bởi Trang Trang

13
5
1703 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Review "THIÊN HẠ KỲ NỮ"


"Thiên Hạ Kỳ Nữ" xoay quanh hành trình của Lưu Tịnh Nhi, Thái Mẫn quận chúa của An Hòa quốc, một cô gái sống giữa thời chiến loạn liên miên, khi mà tình yêu nam nữ cũng chỉ là cát bụi mong manh nếu so với vận mệnh đất nước. Lưu Tịnh Nhi là phận nữ nhi nhưng nàng lại mang trong mình giấc mộng kinh bang tế thế của những bậc nam nhi. Dưới ngòi bút của tác giả, Lưu Tịnh Nhi hiện lên với vẻ ngoài vô cùng hoàn mỹ, dung nghi tú lệ, giọng nói uyển chuyển còn bên trong lại là một cô gái trầm ổn thông minh, đa mưu túc trí, mang trong mình nỗi ưu tư về nợ nước thù nhà và tấm lòng lo cho muôn dân trong thiên hạ.

Câu chuyện bắt đầu bằng cảnh cuộc chiến ác liệt tại thành Thiết Nam, khi ba vạn quân của An Hòa quốc đối đầu với mười vạn quân của Đông quốc, từ đó mở ra những trận đánh liên tiếp giữa các quốc gia để tranh giành thiên hạ. Đó có thể là những cuộc chiến bảo vệ quốc gia, đó cũng có thể là các cuộc chiến mưu cầu danh lợi cá nhân,... Tất cả tạo nên một câu chuyện về tình yêu, tình thân, tình ái quốc,... đan xen rắc rối.

Nếu phải nói thật lòng, thì ấn tượng đầu tiên của mình về truyện này không tốt lắm. Tác giả dẫn ra một bài thơ, thế mà lại sử dụng dấu gạch ngang ở trước câu đầu tiên. Dấu gạch ngang có rất nhiều chức năng, trong đó có một chức năng là trích dẫn lời nói trực tiếp của nhân vật, thế nên không thể dùng để trích dẫn thơ được (vì đây là trích dẫn gián tiếp).

Khi đọc giới thiệu của tác giả cũng như một vài chương đầu, mình đã kỳ vọng đây là một câu chuyện được xây dựng với nhiều chiều sâu, đan xen giữa tình cảm nam nữ và đấu tranh, quân sự giữa các quốc gia. Giọng văn của tác giả khá ổn, sử dụng khá nhiều từ Hán Việt mang đậm chất cổ phong, cũng như rất đầu tư để mô tả tỉ mỉ và dựng nên hình tượng Lưu Tịnh Nhi - một cô gái với bề ngoài dịu dàng, thanh nhã nhưng lại có một trái tim vô cùng cứng rắn, kiên định cùng một bộ não thông minh, tỉnh táo. Tuy nhiên, với mình thì "Thiên Hạ Kỳ Nữ" vẫn còn tồn tại một số khuyết điểm để có thể xem như một tiểu thuyết mang yếu tố đấu đá quyền mưu hấp dẫn và kịch tính.

Đầu tiên, dường như tác giả đã xây dựng Lưu Tịnh Thi là một nữ chính quá mức hoàn hảo, quá mức thuận buồm xuôi gió, đến mức gần như là không thực. Nàng sinh ra ở thời đại phong kiến, khi mà phụ nữ vô tài mới là đức, nữ nhi vốn phải chăm lo chuyện tề gia nội trợ. Còn chuyện đánh giặc bảo vệ quốc gia là trách nhiệm, cũng là vinh quang của đấng mày râu. Thế nhưng, Lưu Tịnh Nhi lại không hề gặp bất cứ trở ngại nào, thậm chí chỉ là một nghi ngờ nhỏ nhoi từ các bá quan, các tướng quân lão luyện của Đông quốc. Những người đàn ông trung niên chinh chiến trên sa trường, thế mà lại nhất nhất nghe theo, dễ dàng khuất phục dưới lời nói một cô gái chỉ mới mười sáu tuổi, một cô gái đáng tuổi con cháu của họ. Tác giả có nói đến việc tài trí của Lưu Tịnh Nhi đã sớm vang danh khắp An Hòa quốc. Nhưng mình thiết nghĩ, nói đến việc đánh trận trên sa trường, nơi mà binh đao không lưu tình thì nhiều khi kinh nghiệm và thực chiến quan trọng hơn cả sách vở lý luận binh thư. Mình cũng chưa thấy tác giả nhắc gì đến chiến công trên sa trường của Lưu Tịnh Nhi, cái mà có thể giúp nàng khẳng định uy thế và địa vị trong quân doanh. Thế nên, mình thấy nếu luận về tuổi tác, thâm niên, giới tính hay sức vóc, Lưu Tịnh Nhi đều lép vế hơn so với các vị tướng quân trung niên. Thế mà tất cả dường như đều tôn sùng và nghe lời Lưu Tịnh Nhi vô điều kiện. Mình hy vọng trong các chương tiếp theo, tác giả sẽ viết rõ hơn về quá khứ của Lưu Tịnh Nhi và lý do khiến nàng được tôn sùng và lời nói của nàng lại có ảnh hưởng trong quân đội như thế.

