Những ấm ức chưa từng nói ra
Khi còn bé, ta có biết bao nhiêu là ước muốn: muốn được bay, muốn có phép thuật, muốn vui, muốn đùa,... Để mà nói ra thì trong quãng đời người, thảnh thơi nhất chính là khi còn bé. Khi ấy mỗi người đều vô ưu vô lo, suy nghĩ gì cũng đơn thuần, không có ghen ghét, không có tham lam, không có ích kỷ, không có những thấp thỏm lo sợ khi bị người khác đâm sau lưng như khi ta lớn lên. Khi ấy, ta không bận bịu vì công việc, ta chỉ bận bịu việc vui đùa, không có những ngại ngùng khi nhào vào lòng bố mẹ mà nói yêu thương, ta cũng có thể thoải mái mà vui đùa, ăn uống ngủ nghỉ, sống trong sự bảo hộ của cả gia đình.
Thế nhưng khi ấy, ta chỉ luôn cảm thấy, làm trẻ con thực không tốt, thường bị người lớn cấm cản rất nhiều thứ, ta hi vọng ta mau lớn lên. Mà sau khi đã lớn lên, người lớn chỉ hi vọng, ước gì ta có thể trở về ngày còn bé, vĩnh viễn vô ưu vô lo.
Con người chính là sinh vật mâu thuẫn và vô lý như vậy đó.
Nhưng không ai dám nói đó là sai cả.
Người lớn có cuộc sống của người lớn, người lớn phải lo lắng cho cả cuộc sống của người lớn và bạn nhỏ nữa, có lẽ vì thế mà, người lớn ước ao mình trở về ngày còn thơ bé. Cuộc sống của người lớn mệt mỏi với những công việc lặp đi lặp lại nhau mỗi ngày, người lớn cũng sẽ mệt mỏi nếu như cứ mãi ganh đua với người khác. Nhưng nếu không ganh đua thì, người lớn không thể nào cấp cho bạn nhỏ những thứ tốt đẹp hơn về mặt vật chất và lại khiến cho bạn nhỏ sẽ bị thiếu hụt về tinh thần.
Tin rằng hầu hết chúng ta đều trải qua như vậy. Khi tôi còn bé, tôi cũng giống như bao đứa trẻ khác, mong muốn được lớn lên, mà bây giờ, khi đã lớn lên rồi, tôi lại ước gì, tôi vĩnh viên không trưởng thành.
Cả thời thơ ấu của tôi, thân nhất không phải là mẹ, mà là bà nội. Tôi không nhớ rõ những chuyện ngày tôi còn nhỏ lắm vì lớn rồi mà, có cả hàng tá chuyện mà chúng ta bắt buộc phải nhớ, khiến cho những ký ức ấy bị phai mờ dần theo thời gian. Thế nhưng tôi vẫn nhớ rằng, hát ru cho tôi là bà nội, ôm ấp chơi đùa với tôi cũng là bà nội, thậm chí từ khi tôi cai sữa đến tận lúc học gần hết cấp tiểu học, người tôi ngủ cùng luôn là bà nội.
Tôi không biết tại sao mẹ tôi không thích thân cận cùng tôi. Tôi cũng không biết tại sao cho đến hiện tại tôi đã lớn rồi, ký ức của tôi về mẹ lại mờ nhạt như vậy.
Tôi vẫn còn nhớ ngày tôi học lớp bảy, thầy giáo dạy văn cho đề văn là tả về mẹ của em. Tôi đã nghĩ rất lâu mới có thể đặt bút xuống. Văn chương luôn là hoa mỹ hóa, cũng là phóng đại hóa. Tôi dựa vào hình ảnh mẹ hay gặp ở ngày thường để đắp nặn lên một người mẹ mà tôi ao ước. Mẹ tôi không biết những điều đó, bố tôi lại càng không.
Nói ra thì cũng lạ lắm, bố tôi kỳ vọng vào tôi rất cao, nhưng bố có lẽ đã mệt mỏi vì những lo toan trong cuộc sống. Mỗi lần thấy tôi ngồi vào bàn học, bố sẽ chỉ nhìn và chỉ nhìn mà thôi.
Chí ít thì mẹ tôi vẫn còn cầm tay dạy tôi viết chữ khi tôi vào mầm non, vẫn cùng tôi học những phép toán đơn giản nhất như một cộng một bằng hai, nhưng cũng chỉ thế thôi.
