bởi Le Lemon

8
0
3330 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Phần 1


Dưới gốc đào, chiếc bàn đá đặt ngoài sân sau chùa lâu lắm mới thấy có người ngồi. Gió thổi trên đồi cao, hơi lạnh rơi theo cánh đào, dừng lại bên ấm trà đất nóng.

- Tưởng ai, ra là chú Vương.

Tà áo nâu nhà chùa chạm mắt cá cậu Niên Kha loạt soạt bên thềm lá rụng. Tiếng đôi giày vải dợm bước vườn sau chùa Diên Ninh.

- Khai niên. - Chú Vương gật đầu nhoẻn miệng cười. - Chậu lan của cậu năm nay khai hoa đúng hôm hăm tám nhỉ?

Cậu Niên Kha vốc gáo nước âm ấm đổ dưới gốc lan đáp “vâng” một tiếng.

- Tưởng sau vụ cháy là đi đời, thế mà mấy năm chưa lụi. - Chú Vương gật gù. - Lan năm nay đẹp quá.

- Cháu nghe cụ Từ dặn giờ Mão đổ nước một lần, giữa chiều lại đổ thêm một lần. Giống lan này háu nước, chăm như năm ngoái thì lá vẫn chưa xanh, chồi cũng chưa lên thế này. - Cậu thả gáo trở lại trong thùng gỗ, đứng người dậy. - Chú Vương ngồi đây nhé, cháu ra ngoài hiên quét lượt trưa đã.

Bóng lưng gầy, thẳng tắp của cậu cả nhà ông Bá Thanh khuất sau tán bồ đề trăm tuổi rồi mất dạng. Chú Vương tựa người vào gốc đào, gượm giọng ngâm một câu ca lưu truyền trong thôn:

“Dáng xanh đành gửi bóng trăng câu,

Tha thiết hồn ai khóc mối sầu?

Se chỉ luồn khâu tình chắp vá,

Nào ngờ chỉ đứt, bãi nương dâu.”

- Anh Vương cứ mồng hai không đi kiếm củi là lại lên thăm tôi ấy nhỉ?

Cụ Từ miệng bỏm bẻm miếng trầu têm, chống gậy bước ra ngoài.

- Năm nay tới hơi muộn đấy. Tôi là tôi chờ anh Vương mãi.

- Cụ Từ. - Chú Vương cười cười, lắc đầu. - Cụ cứ trêu, phải tội.

- Ơ hay, thế tôi nói gì sai?

Chú Vương trăm miệng không cãi được người già, cười xòa rót cho cụ Từ một chén trà mạn.

- Thôi tôi kính cụ chén này tạ tội. Rượu mơ Yên Tử nhé, không say không về.

Cụ Từ liếm môi.

- Đấy, nói ra lại nhạt mồm nhạt miệng lắm. Phải dồi lợn mà chấm mắm tiêu thì…


- Cái cụ này… - Chú Vương cười khà khà. - Sư cụ khổ nhất cụ thôi đấy.


- Ấy cha, chết chả, be bé cái mồm không sư cụ lại mắng chết chửa tôi.

- Thế cụ lên trông chùa từ hôm nào?

- Giời ạ, anh lại chả rõ nhất, đi cùng cậu Niên Kha đây này, hôm hăm ba thả cá là lên rồi. Cu cậu chỉ sểnh ra là nhồng lên chùa ngay.

- Thì cũng từ hôm cháy…

Cụ Từ nhíu mày khoát tay cố ý huých vào vai chú Vương. Chưa thấy người nhưng tiếng đã đánh vọng từ hướng lư đồng đằng xa.

- Cụ với chú nói gì mà vui thế, cho cháu nghe với nào.

- Nói với cô Tư Nghênh chả khác gì nói cho cả làng, cả tổng nghe. Tôi già nhưng chửa có lẫn cô ạ.

Cô Tư Nghênh nhà ông phú Liễn vẫn giữ điệu cười mà chẳng gượng, sán bên trái cụ Từ.

- Cụ này, cụ cứ nói thế. Con chỉ tay chân mồm mép thế thôi, chứ sao được lòng người như cụ, như anh Niên Kha nhà cụ.

- Thôi, xin cô. Cậu nhà tôi khỏi cần cô khen.

- Thế… - Cô Tư Nghênh liếc mắt, khéo đưa chiếc quạt tròn cầm tay che miệng nhỏ giọng hỏi. - Anh Niên Kha đâu cụ?

- Hả? Cô Tư nói cái gì?

Cô Tư nuốt nước bọt, dòm tứ phía, ý nhị nhìn chú Vương rồi mới gượm họng nhỏ giọng lần nữa.

