bởi Mỹ Diệu

117
11
1664 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Phần 1


Mẹ ơi, con đã về rồi ạ!





Đồng hồ điểm mười giờ đêm, hai mắt tôi lờ đờ muốn sụp xuống, đầu óc toàn những con số tính toán rồi những giáo trình lộn tùng phèo. Ngày nào cũng như ngày nào với những bộn bề trong học tập và công việc, tôi đều phải cố gắng tới tận khuya, khi cả khu xóm chỉ còn những bóng đèn điện sáng mờ và vài con chó ở khu kế bên sủa khi có người ngang qua. Tôi đều phải tận lực để hoàn thành mớ bài vở trên đường sau khi vừa làm về.

Năm nhất vô đại học, nhà tôi nghèo lắm má dành dụm mấy tạ thóc để trong nhà với mấy con heo nuôi mấy năm đem bán hết để mà dồn cho tôi kinh phí để học hành cho bằng bạn bằng đời, bằng với lối xóm. Hồi còn bé xíu, có lần cô giáo của tôi mới về dạy ở làng, cô giao bài tập về nhà cho chúng tôi với đề tài sao

"Hãy viết một bài văn tả ước mơ của em".



Ngay vừa cầm cái đề người tôi đã mềm như bún, tay chân run lẩy bẩy, đời tôi làm gì có cái ước mơ nào mà để viết đây chứ. Rồi tôi ngồi ù lì ở cái bàn cuối góc mãi tới khi bác trưởng làng đi ngang qua đóng khóa cửa lớp thấy tôi mới đuổi về. Tôi thẩn người lết từng bước dài đi qua từng con đường, lòng bâng quơ nghĩ xem cái gì gọi là ước mơ cơ chứ? Nghĩ tới nghĩ lui thì tôi đã về tới cửa nhà, má đang đứng ngoài sân đội chiếc nón lá nhặt mớ rau để nấu bữa trưa. Tôi thất thểu bước lại gần má rồi chào má.

Má nhìn tôi mặt buồn bã, lời nói thì cứ lí nhí trong mồm. Má kêu tôi lại bảo đứng yên đưa cặp cho má xem

"Lại điểm kém rồi chứ gì? Mày có biết ăn mấy con ngỗng đực là mốt tao cho mày ra đường ở khỏi cơm nước nữa không? Thầy giáo cô giáo dạy không nghe ngồi nghịch mấy con cào cào mới bắt chiều với con Tư cuối xóm phải không?"

"Phạt rồi chứ gì? Đưa tập vở đây coi!"

Má lườm tôi. Hai tay lật tung những trang sách kiểm tra xem nay tôi đã phạm lỗi gì. Sau một hồi lâu, trời nắng to hơn. Đàn chuồn chuồn rủ nhau bay từ đâu đến đậu trên áo của má, một vài con vui đùa với bông hoa mướp mới nở. Trong đám đó có con chuồn chuồn với đôi cánh đỏ cam xen lẫn đôi mắt ti hí nhỏ đang bơ vơ đứng đậu vào bờ rào. Tôi lén lút, di chuyển hai chân thật nhẹ lại gần đó, giơ tay ra tính chộp để chiều nay có con mà khoe với con Tư thì bị cái nhéo tai đau điếng của má. Má lôi tôi vào trong nhà, rót ly nước rồi đưa tôi

"Uống đi rồi nói má nghe, nay mày đã làm gì sai mà mặt thế kia?"

Cầm ly nước, tôi uống ực cố trôi cho hết mấy câu của má, giả lơ như quên mất chuyện gì. Tôi nhìn ra sân, lòng tiếc hùi hụi vì vừa mất một thứ đắt giá. Đối với mấy đứa trẻ nhỏ ở xóm tôi, có được một con chuồn chuồn hay cào cào là như có quyền lực trong đám hẳn. Con Tư bữa nó bắt được một con chuồn với đôi cánh màu xanh lục, cả đám phải quỳ xuống năn nỉ, đổi hết kẹo rồi tới bánh chỉ để có một cơ hội nhỏ để ngắm con vật ấy. Tôi ganh tỵ với nhỏ đó lắm, tôi nghĩ thầm nếu nãy mà má không làm tôi thét lên tiếng la lớn là đã có thể như con Tư rồi. Giận má tôi ngồi im lặng không trả lời, uống xong cốc nước đặt trên bàn.

"Nói đi xíu má mua cho mấy củ khoai lang tím nha"

"Thật không má? Má nói hứa giữ lời đó. Móc ngéo đi rồi con tin".

"Má hứa".

"Dạ cô giáo bảo viết bài văn tả ước mơ của em ạ".


Má nhìn tôi một lúc lâu, hai tay đan chặt vào nhau rồi đôi mắt má cụp xuống hé lộ mái tóc đen nhánh điểm vài tóc bạc. Tôi im lặng không nói gì, tôi sợ má buồn vì biết đâu má cũng không có câu trả lời về ước mơ như tôi. Làng của tôi sau bao năm lao động cần cù, năm nay mới có giáo viên về dạy. Ai ai trong đầu cũng suy nghĩ theo kiểu ủa ông bà, cha mẹ làm gì con cái làm đấy, "cha truyền con nối". Đời má sáng thì ra đồng, chiều về ngả lưng trên cái phản cũ bị mối mọt vài chỗ, tới tôi thì lại nai lưng ra giã thóc giã gạo. Khi tôi còn bé, tôi phải thường xuyên ra nhà ngoại ngủ vì má thường về rất khuya còn tôi thì hay khóc nhè.

