27
8
1428 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Nói dối là nói dối


Trong phòng chị, hai đứa trẻ con buồn bã đứng khoanh tay úp mặt vào tường, một đứa lên ba, đứa kia năm tuổi. Các cháu tôi sụt sịt khóc không ra tiếng.


Tôi hỏi đỡ cho bọn trẻ, chị bảo:

- Chúng nó học nói dối đấy, cô ạ.


Chị kể lại tội của chúng bằng giọng bình tĩnh. Nghe hết gót đầu, tôi nghĩ chị cũng giận dữ như mọi người mẹ giận dữ vì lần đầu con mình nói dối, nên tìm lời khuyên:

- Trẻ con thì làm gì chẳng có đôi lần dại? Vậy mới hay...


Chị lắc đầu, mời tôi ra ngoài ngồi. Khi chúng tôi đã an vị trên trường kỷ, cốc nước chè đặt trước mặt, chị thong thả kể bằng một giọng hoài niệm. Sau đây là lời nói của chị (trước đó, xin giải thích rằng mẹ chị là người hướng Phật, nên nhà chị hay có dịp tiếp đón một số tăng ni).


Hôm ấy là một ngày mùa xuân êm như nhung, trời mát rượi, nắng ửng hồng xao xuyến, rất phù hợp để dọn nhà tiếp khách. Thầy Nguyên Quảng đến nhà tôi lúc gần chiều, mặc y màu vàng, trên tay và cổ đeo tràng hạt. Thỉnh thoảng, thầy lại mấp máy môi rồi lần tràng theo thói quen. Thầy cũng hiền hậu như bao vị tăng ni tôi từng gặp khác, nhưng ở độ tuổi của thầy, người ta không chỉ thông thái trên vầng trán nữa, họ còn dạn dày và thấm thía nỗi gió sương trong tâm hồn. Những cử chỉ của thầy toát lên một vẻ rất nhũn nhặn, bao dung.


Mẹ tôi tha thiết mời thầy đã mấy bận. Mãi đến hôm nay, cuối cùng thầy cũng dành được thời gian để hội họp với các Phật tử (*). Các bác đến nhà, ngồi quanh thầy đông đủ, mẹ bảo tôi đi chơi với các em cho người lớn trò chuyện. Tôi thẹn thùng chào thầy, đặt cốc nước xuống trước mỗi vị khách rồi đi ra.

(*) Phật tử: nói đơn giản là những người ngưỡng mộ, nương tựa vào Phật Pháp Tăng.


Ngày đó trong xóm, tôi đã gần lớn nhất rồi, chỉ có một cô chị họ ở cách một con ngõ là lớn hơn, mà chị ấy thì đang đi học. Tôi không chơi với lũ con nít nữa, chẳng hiểu sao trong mắt mẹ, tôi vẫn là con nít. Tôi buồn chán ngồi trước cửa nhà, còn mấy đứa em rủ nhau đạp xe với bạn.


- Đừng có đi ra đường lớn đấy.


Dặn bọn nó như vậy, ngẫm nghĩ một lúc, tôi lại đứng lên, ra chỗ gò đất cạnh nhà ngồi. Nếu ngồi ngay giữa cửa, lát ai nhìn thấy thì ngại lắm - mẹ bảo thế vô duyên. Và nghe lỏm người lớn nói chuyện cũng là một thói vô duyên khác nữa. Dù tôi không cố ý nghe, nhưng tiếng mẹ và các bác hồ hởi cứ lọt vào tai, lác đác mấy việc thường thường: gia đình, con cái, công việc.


Hình như mẹ quên là đã xua tôi đi chơi, gọi lớn:

- Gái ơi, đun cho mẹ ấm nước với.

- Vâng ạ.


Làm xong lời mẹ bảo, tôi lại ra ngoài ngồi nghe. Tiếp tục các tiếng hoặc rủ rỉ, dịu dàng, hoặc vui vẻ, sang sảng truyền đến. Đợi mọi người nói hết, thầy Nguyên Quảng mới từ tốn lên tiếng, giọng thầy trầm và điềm đạm, vang như tiếng khánh. Lần này thì tôi cố ý nghe thật, thầy nói rất duyên, đơn giản mà thấm thía. Có những lời khi đó tôi chưa hiểu hết nghĩa, song tôi không bỏ sót từ nào.


Vậy nhưng chỉ một lúc sau, cái chán đã ập đến. Tôi đứng dậy bỏ đi loanh quanh đâu đó. Trời mùa xuân nên thơ, ánh nắng rạng ngời. Cây chuối bị lũ trẻ con vặt sạch lá đã hồi sinh, dưới chân tôi, cỏ non mơn mởn nhú lên giữa một trảng cỏ úa từ mùa đông năm ngoái, xen lẫn hoa xuyến chi trắng muốt. Có lẽ do vừa được nghe những lời uyên bác của thầy Nguyên Quảng, đầu óc tôi mơ màng theo miền sâu thẳm nào đó. Một điều gì nhẹ nhõm trong mình... Tôi ngồi chơi giữa những luống hoa cho tới khi phía chân trời chuyển màu vàng nhạt mới gọi các em về.


