Mối tình dang dở
Xình xịch xình xịch.
Từng toa tàu hỏa nối đuôi nhau chạy rong ruổi trên con đường sắt cũ kỹ. Mặt trời ngã lưng bên vách núi, còn vài tia nắng cam vàng treo vắt vẻo trên mấy đám mây. Đoàn tàu từ từ thắng cót két, rồi nó dừng hẳn tại trạm dừng chân. Người người ùa ra đón người thân lâu ngày chẳng gặp, tiếng cười hòa lẫn với tiếng khóc, lâu lâu lại bật lên vài tiếng chửi mắng, oán trách. Huệ đứng từ xa nhìn về phía đoàn tàu, cô như chờ đợi thứ gì đó nhưng lại chẳng thấy. Thoáng qua có thể nhận ra được sự hụt hẫng của Huệ.
Đã mấy năm rồi, người đi nhưng không quay lại. Năm đó còn hứa hẹn biết bao điều, giờ đây lại chẳng thấy bóng hình người ở đâu. Mười lăm năm rồi, cứ hể trời về đông, lại có bóng dáng một người con gái đứng chờ ở trạm xe. Người ta không biết cô ra đó làm gì hay đợi ai, nhưng rồi cô lại quay về một mình. Chuyện lặp đi lặp lại vào cuối năm, khi lại thấy cô ra về tới hơn chục lần. Có người còn từng thấy cô gái ấy ngồi khóc rất thảm thương tại trạm xe. Dăm ba người quen mặt, nhìn người thiếu nữ trẻ tuổi đi đi về về đến chặp biến thành người đàn bà đứng tuổi vẫn không dừng.
***
– Huệ, tốt nghiệp xong Huệ ở lại đây làm việc hả?
– Ừ, bố mẹ tui ở đây mà. Còn ông thì sao?
– Tui... Tui phải đi du học.
– Du học? Ông đi ở đâu? Sao ông không nói trước. Mình thi xong ông mới nói là sao?
– Tui có họ hàng sống bên nước ngoài. Bố mẹ muốn tui du học... Xin lỗi Huệ, xin lỗi Huệ nhiều lắm...
Huệ không thể tin vào tai mình, cô thật sự đã rất sốc đến độ đứng không vững. Cô bàng hoàng nhìn cậu bạn trước mặt. Thanh lộ rõ vẽ mặt tội lỗi, anh nắm chặt tay Huệ dù cô đang cố vùng ra. Anh không nghĩ Huệ sẽ ngạc nhiên đến vậy, một phần thấy có lỗi, một phần lại áy náy vì mình chính là người bắt đầu mọi chuyện. Thanh nhắm chặt mắt như chờ cái đánh đau từ Huệ.
– Anh vui không? Chính anh là người theo đuổi em bằng được. Giờ chính anh là người đem nó dồn vào bước đường cùng ư? Thanh? Anh nói xem!
– Anh...
– Anh không hề nghĩ cho cảm giác của em. Vậy ban đầu anh thổ lộ tình cảm để làm gì? Để rồi bây giờ thế này ư?
– Không, Huệ bình tĩnh đi em.
Cô đã hoàn toàn mất lí trí và không thể không chế bản thân. Một khi đi du học, cả hai sẽ không thể ở bên nhau nữa. Rõ ràng ban đầu Thanh đã hứa sẽ thi cùng trường đại học với cô nhưng rồi anh lại thất hứa. Thanh ôm chặt cô vào lòng, anh cố gắng trấn an. Thanh hiểu cảm giác của Huệ, tình yêu của họ vừa mới nảy mầm và đang đẹp đẽ đến nhường nào, nhưng anh lại là người đem lại sự đe dọa cho mối tình này.
– Thôi đi. Thanh... Anh là đồ khốn, anh biết không?
Từng giọt nước mắt đã lăn dài trên đôi má hồng hào, Huệ bật khóc, cô sợ phải chia tay người đem lại cho cô sự ấm áp. Thanh luống cuống khi thấy Huệ khóc, anh dùng tay lau nhẹ rồi vỗ về cô.
– Chúng ta sẽ vẫn liên lạc với nhau chứ? Em tin anh nhé... Anh sẽ về mà, đợi anh được không...