Ngoài ra, các đoạn miêu tả về quân sự, chiến tranh vẫn cho thấy một số lỗ hổng. Ví dụ như trận chiến tại thành Thiết Nam bên An Hòa quốc là bên thủ thành, thế nhưng lại được miêu tả là “xông ra mưa tên bão kiếm, tựa như đám thiêu thân đang lao đầu vào lửa”, chủ tướng thì hô vang “xông ra ngoài quyết tử”, còn binh lính cũng hét theo “Xông ra”. Cách miêu tả này khiến mình hình dung đến cảnh hai quân đang xông thẳng vào nhau đánh giáp lá cà. Nhưng rõ ràng quân An Hòa quốc đang thủ thành, đáng lẽ ra phải tận dụng lợi thế tường cao để che chắn, nhất là càng phải cố gắng phòng thủ ở trong tường thành, không cho quân địch vượt qua. Hành động xông ra như đang tấn công như thế này thật sự làm mình vô cùng thắc mắc, vì nó vừa làm yếu đi khả năng phòng ngự, tạo nhiều cơ hội cho quân địch xông vào trong hơn, vừa là cách đánh đưa quân vào chỗ chết không cần thiết. Chưa kể đến tình tiết đang giữa chiến trường, nếu nữ chính Lưu Tịnh Thi có được phép xuất quân cùng binh sĩ thì cũng phải mặc áo giáp, trang bị đầy đủ, tại sao lại xuất hiện với hoàng y, không vướng chút khói bụi nào, vô cùng nổi bật đến như thế?

Về tình cảm của nữ chính, hiện tại thì có ít nhất ba người đàn ông đang để mắt đến Lưu Tịnh Thi. Nhưng có lẽ tác giả quá chú tâm xây dựng hình tượng nữ chính nên cả ba người đàn ông này đều đem lại cho mình một cảm giác khá giống nhau: đều là võ tướng, võ công bất phàm, tâm tư sâu kín, là kiểu đàn ông bên ngoài thâm trầm bên trong nguy hiểm điển hình trong tiểu thuyết. Kiểu nhân vật nam như thế này chưa bao giờ là nhàm chán, nhưng cả ba đều xuất hiện trong truyện cùng một thời gian tương tự như nhau, hình tượng cũng tương tự như nhau. Điều này vô tình làm ấn tượng của các nhân vật nam để lại cho mình đều na ná nhau, không ai thật sự có điểm gì nổi bật để mình nhớ rõ, và có phần lu mờ trước nữ chính. Mình hy vọng ở các chương tiếp theo, các nhân vật nam này sẽ được khắc họa rõ nét hơn, và tỏa sáng theo cách riêng của mình.

Tạm bỏ qua những lỗ hổng trong tình tiết và nội dung, mình khá ấn tượng với sự cố gắng của tác giả khi xây dựng nên một thế giới cổ đại với đầy rẫy những âm mưu, tranh đấu đan xen, vừa là lợi ích quốc gia lẫn tư thù cá nhân. Tuy nhiên, mình thấy ở nhiều chỗ, những đoạn tình cảm đáng lẽ phải cảm động, những đoạn chiến đấu đáng lẽ phải kịch tính thì lại trở nên rời rạc, và thiếu liên kết bởi cách ngắt câu xuống dòng của người viết. Có những đoạn mà chỉ có mỗi một câu lẻ loi đứng một mình hay có những chỗ chưa cần xuống dòng mà lại xuống dòng khá lung tung. Điều này vô tình khiến cho mạch văn bị giãn ra, cho cảm xúc bị đứt đoạn và không liền mạch, 

Về các bài thơ xuất hiện trong truyện, mình thấy tác giả có chia sẻ rằng những bài thơ xuất hiện trong truyện vừa có những bài thơ mà tác giả sưu tầm, vừa có những bài thơ tác giả tự sáng tác. Mình rất ngưỡng mộ sự cố gắng và đầu tư này của tác giả. Tuy nhiên, mình cũng khá khó hiểu khi chỉ có bài thơ đầu tiên được trích dẫn mà có kèm theo tên tác giả, tên tác phẩm. Còn lại các bài thơ khác đều không rõ là tác giả sáng tác hay lấy ở đâu, hay là thơ tự sáng tác. Một số bài mình thấy sai luật bằng trắc, có bài thơ thì dường như lại mượn ý tưởng từ chỗ khác. Ví dụ ở chương 4 “Sông Tô Giang”, Lưu Tịnh Nhi có ngâm hai câu thơ như thế này:

“Vô tình kéo Đông, Đông liền đến,

Cố tình níu tuyết, tuyết lại tan”

Ý tứ, cấu trúc của hai câu thơ này khá giống câu nói sau trong “Tăng Quảng Hiền Văn” của Trung Quốc: 

有意栽花花不发,无心插柳柳成阴。

Hữu ý tài hoa hoa bất phát, vô tâm sáp liễu liễu thành âm.

Dịch: 

Có lòng trồng hoa, hoa chẳng nở

Vô tình cắm liễu, liễu lại xanh

(“Tăng Quảng Hiền Văn” là một áng văn tập hợp lại tất cả những những thành ngữ tục ngữ, những câu nói nôm na trong dân gian xen lẫn với các lời dạy thánh hiền của người Trung Quốc)

Thiết nghĩ, khi trích dẫn hoặc phóng tác thì tác giả nên bổ sung, chú thích nguồn đầy đủ để thể hiện sự tôn trọng đối với tác phẩm gốc.

Nói tóm lại, mặc dù vẫn còn một số thiếu sót nhưng "Thiên Hạ Kỳ Nữ" vẫn là một tác phẩm có sự đầu tư và chỉn chu nhất định, thích hợp để đọc đổi gió một chút mới lạ.