Ngày 3 - Bạn sợ hãi điều gì khi viết không?
Khi nhìn thấy chủ đề này, nỗi sợ đầu tiên được gọi tên: có khi nào đây lại là bài viết dài nhất trong toàn chương trình 200 ngày không?
Mình sợ những lúc muốn viết nhưng không thể viết, nuôi dưỡng một ý tưởng mà lại không biết phải bắt đầu thế nào. Gõ được vài chữ lại phải xóa đi, có khi suốt hai tiếng mà chỉ được một câu tàm tạm. Thế mà đi làm việc khác thì không tập trung được. Nhiều lần mình nghi ngờ bản thân chỉ đang phí phạm thời gian ngồi trước trang giấy trắng. Có đôi lúc cảm thấy người khác viết văn thật dễ dàng, họ thật tuyệt vời cả về năng suất lẫn chất lượng. Dù dân trong nghề với nhau thì ai chả biết tác phẩm nào lại không ra đời từ những đêm mất ngủ, nhưng nói mình không nản chí là nói dối.
Mình sợ bản thân vô tình lan truyền sự tiêu cực đến mọi người. Bây giờ thì mình chuộng Happy Ending rồi, nhân vật của mình không phải khổ nữa, nhưng đã từng có thời gian mình chỉ viết những cái kết đau buồn, và mình nói đùa rằng ngòi bút của mình hướng đến sự tàn nhẫn của cái chết. Giống như người chưa biết văn thơ nói rằng văn thơ ủy mị, mình muốn dùng nỗi buồn để làm chất liệu để sáng tác. Cảm giác viết khi đang có tâm trạng nó khác hẳn lúc yên bình, quá nhiều thứ muốn đặt xuống, quá nhiều dòng sóng xô, quá nhiều hình ảnh để mình so sánh lúc ấy. Hình như ý muốn đó chiêu cảm được những nguồn năng lượng tương tự, nên nhan nhản trên Facebook của mình là những tác phẩm dẫn vào sự tuyệt vọng, những câu chuyện quỷ dị, những bài thơ lấm lét đêm đen. Bỗng dưng cái ý nghĩ dùng sự đồng cảm để làm móc nối giữa tác giả với người xem nổi lên trong mình, dần dà, nó trở thành một guồng quay ngầm trên bàn viết, ngay cả khi câu chuyện cần cái kết có hậu, mình vẫn bắt thế giới đó phải sụp đổ, vỡ vụn, thối nát,... Khi vui mình cũng cố tìm cảm xúc đau khổ để viết. Hậu quả là nó ảnh hưởng trực tiếp đến mình, và các tác phẩm trong thời gian ấy chẳng khác gì bản án mình phán quyết loài người có tội.
Mình sợ mình cẩu thả. Có những người viết cho vui, viết vì sở thích nên không đặt nặng vấn đề này. Mình thì lại xem đây là một sở thích nghiêm túc. Viết là cách hay nhất để thúc cái thân lười biếng này học, càng học càng thấy mình nhỏ bé trong thế gian. Do bản thân ít va chạm, từ nhỏ sống trong bảo bọc, cái gì cũng có người khác làm giúp nên kiến thức xã hội lẫn kỹ năng sống của mình có thể coi là nghèo. Nếu có một ý tưởng mà không có cơ sở để đặt nó vào tình huống nào thì ý tưởng đó cũng dở dang. Vả lại, mình thích những mảng miếng ngoài lề, nếu không tìm hiểu kỹ mà tùy tiện đưa vào thì mảng miếng lại hóa thành sạn. Chưa kể là mình có thể sai chính tả do quen miệng, sai ngữ pháp do lậm văn nói,...