Các bác Phật tử đã đi độ một giờ trước, chỉ còn mẹ tôi giữ thầy lại trò chuyện. Mẹ sai tôi ra vườn hái rau. Thầy thấy vậy, biết cũng muộn bèn ngỏ ý ra về. Mẹ tôi tiễn thầy tới cửa, vẫn liến thoắng:


- Vâng, nhà con thường ăn chay dài ngày. Mấy con bé cũng thế. Các bữa cứ rau dưa, đậu phụ, lạc rang đơn giản thôi ạ…


- Thế thì tốt quá, cả nhà ăn chay.


Tôi buồn rầu ngừng tay vì khó chịu. Mẹ tôi đang nói quá, đúng ra thì nói dối: nhà tôi không ăn chay thường xuyên, các bữa vẫn thịt cá, chỉ có những ngày đặc biệt trong tháng như mùng một, hay ngày lễ lạt mới ăn thôi. Nhưng tôi không thể thành thực điều đó được, nên tôi đành trút cảm xúc bằng cách bứt mạnh rau thêm.


Đột nhiên, thầy đã thong thả xuống vườn, đến gần bên chỗ tôi từ bao giờ:

- Con cũng ăn chay hả con?


Trước giọng thân tình ấy, tôi khó mà che giấu giúp mẹ nổi. Tôi lưỡng lự trông mẹ đang đứng ở bên kia vườn nhìn. Sau chừng năm giây, tôi đành ngập ngừng:

- Thỉnh thoảng ạ.


Tôi lén ngước lên, thầy mỉm cười, hình như cái gì thầy cũng biết. Tôi băn khoăn trong lòng, tôi muốn nói cho thầy nghe, mà nói làm sao để mẹ không biết…?

(Kể đến đây, chị có vẻ ngượng nghịu và tự hào:

- Nghe hơi ly kỳ một chút, nhưng nó là sự thật.)


Tôi thốt ra một câu tiếng Anh mà cô giáo dạy tuần trước:

- She is lying. (Mẹ con nói dối đó.)


Hình như thầy lại mỉm cười, sau phút bất ngờ, thầy hỏi nhỏ tôi cũng bằng tiếng Anh:

- She lied to me? (Mẹ con nói dối thầy hả?)


Lúc này thì tôi lại muốn nói đỡ cho mẹ. Có lẽ đó là tật "sĩ diện hão" của người lớn, mẹ chỉ muốn đưa ra và phóng đại một chút những gì tốt đẹp của mẹ để khiến thầy vui lòng. Song nhiều lúc chúng ta cần cái thành thực để thêm quý mến nhau hơn.


Tôi bối rối nhìn thầy, thầy nhìn tôi và rồi quay ra trông mẹ tôi phía xa. Hình như thầy thấu hiểu những ý nghĩ từ đáy lòng đó. Thầy vẫn nói bằng tiếng Anh:

- But a lie is a lie. (Nhưng nói dối là nói dối.)


Mẹ đã gọi vọng tới. Tôi vội theo chân thầy ra khỏi vườn.


Mẹ bảo:

- Vào nấu cơm đi con.


Mẹ chào thầy, kính cẩn dặn dò thầy giữ sức khỏe, thi thoảng hội họp với các Phật tử tại gia như hôm nay. Thầy hòa ái đáp lời, không mảy may buồn phiền gì. Tôi đâm ra cảm phục thầy. Băn khoăn mãi, tới tận lúc thầy sắp đi, tôi mới dám gọi:

- Con thưa thầy…


Câu sau tôi nói bằng tiếng Anh:

- Nói dối là nói dối ạ.


Thầy mỉm cười, xoa đầu tôi. Đợi thầy đi rồi, mẹ hỏi mãi câu đấy có nghĩa gì, nhưng tôi lắc đầu không chịu hé miệng. Sau này tôi lớn lên, ký ức dần nhạt nhòa đi. Lạ thay, cứ mỗi lần toan nói dối, tôi lại trù trừ. Tôi không nghĩ về lý lẽ đúng sai, cũng không cố kéo mình đi ngay thẳng bằng những lời thầy cô, ba mẹ dạy dỗ, không có chút gì trong đầu chỉ dẫn. Tôi chỉ nhận rõ một điều: Nói dối là nói dối.


Chuyện đã hết. Chị không kể gì nữa, hai chúng tôi chỉ ngồi im để tự soi tìm về những ý nghĩ của đáy lòng, cho đến khi chị nghe một đứa con mếu máo:

- Mẹ ơi, con đói…


Chị đứng dậy, nhẹ nhàng mở cửa đi vào, bắt đầu dạy cho những đứa con hiểu bài học đầu tiên về lời nói dối của mình.