Nguyễn Linh
Cô thiếu nữ gặp phải thầy lang liền trở giọng dịu dàng, đoan trang cúi đầu chào rồi quay đi. Người người ai cũng kính cẩn chào thầy lang này, dù y còn trẻ chán và chưa có vợ con, song y cũng chào lại mọi người. Hương mở miệng quở trách, tiếng thầm thì:
- Đã không nhìn được gì sao cứ cố vào chợ làm gì?
Thụy giằng vạt áo khỏi tay Hương, phủi phủi chỗ vải ấy ra thể ghét bỏ, miệng lẻo nhẻo:
- Ông không cần lo cho tôi.
Nói là không quan tâm nhưng Thụy sớm đã chú ý dương khí bao quanh Hương, lượng khí mờ nhạt lại liên tục vây quanh thân trên chứ chẳng rõ được chân, không chỉ vậy hắn còn rõ mồn một thứ khí âm cũng đã bám trên người Hương lúc này. Thụy chau mày, vỗ cánh tay y khẽ nhắc nhở:
- Số ông sắp tận, cố níu thời gian mà chăm lo cha già.
Hương gạt tay Thụy, nét mày túc thì khó chịu trước lời nói ấy. Y ngay đầu đâu tin vào bói toán tương lai. Hương xua tay không nói không rằng rồi đi, lạc vào giữa những áng khí dương gian vàng óng và biến mất, sắc khí ai cũng giống ai nên khó khăn để phân biệt. Bụng hắn reo lên như gõ trống, đói lắm rồi!
Thụy mon men tìm tới gánh xôi cuối chợ, trưa nên cũng bớt người mua xôi hẳn, quanh gánh xôi vắng lặng bóng người chỉ thấp thỏm dáng vóc người đàn bà đứng tuổi lưng còng ngồi bó xôi. Thụy không thể thấy được những thứ không có linh hồn, thật vậy, hắn không biết lán xôi bà còn bao nhiêu, đánh liều hỏi:
- Bà ơi, bà còn xôi không?
Bà già nhìn hắn băng trắng chằng chịt ngang mắt, nhận ra đó là tên bói mù đầu làng, bà niềm nở chào đón hắn vào gánh nhà bà:
- Cậu Thụy đấy à? Nào ngồi xuống đây, xôi nhà bà để tới trưa có hơi nguội hay để bà hấp lại cho cậu? - Thụy ngồi tạm bợ trên hòn gạch thô gần gánh.
- Mấy nay cậu vẫn khấm khá chứ? Nghe đâu mấy cô trong làng cứ reo réo tên cậu, ấy thế có tiền sao không xây cái nhà mà ở? - Bà hỏi han - Trước nhớ cậu không cha không mẹ nhìn mà tội, vậy còn vướng tật mù lòa này nữa.
Bà rõ hắn như con thế này không phải vô lý. Xưa, Thụy sinh ra cạnh bờ ao làng may mắn được lão nông góa vợ đem về dưỡng dục, vậy mà trời không thương xót, cứ thế mấy năm thì lão nông cũng vì nghèo đói mà không qua khỏi. Thụy về thế cô quạnh không người thân cũng không chốn dung thân (anh em nhà lão nông chiếm hết đất đai rồi đuổi hắn khỏi nhà). Đời hắn ngặt nghèo lại gặp tiếp nạn đau mắt, Thụy đau đớn trong đêm chỉ biết chạy sang nhà người bạn hắn - ấy là Hương - khi đó y không biết bốc thuốc, thấy bạn đau liền vơ tạm mấy lá thuốc trong hòm tủ cho hắn nhai qua đêm. Như dự đoán, hắn hỏng liền hai mắt, phải băng lụa kín mắt.
Ngày đó Thụy uất thằng bạn lắm! Hắn trốn khỏi làng trong đêm, đi đâu không ai biết, chỉ rõ sau nhưng mấy mươi năm hắn về hành nghề bói tới giờ. Hiện cũng chỉ lác đác vài người biết danh phận Thụy trước đây còn đâu cũng biết sơ sơ là hắn hành nghề bói toán.
Thụy không biết nói làm sao cái chuyện không xây căn nhà, cười cười bảo với bà:
- Tôi hành nghề ngày này tháng nọ, mỗi nơi một chút. Xây nhà làm gì cho tốn của hao tiền, thà tôi lấy cái vốn ấy chạy chữa hai mắt cho sáng.
Bà đắp xôi vào lá chuối xanh xong nắm cục đỗ vàng đặt lên đưa cho Thụy, bà khuyên:
- Sao cậu lại nghĩ thế? Mắt cậu thế này khó chữa, cứ dụm tiền lại xây căn nhà to nhỏ tùy cậu nhưng cũng nên có một nơi để đi để về, không ai thờ thì ta thờ thổ địa, thổ công xin ít phước vận vào người.
- Bà ấy nói chí phải. Dân ta cũng có nhắc: “Tu đâu cho bằng tu nhà” ấy mà.
Thình lình có người đứng trước sạp nhà bà lão nói góp vào. Dương khí người này không mấy lạ lẫm, ấy chẳng phải thầy đồ đấy sao, Nguyễn Linh. Thuở ấy hắn và anh và cả y đều là những đứa bạn chung xom đó thôi. Nay mỗi đứa một nẻo thêm nữa có hai đứa không ưa nhau ra mặt làm cho tình bạn này sớm cũng mốc méo. Trong đám có Linh chẳng nghiêng ý về ai, anh không phủ nhận chuyện tâm linh cũng không chối chuyện thuốc có thể cứu vớt sinh mệnh con người. Có thể nói Linh là đứa trung lập cũng như thân với hai đứa còn lại, là cầu nối.
Làng có ba thầy, hai thầy lại đem nhau ra xỉa xói, chẳng mấy làng tan hết. Linh nay toan đi ngang chợ mua vài cân bí đem xào cho mẹ ở nhà dưỡng bệnh, mấy bữa gắt nắng làm bà sốt run người, anh chạy một quãng xa tới tận nhà Hương nhờ bốc mấy thang thuốc, giờ cả nhà trông vào nghề đồ của Linh. Qua đường trông thấy Thụy nên xà vào hỏi thăm tiện mua bọc xôi.
Bà già thấy anh mừng dữ, khí tức tỏa vàng rực rỡ lan sang cả chỗ Thụy. Hắn cắm đầu vào bó xôi, nuốt hết chỗ xôi vào bụng để lấy sức, chẳng thèm ngó ngàng tới ai xung quanh. Linh dõi thấy thằng bạn cũng khỏe mạnh không ốm đau, mừng thay hắn. Anh trò chuyện với bà lão một lúc xong xin phép về chăm mẹ. Đợi Linh khuất bóng sau rặng tre Thụy mới đứng vội trả tiền.
- Thầy Linh vừa trả thay cậu rồi! Cậu đi đi.
Thụy nhăn mày ngạc nhiên. Hắn ghét nhất có kẻ bỏ tiền trả thay những thứ hắn ăn hay hắn cần, con người chứ có phải oan hồn vất vưởng đâu mà không kiểm nổi mấy đồng hào trả tiền ăn. Ăn trên tiền kẻ khác làm đầu óc hắn cứ canh cánh mãi không dứt, khó chịu khiếp!
- Vậy bó tôi ăn hết bao nhiêu thế bà?
- Ba trinh một hào cậu nhé!
Hắn chào bà trở về dưới gốc bồ đề, mẩn bụng: “Chắc chắn tôi sẽ trả lại chỗ tiền này cho cậu.”