bởi Aliyanhthu

0
0
4869 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Song sắt và rèm cửa (Pt.2)


Sau lần mẹ nó tìm lên tận trường đó, tôi thấy nó cùng mẹ đi chợ, lần hiếm hoi tôi thấy mẹ nó chịu mua cho nó một thứ gì đó. Nó cầm chiếc mũ màu trắng lên, mẹ nó lại gạt xuống rồi lấy lên một cái màu đen, tôi chẳng thấy vẻ mặt nó mà chỉ thấy nó gật đầu, sau đó họ trả liền đi về nhà.

Nó cũng đội chiếc mũ rộng vành màu đen đó đến trường, nhưng chỉ khoảng một tuần thì không còn đội nữa. Tôi nghĩ ban đầu nó đội chỉ vì cái mũ ấy đủ để che vết bầm tím dưới mắt nó mà thôi.

Cũng trong năm đó, gia đình của nó bắt đầu có những biến động. Ba mẹ nó cãi nhau suốt, ban đầu là những trận nhỏ, sau đó là những trận to mà tôi ở trên phòng còn nghe thấy. Ba nó vốn là một người đàn ông về nhà thì ít nói đến mờ nhạt, chẳng cãi lại cũng chẳng dỗ dành, chỉ nói: "Thôi được rồi!". Mẹ Ưu Đàm bắt đầu học được một chiêu mới, đó là bắt chị em nó dọn đồ theo bà ấy bỏ nhà đi.

Nhưng lần đi được xa nhất chắc là ba tiếng.

Tôi không biết Ưu Đàm nghĩ gì, nhưng mẹ nó nói thì nó làm, họ cãi nhau lúc sáng lúc trưa hay lúc tối thì nó đều rất bình tĩnh mà thu xếp đồ đạc. Có lẽ nó đã quen, sự quen này đối với một đứa bé thì đúng là hơi đau lòng. Nhưng cũng có một ngày, sự bình tĩnh của nó cũng chọc tức mẹ nó.

Hôm đó tôi còn nhớ là ngày nó đi thi chuyển cấp về. Tôi nhớ rất rõ  bởi hôm đó tôi không phải đi thi vì đã được tuyển thẳng theo một cách rất dễ dàng mà cũng chẳng có gì đáng tự hào.

Trường tôi có những suất tuyển thẳng dành cho học sinh đại diện từng bộ môn đi thi học sinh giỏi của tỉnh. Tôi và Ưu Đàm cùng ở trong đội tuyển Hóa, mỗi môn chỉ được chọn một người. Trước khi chúng tôi đi thi đánh giá đợt cuối cùng, mẹ tôi đã đem đến nhà cô trưởng bộ môn một phong bì được bỏ trong giỏ trái cây, rồi đem về một đề thi có lời giải chi tiết. Tôi lờ mờ giải theo rồi học thuộc đến khi thi thật mới ngộ ra. Kết quả tôi hơn Ưu Đàm một điểm vì cách giải ngắn gọn và dễ hiểu hơn nó. Nhưng sau đó thi tỉnh tôi chỉ đạt giải khuyến khích. Đó là lần đầu tiên tôi phải đối diện với những ánh mắt xét nét của bạn học. Chúng nó còn ở sau lưng tôi xì xào rằng tôi đã biết đề trước, và đáng lẽ nếu để Ưu Đàm đi thi sẽ đạt giải cao hơn tôi. Tôi ngoài mặt cũng tỏ vẻ không quan tâm, còn cùng đám bạn của mình móc mỉa qua lại nhưng trong lòng vẫn không giấu được sợ sệt. Tôi chưa từng nghĩ mẹ cần làm vậy, vì tôi hiểu sức mình đủ để đậu trường chuyên với số điểm tốt.

Nhưng đành chịu, ai bảo Ưu Đàm nó không có một người mẹ tốt?

