bởi Janeyeno

626
2
1221 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

[Review] Quê nội - Võ Quảng


Tác phẩm: Quê nội

Tác giả: Võ Quảng

Thể loại: Tiểu thuyết thiếu nhi, Văn học Việt Nam

Reviewer: Janeyeno

.

QUÊ NỘI - QUÊ HƯƠNG VÀ CÁCH MẠNG

Xuất bản vào năm 1974 (có nguồn ghi 1973), “Quê nội” là truyện dài của nhà văn Võ Quảng, lấy bối cảnh tại làng Hòa Phước, tỉnh Quảng Nam, vào thời điểm sau Cách mạng Tháng Tám. Đây là một trong số ba tác phẩm của Võ Quảng giúp nhà văn nhận được Giải thưởng nhà nước năm 2007.

Với nội dung mang đậm phong vị đất và người xứ Quảng, “Quê nội” mô tả cuộc sống nơi làng quê, thông qua những sinh hoạt thường ngày của nhân vật “tôi” – một đứa trẻ tên Cục sinh sống tại Hòa Phước, và Cù Lao – một cậu bé trạc tuổi Cục, mới theo cha quay trở về. Từ những công việc bình dị như làm cỗ mừng, thăm nhà thầy cúng, chăn trâu, nuôi tằm,… cho đến lớp học thêm của thầy Lê Hảo hay buổi dự khán các hoạt động của đội tự vệ làng, đôi lúc Cục và Cù Lao đưa độc giả trở về những ngày ấu thơ yên ổn nơi làng quê, đôi khi lại là từng giây phút khi nhân dân đồng tâm tham gia cách mạng.

Từ cù lao Chàm đến ngôi làng bên sông Thu Bồn…

“Nó cứ trầm trồ là ở đây ai cũng giàu, cũng nhiều đồ dùng, nhiều của. Cái gì nom cũng lạ, khác chỗ nó ở, chỉ thấy lưới với thuyền. Thuyền nào cũng giống như nhau cả. Ông Kiểm Lài làm nghề tráng bánh đa, nghèo xơ xác, nó cũng cho là giàu, vì ông có nào cối xay bột, nồi tráng bánh, cái sấy bằng tre, mành bằng nan. Nó cho anh Bốn là người giàu nhất, vì anh có đến hai mươi cái nong, bảy cái nia, một cái đuổi để tằm.” – Trích “Quê nội”.

Cù Lao – một cậu bé sinh xa quê, theo lời kể của nhân vật “tôi” là đen nhẻm, tiếng nói trọ trẹ, đầu trọc lóc, nom đến buồn cười. Thằng bé sinh ở đảo, sống xa quê từ nhỏ nên rất khác với chúng bạn tại Hòa Phước, các hoạt động thường nhật tại đây đối với nó bỗng trở nên biết bao mới mẻ và phi thường. Mặc dù vậy, ngay cả khi Cù Lao có khác với thằng Cục hay thằng Thân ở xóm chợ, thì chúng âu cũng chỉ là những đứa trẻ lớn lên trong thời cách mạng. Những đứa trẻ sốt ruột muốn trở thành người lớn, những đứa trẻ hăm hở để được theo chân cha chú đánh giặc, những đứa trẻ phấn khởi vì lớp xóa nạn mù chữ, những đứa trẻ Việt Nam với cái sự thuần khiết, tinh nghịch và trong trẻo của tuổi thơ.

Bên cạnh hai nhân vật chính, Võ Quảng cũng nhắc đến chú Hai Quân – cha của Cù Lao, hay chị Ba, anh Bốn Linh, ông Bảy Hóa, bà Hiến,… – những con người giản đơn và có phần ngây thơ, nhưng luôn mang trong mình một niềm tin kiên định vào tương lai của đất nước. Họ cùng chung sống dưới mái làng bên sông Thu Bồn, tuy khác dòng máu, nhưng lại luôn đối xử với nhau như một gia đình. Chẳng cần điều gì cao sang hay giá trị xa vời, “Quê nội” chỉ đơn thuần là cuộc sống rất đỗi thân thiện và gần gũi giữa người với người, nhưng chính điều ấy lại làm nên nét đặc biệt của tác phẩm.

