01. Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
(edit: tinh vân)
Trời hẵng còn lờ mờ tối, mặt trời chưa ló khỏi ngọn tre đầu làng. Râm ran ngoài ngõ vài tiếng chó sủa những người đi làm đồng sớm. Cái Lúa nhón chân lách mình khỏi tấm liếp, cẩn thận lẻn ra ngoài sân như một con mèo nhỏ. Nó vớ ngay lấy cái chổi dựng ở đầu nhà, cần mẫn quét tước qua một lượt. Xong xuôi đâu đấy, nó mới thong thả rảo bước về phía bếp, khẽ thổi phù phù vào đống trấu và bổi[1] mới giấm[2] tối qua, lửa vừa nhen nó đã nhanh tay bắc ngay ấm nước đặt lên bếp.
Tí nữa nước sôi, cái Lúa tranh thủ hãm một tích vối cho anh Thỉnh uống sau bữa cơm sáng. Anh Thỉnh nghiện vối hơn là nước chè, mà cái Lúa chừng đâu cũng cùng chung cái thú ấy với anh, thế nên mới có chuyện trời chưa rõ mặt người, nó đã tót vào bếp đun nước.
Cái Lúa ngỏng cổ sang bờ giậu nhà hàng xóm, mặt trời lưng lửng ngọn tre mới nghe thấy tiếng lạch cạch từ bên ấy.
- Đông ơi Đông, nhanh cái chân lên kẻo lại muộn!
- Vâng u đợi con tí, con sắp xong rồi đây.
Tiếng chân chạy bình bịch trên nền đất, tiếng dội nước ào ào bên sân nhà ấy vọng sang mái bếp nhà Lúa. Phỏng chừng cái anh con trai vừa cất tiếng đáp kia đang mải mốt rửa ráy chân tay.
- Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,
Cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn...[3]
Sáng nào như sáng nấy, anh Đông - con trai bác Bính hàng xóm cũng vừa rửa mặt vừa nghêu ngao mấy câu thơ tình nghe rất đỗi bình dị, xao xuyến.
Cái Lúa dậy sớm để đun nước hãm vối, và cũng để chờ đợi khoảnh khắc êm dịu ấy của mỗi buổi tinh mơ.
Nó thơ thẩn nhìn nồi gang đặt trên bếp lửa đang nổ lép bép, lắng tai nghe cái giọng quen thuộc và nhịp chân vững chãi của anh Đông xa dần rồi mất hút trong tiếng gà gáy muộn.
Chẳng mấy chốc ở buồng trong nhà cái Lúa cũng vang lên tiếng khóc ngằn ngặt của trẻ con, tiếng người cáu gắt và tiếng bước chân nặng nề rảo bước. Ấy là lúc anh chị nó đã thức dậy.
Thầy u[4] Lúa có cả thảy bốn người con: chị Loan đã đi lấy chồng, cái Lúa là gái nhớn thứ hai trong nhà, sau nó còn hai thằng em trai: cu Toản lên bảy và cu Mít vừa tròn bốn tuổi. Mới đầu tháng Giêng năm ngoái, u nó sinh được một gái, nhưng sinh non, đứa em chưa kịp nhìn thấy mặt của cái Lúa mất.
Hồi cái Lúa còn để tóc trái đào, nó nhớ có lần thầy đặt nó ngồi ngay ngắn trên đùi thầy, rồi vừa âu yếm vuốt má nó vừa thủ thủ cắt nghĩa cái tên Lúa. Thầy bảo, năm u đẻ nó trời làm bão lớn, mùa lúa mất trắng, hoa màu vụ ấy cũng tan hoang cả. Cái Lúa được sinh ra vừa là lộc trời ban nhưng vừa là gánh nặng đè lên mái nhà vốn xác xơ.
Thầy còn bảo, thầy cũng hi vọng với cái tên ấy, mùa nào đi qua đời Lúa cũng là mùa lúa trổ đòng, có khói lam chiều tỏa ra từ mái bếp, có rơm vàng óng chất trong sân nhà, có nụ cười má lúm đậu trên gương mặt tròn trĩnh của Lúa.
Vụ gặt năm nay chị Loan nhà Lúa ở cữ lần đầu, ngặt nỗi bên đằng nội neo người, anh Thỉnh cũng phải đi làm quần quật cả ngày để nuôi đủ ba miệng ăn. Thế là cái Lúa bị u đuổi sang nhà anh chị ở xóm trên, vừa trông nom cu Mùi vừa cơm nước đỡ đần cho chị Loan. Thỉnh thoảng ham chơi, nó ngủ luôn lại nhà chị.