– …
Huệ không đáp lại. Cô đẩy mạnh Thanh ra sau rồi bỏ chạy về nhà. Con đường về nhà hôm nay rất lạ, Huệ có cảm giác ai cũng chăm chú nhìn theo cô. Người chủ động theo đuổi là Thanh, người khiến cô rung động cũng là anh. Vậy mà giờ đây anh lại đưa ra cái quyết định khiến cô tổn thương biết bao. Về đến nhà, cô chui vào chăn ấm ức bật khóc, nghĩ về khoảng thời gian cả hai bên nhau lại càng khiến cô đau lòng. Giải thích cho sự phản đối gay gắt này từ cô cũng có cái lí do riêng. Huệ có một người chị tài giỏi và xinh đẹp, chị cũng từng hứa hẹn đủ điều với bạn trai du học. Để rồi đến cuối cùng cả hai đường ai nấy đi, người phản bội cũng là anh bạn trai kia. Cô rất sợ, sợ bản thân giống như chị mình... Ngày biết tin, chị cô đã sụp đổ đến nhường nào. Huệ không muốn bản thân cũng như vậy.
Không biết qua bao lâu, Huệ ngủ thiếp đi trong chăn, cô cuộn tròn một cục như cái gối bông lớn. Cô ngủ từ trưa đến chiều tối vẫn không dậy. Mẹ ở ngoài gọi con mãi nhưng chẳng thấy đáp, bà đem theo sự thắc mắc chạy lên phòng Huệ. Vừa toan đẩy cửa bước vào nhưng nhận thấy đã bị khóa, bà đập mạnh cửa gọi tên con gái.
– Huệ! Sao đấy, mấy khi có khóa cửa đâu? Ra ăn cơm tối đi con.
Đáp lại bà là khoảng không im lặng, chẳng chút âm thanh nào phát ra từ phòng Huệ khiến mẹ cô hoảng loạn. Bà càng đập mạnh cửa hơn, vừa đập vừa hét tên cô liên tục. Tiếng ồn rất to, đến nhà bên cạnh cũng nghe thấy nhưng Huệ lại im thin thít. Bà vật vã chạy đi tìm chìa khóa dự phòng, đúng lúc ông Cư – bố Huệ tan làm về nhà. Ông thấy vợ sốt sắng cũng sinh nghi, gặng hỏi mới biết con gái đã ở trong phòng cả chiều không ra ngoài.
– Gì? Bình thường nó có ở trong phòng lâu đến vậy đâu? Tìm chìa khóa ngay!
– Ông biết dạo này có tin gì ở trường nó không? Lúc trưa nó về mà hai mắt đỏ ghê gớm.
– Thôi chết. Tui mới nghe tin thằng Thanh con ông Trực sắp đi du học.
– Bà cha nó, thế nó lừa con mình à?
Mẹ Huệ bực tức đập cái bốp vào tay bố nó bên cạnh, ông đau điếng người kêu lên oai oái. Bà giật mình nhận ra nên cười gượng, ông cũng không trách mà chăm chú tìm chìa khóa. Hai vợ chồng cuống cuồng tìm chìa khóa dự phòng, họ lật tung mọi ngăn tủ, cốp xe hay phòng ngủ, nhà kho. Cả hai tập trung đến mức không để ý cánh cửa phòng Huệ đã từ từ mở ra rồi đóng lại. Ông bà tìm thấy chùm chìa khóa thì mừng quýnh, chạy ngay lại hì hục mở khóa. Huệ cầm bát cơm đứng bên cạnh nhìn bố mẹ hì hục mở cửa mà chẳng hiểu gì.
– Trời ơi trời, rốt cuộc là chìa nào mới đúng?
– Ai mà biết, lâu vậy rồi sao tui nhớ. Ông thử hết đi, đằng nào chả trúng.
– Ừ ừ.
– Bố mẹ làm gì thế ạ?
– Mở cửa chứ làm gì! Tổ sư thằng con nhà lão Trực, nó làm con tao buồn rồi tự nhốt trong phòng đây thây. Mẹ cha nó, mai tao qua tao bứng cả nhà.
– À, chìa thứ hai bên phải mới đúng. Thử cái đó đi bố.
Ma xui quỷ khiến thế nào, ông Cư cũng nghe theo răm rắp. Tìm đúng cái chìa khóa đó rồi tra vô ổ, thế mà nó mở ra thật. Tiếng lạch cạch vang lên làm hai ông bà mừng phát khóc, nhảy cẫng lên ôm nhau. Huệ đứng bên nhìn bố mẹ mà cười ngất, cô cố gắng không phát ra tiếng để xem bố mẹ đến khi nào mới phát hiện ra cô.
– Trời ơi mừng quá!
Hai người chạy ù vào trong thì thấy cái giường trống không. Mẹ phát hoảng chưa kịp tìm đã la thất thanh.
– Ối làng nước ơi, con tôi đi đâu rồi. Trời ơi, con ơi con là con...
