bởi Sora_no_Kiku

55
6
1767 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

OS3 - [Review] Kitchen


Mình đã từng nghe tiền bối nhắc đến “cô Chuối” từ khá lâu trước khi quyết định mua Kitchen vào một ngày lang thang trong nhà sách. Tất cả những gì mình biết đến Banana Yoshimoto gói gọn trong cách gọi “cô Chuối” của anh chị tiền bối và một câu nhận xét chung chung “nhẹ nhàng”. Cho nên, khi quyết định mua Kitchen, chính bản thân mình cũng không chắc lắm, nhưng bởi Kitchen – căn bếp, danh từ mà mỗi lần nghĩ đến đều khiến mình thở ra nhẹ nhõm được nên cuốn sách đã trở thành cuốn mình mua duy nhất ngày lang thang hôm ấy.

Để mô tả về Kitchen, mình sẽ dùng từ ‘dễ chịu’, hay ít nhất đối với mình là thế. Dễ chịu ngay từ những câu mở đầu, ‘Tôi nghĩ rằng nơi tôi yêu thích nhất trên thế gian này là bếp’, ngay lúc đó chính mình cũng tự gật đầu bởi một câu trần thuật giản dị, nhẹ nhàng mà cũng phần nào nữ tính. Bằng cách khởi đầu như thế, mình bước đi dưới sự dẫn dắt của một ngòi bút mềm mại. Đến nỗi đi qua những cái chết trong câu chuyện, mình cũng không cảm thấy áp lực đè nặng lên lồng ngực. Nói như vậy không có nghĩa là câu chuyện không buồn. Nỗi buồn theo câu chữ đến với mình không phải như một cơn giông bất ngờ. Nó tựa như một ngày trời đầy mây xám, trĩu nặng nhưng vẫn heo hút gió, mưa không đến và bầu trời xám ấy vẫn ở đó. Có lẽ vì thế mà mình luôn cảm thấy sẽ tiếp tục đọc, đọc cho đến hết cuốn sách dù phải qua rất nhiều lần ngừng lại. Man mác, cái cảm giác lơ lửng đó thấm đượm trong mỗi câu chữ dẫn dắt của cô Chuối, và mình chẳng vì lý do đặc biệt nào, lại yêu thích lối viết này vô cùng. Kỳ lạ thay, không gợi tò mò, thật sự bản thân mình chẳng tò mò nhưng luôn tiếp tục dấn chân sâu vào nỗi buồn của nữ nhân vật chính, vào cái cách mà cô đi cùng, có đôi lúc rơi nước mắt và rồi vượt qua nó. Sức hấp dẫn không nguyên do ấy làm mình thấy thích thú trước một ngòi bút bình lặng, mềm mại giống dòng nước của Banana Yoshimoto. Chọn điểm nhìn từ nữ nhân vật chính, kể lại bằng ngôi thứ nhất, tự nhiên điều đó khiến bản thân mình cảm thấy sự gần gũi trong mỗi câu kể hơn. Mình biết, với ngôi thứ nhất, bao giờ mọi chuyện cũng dễ dàng hơn, giống như tự bản thân trải qua vậy. Nhưng ngoài ưu điểm dễ trôi ngòi bút thì ngôi thứ nhất cũng mang lại không ít khó khăn khi muốn bày tỏ câu chuyện dưới nhưng góc độ khác, muốn bộc lộ cảm xúc của những người khác. Có lẽ vì thế mà đôi khi mình hơi hụt hẫng trước cách các nhân vật khác thể hiện cảm xúc của họ qua lời kể của nhân vật chính. Nhỏ thôi, cho nên mình nghĩ cũng chẳng sao, dù gì đây vẫn là câu chuyện cuộc đời của một cô gái, cô ấy chỉ kể lại một đoạn thời gian khó khăn cùng mối tình chớm nở của cô ấy mà thôi.