Mặc dù lấy cớ là sợ ma, không dám đi sớm về khuya thế thôi chứ cái Lúa biết tỏng trong bụng mình, ấy là nó muốn sáng sớm mai còn được nghe giọng anh Đông ở cách một bờ giậu ngâm nga hai câu thơ cũ rích. Nó thấy thẹn và như là thinh thích... Nhà anh và nhà chị Loan dẫu chẳng cách cái giậu mùng tơi xanh rờn nhưng cũng chỉ giáp nhau một bờ tường thấp lè tè. Cái “nàng” hàng xóm ngày ngày dỏng tai nghe anh vu vơ dăm ba câu thơ lại không phải nó thì chẳng nhẽ là chị Loan!
Cái Lúa chống cằm ngẫm nghĩ, ừ, có khi nào hai câu thơ ấy là anh đọc cho nó nghe không nhỉ? Nhưng... anh Đông còn chưa cả nói chuyện với nó cơ mà, thế thì làm sao anh biết đường ngâm thơ cho nó nghe?
Lòng cái Lúa rối như tơ vò, nhiều lúc bế em mà nghĩ thẩn nghĩ thơ đến nỗi bị anh Thỉnh cốc đầu mắng là “bà cụ non”! Nhưng nó nào dám đem chuyện ấy tâm sự với chị Loan, mặc dù ngày chị còn ở nhà, tối nào hai chị em cũng nằm trong màn rủ rì rù rì chán chê mới lăn ra ngủ. Không phải vì chị nó bận bịu hơn trước mà bởi cái Lúa bây giờ đã lớn rồi, đã thành “cô thiếu nữ” trong lời trêu chọc của thầy u. Nó bắt đầu biết thẹn thùng và suy nghĩ vẩn vơ. Thêm nữa chị Loan mà biết nó tơ tưởng anh Đông thì thể nào chị cũng chạy về nhà mách u cho mà xem. Bởi nhẽ, u ghét anh Đông lắm lắm.
Cái Lúa chỉ biết lờ mờ chứ không hiểu rõ ngọn ngành đầu đuôi, nghe đâu ngày xưa bác Bính trai kiên quyết lấy bác Bính gái, đến nỗi cãi lời cha mẹ, phá ngang đính ước với u nó. Thầy ở sát vách nhà ngoại, rõ là thương u mười mươi mà không dám ngỏ lời, mãi về sau chẳng có mối nào trong làng dám rước u làm dâu nữa thì thầy mới lẽn bẽn đem giầu cau sang hỏi u về.
Bởi lẽ ấy mà u giận nhà bác Bính lắm, giận lây sang cả anh Đông chẳng có tội tình gì. U chống nạnh dạy cái Lúa rằng thì là:
- Thương ai thì thương, lấy ai thì lấy, u chẳng cấm cản gì mày! Nhưng chớ có dây dưa với nhà thằng Đông nghe chưa con!
U đã phán thế, cái Lúa có mười lá gan cũng chẳng dám trái lời. Ai bảo nó sinh ra đã là con u, anh Đông sinh ra đã là con bác Bính! Ai bảo nhà anh lại sát vách nhà chị gái nó...
Thế nên Lúa chỉ dám giấu nhẹm những tương tư đầu đời trong lòng, chỉ biết mỗi sớm tinh mơ mặt trời còn chưa ló khỏi ngọn tre đầu làng, nó đã lẻn ra ngoài bếp ngỏng cổ chờ người con trai ở bên kia bờ giậu vừa dội nước vừa ngâm nga những câu thơ tình ngỡ như dành riêng cho nó.
Cái Lúa đồ rằng, chỉ cần như thế thôi là nó đã mãn nguyện lắm rồi.
***
- Cái gì đây hở chị?
Đương lúc nghịch ngợm cái hòm chứa đồ của chị Loan, tay Lúa rớ phải bìa một cuốn sổ cũ đã bám đầy bụi. Chị nó khẽ mân mê quyển sổ với ánh mắt mơ màng.
- Hồi xưa anh Thỉnh đi học mót thơ của người ta rồi nguệch ngoạc mấy dòng vào đây, ngâm đi ngâm lại cho thật thuộc mới đem qua “tán” chị đó!
Cái Lúa che miệng cười khúc khích làm cho cu Mùi đang ngủ say trên võng cũng cựa mình ọ ẹ mấy tiếng. Chị Loan cốc vào đầu nó một cái đau điếng, rồi tựa như nhớ lại những kỉ niệm một thời, chị bỗng cất tiếng ngâm nga.
- Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ mười thương một người...[5]
...
- U ới!