Quê hương và cách mạng…

“Cũng chỉ ngày mai ngày kia thôi, ruộng đất sẽ về tay nông dân, nhà máy, hầm mỏ về tay công nhân. Nhà ta khỏi ăn cơm gạo bắp, chị Ba ăn cái gì chị Ba thích, cần xài bao nhiêu cũng được, ăn tiêu tùy cần, làm việc tùy sức.” – Trích “Quê nội”.

Bên cạnh những sinh hoạt diễn ra thường ngày nơi quê hương, nhà văn Võ Quảng cũng lồng ghép vào đó những đấu tranh và phong trào cách mạng thời bấy giờ. Tác phẩm vừa bộc lộ được sự bình dị, hài hước và bộc trực của người dân xóm làng, lại cũng thổi hồn vào nhân vật những tấm lòng trung trinh dành cho đất nước, tình yêu với độc lập tự do. Cuộc sống của một ngôi làng sau Cách mạng Tháng Tám, những đổi mới từ khoảnh khắc nhân dân hồ hởi vì giành được “quyền làm chủ”, lớp học xóa nạn mù chữ, tất cả đều được khắc họa chân thực nhưng không hề nặng nề trong “Quê nội”.

Với giọng văn giản dị đan xen tình tiết hài hước, nhà văn Võ Quảng không hề đi quá sâu vào nội tâm nhân vật mà chỉ tập trung vào miêu tả những sự kiện, hay dáng vẻ, lời nói, cách hành động của từng con người tại Hòa Phước. Chính vì lẽ ấy, “Quê nội” tuy mang nhiều ý nghĩa nhân văn, nhưng nội dung lại chẳng hề thiếu đi sự thanh bình và tươi mới. Thả hồn theo dòng thời gian nơi xứ Quảng, cho dù sự kiện nào đó có nặng nề hay buồn bã, nhưng qua góc nhìn của nhân vật “tôi” – đứa bé tên Cục em trai chị Ba, thì câu chuyện ấy cũng được nhuộm thêm màu hi vọng, kiên định tin tưởng vào một tương lai tươi sáng.

Dành cho thiếu nhi, nhưng lại hướng đến độc giả trưởng thành…

Là một tác phẩm hướng đến thiếu nhi nhưng lại nhận được niềm yêu thích ở độc giả trong mọi lứa tuổi, không hề quá khi nói rằng “Quê nội” là một trong những tác phẩm văn học kinh điển tại Việt Nam. Qua các chi tiết như lớp xóa nạn mù chữ của thầy Lê Hảo, xem tằm tốt tằm xấu, làm cỗ mừng trong làng,… tác phẩm chắc chắn sẽ khơi dậy đôi chút kí ức sống động nào đó về làng xóm những năm cách mạng, những kí ức của thế hệ cũ, những kí ức đã bị vùi sâu theo thời gian khi mọi nơi đang dần trở nên đô thị hóa.

Dưới lăng kính của thế hệ trẻ đương đại, cái sự khác biệt rõ nét của những ngày xưa cũ ngày một hiện ra rõ ràng hơn bao giờ hết. Thời buổi bây giờ, hiếm hoi làm sao để bắt gặp cái cảnh đám trẻ choai choai chơi trò giật lá, hay những buổi tiệc mừng người về làng, tiếng cười tiếng nói nô nức như trẩy hội. Phải là dịp quan trọng thì mới mặc áo dài, và bộ quần áo chỉn chu cộng thêm chiếc mũ phớt cũng là điều gì đó sang trọng, bảnh bao lắm.

Hãy đọc “Quê nội” để hiểu về con người đất Quảng. Hãy đọc “Quê nội” để học thêm những sinh hoạt và truyền thống nơi thôn xóm. Hãy đọc “Quê nội” để nhìn thấy lịch sử của quê hương cùng cách mạng. Và trên hết, hãy đọc “Quê nội” để tìm thấy sự bình yên trong những con chữ và từng lời văn.