29
3
1426 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

OS3 - [Review] Trăm năm cô đơn


Cái kì cục của cuốn sách là nó khiến cho bạn nửa đêm thức giấc cũng phải nghĩ xem là gia đình ấy bắt đầu từ đâu, Jose' Arcadio con cả đã lấy ai, đã sinh ra con tên gì hay có bao nhiêu Aureliano tất cả thảy ... Kì cục hết sức! Đọc xong truyện rồi mà cứ nghĩ về nó như một nỗi ám ảnh thật sự!

Cũng không hiểu động lực nào đã khiến cho mình tiếp tục đọc cuốn sách dày gần 500 trang bản dịch ấy, trong khi nửa đầu cuốn sách mình luôn miệng phàn nàn "Thật là dài dòng và lằng nhằng hết sức!". Không biết bao nhiêu lần mình có cái khao khát được vẽ cây gia phả gia đình nhà Buendia' ra giấy để được thông suốt một phần. Đôi khi khi đang giữa câu chuyện, mình giật mình hỏi: "Ơ thế Santa Sofia de la Piedad là ai? Sao lại xuất hiện trong gia đình nhà Buendia?" hay như "Amaranta này là Amaranta nào?" hay "Ai là "Fernanda?" Thật không thể hiểu được sao mình đã cố gắng được tới tận trang cuối! Còn nữa, cái hy vọng tìm nhân vật chính trong câu chuyện, hy vọng điều bất ngờ, hy vọng nút thắt, cao trào... trong các câu chuyện thường thấy bị phụt tắt và nguội lạnh luôn khi đọc câu chuyện kì lạ này. Đôi khi không hiểu rốt cuộc nhân vật chính là ai, chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Hay khi đang đọc về nhân vật này, muốn biết được luôn kết cục xảy ra với người này thì đùng một cái tác giả chuyển hướng sang nhân vật khác. Hoặc khi tác giả đề cập tới cái chết của một nhân vật nhưng cứ bắt độc giả phải đợi cho tới mãi hồi sau mới biết nguyên nhân vì sao người ấy chết.

Ôi cái dòng họ Buendia và cái ngôi làng Macondo cũng thật kỳ lạ. Nếu bạn mong đợi một điều gì bình thường từ câu chuyện thì bạn nên dừng lại. Ở đâu mà có người vác súng bắn vào họng bạn thân của mình chỉ vì một câu nói kháy, ở đâu có mọi người nhìn cảnh một đứa cháu, chắt mình bay lên trời với thái độ dửng dưng? Ở đâu có cảnh gia súc gia cầm sinh đôi, sinh ba và cứ thế nhân lên mà chẳng cần chăm sóc gì nhiều ngoài việc đưa một người phụ nữ đi dạo quanh chuồng trại nhà mình? Ở đâu có kiểu quan hệ chung chạ cô cháu, hay những mơ tưởng sai trái bà-cháu... Một gia đình với toàn tên Jose Arcadio, Arcadio, Aurelanio, Amaranta, Remdeios, Ursula... làm người ta bối rối không biết rốt cuộc đây là Arcadio nào, Aurelanio nào, Amaranta nào, ... là ông cố, là ông nội, là con, là cháu hay là chắt... Ôi một nỗi ám cảnh kinh hoàng về việc đặt tên. Và phải chăng chính cái cách đặt tên ấy là nguyên nhân của mọi sự kết nối, mọi sự trùng lặp? Hoặc thoảng đôi khi xuất hiện một cái tên ngoài dòng họ, thì bạn lại phải ngồi tự mình suy nghĩ xem nhân vật này xuất hiện từ khi nào. Có khi đang đọc mà bạn giật bắn mình: "Ơ người này còn sống sao?" Ôi cái bộ não của con người thật hết sức chịu nổi với câu chuyện cũng như cách hành văn của tác giả. Người đâu viết văn kì cục hết sức!

Vậy là đã có lúc mình thực sự muốn dừng lại như dừng cuốn Lolita giữa chừng. Bộ não mình đã không cho phép mình phải cố công, dồn sức để hiểu nữa. Nhưng trong khi ấy, trái tim mình cứ như có sự thôi thúc nào đó "Đọc đi, cuốn sách ắt sẽ có phần hay." Tôn chỉ khi đọc sách của mình là "Một cuốn sách dù hay hay không hay thì nhất định cũng sẽ có phần hay." Như cuốn Lolita, dù biết chắc phần sau sẽ có những phần miêu tả nội tâm hay, hoặc do trình viết của tác giả, hoặc do tâm lý của nhân vật, nhưng chỉ là không thể tiếp tục được. Và tại sao lại mang Lolita vào đây? Dường như chẳng có gì liên quan tới nhau cả. Nhưng nếu không phải đã từng đọc qua từng trang giấy của Lolita thì hẳn mình sẽ dừng ngay cuốn sách này ngay từ những chương đầu tiên, khi mà Aurelanio hỏi cưới Remedios mới 9 tuổi, còn chưa kịp dậy thì. Disgusting, isn't it? Nhưng mình đã tiếp tục cố gắng...