Đã dành lời mà nói về sức hấp dẫn kỳ lạ của văn cô Chuối mà không nói về người khiến mình đi gần hết chiều dài cuốn sách thì thật là sự thiếu xót không nhỏ. Sakurai Mikage, cô gái nhân vật chính của Kitchen, cô yêu bếp và có lẽ cũng yêu nấu ăn, nhưng việc đó mơ hồ hơn. Mở đầu bằng nỗi đau mất đi người thân duy nhất, trong cái cảm xúc vừa giống như lơ mơ chưa tỉnh cơn ác mộng, lại vừa giống như cô đơn sinh ra sợ hãi của cô, Mikage kể lại những sự việc xảy đến với mình. Mình thấy một cô gái đang run rẩy nơi đó, nơi nỗi buồn hiện hữu thành bóng đen chực chờ ập xuống mà cô gái thì muốn trốn chạy. Nói vậy nhưng mình không thấy nặng nề, có lẽ chính vì cách mà Mikage đối mặt với nỗi buồn thương của chính cô. Cô gái ấy có khóc không? Có chứ, mình đã nghĩ đó là điều tất yếu khi cảm giác bị bỏ lại một mình trong thế giới bao la ập đến với Mikage vào cái ngày cô thực sự dọn hết đồ đạc trong căn nhà cũ nơi cô đã từng gửi những năm tháng bình yên với người bà. Nhưng chỉ lúc ấy thôi, bởi Mikage từ chối sự bi lụy. Trong sự mềm mỏng, có phần nào đấy gần giống như lạnh nhạt với mọi thứ của Mikage, trong sự yếu đuối mà cô gái nào rồi cũng có những khi bộc lộ ra, Mikage lại khiến mình yêu thích bởi thái độ của cô đối với nỗi mất mát của bản thân. Cô đã từng chìm vào đó nhưng lại không bị nhấn chìm, Mikage vẫn tiếp tục bước đi, tự khiến cho mình vượt qua bằng niềm vui nấu nướng ở căn bếp nhà cậu bạn Yuichi. Câu chuyện không xoay quanh căn bếp, nó về nỗi buồn của Mikage, về nỗi buồn của Yuichi, về nỗi buồn của rất nhiều người khác trong thế giới của Mikage. Không vì chuyện nỗi buồn mà cuốn sách trở nên u ám, ít nhất với mình là thế khi mình thấy được những đốm sáng, khi mình nghĩ đến cách Mikage cố gắng vượt qua, khi cô an ủi Yuichi lúc biết tin Eriko mất, khi cô ngốc nghếch vượt qua cả quãng đường dài, mạo hiểm trèo vào phòng trọ của Yuichi chỉ để mang cho cậu một món ăn mà cô cảm thấy nó ngon đến nỗi sẽ là điều bất công nếu như cậu không được thưởng thức nó,… Có lẽ đây thật sự là sở thích riêng của mình khi mình luôn ưa thích, ngưỡng mộ những cô gái giống như Mikage, mềm mỏng, dịu dàng, sở thích rất nữ tính nhưng luôn mạnh mẽ và quyết đoán đến không ngờ vào những khi cần thiết.

Bên trên mình đã nhắc qua, bởi vì Kitchen được kể lại dưới cái nhìn của Mikage cho nên những nhân vật khác, bao gồm cả Yuichi-người-có-khả-năng-trở-thành-người-yêu-của-Mikage đều giống như đứng trong một màn sương mờ đối với mình. Mình không đủ rõ về Yuichi và sự dịu dàng tốt bụng kỳ lạ của cậu hay Eriko ‘người mẹ cũng kỳ lạ nốt’ của Yuichi. Chắc đây là điều duy nhất khiến mình cảm thấy hơi ‘khó ở’ khi kết thúc Kitchen. Có lẽ điều này không giống với chuyện chú từng nhắc với mình khi mình còn đang đọc dang dở cuốn Kitchen. Chú bảo Kitchen hơi hụt hẫng (?) vì nó bỏ ngỏ lại cho người đọc, để họ ở lại với cái cảm giác băn khoăn với kết thúc cũng như kết cấu của cuốn sách. Khi mình đọc đến điểm cuối của Kitchen để qua Bóng trăng, nơi Mikage, Yuichi đều biến mất không còn dấu vết, nơi mà vẫn là một ‘tôi’ kể câu chuyện nhưng lại là sự hiện diện của Satsuki, Hitoshi, Hiiragi, Urara, ban đầu mình hơi ngạc nhiên nhưng lật lại mục lục thì bản thân mình không thấy băn khoăn. Kitchen kết thúc rồi, nó chỉ đến đó thôi, Yuichi sẽ đón Mikage khi cô trở về, với mình, thế là đủ.