“Thế sao con lại buồn? Ước mơ của con là gì thế?”

“Dạ có con chuồn chuồn đỏ hồi nãy ạ”.

Tôi buột miệng nói ra, lòng không chút suy tư gì cả. Trong suy nghĩ của tôi chỉ làm sao có được một con chuồn chuồn thật đẹp để khoe cho bằng bạn bằng bè. Mà người ta bảo ước mơ chính là mong muốn mong ước của chính mình, có khi con chuồn chuồn ấy của tôi cũng được xem là một ước mơ chính đáng. Má không nói gì chỉ lấy hai tay xoa đầu tôi rồi nhẹ nhàng bảo

“Ước mơ chính là con đường tương lai sau này của con ấy. Con muốn bắt chuồn chuồn để nuôi mình sau này sao?”

“Dạ thế thì con muốn làm như má ạ, không chỉ nuôi đủ con mà còn có thể nuôi cả má nữa má nhỉ”

“Thôi đi cô nương nịnh tui hoài nha, nói chớ ước mơ là phải có mà nó phải đẹp, chứ ai lại đi mơ cái nghề làm ruộng nay được bữa này mai mất bữa kia, phụ thuộc vào ông trời chứ. Hơn nữa, con của má lại còn được cắp sách vở tới trường phải học cái ngành gì cao sang một chút chứ ai lại học cho đã xong về cày ruộng như má chứ?”

“Tý không hiểu, phải mơ ước cái gì thì mới đúng ạ”

“Họa sĩ vẽ tranh cho thiếu nhi nè, rồi giáo viên như cô giáo thầy giáo đang dạy con đó, giảng cho những trẻ con học cách viết chữ a, chữ o, chữ b rồi học cách đọc.”

 

Tôi nhìn lại bức thư tháng trước má viết gửi lên, rồi cười mỉm, hai nước mắt rơi ra lúc nào không hay. Tôi ân hận vì lúc đó trách mắng má sao cứ rườm rà học hành trên này bận chết đi được, đã vậy còn gửi ngay lúc đường ngập nước, mưa suốt ngày hại tôi phải lao thân bắt hai tuyến xe buýt ra bưu điện để mà nhận. Tôi giận mình vì cái thói ích kỉ, không biết trân trọng tình cảm của má dành cho. Nghĩ lại tôi là đứa đầu tiên duy nhất trong cái lớp mà toàn dân thành phố, họ chẳng bao giờ có lấy một lá thư người nhà gửi lên hỏi thăm. Tôi đứa duy nhất từ Bắc vào Nam và theo học, học cái ngành dạy trẻ, nói chuẩn hơn thì là giáo viên như hồi xưa má nói. Lí do tôi có duyên với ngành này cũng vì má khuyên má bảo học để có ích cho đời, mốt về làng mà dạy cho tụi nhỏ nghèo không chữ. Từng lời nói từng chữ dạy dỗ má dặn tôi tôi đều ghi nhớ rõ trong lòng, ngày mới vào đây tôi quyết tâm học cho thật tốt không chơi với ai cả kể cả làm thêm cũng không làm. Nhưng chỉ là khoảng hai tháng đầu thôi, sau đó vì tiền nhà tiền nước tiền điện lên vùn vùn đòi hỏi tôi phải bước ra đời, ngày đêm phải lọ cọ tìm trên cái máy tính bàn cũ của người chủ để lại mà xem nơi nào đang cần người. Rồi sau đó nữa, tôi quên má, nỗi nhớ nhung má đã dần nguôi đi. Tôi không thường xuyên điện về hỏi xem má khỏe không, cũng chẳng viết thư để nói rằng nhớ má nữa. Tôi bận, bận tối mày tối mũi vì hết việc rồi tới bài vở, thậm chí vài cuộc gọi má gọi khi tôi đang làm, tôi cúp mà chẳng gọi lại. Tự dưng tôi thấy bản thân sao sống vô ơn với người sinh thành của mình vậy? Sao khi ta quá lớn, ta đều không muốn nói chữ yêu thương với người bên cạnh như lúc còn trẻ con cớ chứ? Ba chữ “con yêu má” ngày xưa cứ thấy má mệt, mổ hồi đổ ướt lưng cả tấm áo nâu của má, lại ôm chặt lấy má mà nói mà khóc mếu máo vì thương má. Ba chữ “con nhớ má” hồi mới tới lớp học sau khi rời khỏi vòng tay ấm áp của má đều đứng ngoài cửa lớp mà khóc to gào thét, không muốn xa má. Vậy mà giờ đã gần một năm trời, tôi ở cái xứ lạ này đều đã quên cái câu nói đó. Mỗi đêm đều có thể cô đơn ngồi bên chiếc bàn làm tới tận hai giờ sáng mà không suy tư gì cả.

Tôi mở hòm tủ lấy ra quyển sổ đang kẹp lá thư của má.