- Anh Niên Kha đâu rồi ạ?

- Hả?

Nói tới lần thứ ba thì cô Tư Nghênh đã bắt đầu thẹn, cô dấm dúi kéo tay cụ Từ sát phía mình rồi nói nhỏ vào tai cụ. Rõ khéo, nói nhỏ thế nào mà chú Vương ngồi đối diện cụ Từ vẫn nghe rõ mồn một.

- Con hỏi là anh Niên Kha nhà con đâu rồi cụ?

- Anh nhà nào? Vớ va vớ vẩn, cậu nhà tôi chứ nhà cô đấy hả? Cô cậu chung đụng gì nhau mà…

- Con nói nhầm, nói nhầm thôi. Đấy, cụ nghe rõ mà cứ làm bộ làm tịch. Thế… - Cô Tư Nghênh cong mắt cười. - Cậu nhà cụ đâu rồi?

- Chịu. Tôi chả biết.

- Cậu chắc quanh quẩn sân ngoài, sân trong quét lá cô ạ. - Chú Vương nhấp một hơi trà. - Cô cứ tìm…

- Có duyên khắc thấy. - Cụ Từ nói chêm lời. - Chẳng cần chỉ.

Cô Tư Nghênh dưỡn dẹo một hồi thì cũng đứng dậy. Con hầu Đạm cúi gằm mặt bước theo sau cô, trên tay vẫn ngay ngắn bưng đĩa đồ lễ.

- Đấy, đấy, nhìn có ngứa mắt không. Mông với chả đít, cứ xoắn quẩy như con đỉa phải vôi.

- Cụ Từ, cụ Từ, nào nào, cụ uống chén trà bớt nóng.

- Không phải, tôi là tôi chỉ không ưa…

Chú Vương nhìn theo chiếc áo tứ thân màu trầm hây hây dưới nắng của con Đạm, khẽ lắc đầu buông một câu thở dài.

- Không phải như cụ nghĩ đâu.

***

Chiều mồng hai trời đổ cơn mưa phùn. Sáng còn hửng nắng, quá giờ Ngọ chốc đã kéo mây âm u. Gò đồi đá tái xám trong cơn mưa bạc, con hầu Đạm đứng tần ngần ngoài hiên. Ngó thấy nó từ phía cửa cánh trái ban Thánh Hiền, cậu Niên Kha lục đục kiếm chiếc ô giấy dầu cất trong kệ gỗ, đưa cho chú Vương.

- Cậu không đưa mà lại để tôi?

Chú Vương cười đùa, rồi cũng đứng dậy.

- Đạm này, cầm đi.

- Dạ? - Con Đạm hơi ngẩn ra. - À… - Nó đánh mắt vào gian trong. - Con chưa lễ tạ. Cô Tư kêu chốc có mưa thì cũng có người tới đón con về.

Chú Vương ngần ngừ rồi cũng kéo chiếc ô về phía mình.

- Ừ. Thế thôi.

Con Đạm không nỡ ý tốt, lại bồi hỏi một câu:

- Chú Vương qua giêng mới xuống thôn ạ?

- Ừ. Xin sư cụ ít cơm cháo với tí nước suối ngâm vò rượu rồi về đốn củi tiếp thôi.

Tiếng cười khe khẽ. Con Đạm trông chẳng thướt tha yểu điệu như cô Tư Nghênh, dáng nó đầm hơn, da cũng đen hơn nhiều. Bù lại chiếc má lúm với hàm răng đều như bắp thì chẳng ai sánh được. Nét duyên y đúc lấy từ mẹ nó, cô ả đào Khương cuối thôn Liêu Hạ. Bóng ngọn lửa nào cháy rực trong một đêm ba mươi lại quẩn quanh hiện về.

Chú Vương trông ra phía hàng lan can đá tạc theo hình búp sen, tặc lưỡi. Giá mà… thì có khi chẳng đến nỗi. Chú trông ra màn mưa phùn, vô thưởng vô phạt mà nói với cái Đạm.

- Mưa quá. Ra khóc mà đứng dưới mưa, lại giả bộ cười thì chẳng ai biết. Nhỉ?

***

Cậu Niên Kha có một hũ rượu ngâm sau vườn nhà chùa, dưới gốc đào cổ chú Vương vẫn hay ngồi dựa lưng. Chum đất, không phải loại qua tráng men, màu nâu xù xì, không họa tiết hay hoa văn gì. Cậu ngâm năm năm, mười năm, rồi mười lăm năm, từ hồi cậu mười ba, hăm ba, rồi giờ là hăm tám. Hũ rượu vẫn ủ dưới lòng đất, cậu cười mà nói với cụ Từ.