Đến với Bóng trăng, mình lại không ấn tượng bởi ‘tôi’ như Kitchen nữa. Mình thương cảm cho Satsuki là thật, cũng ngưỡng mộ cách mà Satsuki rồi sẽ bước qua nỗi đau mất đi người yêu là Hitoshi, cảm thấy nhẹ nhõm khi cuối cùng Satsuki cũng có thể từ biệt với Hitoshi, chấp nhận sự thật cả hai đã âm dương cách biệt. Lạ thay, không giống như Mikage, với Satsuki mình chỉ thấy thế thôi. Người khiến mình chú ý hơn cả lại là Urara, cô gái mà chẳng ai biết liệu cô có thật sự tồn tại hay không. Urara đến, mang Satsuki ra khỏi nỗi buồn của cô. Với Hiiragi thì mình không chắc Urara có làm điều đó hay không nhưng cái hiện tượng kỳ ảo đó thực sự khiến cho Urara như thể một thiên thần mỉm cười dạy người ta bước qua những nỗi đau quá khứ. Bước qua chứ không phải chôn giấu và lãng quên, mình tin là thế. Bất kể việc Satsuki nhìn thấy Hitoshi hay bộ đồ thủy thủ của Hiiragi biến mất có thực sự diễn ra hay không thì hai người vẫn sẽ tiếp tục bước đi. Không ai quên đi Hitoshi hay Yumiko cả, giữa họ vẫn là mối quan hệ thân thiết xuất phát từ người đã ra đi nhưng họ tiếp tục con đường của mình, viết tiếp những điều mới mẻ, chấp nhận để nỗi đau buồn ghi lại trên trang giấy cuộc đời.

Cho dù Kitchen và Bóng trăng có vẻ không mấy liên quan nhưng lại được đặt chung trong một cuốn sách, cùng được dẫn dắt bằng ngòi bút dịu dàng, man mác, không hề đè nặng của Banana Yoshimoto, mình chợt thấy mối liên hệ giữa nhưng nỗi buồn thương đó. Buồn và đẹp, chắc là vậy. Thật sự không giống như những ‘nỗi buồn’ khác mà mình từng được đọc trong kiến thức hạn hẹp của mình về văn học Nhật Bản.

Sau Kitchen, có lẽ mình sẽ tìm đọc Vĩnh biệt Tsugumi của Banana Yoshimoto. Vì một chiếc tựa đề nghe cuốn hút, cũng vì bản thân mình chót phải lòng cách ‘cô Chuối’ viết. Dù chưa biết bao giờ mới hoàn thành nhưng hi vọng là bản thân có thể tiếp tục đọc và viết review.

Cuối cùng, chiếc review lan man này của mình hoàn thành rồi! Hoàn thành sau không biết bao nhiêu ngày tháng mà bản thân mình rơi vào tình trạng bế tắc không thể ‘dụng ngữ’. Lại hy vọng chiếc review bé tẹo này có thể khai phá, ‘mở khóa’ cho bàn phím của mình.

Buổi tối tốt lành.

Yêu thương gửi đến tất cả những người đã chịu khó cùng kiên nhẫn đọc đến tận dòng lảm nhảm này của mình.

Di.