Sau khi tôi biết đọc biết viết, bố mẹ chưa một lần nào lại chỉ dạy tôi. Khi tôi còn ở cấp tiểu học thì bố mẹ cứ thấy tôi làm được là thôi còn lên cấp hai thì bố mẹ bảo, bố mẹ đã quên hết những kiến thức này rồi, tự học đi.
Bố mẹ rất ít khi đi mua đồ chơi làm quà cho tôi, bởi lẽ khi ấy nhà tôi không khá giả như bây giờ, hoặc có lẽ là tôi chưa từng đòi hỏi nhiều lắm, nên bị bố mẹ lơ đi luôn. Tôi vẫn nhớ rằng, khi tôi còn bé, chú út nhà tôi đứng hàng thứ ba đi làm xa, chỉ có chú gửi quà về cho tôi, khi ấy tôi còn ở lớp mầm. Từ đấy trở đi, tôi mới biết rằng, có những thứ mình thích, thì phải nói ra, bố mẹ mới biết, mới có thể mua cho tôi, giúp tôi có được thứ đó.
Dường như bố mẹ quá tin tưởng vào việc tôi tự lập trong việc học tập, thậm chí khi tôi được điểm kém ở trường họ cũng không quan tâm. Tôi vẫn luôn nhớ bố chỉ nói với tôi là, điểm số không quan trọng, cuối năm kéo lên là được. Hoặc là bố sẽ nói, học thế nào thì học, miễn sao cuối năm vẫn luôn được học sinh giỏi là được rồi.
Kỳ thực thì tôi ghét câu nói ấy lắm. Nhiều lúc tôi cũng nghĩ là, nếu như mình học không giỏi thì có phải bố mẹ sẽ quan tâm tới tôi nhiều hơn không? Nhưng tôi không dám làm như vậy. Tôi biết bố mẹ vẫn luôn so sánh tôi với các anh chị em họ khác, có lẽ là vì tôi là chị cả đi, thành tích của tôi phải cao, để cho mấy đứa em tôi còn nhìn thấy mà noi theo, học theo tôi học tập.
Nhưng mà ở một lúc khác, khi tôi nhìn thấy thím tôi dạy đứa em họ tôi, tôi vẫn luôn ước ao lắm, dù có chăng đó là những lời chửi mắng để ép nó phải đi học bài, mà tôi chưa từng được nghe. Dù những lời nói ấy không phải khích lệ gì, rằng thím tôi chỉ mong nó có thể lên lớp, nhưng tôi cũng chưa từng được nghe từ miệng bố mẹ bất kỳ một lời nói nào. Dường như trong tiềm thức của lớn trong nhà tôi, tôi chỉ có thể lên lớp với danh hiệu học sinh giỏi, lúc nào cũng phải bằng bạn bằng bè, phải luôn nằm ở top đầu.
Giả như năm nay tôi học được trên tám phảy mà sang năm tôi chỉ được có tám phảy tròn thì đó là lỗi của tôi, lỗi khi tôi lơ là việc học, là lỗi mà tôi đã sao nhãng vì vui chơi, thế nhưng tuyệt nhiên chẳng có ai hỏi tôi, tại sao lại học kém như thế.
Lớn dần lên thì đi học cũng nhiều thêm. Cả thời cấp trung học cơ sở của tôi học hành cả tuần, kể cả thứ bảy chủ nhật. Cứ nghĩ là tôi đăng ký học thêm ba môn chính, một tuần đã mất ba cái buổi chiều, mà ba cái buổi chiều còn lại, chính là lịch học mà nhà trường sắp xếp, dư lại duy nhất một buổi sáng chủ nhật là tôi có thể thoải mái ngủ nướng đến bảy giờ, nhưng chỉ bảy giờ mà thôi.
Nhắc lại mấy chuyện ngày bé, tôi mới phát hiện ra là, tôi chưa từng cùng bố mẹ đi chơi ở bất kỳ đâu, hay là cùng bố mẹ có bất kỳ cái ảnh chụp chung nào. Ảnh hồi bé của tôi cũng không có, dường như là chưa từng chụp vậy. Lớn lên rồi thì tôi không thích chụp ảnh, không phải vì tôi tự ti, mà là tôi không thích mỗi khi chụp ảnh lại phải cười lên, trông giả lắm.
Ký ức của tôi với bố mẹ đúng là ít đến thảm thương, mà cho dù tôi có nhớ thì có lẽ bố mẹ cũng chẳng nhớ đâu.