- Con ngâm rượu đế với hoa đào. Cứ để đó, giờ mà mang lên, cụ lại cười con thối mũi. Ai đời lại hạ thổ rượu đế hoa đào.

Cụ Từ không cười, vờ như không có chủ ý mà nói.

- Dùng được rồi đấy.

Cậu Niên Kha không trả lời cụ, chừng đã lảng đi lên ban trên thu lễ. Cụ Từ trông theo bóng cậu bước lên bậc thang đá, lắc đầu rồi thôi.

- Cụ không phải lo cho cậu. Tết năm nay, ít ra cậu nhà cũng đã trông đỡ hơn rồi.

- Còn anh nữa đấy. Không phải không nhắc thì không có chuyện đâu.

Tiếng chổi xể quét sân nghe khô khốc. Chiếc lá khô giòn vỡ đôi trong cái nắng chiều muộn. Chú Vương đi ba bước, nhìn qua cổng tam quan vẫn đang mở cửa.

- Biết thế. Nhưng sao mà quên được hả cụ?

- Cứ nhắm mắt mở mắt, phiên phiến thôi. Anh cứ phải đau đáu mãi làm gì. Lỗi không tại anh.

Tiếng thở dài quanh quẩn.

- Cậu Niên Kha…

- Đừng có giữ xưng hô kiểu đấy. Anh biết thừa nó cũng rõ hết chuyện rồi còn gì. Chuyện nó buồn là tại thằng Thanh.

- Mãi từ hồi vụ cháy…

- A! Duyên quá, thế nào mà con lại gặp cụ với chú thế này.

Dáng áo lụa đào của ai đon đả bước lại gần.

- Này, cô Tư Nghênh này. Cô cứ mặt trơ trán bóng, lì lì như con trâu thế nhỉ?

- Ơ kìa cụ… - Chú Vương vội vàng ngăn cụ Từ. - Cô Tư, cô lại ghé. - Chú đánh mắt về phía con Đạm. - À, cái Đạm hôm nọ nghe lời cô Tư có gửi lại thẻ hương thơm lắm, cậu Niên Kha cứ dùng suốt. Gian trên đang thắp, Đạm, đưa cô lên trên coi thử.

Mặt cô Tư Nghênh lúc này mếu xệu, mắt ầng ậc nước.

- Cụ bảo… Cụ bảo… Con với… con gì…?

Cụ Từ hếch mặt, chống tay vào cán chổi, chẳng thèm liếc cô Tư Nghênh một cái.

- Thôi cô… Cô đi với con…

Đạm ôm lấy cô Tư, cố đẩy cô ngược về phía khu Tiền Tế.

- Con có giống con trâu đâu! - Cô Tư đi được nửa đường, uất ức hét ngược về phía sau.

- Không trâu thì bò, giống cả thôi.

Cụ Từ cũng chả vừa, đốp lại cho bằng được, mãi khi chú Vương kéo cụ ra tít đằng ngoài cổng cụ mới thôi.

- Tôi đã bảo cụ rồi. Cái Tư Nghênh không có ý với cậu Niên Kha nhà mình đâu.

- Hừ. - Cụ bĩu mỏ. - Sai thì mai tôi ăn trầu không vôi. Con gái con đứa.

- Cụ này, cụ nhớ lão Bá Thanh đối xử với cậu Niên Kha thế nào không? Giờ cụ hệt đúc lão đấy.

- Tôi thèm vào mà giống cái thằng ranh đấy. Đáng đời nó lắm, bữa giờ, cậu Niên Kha chẳng tết nào thèm về thăm cái mả mặt nó. Cho nó chừa.

- Cái cụ này. - Chú Vương vừa nhíu mày, vừa cười. - Ngoa nhất thôn Liêu Hạ cấm có sai đâu.

- Không phải, tôi chỉ là tôi không ưa…

Lúc này đằng xa vẫn có tiếng hét của cô Tư Nghênh.

- Cụ Từ! Con có giống con trâu đâu!

- Cụ Từ ơi! - Lần này là giọng cậu Niên Kha. - Có khách.

Đúng lúc trời đổ một cơn mưa. Cụ Từ dắt díu chú Vương chạy sang khu Tiền Tế.

- Thôi chuyện trò với anh sau, đi đón khách đã.

Tưởng là khách nào, hóa ra là lão Bá Thanh. Cụ Từ bĩu môi trông mấy giò lan hồ điệp lão mang lên chùa.

- Cô Tư Nghênh, cô có thích lan không? - Cụ Từ đột nhiên quay sang hỏi.

