10
2
536 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

OS3 - [Review] Kitchen


Tôi đọc “Kitchen” những ngày Thượng Hải chớm đông, khi cái rét chưa kịp tràn về nhưng những cơn gió vội vàng vẫn tới tấp thổi hằng đêm, không quên mang theo hơi may se sắt. “Kitchen” mở ra một vườn chữ miên man, âu sầu nhưng không yếu đuối, ưu tư nhưng không bi lụy, thẩm thấu và làm ấm những trái tim cô đơn giữa lênh láng chông chênh của tuổi trẻ…

… Ấy là câu chuyện lạ lùng của Mikage Sakurai trong cuộc vật lộn với nỗi cô độc sau cái chết của bà mình. Nhờ lòng tốt của nhà Tanabe, cô chuyển đến sống với Yuichi và người mẹ “lạ lùng” của cậu. Nỗi cô đơn vô định, lạnh buốt nhưng trong suốt, bao trùm trái tim của hai mẹ con Tanabe và cả chính cô là điều cô nhận ra khi sống trong căn nhà chật ních những thứ đồ đắt tiền, thiếu sự bình thản nhưng ăm ắp sự sẻ chia. Cũng từ sau khi bà mất, Mikage gắn bó hơn với những căn bếp. Căn bếp, dù ở nhà cũ hay ở nhà Tanabe đều là nơi cô tìm thấy sự thanh thản và niềm đam mê với cuộc sống, nơi khiến cô không thể không nhẹ nhàng chăm chút bằng cả trái tim mà nếu còn lưu lại chút hơi ấm thì cũng không dành cho bất cứ một điều gì khác ngoài bếp. Căn bếp nhà Tanabe, vì thế, cũng từng nhộn nhịp và lấp lánh dưới bàn tay chăm chút và tâm hồn tỉ mỉ của Mikage. Nhưng nó nhanh chóng nguội đi và ngắt lạnh sau khi Mikage rời khỏi đó và nhất là… sau cái chết của cô Erico – bố và cũng là “mẹ” của Yuichi. Nỗi cô đơn thậm sâu khiến tâm hồn hai người bạn: Mikage và Yuichi đi lạc khỏi thế giới thực nhưng lại tìm thấy nhau tại nơi mà sự đồng cảm và niềm khao khát cuộc sống gia đình yêu thương rất đỗi bình dị hòa quyện với nhau, tự nhiên mà kì diệu lạ lùng!

Câu chuyện như một thước phim điện ảnh với tiết tấu chậm, được kể bằng nội tâm của nhân vật nữ chính, truyền đến người đọc, người xem cảm thức về thời gian, không gian ngập tràn sắc màu, đầy ắp suy tư và sự cô đơn không nguôi yên của những người trẻ - những người mà cảm thức thời gian, không gian vừa mông lung, vừa rõ rệt, vừa quẩn quanh vừa sắc nét, đặt họ vào thế chống chếnh trong cuộc sống hối hả vô định.

Như nhà thơ Huy Cận từng viết: “Mất bề rộng, ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh”, “Kitchen” của Yoshimoto phả ra hơi lạnh mơn man trên từng trang viết khi kết nối tự nhiên từng mạch cảm xúc của nhân vật. Hay đúng hơn, là xúc cảm và tâm tư của chính cô. Tôi, và chúng ta, cũng sẽ tìm được mảnh bản thể của mình đâu đó trong nỗi cô đơn mơ hồ của tuổi trẻ gợi lên qua câu chuyện của nữ văn sĩ Yoshimoto.