Mình sợ không có người đọc truyện mình viết, nhưng nếu có người đọc thì mình cũng… sợ luôn. Khi quyết định chia sẻ câu chuyện của mình lên các nền tảng công khai, nghĩa là ít nhiều mình đều mong cầu sự quan tâm, hay nói bình dân là muốn được nhiều views, nhiều tương tác. Nhưng khi truyện của mình được tiếp cận rồi, mình lại muốn níu giữ họ bằng cách thay đổi giọng văn, motif,... theo thị hiếu của họ. Trước đứng ngoài mạng xã hội không hiểu sức hấp dẫn của những cái trái tim với mặt cười là gì, sau ở trong nó rồi mới biết hóa ra mình rất mong manh trước ý kiến của người khác. Người đọc một mặt là động lực, một mặt là áp lực. Mà mình lại rất nhạy cảm, có phần bướng bỉnh nữa. Mỗi khi ai đó góp ý, nhận xét gì, mình toàn tắt máy và bỏ đi làm việc khác cho đến khi những cảm xúc tiêu cực dịu xuống mới ngồi lại vào bàn, nhìn nhận bình luận ấy một cách khách quan và cảm ơn họ. Có lúc buồn đến khóc nhưng vẫn chèn icon hình tim sao lấp lánh làm ra vẻ ta đây rất ổn. Cảm xúc mà, nó có thể làm con chó ngoan thích được vuốt ve, cũng có thể làm con ngựa đứt cương, con thuyền mất lái. Để không quá thiên vị bản thân mà cũng chẳng chăm chăm đi làm hài lòng thiên hạ thật không phải cứ nói suông sẽ làm được. Đây là chuyện nực cười, nhưng chắc ai đó sẽ hiểu.
Sẽ không nhiều người giống mình, nhưng mình rất sợ ngày mình quay lưng với thế giới kỳ ảo. Ngày mà mình không tin phép thuật có thật, và kỳ lân chỉ là những con ngựa mọc sừng. Chỉ hy vọng lúc đó mình vẫn còn viết vì một lý do trong sáng, chứ không trở thành kiểu người lớn phủ nhận sự hồn nhiên của tuổi trẻ và coi thường giấc mơ được nhận thư báo nhập học Hogwarts, đến Magnolia xăm hội ấn Fairy Tail, phiêu lưu khắp xứ Ooo và chiến đấu với những con Hồn Rỗng.
---------------------
Vài thứ be bé về mình đính kèm dưới mỗi bài viết:
Lý do mình đặt tên bài viết này là “Tên gọi khác của cảm hứng”, đó là trong một lần mình chịu hết nổi với quả bí lù mà tìm đến Kỳ Kỳ. Cô nhắn lại cho mình rằng, thật ra không có cái gọi là cảm hứng, chính những trăn trở này tạo ra cảm hứng. Câu nói đó đã tạo nên một thay đổi rất lớn, cảm ơn cô nhiều lắm.
Mặc dù sợ đem thông tin sai vào truyện, nhưng mình toàn nhảy vô mấy chủ đề mà bản thân chưa có tí kiến thức nào. Điển hình là bé OS5 - Bên Trời Có Áng Mây Trôi, hai nhân vật chính là họa sĩ (Yvonne) và ca sĩ (Cecilia), còn mình điểm B bài tạo khối và thi lại môn nhạc do đọc sai nốt.
Khi không biết viết gì mình thường tìm cảm hứng ở Pinterest. Trong khi kho ảnh hiểu mình đến từng cọng tóc thì Youtube và Spotify đúng kiểu toàn đề xuất mấy bài hát làm cụt hết cả hứng.
Hogwarts, Magnolia, xứ Ooo và Hồn Rỗng theo thứ tự là các địa danh hay nhân vật xuất hiện trong Harry Potter (Robert Galbraith), Fairy Tail (Mashima Hiro), Adventure Time (Pendleton Ward), Trại Trẻ Đặc Biệt Của Cô Peregrine (Ransom Riggs).
Bức tranh này tên là Rêverie, còn được biết đến rộng rãi hơn với tên In the Days of Sappho, một tác phẩm của John William Godward.
---------------------