Bố Huệ khựng lại, ông đã liên tưởng đến trường hợp xấu nhất rồi từng bước đi đến lan can bên ngoài. Bước chân nhìn bên ngoài có chút nhanh và dứt khoát, nhưng nhìn kĩ thì lại nặng trĩu. Bên ngoài trời đã đổ mưa, từng giọt nước mưa lạnh lẽo theo gió cuốn tạt vào trong nhà. Tấm rèm cửa bay phất phơ lướt nhẹ qua gò má người đàn ông. Huệ đứng tựa người bên cạnh cửa, tay cầm chặt bát cơm. Cô muốn nói gì đó nhưng rồi lại thôi.
Ông Cư đi về phía lan can, sau khi nhìn xuống để chắc chắn con gái mình không làm chuyện dại dột thì ông mới thở phào. Mặc cho nước mưa bắn vào mặt từng cơn rát đau, ông đã nở một nụ cười nhẹ nhõm. Ông đương nhiên tin tưởng con gái mình sẽ chẳng bao giờ dại dột đến thế, nhưng ngay khoảng khắc nhìn thấy cánh cửa lan can không được đóng chặt. Ông đã hoài nghi chính mình. Bà Hiền ở bên trong luôn dõi theo ông, bà muốn nhận một đáp án từ ông. Khi thấy nụ cười của ông hiện ra, bà đã thở phào, cơ thể nhẹ tênh như trút bỏ gánh nặng trong lòng. Huệ đứng một bên nhìn khung cảnh ấy, nước mắt cô lăn dài trên má. Cô chưa bao giờ nghĩ bố mẹ sẽ vì cô nhốt mình một chút mà lo lắng đến vậy.
Đang trong tình cảnh cảm xúc dâng trào, Huệ chưa kịp chạy qua ôm lấy bố mẹ thì cả hai đã quay sang và thấy cô. Ánh mắt mẹ hiện lên chút hung dữ, bà chạy tới giật lấy bát cơm trên tay cô rồi đặt mạnh xuống bàn. Làm xong bà túm lấy cánh tay cô đánh mạnh vào.
– Trời ơi, mày đi đâu nãy giờ hả? Có biết hai thân già này lo lắm không hả!
Cha cô đứng một bên nhìn, ánh mắt ông nhìn cô rất nghiêm túc. Cha đi lướt qua cô và chỉ để lại một câu duy nhất.
– Tổ sư nhà cô. Sau đừng thế nữa, đi ăn cơm!
Câu nói thốt ra rất bình thường nhưng Huệ hiểu thứ tâm tư của bố sau câu nói. Bà Hiền cũng không đánh nữa, bà bỏ ra ngoài để lại mình Huệ đứng yên trong phòng. Nước mắt cũng không chảy nữa, cô lủi thủi đi sau lưng mẹ ra bàn ăn. Bữa cơm tối hôm đó đúng chất là chỉ ăn cơm, không một ai nói với ai câu nào. Tưởng chừng cứ thế là xong, ai ngờ đến cuối bữa ăn, bố Huệ nhìn cô rất lâu rồi nói:
– Thi xong rồi, không lo gì nữa. Ăn xong ra nói chuyện với bố.
Chưa kịp đợi cô trả lời thì ông đã bỏ ra ngoài phòng khách. Chưa bao giờ Huệ thấy bố nghiêm túc yêu cầu một cuộc nói chuyện, trong lòng cô rất sợ, cô đánh ánh mắt sang cầu cứu mẹ nhưng bà chỉ lắc đầu nói:
– Đi đi.
Bà Hiền yên lặng dọn dẹp bàn ăn mà không đi lên cùng cô. Huệ tuy có chút dè dặt nhưng vẫn lên trên phòng khách ngồi xuống đối diện bố mình. Cái tivi trắng đen đang phát bộ phim Tây Du Ký. Âm thanh vang bên tai sôi động nhưng không lọt vào tai Huệ, cô hồi hộp chờ bố cất lời. Ông Cư trầm ngâm hồi lâu, điếu thuốc trên tay cũng đem vùi đi.
– Hai đứa chúng bây quyết định ra sao?
– Vụ gì ạ?
– Nó đòi đi du học. Mày tính như con chị mày à? Ngu dốt! Đáng không?
– Con không biết...
– Hừ, ngu lắm con ạ. Mày đợi nó ở đây, chắc gì ở bên đấy nó không có con khác!
– Bố để con suy nghĩ thêm chút được không ạ? Con...
– Tao không cấm chúng mày yêu nhau tuổi mới lớn. Nhưng tao cấm mày mù quáng vì cái thứ tình yêu ấy! Tao với mẹ mày gắng lắm mới đẻ được mày ở cái tuổi bốn mươi. Mày nghĩ dễ à?