Sau này khi tôi học lớp tám, bố mẹ tôi ly thân. Hai người không ly hôn mà ly thân. Mẹ tôi về lại nhà bà ngoại tôi, em trai tôi cũng đi cùng mẹ.
Nhắc đến em trai mới nhớ, đã lâu rồi tôi không gặp lại nó. Nhà tôi là gia đình đa thế hệ, bà nội tôi sống cả một đời, dù không phải quá cổ hủ như những gì ta đã được học trong sách lịch sử, song vẫn còn mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ lắm.
Nói như vậy cũng đủ hiểu nhỉ.
Tôi là chị cả, tôi nhường em trai nhiều thứ lắm. Nhường nó phần quà vặt vốn là của tôi mà mẹ mua cho, nhường nó chỗ ngủ trong lòng bố mẹ mà tôi vẫn ao ước, nhường nó tình thương của bố mẹ. Không phải bố mẹ không thương tôi, nhưng tính cách tôi có phần độc lập từ nhỏ, cho nên bố mẹ an tâm về tôi lắm, ít quan tâm tôi hơn nó nhiều.
Nhưng tôi cũng là một đứa trẻ cơ mà? Tôi tự lập không có nghĩa là tôi không cần phải quan tâm đến, tôi cần bố mẹ quan tâm chứ, tôi cũng muốn bố mẹ yêu thương tôi chứ...
Nhưng có lẽ bố mẹ không kịp hiểu ra điều ấy, mà khi bố mẹ hiểu ra được rồi thì tôi đã chẳng còn là con bé hay cười như khi trước, tôi đã tự phong bế lại bản thân mình, tôi hờ hững trước rất nhiều thứ rồi.
Bởi lẽ lúc bố mẹ quan tâm đến cảm nhận của tôi là lúc mà hai người không còn ở bên nhau nữa, tôi không còn có một cái gia đình hoàn chỉnh nữa rồi.
Tôi lớn hơn rồi, đã hiểu được lý do thực tế dẫn đến việc bố mẹ tôi ly hôn là gì, tôi đều hiểu rõ. Vì thế để vớt vát hình tượng bố mẹ trong lòng tôi, sợ tôi bị phân tâm, hai người mới bắt đầu quan tâm đến cảm nhận của tôi.
Họ thường cãi nhau vào buổi tối muộn sau khi tôi và em trai tôi đã ngủ, nhưng bố mẹ không biết là tôi vẫn đang nghe, mà mỗi lần như thế đều là một lần tôi trộm khóc. Chỉ có vài lần tôi thực sự không chịu được, mới đem hai người đánh vỡ, bố phát hiện ra tôi khóc sẽ ôm lấy tôi chờ tôi ngủ lại rồi mới đi xuống dưới, ra khỏi căn phòng nhỏ của tôi.
Tôi không hiểu rõ người lớn làm sao nữa, rõ ràng họ từng nói sẽ yêu nhau bên nhau một đời, nhưng rồi cuối cùng vẫn không thể bên nhau, hứa hẹn gì đó chỉ như mây như khói, không đáng giá.
Có lần mẹ tôi hỏi tôi là có muốn mẹ về nhà không, tôi trả lời rằng tôi không biết. Tôi lớn rồi, tôi không muốn ích kỷ bắt mẹ của tôi phải trở về nhà nếu mẹ không thích, tôi không cần một cái mác gia đình để tôi không bị người khác cười chê, tôi không để ý lời người khác nói đâu. Tôi không cần một cái mác gia đình hòa thuận trong khi thực sự là mỗi đêm, họ đều cãi nhau. Tôi không muốn bố mẹ tôi không vui chỉ vì phải có trách nhiệm cho tôi và em trai một gia đình.
Sinh nhật năm lớp tám của tôi, tôi từng hỏi qua mẹ, ràng mẹ có vui không, mẹ tôi cười, nhưng giọng buồn lắm, nổi với tôi là mẹ chẳng thích náo nhiệt ồn ào, chẳng thích màu sắc rực rỡ như màu đỏ nữa rồi...
Nhưng đấy là sự lựa chọn của người lớn, là sự lựa chọn của bố mẹ tôi, họ quay lại với nhau, nhưng dằn vặt nhau, nhìn nhau mỗi ngày, nhưng cãi vã, lại không dám cãi vã trước mặt chúng tôi, dần dần họ mệt đi, mẹ tôi lại quay về nhà bà ngoại, bố tôi thù lựa chọn đi làm xa...
