bởi Toonie

1
0
1826 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Ngày hai ta gặp lại nhau


Trở lại với thực tại, Huệ vẫn đi đến trạm dừng chân ngóng trông hình bóng cậu trai năm ấy. Và rồi một năm, hai năm, ba năm, năm năm, thậm chí là hơn mười năm rồi. Không một chút tin tức nào từ anh được gửi về. Cô có chút oán trách nhưng giờ còn tư cách gì đâu. Bố Huệ lâm bệnh nặng sau hai ba năm Thanh rời đi. Cô phải gấp gáp cưới chồng để bố được an tâm trước ngày rời xa trần thế. Năm hai mươi mốt tuổi, Huệ đeo nhẫn cưới. Tưởng chừng mối tình năm ấy đã đứt, thế mà chồng của Huệ đã mất khi tuổi còn trẻ. Anh bị tai nạn giao thông trong lúc về nhà, Huệ đã đau đớn biết bao nhiêu. 

Cô không hiểu tại sao ông trời lại nhẫn tâm đối xử với cô như thế. Năm hai mươi lăm tuổi, cô thành một người phụ nữ góa chồng. Có điều may mắn hơn cả, cô và chồng chưa có đứa con nào, đó là điều tốt đẹp nhất vào thời điểm đó. Huệ mở một quán tạp hóa nhỏ trong xóm, một phần giúp mẹ bớt chán, một phần cô cũng ở lại nhà không đi làm để chăm mẹ. 

Kể từ sau khi chồng mất, Huệ không màng tìm thêm ai khác. Lúc trước vì chờ Thanh mà lui tới trạm xe, sau khi có chồng thì khác, Huệ đi đi về về như một thói quen. Cô không còn trông chờ vào điều gì nữa, mấy ngày cuối năm lại mặc cái áo khoác dày ra đó ngồi ngắm tàu hỏa chạy. 

Trời hôm nay dở chứng, mưa rất to nên Huệ dời hết đồ bên ngoài vào trong nhà. Mùa đông năm nào cũng cực kỳ lạnh lẽo, từng đợt gió ập vào buốt lạnh đến xương tủy. Huệ run rẩy khoác áo đi về phía trạm dừng chân. Mấy thím trong xóm quá quen với việc này nên không ai hỏi han gì mấy. Cô vui vẻ chào hỏi từng người mình lướt qua từ nhà đến tận trạm. 

Huệ ngồi xuống băng ghế phía bên trong, cô ngắm nhìn dòng người qua lại, tâm trạng lắng xuống. Bất chợt có cơn gió lạnh lướt qua khiến cô run rẩy.

– Lạnh quá... Sao hôm nay lạnh thế nhỉ?

Bỗng có một bà cô từ đâu nhảy ra, bà ấy đập mạnh vào vai Huệ khiến cô giật mình.

– Huệ à? Phải Huệ không? Nay lại ra ngồi nhìn tàu hỏa à?

Nhìn người đàn bà lạ lẫm trước mặt, cô cũng chỉ trả lời lịch sự.

– À, dạ.

– Ôi lạnh lắm. Về đi. Nay đừng ở lâu.

– Dạ, con cũng sắp về rồi. Cảm ơn cô.

– Ừ ừ.

Huệ nở nụ cười gượng gạo, cô thấy thấp thoáng trong đám người có bóng dáng rất quen thuộc nhưng chẳng nhớ là ai. Thấy trời tối dần, cô cầm túi xách đi về nhà. Bỗng có tiếng gọi phía sau lưng, thanh âm vừa lạ mà quen.

– Huệ? Là Huệ phải không? 

Là Thanh, đến tận bây giờ anh mới trở lại. Tim Huệ quặn thắt, cô bấu chặt tà áo mà không quay lại. Tiếng bước chân người phía sau dồn dập chạy về phía cô. Huệ bất giác bỏ chạy theo bản năng. Cô rất muốn quay lại xem anh ra sao sau ngần ấy năm nhưng lí trí đã kéo cô lại. 

– Huệ, dừng lại. Chờ anh, Huệ!