Cái Lúa giật nảy mình vì tiếng lạch cạch mở cổng vọng sang từ bên nhà hàng xóm. Nó vội buông đôi đũa cả, nhảy tót ra ngoài sân nghe ngóng.
- Bác Chín biếu nhà mình mớ tép ngon lắm u ạ, đây này, u xem...
- Úi giời, sao lấy của bác ấy làm gì!
- Bác ấy cứ giúi vào tay con thì biết làm sao? Thôi, u hẵng cứ ngồi nghỉ đi, để con thổi ào nồi cơm một cái.
- Ừ thế cũng được, tao tranh thủ sang nhà con Thơm xem nó ốm đau thế nào...
Tiếng trò chuyện nhỏ dần rồi bị ngắt quãng bởi tiếng mở cổng loảng xoảng, xem chừng chỉ còn mỗi anh Đông ở nhà. Cái Lúa vờ vịt tóm lấy cái chổi dựng trên đầu hiên, hết lượn ra lại lượn vào bên bờ giậu. Cuối cùng, lấy hết sức bình sinh, nó run run đọc hai câu thơ đã nằm lòng.
- Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười thương một người.[5]
Bỗng Lúa giật bắn mình khi nghe thấy cái giọng vẫn hay ngâm nga thơ tình kia vang lên bên tai:
- Ô, Lúa đấy hả em? Lúa cũng thích đọc thơ giống anh à?
Cái đầu của anh Đông thập thò bên hiên giậu, anh hấp háy mắt cười nhìn Lúa với vẻ hiền lành. Nó lúng ta lúng túng như gà mắc tóc, hai tay vặn vẹo lấy cán chổi một cách khổ sở.
Đợi mãi mà không thấy Lúa đáp nhời, anh Đông có vẻ hơi ngượng, khuôn mặt hiền hiền của anh thoáng đỏ lên. Chắc phỏng anh đang nghĩ cái Lúa cũng giống như u nó, ghét cay ghét đắng cả nhà anh.
Nhanh như cắt, cái đầu ngó nghiêng của anh Đông mất hút khỏi bờ giậu trước ánh mắt hốt hoảng đầy tiếc rẻ của Lúa. Nó giận mình lắm, đến một câu chào anh mà cũng không dám thốt ra nữa.
- Lúa, bắt lấy này!
Đương khi cái Lúa vẫn ngẩn ngơ nhìn bờ tường thấp lè tè, anh Đông bỗng ló đầu sang cười với con bé, tay anh cầm một củ khoai nướng huơ huơ về phía trước. Lúa vội vàng vứt cái chổi đấy để chạy lại bên bờ tường, nhanh nhẹn đón lấy củ khoai nóng rẫy từ tay anh. Xong nó lí nha lí nhí nói:
- Em cám ơn anh ạ.
Anh Đông cười “hì” một tiếng, đôi mắt tít cả lại nom ngồ ngộ.
- Bao giờ có dịp, anh em mình đọc thơ cho nhau nghe nhé! Thôi Lúa quét sân tiếp đi, anh vào thổi cơm đây.
Anh Đông thoắt cái đã trèo khỏi bờ giậu, nhịp chân vững chãi của anh xa dần xa dần rồi tắt hẳn. Với gương mặt đỏ ửng như gấc chín, cái Lúa vội lỉnh vào trong bếp, vừa trông nồi canh cua vừa tỉ mẩn bóc vỏ củ khoai lang nướng.
Khuya lắc khuya lơ đêm hôm ấy, cái Lúa trằn trọc mãi trên giường mà không sao ngủ được, nó cứ mải mê mường tượng lại cuộc trò chuyện tình cờ ban chiều rồi bụm miệng cười lích rích trong màn. Hóa ra anh Đông cũng để ý đến nó, cũng biết cả tên nó kia đấy. Hóa ra, bấy lâu nay đâu phải chỉ riêng mình nó ôm ấp tương tư khờ dại...
Ở phía bên kia của căn buồng, tiếng hát ru ời của chị Loan vẫn vang lên da diết, xao xuyến lạ lùng.
À ơi, à ời...
Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa, như ngồi đống rơm,
À ơi... [6]
***
[1] bổi: vụn rơm (theo cách nói dân dã).
[2] Thời xưa, giữ lửa bằng cách xin mồi lửa rồi ủ trấu và rơm qua đêm. Cách làm này được gọi là dấm hoặc giấm (mình được nghe kể lại, chứ thực tình không biết từ này viết thế nào).
[3] Trích trong bài thơ Cô hàng xóm - Nguyễn Bính.
[4] thầy u: cha mẹ (theo cách nói dân dã).
[5] Trích trong bài thơ Tương Tư - Nguyễn Bính.
[6] Trích Ca dao Việt Nam.