Đáp lại tôi mẹ chỉ nói, mẹ sẵn sàng cho con một cơ hội tốt nhất. Tôi nhìn bạn bè mình cố sức học để đậu một trường chuyên, trong lòng bỗng có cảm giác hơn người. Thậm chí khi nhìn Ưu Đàm đi thi về, tôi cũng có cảm giác hả hê.

Hôm đó, mẹ nó bắt xếp đồ, nhưng khi con bé xách túi đồ ra thì bị một người hàng xóm đi làm ăn xa lâu ngày không biết chuyện kéo lại hỏi thăm, con bé chưa kịp nói tiếng nào, mẹ nó đã từ trong nhà chạy ra, nói là nó lì lợm nên bị đuổi ra khỏi nhà.

Sau đó là hơn nửa tiếng nó nghe tiếng chửi và lời khuyên phải nghe lời mẹ của người hàng xóm. Tôi cũng không rõ nó nghĩ gì, chỉ thấy ánh mắt nó trôi đâu đó trên mấy tán mận xanh mướt, ánh mắt thất vọng như lúc nó nghe tin mình bị loại khỏi đội tuyển. Tự trọng và danh dự của nó bị ném xuống, bị dẫm lên rồi di đi di lại chỉ để thỏa mãn cái gọi là mặt mũi của mẹ nó, dù bà ấy mới là người đẩy nó đến tình cảnh này.


Không biết sao lúc đó tôi cứ có linh cảm, nếu vẫn còn vụ  dọa nhà bỏ đi và bắt mỗi mình Ưu Đàm xếp đồ ra khỏi nhà thì kiểu gì cũng có chuyện.

Mãi về sau, tôi mới biết linh cảm của mình đúng rồi.

Mùa hè chuyển cấp năm đó, có một lần bố mẹ Ưu Đàm cãi nhau rất khuya, sau đó là tiếng cửa sắt ầm ầm mở ra. Tôi đang đọc tiểu thuyết nên không chú ý lắm, mãi đến tầm một hai giờ sáng gì đó, khi mẹ đi làm ca đêm về rồi lên thu sách, tôi mới leo lên giường chuẩn bị đi ngủ. Khi đang chập chờn, tôi nghe tiếng đập cửa từ nhà bên đó, cùng tiếng kêu thê thảm của con bé: "Mẹ ơi. Mở cửa cho con đi."

Nói chung là từ nhỏ đến giờ, đây là lần đầu tiên tôi nghe con bé gọi mẹ như vậy, mà còn nghe như cầu xin.

Sau đó lớp cấp hai gặp nhau lần cuối, Ưu Đàm cũng có mặt, lần đầu tiên nó chịu tụ tập trong chín năm tôi học chung với nó. Đến tầm giữa buổi thì tôi bỗng không thấy nó nữa. Hóa ra nó trốn xuống phòng y tế, đang lục lọi gì đó trong ngăn thuốc.

Nó lấy rất nhiều thuốc, rồi còn lấy cả oxi già. Tôi chẳng biết nó lấy làm gì, chỉ nghĩ có lẽ nó bị đánh hơi nặng nên xuống đây lấy thuốc thôi.

Lúc đó tôi không để ý đến dáng vẻ nôn nóng hoảng loạn của nó, cũng không nhìn thấy trên tay nó đầy những vết cào cấu.

Tôi cũng không để ý dáng đi bất thường của nó, tóm lại là dù sao nó cũng không phải một đứa đáng để tâm.

Sau này lớn lên tôi hay tự hỏi, liệu mẹ Ưu Đàm có tìm được chút khoái cảm nào khi hành hạ nó không, ít ra không giống những gì tôi được học hay nghe các mẹ các dì than thở, tôi chưa từng thấy mẹ nó ăn năn hay tỏ vẻ an ủi mỗi lần đánh nó thừa sống thiếu chết cả.

Nếu bà không phải mẹ đẻ của nó, có thể nó sẽ dễ tha thứ hay chấp nhận hơn. Vì xét theo một nghĩa nào đó, thì cũng là nó đáng đời.