Thoáng chốc cô đã lẫn vào đám đông bên đường. Trước cái thời tiết có thể tê cứng người này, Huệ chạy vội vàng đến đổ mồ hôi, thở ra khói. Thấy cô chạy về vội vã, bà Hiền nhìn với ánh mắt đầy nghi hoặc.

– Sao đấy? 

– Dạ... Không sao. Muộn rồi, đóng quán đi mẹ.

– Sớm thế.

– Đóng đi ạ. 

Huệ gấp gáp đóng sạp tạp hóa của nhà. Bữa cơm tối đến, Huệ ngẩn người không ăn nên mẹ cô sinh nghi. Bà muốn hỏi nhưng rồi lại thôi.

– Cô đấy, hơn ba mươi rồi. Khi nào có người rước?

– Rước rồi mà mẹ. Ảnh đấy thây.

Huệ chỉ về hướng cái ảnh trên bàn thờ nghi ngút khói bên phía bên kia. 

– Thôi, số khổ thế mà. Không định tìm chồng mới à?

– Không. Ở vậy với mẹ thôi. 

– Tôi gần đất xa trời rồi. Cô tự lo cho mình đi. 

Bà Hiền ăn xong đứng dậy vội. Huệ ngồi im trên bàn ăn chìm vào mớ suy nghĩ lộn xộn của bản thân. 

"Hay xin một đứa con nuôi nhỉ?"

Huệ đã nghĩ như thế. Mặc cho Thanh đã về, nhưng cô đã buông bỏ anh thành công nên chẳng nghĩ về anh nữa. 

Vài ba hôm sau, mỗi ngày mở cửa tiệm thứ cô nhìn thấy đầu tiên là Thanh. Anh ăn mặc gọn gàng đứng trước cửa với bó hoa tươi. Dù Huệ có mắng chửi, đuổi về bao lần thì Thanh vẫn lì lợm ở đó. Thanh nghe ngóng được Huệ ở vậy đến giờ nên rất mừng. 

– Cậu đến đây làm gì vào mỗi ngày? Làm vậy để làm gì cơ chứ? 

– Huệ... Tôi... Huệ chấp nhận tôi lần nữa được không?

– Không. Tôi đã có chồng rồi.

– Nhưng anh ta đã mất được mấy năm rồi. Không phải mỗi cuối năm Huệ sẽ đến trạm dừng chân đợi tôi sao?!

Theo độ lớn của câu nói mà Thanh phát ra, Huệ trợn tròn mắt. Cô có chút tức giận, lập tức quát thẳng vào mặt anh.

– Ha, anh nghe mấy người đó nói chứ gì? Xin lỗi, tôi đến vì thói quen. Mà thói quen này ai ban cho tôi??? Anh còn mặt mũi đến đây ư? Làm ơn biến khuất mắt tôi đi!

Có lẽ nhận thấy bản thân đã sai nên giọng Thanh dần xìu xuống. Anh cúi gằm mặt, tay ghì chặt bó hoa đến mức dập nát.

– Anh xin lỗi...

– Giờ thì về đi. Làm ơn!

Thanh lủi thủi đi về nhà, anh thuê một chỗ ở gần nhà của cô để lui tới. Nhưng kể từ ngày hôm đó, chẳng còn thấy bóng dáng anh vào mỗi sáng. Mấy bà cô bên cạnh thắc mắc nên hỏi Huệ liên tục, cô rất phiền, song vẫn phải đáp lại mấy câu hỏi về Thanh.

Tiếng lạch cạch trong nhà bếp vang lên mỗi ngày, bà Hiền vẫn nấu ăn cho Huệ dù đã lớn tuổi. Có thể chỉ khi nấu cơm cho con gái, bà mới có cảm giác bản thân còn có ích. Bỗng một hôm, chẳng còn nghe thấy tiếng thái thịt trong căn bếp ấy nữa. Bà Hiền đột quỵ phải nhập viện, tiệm tạp hóa không mở cửa hơn một tuần. Huệ khóc cạn nước mắt bên giường bệnh của mẹ, cô tự trách bản thân khi để bà nấu ăn hằng ngày.

– Mẹ... Làm ơn, đừng rời bỏ con. Con chẳng còn ai cả, làm ơn. Mẹ ơi... 

