bởi Azul Rhosyn

2
0
1188 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Ngày 4 - Bạn muốn trở thành một người viết như thế nào?





Trước hết, mình muốn là người viết tự do.

Mỗi lần đặt bút, cho dù là viết nhật ký, mình vẫn có cảm giác “tác phẩm” này sẽ đem trưng bày ở đâu đó, bạn bè người thân sẽ có một ngày biết, không chỉ họ - có thể cả thế giới sẽ biết! Viễn cảnh mình hay mường tượng ra nhất chính là ở đám tang của mình, khi tất cả mọi người tìm kiếm các dấu tích mình còn để lại. Tất cả điều này nói lên điều gì? À thì mình là con người tự kiêu một cách căng thẳng, tự tưởng tượng ra chuyện bản thân nổi tiếng rồi bắt đầu lo lắng về nó? Có thể! Nhưng còn một chuyện quan trọng hơn: hãy nói về họa sĩ Basil trong tiểu thuyết Chân dung của Dorian Gray nhé. Ông ta đã từ chối triển lãm bức tranh mà huân tước Henry hết mực khen ngợi, vì sợ rằng bản thân mình đã hiển lộ nhiều quá. Mình cũng thế, và bởi vì không hoan nghênh ai vào tận nơi tối nhất bên trong mình, việc bị phát hiện là yếu kém cứ như một cơn ác mộng. Nói theo chiêm tinh thì mình không chỉ có mọc Thiên Bình mà trục La Kế cũng là 1-6. Vậy nên bao giờ mình cũng gồng lên để mọi thứ (trông có vẻ như đã) đâu vào đấy. Nhưng sớm thôi sẽ có người phát hiện ra sự giả tạo bóng bẩy đó, qua cách mình dùng từ, cách mình tạo ra nhân vật,... Để ngày đó không xảy ra, hoặc đừng xảy ra theo cách quá mất tình người, thì mình khao khát trở thành người viết tự do, một người viết không nói láo với cảm xúc chân thật. Viết cho những gì mình thực biết, viết cho những gì mình thực tin, viết để tường thuật những dòng tư tưởng cần được nói ra, chứ không phải viết để chỉnh sửa trí nghĩ như một con búp bê của người khác.


Sau đó, mình muốn là người viết truyền cảm hứng.

Được nhiều người đọc thì thích thật, nhưng được nhiều người bình luận chắc còn thích hơn. Cảm giác một ai đó đã đi qua từng con chữ, tìm ra ý nghĩa mình muốn gửi gắm, và nhắn gửi lại cho mình, thật không gì tả nổi. Giống như mọi người, mình cũng có ước mơ tạo ảnh hưởng tích cực lên người khác. Mà cũng không hẳn là ước mơ nữa, mình thấy đó là việc nên làm. Có thể đối với mình, viết chỉ là một sở thích, và những thành phẩm có thể là để đẹp profile thế thôi, nhưng với ai đó nó có thể là câu trả lời, với ai đó nó có thể là một động lực để họ nói ra điều gì đó. Dĩ nhiên, khi là người đọc, mình cũng có gu đọc những truyện cần ngẫm nghĩ lâu. Tại sao Luis Sepúlveda, Maja Lunde, Antoine de Saint-Exupery, Nam Cao, Kazumi Yumoto,... lại có thể sáng tác ra những tuyệt phẩm như thế? Văn chương không đơn thuần là một thứ để chơi nữa, nhất là khi vào tay những người này, họ biến tấu con chữ ra một tách trà đắng, nhưng thơm nồng nàn, uống vào không chỉ ngon mà còn thấy ghiền. Uống vào thấy cả thiên nhiên, nếu đủ tịnh tâm còn nhìn thấy bóng hình bàn tay trên những nương chè, có nắng và mưa khiêu vũ qua từng tháng năm. Là vậy đó, mình muốn trở thành một người viết như thế. Có thể không là nhà văn giống họ, nhưng phải có chất, có hương, có mùi vị, ít nhất là mình phải truyền cảm hứng được cho mình.


Kết bài nhưng chưa phải là kết thúc, mình muốn là người viết sáng tạo.

Ai cũng ghét đạo văn, mình cũng thế. Nhưng có khi nào sau một tuần nhâm nhi một cuốn sách hay, một bộ phim cuốn hút, mình lại muốn sáng tác ra một thứ na ná như vậy? Ôi trời, sao không có cho được. Khi hứng lên thì mình cũng chả nhớ là nó trùng khớp với cái gì nữa, cứ nghĩ là tín hiệu vũ trụ đột ngột gửi đến mà thôi. Đó là một trong những lý do mình ít khi công khai truyện ngay sau khi viết xong chương đầu tiên. Phải thêm vài ba tuần nữa, để khi cơn hào hứng dịu xuống rồi mới đủ công tâm nhìn nhận xem có chi tiết nào mà mình bê từ nơi khác vào, chứ không phải tự nghĩ ra không. Nếu có thì nghĩ ra hướng khác thay thế - đây là lúc vui nhất, vì mình có thể nảy ra hàng loạt tình huống điên cực kì. Dĩ nhiên, chúng ta khó mà sáng tạo ra cái gì hoàn toàn mới, nhưng học hỏi khác với sao chép. Học hỏi vẫn là một quá trình sử dụng tư duy, còn sao chép là lười biếng, sao chép có chỉnh sửa là lười biếng ở mức độ tinh vi hơn. Ngoài ra thì, cái này nghe hơi buồn cười chút, sở thích cá nhân nên không có đúng sai gì cả, mình hay xóa sạch sẽ những cái mình đã làm ra. Ví dụ như khi thiết kế Powerpoint (không phải Canva hay templates có sẵn đâu nhá) một slide khoảng hai nghìn mấy hiệu ứng nên nói chung khá là kỳ công. Nhưng mà mình không để lại làm kỷ niệm chi cho chật máy, xong rồi là vứt. Bởi, những thứ rực rỡ bây giờ có thể ngáng đường mình trong tương lai, càng thoát ra khỏi cái bóng đó sớm, mình càng thoải mái để sáng tạo. Viết văn cũng như vậy thôi, mình từng xóa hơn ba mươi nghìn chữ và viết lại từ đầu dù hạn nộp là hai ngày nữa. May là vẫn xong bài, chứ không là vừa ngu vừa liều đúng nghĩa.


---------------------

Vài thứ be bé về mình đính kèm dưới mỗi bài viết:

  • Do bài viết đang cảm động nên mình để dòng cảm lạnh này dưới đây: điều đầu tiên ta cầu xin mi, bản thân ạ, đừng là một người viết lười chảy thây nữa! Đi mà hoàn thành đống drafts kia đi, mốt qua đời còn có cái để lại hậu thế, còn không chúng sẽ bị vứt vào lò lửa do người ta nhầm là đống giấy lộn đấy!

  • Mình yêu Powerpoint, đến nỗi dù biết dùng Photoshop nhưng nếu cần nhanh gọn lẹ mình vẫn vào Powerpoint để edit. Loạt ảnh dùng trong thử thách 200 ngày này cũng là một ví dụ.

  • Tuy không phải là nhà văn nhưng mình thích cách dùng chữ của Trịnh Công Sơn. Khi viết, mình cũng muốn thử nhiều cách diễn đạt mới, xem ngôn ngữ là công cụ mạnh đến đâu.

  • Bức tranh này là La promenade, một tác phẩm của họa sĩ Henri-Edmond Cross.

---------------------