Thím tôi từng hỏi tôi là có muốn bố mẹ quay lại không hay có nhớ bố mẹ không, tất cả câu trả lời của tôi đều là không. Thím nói tôi lãnh cảm, tôi cũng biết là tôi có chút gì đó lãnh cảm thật, nhưng ở một nơi không ai thấy, tôi đã khóc trong bóng đêm quá nhiều rồi, tôi chẳng thể nào tiếp tục khóc nữa, nhưng tôi không vui...
Tôi vốn là một con bé thích cười, sau khi bố mẹ li thân, bạn bè ai cũng không nhắc tới chuyện đó trước mặt tôi, có lẽ là vì tôi nhân duyên tốt, không chủ động trêu chọc ai. Nhưng sau này đột nhiên có một ngày lớp tám đẹp trời nọ, có người nói với tôi là, lâu lắm rồi mới thấy tôi cười, dạo này tôi ít cười đi hẳn. Khi ấy tôi giật mình kinh ngạc, ý cười trên môi cũng chẳng có, tôi lặng người đi...
Mặc dù tôi tự nói với bản thân là không được để chuyện bố mẹ ly thân khiến tôi bị ảnh hưởng, nhưng trong vô thức, tôi đóng lại bản thân, tôi không cười, tôi thích ẩn mình trong bóng tối, dùng cách nói của thím tôi chính là trông tôi cứ như con tự kỷ vậy. Tôi không tự ý thức được điều ấy, mãi tới tận khi có người nói ra, tôi mới phát hiện...
Tôi điều chỉnh lại bản thân nhiều nhiều lắm, tôi bắt đầu học cách cười, nhưng không tới đáy mắt, tôi sẽ cười nhưng vu vơ cơn gió thổi qua, tôi lại suy nghĩ về gia đình tôi, ý cười chưa kịp treo lên khóe mắt, đã tan biến trong những giọt nước mắt nóng hổi rơi xuống rồi...
Có người nói tôi dùng lý trí nhiều hơn con tim, có người nói tôi mạnh mẽ, nhưng ai mà chẳng phải tạo cho mình vỏ bọc mạnh mẽ sau khi bị thương, ai mà chẳng đem trái tim khóa chặt lại, nhưng tôi biết tôi vẫn yếu đuối, tôi biết bản thân tôi vẫn đau, vẫn giống như con thú nhỏ bộ thương vậy, một mình gặm nhấm nỗi đau, cũng là một mình tự liếm miệng vết thương, chờ nó lành lại.
Tôi chịu đau giỏi lắm, ít khi nào mà tôi kêu đau, nhưng da dẻ tôi dễ bị bầm tìm, cơ thể cũng yếu nữa. Có lần tôi đập tay phải cạnh bàn, thế là tím bầm lên, con bạn tôi phải ngồi xoa máu bầm cho tôi hơn hai mươi phút mới tan đi.
Có lẽ là vì thế nên người ta ít khi nào hiểu được tôi yếu đuối, cũng chẳng ai tim một đứa con gái chẳng sợ sâu bọ, chẳng sợ rắn, chẳng sợ bất kỳ những thứ mà bọn con gái sợ như tôi sẽ yếu đuối nhu mì, sẽ cần người bảo hộ cả. Họ chỉ ôm lấy tôi, trốn phía sau lưng tôi, tôi bảo hộ họ mà thôi. Ấy cứ thế đấy, đôi khi họ quên mất tôi cũng là một đứa con gái, có chỗ yếu đuối, có lòng mộng mơ của bản thân. Thậm chí nhiều lúc, ánh mắt họ nhìn tôi cứ như nếu tôi là con trai thì học đã cua tôi từ lâu rồi.
Tôi tự nhận tôi là một người có lòng nhạy cảm, tôi dễ dàng nhận ra thay đổi tâm lý của những người bên cạnh tôi, thậm chí tôi còn có thể dựa vào sự nhạy cảm của tôi mà đoán đề thi trúng phóc luôn. Tôi làm một con người trầm lặng trong lớp, xong bất kỳ khi nào hỏi đến tôi, người ta đều biết tên tôi. Tôi không phải đóa hoa hồng trong nhà kính, tôi là cỏ dại có sức sống kiên cường mà mãnh liệt, tôi muốn nở ra những bông hoa kinh diễm, nhưng bản thân tôi vẫn là một khóm cỏ dại mà thôi.
Bạch Yên Hoa.
27/7/2020