Nhưng tiếc là không phải, cho nên có lẽ con bé cứ phải đau khổ rồi suy nghĩ liên miên. Tôi còn nghĩ sau này còn lâu nó mới quên được, trừ khi nó mất trí nhớ như những nữ chính tôi đọc trong tiểu thuyết.

Nhưng Ưu Đàm còn lâu mới đủ cửa làm nữ chính tiểu thuyết, cuộc đời của nó thật ra giống mấy cuốn tự truyện hay mấy đoạn tin vắn trên báo, dù ngắn hay dài thì cũng là một cách tóm tắt cuộc sống bi kịch của nó. Mất trí nhớ là một căn bệnh lãng mạn, còn với Ưu Đàm, có lẽ từ lúc nó sinh ra, định mệnh đã bắt nó phải sống một cuộc đời bi kịch như văn học hiện thực phê phán, nên thành ra nếu mà nó có quên được thì hoặc là nó bị điên, hoặc là nó chết rồi.

Cũng trong mùa hè năm đó, bà ngoại của Ưu Đàm qua đời. Tính ra bà ngoại là niềm an ủi duy nhất của nó trong ngôi nhà đó, thế mà cũng đi sớm quá. Tôi cứ tưởng cái chết của bà ngoại nó sẽ khiến nó suy sụp ít lâu hoặc suy sụp hẳn, nhưng dường như không phải thế.

Lên cấp ba, nó hình như không còn lầm lì nữa, nhưng vẫn ít nói như trước. Ánh mắt nó không còn cái nét giống tội phạm thiếu niên tôi thấy trên báo mà thay bằng nét trong veo của thiếu nữ. Nó cũng bắt đầu mỉm cười và được đám con gái trong lớp yêu mến. Nụ cười của nó dịu dàng, ánh mắt lại lẻ loi như một cánh chim không kịp di trú tạo ra một nét vừa bi thương vừa hân hoan. Có lẽ đám con gái trong lớp đều hiểu được một cô gái bị đánh đòn và cấm ra khỏi nhà đáng được an ủi hơn là bị cô lập. Và hình như nó cũng cảm nhận được về ánh sáng của một tương lai có thể thoát li khỏi nơi này, việc định hướng và chọn nghề dường như cho nó một hi vọng, kết thúc quãng đời tăm tối của nó.

Lên cấp ba, dường như tôi người lớn hơn một chút. Mối quan hệ của chúng tôi dần dần trở nên hòa nhã hơn, một phần cũng là vì bạn bè trong lớp bắt đầu có những sự bài xích với tôi. Tính cách đỏng đảnh và thích chia bè chia phái của tôi không còn hợp với môi trường trường chuyên lớp chọn ai nấy đều có định hướng rõ ràng cả. Tôi cũng bắt đầu phải vùi đầu vào học, vào giải đề. Bất giác thế mà tôi và Ưu Đàm lại càng giống nhau hơn bao giờ hết, cùng mặc đồng phục, cùng cắm cúi học, cùng đi học thêm, cùng nhau về nhà. Tôi chợt nhận ra gương mặt của Ưu Đàm không còn giống như trong trí nhớ nữa, nó dịu dàng, mềm mại mà trầm tĩnh. Nó cũng sẽ cùng đám con gái trò chuyện, sẽ giúp chúng nó giảng bài tập, cũng sẽ được những đứa con gái lén đưa cho những cuốn tiểu thuyết về nhà đọc.

Và cũng từ đây, khoảng cách của tôi và nó dần dần chênh lệch rất lớn. Nó luôn vững vàng ở ba vị trí đầu tiên, làm cho mẹ nó dường như bớt hà khắc với nó hơn một chút. Còn tôi luôn vật lộn để trụ ở top giữa, luôn phải cố gắng học thuộc lòng từng đề bài và dạng đề. Mỗi khi tôi nhìn Ưu Đàm có thể từ từ suy luận ra đáp án cho những đề mới hay nhẹ nhàng vượt qua những bài kiểm tra, trong lòng tôi lại dâng lên một nỗi bất an ghê gớm. Nỗi bất an của việc bị bỏ lại, của những lời an ủi ngày càng ngọt ngào lanh lảnh của mẹ tôi, về việc tôi rất có thể không đủ điểm đậu trường Y.

