, chúng nó to, dài, mình ngoe nguẩy cuộn mình lại thành mấy lớp dưới vại. Nhìn những con giun mập mập bằng ngón tay, cuộn lại đen xì dưới vại đến không còn chỗ hở trông thật khiếp hồn. Mặt tôi vẫn còn tái khi nhớ lại cái lúc thì tay vào cái vại đó. Bác hàng xóm nhìn tôi lắc đầu:
"Chết thật, thế này thì còn ăn gì nữa. Nhà bác cũng chỉ còn có vậy."
Anh tôi cười như nói "không có gì" và nắm chặt vai tôi, một tay thì anh xoa đầu "Thôi, chào bác rồi về. Chúng có cắn đâu mà sợ, mọi khi còn bắt giun làm mồi câu cá với anh cơ mà."
Anh tôi là thế đấy, những lúc như thế này thì chẳng thấy anh "mày- tao" bao giờ. Tôi gật đầu chào mọi người rồi bám gót anh ra về.
Bố mẹ với đứa em tôi về rồi, nhà bớt yên tĩnh hẳn. Bố thì vẫn cau có như mọi ngày, ông về nhưng lại lẳng lặng đội mũ rồi đi kiếm miếng ăn. May mắn được nhà bác cho thêm quả mít chín, chúng tôi mừng lắm. Nhìn nhựa mít chảy ra tôi lại nhớ đến mấy buổi trưa hè cầm cái túi, xách mông chạy theo anh trai mà bắt chuồn chuồn. Chúng tôi lấy nhựa mít gắn vào đầu cái cần câu rồi cứ thế chạy ngược trên những con đường bỏng rát. Đến mấy chỗ có nhiều chuồn chuồn lại ngửa cổ lên, mặc cho ve sầu đái cả vào mặt, anh tôi lấy cái cần từ từ chạm nhẹ vào con chuồn chuồn, dính nhựa mít thế là nó chẳng tài nào bay được. Tôi thích thú ngắt bớt nửa cánh để chúng đỡ bay. Nhìn vào túi, tôi tấm tắc đếm rồi gọi tên chúng "chuồn chuồn ớt, chuồn chuồn ngô, chuồn đại rồi chuồn chuồn kim" trông chúng nó cứ như máy bay trực thăng vậy.
Vậy là ngày hôm đó, chúng tôi vẫn có cái để bỏ vào bụng.
"Này, chuẩn bị túi đi, tao với mày lên xã nhận đồ trợ cấp."
"Sao? Đồ trợ cấp á, hôm nay á?"
"Ờ, thì vụ bánh mì đấy, nhanh không hết bây giờ, tao còn lắp lại cái xích xe."
Tôi chạy vội vào trong nhà lấy cái túi vừa lúc anh sửa xong xe. Quay qua nhìn tôi, anh nói:
"Nhanh lên, chậm là hết đấy!"
Vội nhảy tót lên con xe cà tàng theo lời nói của anh. Tôi hí hửng nghĩ đến những chiếc bánh mì thơm ngon mà từ đó giờ chỉ dám nhìn chứ không dám mua mà ăn. Nhà nghèo, gạo còn không có thì tiền đâu mà mua bánh mì. Ngồi sau lưng anh mà miệng cứ cười khúc khích suốt và dường như tôi cũng thấy anh đang cười.
"Nhà này, có mỗi mày học giỏi, vừa rồi nước lên tao vẫn kịp cất sách cho mày. Yên tâm, kĩ lắm, sau lo mà học mà hành, đỡ khổ em ạ."
"Rồi anh thì sao?"
"Tao học hành chẳng đến đâu, qua cơn này thì tao cũng cố đi làm thuê để kiếm tiền cho mày đi học. Công sức tao bỏ ra đấy, lo mà học đến nơi đến chốn."
"Vâng."
Tôi đáp mà miệng cười toe. Trong mắt tôi lúc ấy không còn thấy cảnh tan hoang, tiêu điều của làng quê sau một cơn lũ mà chỉ thấy những nụ cười tươi rói của mọi người thi nhau đi về phía xã để nhận trợ cấp. Bà con chạy ra đường cười nói rôm rả rồi giúp nhau thu dọn đồ đạc.
Ngước mắt lên nhìn trời, nắng trong xanh, nắng của xứ Đoài đã về.
Trên con xe cọc cạch, tôi chạm nhẹ vào tấm áo trắng của anh, thích mắt nhìn nắng nhảy nhót trên vai anh. Tôi đưa bàn tay nhỏ ra hứng nắng, là nắng của ngày mai, nắng của hi vọng.
Trong đáy mắt của tôi lúc bấy giờ, nụ cười của mọi người hòa cùng màu nắng, thật đẹp.