1015
13
950 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

[Review] Bánh Bao Nhỏ và Nắm Cơm - Tác giả: Lạc Ảnh



Nắm cơm nhỏ

Trong cặp sách

Bánh bao trắng

Gói giấy dầu

Nắm cơm nhỏ ăn lâu vẫn đói

Bánh bao trắng nửa gói đã no

Đã bao giờ bạn từng cảm nhận qua loại tình cảm mà trên cả tình bạn, hơn cả tình yêu? Một thứ tình cảm đơn thuần nhất, trân trọng nhất của bạn dành cho một người nào đó có lẽ ai cũng từng một lần như vậy. “Nắm Cơm”, “Bánh Bao Nhỏ” hai cái tên nghe sao thật gần gũi và nhỏ bé, tuy là hai món ăn chẳng ăn nhập gì với nhau nhưng khi nhìn lại thì cái ý nghĩa ẩn sâu nó mới thật sự là điều mà chúng ta cần hướng tới.

 

Nói đến tình cảm giữa “Nắm Cơm” và “Bánh Bao Nhỏ” thì bất giác chúng ta lại liên tưởng đến những câu chuyện vỡ lỡ thời thanh xuân. Tình yêu đầu luôn là thứ tình cảm tinh khiết và đẹp đẽ nhất, bởi lẽ là họ đều dành hết những thứ tốt đẹp với người mà họ trân trọng. Nhưng nhìn qua thì có lẽ do chính cái tuổi vẫn còn ngây ngây dại dại khiến cho “Bánh Bao Nhỏ” kia chưa đủ dũng khí để bày tỏ để rồi vụt mất khỏi bàn tay như gió thoáng qua. Họ thân với nhau, cùng nhau trải qua cái thời đùa nghịch với cát nghe sao thật giản dị, xa nhau rồi lại về với nhau, nhưng sự rụt rè không dám mở lời kia từ lúc nào đã trở thành sự đau đớn chỉ mỗi “Bánh Bao Nhỏ” chịu đựng.

 

“Bánh Bao Nhỏ” và “Nắm Cơm” không hề có lấy một lời tỏ tình, cả hai gắn bó với nhau như một tri kỷ không thể thiếu của nửa kia, họ dành cho nhau tình cảm đẹp đẽ nhất chưa bao giờ phai màu ngay cả khi đã trưởng thành. Cái tên “Bánh Bao Nhỏ” cũng như “Nắm Cơm” không phải tự nhiên mà đặt cho có, bởi lẽ hai con người này có sự yêu thích nhất định với chính món ăn như tên gọi của họ. “Nắm Cơm” thì thích ăn cơm nắm muối vừng, còn “Bánh Bao Nhỏ” thì thích cái vị bánh bao mà “Nắm Cơm” tặng. Cô nàng mỗi khi thấy “Nắm Cơm” là cứ mặc sức chạy ù đến, chìa tay ra đổi cái cơm nắm muối vừng của mình để lấy chiếc bánh bao trên tay “Nắm Cơm”. Dù cho sự nhút nhát của “Bánh Bao Nhỏ” khi nghe những tin đồn không tốt về nàng thơ của mình, dù cho mọi người xung quanh đều không thích nàng hay là sự đổi khác của cả hai không còn như lúc nhỏ thì cái tình yêu kia cũng chưa bao giờ vơi đi một phân nào trong lòng “Bánh Bao Nhỏ”.

 

Phải nói rằng sự dẫn dắt của tác giả rất chắc nịch, từng tình tiết đưa ra không hề có chút gượng gạo, từ cái thời thơ bé rồi từng lá thư tay của “Bánh Bao Nhỏ” khi xa cách với tình yêu dịu dàng của mình cho đến khi gặp lại nhau lần nữa. Sợi dây gắn kết giữa hai người họ chưa bao giờ tồn tại hai chữ “người dưng”. Cách hành văn của tác giả rất độc đáo khi khéo léo sử dụng những con chữ gần gũi, quen thuộc tạo nên một khung cảnh dễ đi vào lòng người đọc. Giọng văn nhịp nhàng như tiếng nước chảy róc rách, lúc trầm, lúc bổng, lúc thì lại cuồn cuộn như nỗi lòng của nhân vật. Những câu từ riêng biệt chính là nét đặc trưng của tác giả, nhưng có lẽ cũng vì thế mà đôi phần khó đọng lại cho người xem một âm hưởng riêng biệt.

 

Câu chuyện giữa “Bánh Bao Nhỏ” và “Nắm Cơm” xoay quanh tình cảm đơn thuần của “Bánh Bao Nhỏ” dành cho “Nắm Cơm” làm cốt với cách sử dụng ngôi thứ nhất làm nền tảng. Xuyên suốt tác phẩm có lẽ thứ còn đọng lại duy nhất chính là hai cụm từ “Bánh Bao Nhỏ” và “Nắm Cơm”. Cái hình ảnh mộc mạc đó đã thành công gợi lên được những ký ức tuổi thơ của biết bao người, ký ức ùa về sau nhiều năm đã đóng bụi. Mở đầu truyện ngắn là một bài thơ đầy ẩn ý nhưng khi kết thúc lại là một dòng trạng thái hững hờ để chấm dứt tất cả tạo ra biết bao hụt hẫng cho người đọc.

 

Tình cảm của họ đơn thuần là thế, tan rồi lại hợp, hợp rồi lại tan, cho dù là ai có tình yêu mới hay là lên xe hoa thì tình yêu kia có lẽ vẫn luôn còn đó, vẫn luôn là một tri kỷ bên nhau suốt cuộc đời. Tuy chỉ là một tập truyện ngắn nhưng hầu như không chỉ khắc hoạ rõ nét được nội tâm nhân vật mà còn khéo léo lồng ghép những tình huống xã hội vào đó, tròn trịa không kém sự tinh tế. Một tác phẩm khó để chê nhưng cũng thật khó đi vào lòng người nếu ta không thật tâm mà cảm nhận. Cũng có lẽ những tản văn buồn về thời thanh xuân đã không còn là thể loại hiếm gặp, nhưng mỗi một tác phẩm đều mang một màu sắc khác nhau, mỗi một văn phong, mỗi cách xây dựng tình tiết đều là đánh dấu sự khác biệt của mỗi tác giả khi gửi gắm mỗi thông điệp của mình qua từng tác phẩm.

Truyện cùng tác giả