Cô Tư Nghênh nổi tiếng vốn ghét hoa. Cô nhăn mặt, trề môi với cụ.

- Không cụ. Xấu chết!

- Ừ đấy. Đem gì không đem. Mang mấy giò lan, chẳng hiểu được cái tích sự gì.

- Cụ Từ. - Ông đồ Bá Thanh cúi đầu chào cụ Từ, bước ra sau hàng trai đinh bê hoa.

- Vời anh. - Thoắt cụ Từ đã bỏm bẻm cười. - Quý hóa quá, mấy giò lan… - Cụ huých vào tay cô Tư.

- Xấu chết!

Nụ cười của ông đồ có tiếng nhất thôn Liêu Hạ cứng đờ.

- Cô Tư đúng khéo đùa. - Ông khẽ cười trừ.

- Ai đùa với ông. - Cô Tư Nghênh xách mé chẳng nể nang.

- Mấy giò lan thôi thì cũng có lòng của ông đồ Bá Thanh nức tiếng.

Cụ Từ không cản cô Tư, lẳng lặng tiếp lời.

- Mà tiếc quá năm nay sư cụ dặn nông dân mất mùa gạo, tết làm đơn giản chứ không linh đình. Gọi là san sẻ cùng thập phương, ông đồ mang mấy chục giò lan quý tới biếu thế này, chùa Diên Ninh nhận không đặng.

- Cụ nói thế, tôi làm gì mang tới mấy chục…

- Mong ông đồ mang về cho. Chúng tôi coi như là đã nhận tấm lòng thành tâm của ông rồi.

- Cụ làm khó cho tôi quá. Cụ xem… - Ông đồ vẫn nặn ra một nụ cười trên gương mặt xương xẩu. - Tôi đã nhờ năm cậu trai làng mang tới. Biết là ai lại kể khổ đầu năm, lại là quà đem dâng chùa, nhưng cụ cũng thương cho. Mang đi mang về thế này…

- Ơ cái ông này buồn cười nhỉ?

- Thôi cô ơi. - Cái Đạm níu tay cô Tư Nghênh nhỏ giọng.

- Được rồi, đành nhờ chú Vương chỉ chỗ đặt mấy giò lan này vào sân trong. Các cậu theo chú Vương, còn ông đồ, ông cứ ngồi ngoài này làm chén trà với tôi. Đạm, vào bảo bên trong sắp cho cụ ấm trà mạn rồi con đem ra đây. - Cụ Từ híp mắt, nói liền một hồi, ý chừng cản lão Bá Thanh ngóng vọng vào trong. Cụ cười khẽ. - Mà anh Bá Thanh cứ nhấp nhổm thế nhỉ? Trông anh hình như không phải đến để biếu mấy giò lan. Chị nhà dạo này sao rồi hả?

Mặt ông Bá Thanh tái nhợt, ông cúi gằm đầu không ngẩng lên để nói câu gì.

- Mấy hôm phía thôn dưới lên kể, chị nhà có vẻ ăn sung mặc sướng lắm. Hết qua hàng bánh giò ông Liêm Sẹo kể chuyện, lại quàng sang hàng bún riêu ả đĩ Thoa. Mà cũng đâu phải chuyện mới gì cho cam. À, cái Đạm nhanh quá. Chè lên rồi, vời ông.

- Về tôi sẽ dặn lại nhà nó. Ai đời năm mới tết đến…

- Thì chị nhà cũng vui miệng chuyện cũ thôi. Hồi đấy, hai anh chị cũng bằng lòng lắm. Nhỉ?

Tiếng trà mạn rót từ từ ra chén. Mùi nhàn nhạt. Vị thanh ấm nóng tràn qua khoang miệng, để lại hậu vị chan chát. Nước trà không nóng sực, chỉ vừa phải âm ấm. Bụng lão Bá Thanh vốn không chịu được đồ nóng, uống trà từ xưa tới giờ chỉ uống nước đã rót ra chén ngoài một lúc. Có cậu cả nhà lão biết tính, thường đổ nước nguội bớt cho lão dùng ngay.

- Không biết… - Lão Bá Thanh ấp úng. - Dạo này nhà chùa… sao rồi?

- Cũng được may mắn, phật tổ phù hộ độ trì, sư cụ nhà chúng tôi vẫn tốt.

- À… - Lão Bá Thanh gãi gãi ngón cái. - Vậy các tăng ni, với các cụ… À, thế mấy cụ với mấy trai đinh lên trông chùa từ hôm nào? Có ăn ở ngủ nghỉ tốt không ạ?