Đêm tri ân năm cuối cấp, lần đầu tiên tôi thấy Ưu Đàm mặc váy. Nhưng xui xẻo sao đó lại là một đêm có mưa lất phất. Nghi thức thắp nến diễn ra dưới làn mưa mịt mờ, đóa hoa giấy bọc nến bị nước mưa làm ẩm nát, tôi thấy Ưu Đàm vo đóa hoa lại, đặt nến trong lòng bàn tay mà thản nhiên nhắm mắt.

Không nóng sao? Tôi thử để giọt sáp chảy vào tay. Nóng bỏng. Tôi ước mình có thể đậu đại học. Lúc tôi mở mắt bỗng thấy vài ba đứa con gái trong lớp ôm chầm lấy Ưu Đàm mà trao nến ước nguyện cho nó. Chúng nó không ước cho chính mình, chỉ ước cho Ưu Đàm có thể đậu đại học mình yêu thích, mau chóng rời khỏi nơi này.

Sau này tôi nghĩ, giá mà lúc đó tôi cũng dùng ngọn nến của mình ước một điều cho nó, không phải ước nó có thể rời khỏi mà là ước nó có thể rời khỏi thật thuận lợi và không đau khổ.

Hành lang lớp tỏa ra ánh đèn vàng nhàn nhạt, tựa như một chuyến tàu trong đêm. Tôi thấy Ưu Đàm ngồi trong lớp học tối đen, áp mặt lên bàn. Tôi tiến lại nhìn kỹ hơn một chút, thấy nó đang lẳng lặng giật giật tóc mình. Tôi sững người, áp mặt vào cửa kính thì thấy nó lặng lẽ đưa tay xuống đùi cấu mạnh một cái. Cả quá trình không một tiếng động.

Tôi không biết trong suốt mười tám năm qua của nó, đã bao nhiêu lần nó tự giật tóc mình, tự cấu vào đùi hay nhỏ sáp nến lên da nữa. Nó giống như sinh ra đã không biết đau, chẳng biết xin xỏ mà chỉ biết mở to mắt mà rơi nước mắt thôi. Quãng đời này của nó, không biết nó đã bao nhiêu lần nhìn từ lan can phòng học hay từ cái lồng chim của nó mà do dự nhảy xuống nữa.

Suốt một tuần liền được cho nghỉ trước khi thi đại học, mẹ liên tục hỏi tôi có nghĩ tôi đủ sức thi đậu đại học Y Dược không, tôi nói cũng được. Bà cứ hỏi mãi hỏi mãi, còn gọi điện hỏi cô giáo của tôi. Có một lần bà chợt hỏi vậy Ưu Đàm thì sao, cô nghĩ nó đủ sức đậu không?

Không biết cô giáo trả lời thế nào mà mẹ tôi gật gật đầu, sau đó không hỏi nữa.

Trước khi vào thành phố nhập học, tôi đi họp lớp và thăm cô giáo. Cái thị trấn này nhỏ như vậy, chuyện Ưu Đàm rất nhanh đều đã được mọi người biết. Cô nhìn tôi là lạ, sau vẫn hỏi rằng tôi có biết Ưu Đàm đã đi đâu không, nếu biết tin thì hãy nói nó đến tìm cô. Cô sâu xa nói với tôi, cô từng nói với mẹ em rằng khả năng Ưu Đàm đậu Y cũng chỉ năm mươi năm mươi nên cứu được con bé trước kỳ thi, nhưng xem ra em phải đậu Y nữa thì mới cứu được cả kỳ thi của con bé.