Bà Hiền được nhét ống trợ thở nằm trên giường bệnh. Huệ ngồi ngay cạnh chăm sóc bà, hơn một tuần nay cô không tài nào yên giấc. Gương mặt hốc hác, hai hốc mắt sâu hoắm và màu da tái đi. Một tuần sụt gần chục cân khiến Huệ lao đao, cô đi lại khó khăn, lắm lúc ngỡ như sẽ té ngã bất cứ khi nào. Bà Hiền không thể nói được, bà nhìn con gái ngày qua ngày tiều tụy và tự quyết định thứ gì đó. Vào ngày nằm viện thứ mười bốn, bà Hiền khều con gái lại gần. Bà khó khăn chỉ vào cái ống trợ thở bên cạnh, rồi lại gắng gượng thốt ra một chữ "rút". Huệ điếng người khi nghe mẹ mình nói thế, nước mắt lã chã rơi.

– Không! Sẽ mau khỏe thôi mà mẹ, làm ơn. Mẹ ơi, đừng như thế!

Ánh mắt bà Hiền nhìn cô như đã chắc chắn với quyết định của mình, Huệ đau lòng nhìn bà nhưng cô vẫn không thể đồng ý. Cô bỏ về nhà, nằm gục trước bàn thờ.

– Bố ơi, con phải làm gì bây giờ?

Huệ khóc nấc bên bàn thờ, cô chìm vào đống suy nghĩ rối bời mà bản thân không thể tự định đoạt. Hai ngày hôm sau, Huệ trở lại bệnh viện với đôi mắt sưng húp và khuôn mặt không còn chút sức sống. Cô nói chuyện với bác sĩ rồi quay ra ngồi cạnh mẹ.

– Mẹ này, sau này nhớ đến rừng thông cũ hồi trước tìm bố nha. Kẻo lại lạc đường, đừng có luyến tiếc gì hết á. Con khỏe, yên tâm. Đi mạnh khỏe nha!

Khi cái ống thở được rút cũng là lúc mẹ cô nhắm mắt xuôi tay. Bà nở một nụ cười rất tươi, điều đó an ủi Huệ rất nhiều. Ít nhất nó khiến cô tin tưởng vào quyết định của mình. Không nỗi đau nào bằng nỗi đau mất đi người mình yêu thương. Ngày tang lễ mẹ diễn ra, Huệ nuốt nước mắt vào trong và luôn nở nụ cười khi tiếp khách. Thanh cũng đến nhưng anh chỉ lặng lẽ ngồi một bên nhìn cô. Cuối ngày, khi mọi chuyện đã hoàn tất. Huệ lén lút ngồi bên vệ đường cách xa nhà khóc như mưa. Vừa khóc cô vừa cắn chặt cổ áo để không phát ra tiếng động. 

Thanh bắt gặp cô ngồi đó khi định đi về, anh kéo cô đến trạm dừng chân ngồi rất lâu. Không một ai nói gì cả, Thanh lặng lẽ ngồi nhìn Huệ khóc. Đến khi cô khóc mệt rồi, anh kéo đầu qua cho cô dựa vào vai mình.

– Anh xin lỗi vì tất cả.

– Anh thì có lỗi gì... Chúng ta đều như nhau thôi. Chẳng ai hiểu ai cả...

– Chắc là thế. Mà giờ chắc cũng hiểu nhau rồi chứ? Anh biết hết rồi... 

– Biết gì? 

– Tất cả những gì nên biết.

– Điêu. 

Thanh thành công giúp tâm trạng Huệ trở nên tốt hơn. Cô lê lết cơ thể mệt mỏi đi về nhà, anh ở sau đuổi theo hỏi dò.

– Thế vẫn không chấp nhận hả?

– Chấp nhận gì?

– Khi trước ấy. 

– Ừ ừ, không cho.

– Thôi, rộng lượng xíu đi. 

– Ha ha.

Mãi về sau, Thanh chuyển đến sống chung với Huệ. Hai trái tim lạnh lẽo từ từ sưởi ấm cho nhau. Có thể họ không kết hôn với nhau, nhưng lại hạnh phúc sống cùng nhau như hai người bạn tri kỷ. Chuỗi ngày buồn bã của Huệ cũng đã chấm dứt từ đó. Có lẽ vậy...