- Tôi thì chỉ thèm tí rượu Yên Tử, đĩa dồi lợn chấm mắm tiêu thôi. Chứ hôm nào cũng rau cỏ nhạt mồm nhạt miệng. Còn đâu thì tốt cả. Ông đồ cần gì phải lo lắng.

- À, mấy nay đều rau cỏ thôi ạ? - Lão lặp lại, ý chừng hơi lo lắng. - Thế cụ có rét, mấy nay…

- Anh Bá Thanh này, tôi bảo thẳng anh nhé. Tính tôi chả có chữ nghĩa, lòng vòng như anh đâu. Nếu hôm đấy anh đã quyết thế thì từ rày đừng có trèo lên đây làm gì. Lo lắng làm gì cho cậu nhà. Chả ai muốn thấy cái mặt anh đâu. Về mà chơi với bà cả Mậu. Đấy, anh uống nốt chén trà rồi đi cho tôi nhờ.

- Cụ… Có gì cụ chuyển lời cho tôi. - Lão lắp bắp, biết không cản được ý cụ Từ, liền nói nhanh. - Công dưỡng hơn công sinh. Tôi không có giận nó nữa. Sau nó đi nhiều nơi, nom đâu cũng vui, nhưng mà nó có đi đâu thì cũng không đâu bằng nhà nó…

- Thôi thôi thôi, anh im cái miệng cho tôi nhờ. Đầu năm tôi không muốn rước bực mình vào người. Tư Nghênh, Tư Nghênh đâu, tiễn ông Bá Thanh đi này.


***

Ánh trăng đổ bóng chữ “vạn” trên cửa sổ in lên sàn nhà. Đốm lửa dưới bếp củi đun bập bùng cháy, hắt sáng bên tường.

- Cậu Niên Kha có thèm ăn gì không? Tôi tiện làm cho. - Cái Đạm ngồi trong góc bếp, nhanh nhẹn cho thêm rơm rạ vào lửa đốt.

- Thôi, cô cứ làm gì thì làm.

Thoáng im lặng lúng túng đậu trên vành tai đỏ của con hầu Đạm. Cậu Niên Kha trông xa xăm theo bóng lửa đỏ liu riu cháy, để lại đốm rơm tàn. Cậu hít một hơi nhè nhẹ, buột miệng nói.

- Có cời lửa thì cẩn thận, kẻo bỏng.

- Đêm khuya thanh vắng, cậu Niên Kha có gì mà phải qua tận bếp hỏi con Đạm nhà tôi đấy?

- Cô Tư cô lại lên chùa. - Cậu Niên Kha quay người cúi đầu tỏ ý chào.

- Biết cậu có tài, lên làm quan to, đỗ bảng vàng, đem trâu đem ngựa về vinh quy bái tổ, nói có người nghe, đe có người sợ nên tôi mới muốn nương nhờ ở cậu. Nhưng không phải kiểu dò hỏi cửa hậu thế này đâu cậu à.

- Thôi cô. - Con Đạm vẫn cúi đầu, liếc hờ mắt nhỏ giọng với cô Tư.

- Cô Tư Nghênh hiểu nhầm tôi rồi. - Cậu Niên Kha cười. - Lửa rơm khéo bén, tôi sợ không ra trông sớm, lửa lại cháy cả chùa.

- Cậu… - Cô Tư trợn mắt.

- Thôi để tôi đi cho cô vui.

Cô Tư Nghênh liếc xéo nhìn cậu hai nhà ông đồ Bá Thanh, bước vào trong gian bếp khó chịu trông cái Đạm. Mùi thuốc bắc đã bắt đầu nồng theo hơi khói. Cô Tư ngồi thụp xuống, kéo hai tay cái Đạm để vào lòng mình. Con hầu Đạm luống cuống, ngã người ngồi bệt xuống sàn. Mắt nó đảo như lạc rang trong khi người đã hơi run run.

- Nó làm gì em rồi? - Cô Tư Nghênh hơi xẵng giọng.

Con hầu Đạm thở khẽ một hơi, ngước mắt nhìn cô Tư vừa nhíu mày hờn dỗi.

- Khổ quá cơ… - Nó trách. - Cô cứ thế. Ai dám làm gì em. Cả cái làng này ai dám làm gì em. Ai mà dám, cô lại chả chửi cả tông cả ti người ta lên, cô cứ thế này, đến tai phú ông…

- Việc gì phải sợ. - Cô Tư bật cười, khẽ đánh yêu vào tay cái Đạm. - Chị em mình cứ bỏ trốn, mang theo thật nhiều vàng, thật nhiều lụa, đi đâu cũng được. Đạm đi theo Nghênh, thế là được rồi.

Có thể bạn cũng thích