Một gia đình kì lạ, gắn liền với một ngôi làng cũng rất đỗi kì lạ. Nơi mà bốn năm mười tháng trời mưa liên tiếp, không ánh mặt trời mọi thứ kể cả con người cũng mốc rêu, ... Nơi mà con người không có nhu cầu giao lưu với thế giới bên ngoài, không có mong muốn rời đi ... Nơi mà trước khi quan thanh tra tới thì chưa có một người nào chết vì bệnh tật hay tuổi già ... Nơi mà tất cả các ngôi nhà đều quét vôi màu trắng... Nơi mà những điều kì lạ xảy ra lại là những điều bình thường... Nhưng đó lại là nơi mà tiếng chim hót suốt cả ngày, tới mức thu hút những người dân digan tìm tới theo tiếng những chú chim. Nơi đại tá Aurelanio cùng 21 người rời làng kêu gọi khởi nghĩa chống chế độ Bảo hoàng. Nơi mà cũng có những dãy nhà, dãy phố, việc buôn bán trao đổi xảy ra, có cả đường xe lửa, cả công ty chuối, cả những vụ đình công ... Một nơi rất thật! Đã có lúc trong khi đọc, mình nghĩ đúng ra ngôi làng này mới là "nhân vật chính".

Nhưng không, bởi lẽ tiêu đề câu chuyện là "trăm năm cô đơn" cơ mà. Ngôi làng hẳn không cô đơn. Vậy ai "cô đơn". Là Amaranta hận thù cô em họ Rebecca, từ chối lời câu hôn của anh chàng Pietro Crespi khiến chàng ta tự vẫn, rồi lại từ chối đại tá Gerineldo Marquez dù lòng rất nhớ nhung? Hay là Ursula cô đơn cả quãng đời sau khi người chồng mất đi? Ursula, một nhân vật hết sức đặc biệt. Một người mẹ, người bà, người cố nội dùng hết trí lực và sức lực của mình bảo vệ, phát triển ngôi nhà, nuôi dưỡng, dạy dỗ con cái, cháu, chắt, chút... nên người. Hay người cô đơn là đại tá Aurelanio, người trở về sau cuộc chiến. Dù cả đời chinh chiến, có cả thảy 17, 18 đứa con nhưng vẫn cô đơn, thu mình trong căn phòng giả kim? Hay một nhân vật vừa đáng ghét, vừa đáng thương Feranda, ngày lấy chồng là ngày đầu tiên cũng là ngày cuối cùng được hạnh phúc... Mình cũng không biết nữa... Có lẽ là cả dòng họ Buendia? "... bởi vì những dòng họ bị kết án trăm năm cô đơn không có dịp may lần thứ hai để trở lại làm người trên mặt đất này."

Một câu chuyện kì lạ nhưng lại cũng rất thật. Mình thích đọc đoạn thời gian khi cụ bà Ursula bị mù và nhìn mọi thứ bằng "tâm". Mình thích đoạn miêu tả ấy, vì bề nổi hành động không cho chúng ta biết thật ra trong lòng nhân vật nghĩ gì. Chẳng ai biết sự cô đơn, sự sợ hãi, sự yếu hèn bị giấu đi đâu...

Một cuốn sách vừa thật vừa ảo. Có khi nào trên mặt đất đã từng có một dòng họ Buendia như vậy? Đã từng có một Melquiades sống đi, chết lại và làm bóng ma trong căn nhà suốt trăm năm... những tấm da thuộc mà sau trăm năm mới giải được mật mã "Người đầu tiên của dòng họ bị trói vào một gốc cây và kiến đang ăn người cuối cùng của dòng họ."

"Kì lạ và lôi cuốn", nếu có thể được nhận xét cuốn sách chỉ trong vài chữ như vậy. Nhưng cũng không tránh khỏi những đoạn miêu tả quá 'thật' những cảnh thân mật, đụng chạm hoặc những đoạn khiến não bộ bình thường đặt những câu hỏi mơ hồ.

Đọc vừa là chịu đựng lại vừa khiến con người ta thỏa mãn trí tò mò.

Truyện cùng tác giả