– Dạ... Con hiểu rồi. Con xin phép bố, con về phòng.
– Ừ, đi đi.
Cuộc trò chuyện ngắn ngủi nhưng không khí lại vô cùng nặng nề. Bà Hiền bổ một đĩa trái cây vừa định đem lên nhưng không đi vào ngay. Bà đứng một bên nghe hai bố con trò chuyện, mặt cũng không mấy vui vẻ. Thấy Huệ đi ngang, bà kéo cô lại nhắc nhở.
– Dưới bếp còn trái cây, xuống đấy lấy mà ăn.
– Vâng.
Sau hôm ấy, Huệ ở lì trong phòng mà không ra ngoài. Bạn bè rủ đi chơi thư giãn sau kì thi cũng bị từ chối, cô cũng chẳng lên lớp học mấy buổi cuối cùng mà chôn chân trong nhà. Thanh lo lắng ghé qua vài lần nhưng chưa kịp gặp mặt đã bị bố cô đuổi về. Anh dường như muốn nhắn nhủ gì đó nhưng không thể. Đến ngày Thanh đi, vài đứa bạn chơi chung với cả hai còn nôn nóng hơn cả cô. Chúng nó tụ tập lại muốn khuyên nhủ mà không thành.
– Mày tính không tiễn nó à?
– Đúng đấy. Cứ thế chia tay hả? Có vậy cũng nói với nhau một tiếng chứ.
– Nó hốc hác thấy rõ. Mày cũng vui vẻ gì, ra tiễn nó xíu đi.
Huệ đứng trên bậc thềm nhìn đám bạn, cô cũng muốn ra gặp lần cuối nhưng vẫn có thứ gì đó ngăn lại.
– Không, chúng mày đi đi.
– Sau đừng hối hận đấy! Thôi tụi tao đi. Mày nói thế thì không chèo kéo nữa.
– Ừ ừ, mốt hối hận tao đánh đòn mày nghe con. Giờ là bảy giờ, tầm mười giờ nó lên tàu. Liệu mà làm.
Đám bạn chán nản bỏ đi, chúng nó tạt qua trạm xe tạm biệt Thanh. Anh luôn nhìn về phía sau mong sao thấy được bóng hình quen thuộc. Ấy vậy mà cũng không thấy ai, đám bạn gạt phăng hi vọng của anh.
– Huệ nó không tới. Ai bảo mày làm vậy với nó, đáng đời mày.
– Tao mà là nó, tao ghét mày như kẻ thù.
– Hồi đó còn nhờ tụi tao làm mai, giờ đấy, khốn thật chứ!
– Tao xin lỗi.
Thanh buồn bã cúi gằm mặt xuống. Đám bạn bỏ về hết, anh đứng dựa vào cái cột quảng cáo bên đường. Tay đút vào túi áo, từng phút giây trôi qua như lửa đốt. Chốc chốc Thanh lại nhìn về hướng đường nhà Huệ, anh mong được gặp cô trước khi rời đi. Thời gian không chờ đợi một ai, thấm thoát đã gần mười giờ. Hành khách đều bị giục lên xe ngồi đợi sẵn, chỉ riêng Thanh vẫn đứng đó chờ đợi.
Anh đợi rất lâu nhưng không thấy Huệ đến, trong lòng có chút buồn bã. Thời gian tàu chạy đã điểm, anh bước lên xe nhưng đầu vẫn ngoái lại. Chuyến tàu khởi hành, đến cuối cùng anh đâu biết Huệ đã đến. Cô cực nhọc đạp chiếc xe đạp chạy băng băng trên con đường trơn trượt, không kịp quấn thêm cái khăn choàng. Bên ngoài khoác hờ cái áo mỏng, dưới cái tiết trời mùa đông lạnh thấu gan, Huệ dùng hết sức lực đạp xe nhưng không kịp. Đợi cô đến nơi thì tàu đã chạy, không kịp từ biệt khiến Huệ càng đau khổ hơn. Trên tay cô còn đang nắm chặt sợi dây chuyền anh tặng.
Đầu gối cô rướm máu, vì đường trơn nên cô ngã xe. Nó làm Huệ không thể đến kịp lúc, hai đầu gối sưng đỏ và rỉ máu. Cô dường như chẳng cảm nhận được cơn đau mà cầm chặt sợi dây chuyền bật khóc nức nở. Trời như hiểu thấu nổi lòng, cơn mưa to đổ xuống.
Ngày ấy có hai trái tim không thể ở gần nhau, họ không hiểu đối phương đang nghĩ gì. Ai cũng nghĩ nửa kia không hiểu cho cảm giác của mình. Mối tình tuổi học trò tươi đẹp đã dang dở...