Đêm trước khi thi đại học, mẹ ngủ cùng với tôi. Bà ôm lấy tôi thầm thì là nếu con không đậu, mẹ cũng có cách bắt Ưu Đàm phải ở nhà ôn thi lại cùng con.

Cuối cùng cũng kết thúc. Thi tốt nghiệp, thi đại học tôi làm bài không tệ, nhưng cũng mơ hồ cảm nhận mình không đủ điểm. Hết sức rồi, năng lực của tôi chỉ đến được đó. Kết quả là Ưu Đàm đậu đại học, tôi đậu cao đẳng.

Và chuyện mẹ tôi làm cũng tới. Bị cưỡng hiếp, mẹ tôi chứng kiến tất cả.

Tôi ngỡ ngàng đến mức không còn nhận ra bất cứ ai trong ngày hôm đó nữa. Giống như một vở diễn vừa điên loạn vừa kệch cỡm, mẹ tôi giả lả nói cười, giả lả khuyên ngăn, mẹ Ưu Đàm lao đầu vào tưởng như muốn giết Ưu Đàm, những người hàng xóm ra đứng xem, không một tiếng can ngăn. Đáng lẽ là, tôi lùi lại vội vã thả rèm cửa xuống, đáng lẽ mẹ nó phải hỏi nó là ai làm, phải tìm ai hại nó mà làm cho ra nhẽ chứ.

Lần đầu tiên, tôi cũng khao khát được bay khỏi cái xóm nhỏ này, thị trấn này. Tôi chạy xuống, chứng kiến Ưu Đàm mặt mũi máu me bị quăng ra khỏi nhà. Nó nằm trên khoảng sân chung, dưới tán mận xanh tốt thở thoi thóp, trên tay vẫn nắm chặt lấy một mảnh thủy tinh vỡ.

Tôi muốn lao đến lấy mảnh thủy tinh đó ra, đỡ nó dậy hỏi nó có sao không, nhưng cuối cùng lại thấy nó lẳng lặng ngồi dậy, dựa vào gốc mận cúi đầu, dường như còn hơi nở nụ cười.

Tôi nghĩ, có phải nó điên rồi không?

- Đã đủ thảm hại rồi, không thể thảm hại hơn nữa. - Nó thì thầm, tôi lại nghe thấy. 

Suốt cả một ngày nó ngồi ở gốc mận đó, không một ai hỏi thăm. Nó ngồi đến nửa đêm thì từ song sắt phòng nó lộ ra một gương mặt non nớt xinh xắn, em gái nó thả xuống một từng thứ một, một cái túi xách vải, cái quần, cái áo, từng thứ từng thứ đều làm thật nhẹ nhàng. Lúc sắp thành một cái gò nho nhỏ thì Ưu Đàm ngẩng đầu nhìn em nó, gương mặt trắng nhợt máu me đã thẫm lại nở nụ cười tươi tắn. Em nó khóc, thả xuống một đôi giày, Ưu Đàm gượng đứng dậy, vẫn ngẩng đầu nhìn cô bé. Em gái nó thả xuống một chiếc phong bì, sau đó do dự một hồi lại thả xuống một tờ giấy mỏng tang. Tờ giấy như con bướm trắng lượn lờ trong gió đêm, lơ lửng rơi vào tay Ưu Đàm. Tôi biết đó là thông báo nhập học.

Ưu Đàm chậm chạp thả miếng thủy tinh xuống chân, chậm chạp thu dọn hành lý. Cuối cùng nó gấp tờ thông báo nhập học ấy rồi đặt ở bậc cửa, giống như cái ngày mà thông báo ấy được đưa tới rồi ngẩng đầu nhìn em gái, mỉm cười rồi lại chậm chạp bước đi. Tôi thấy em nó bụm miệng ngăn tiếng khóc, sau đó chỉ chỉ tờ giấy nhập học muốn nói nó hãy đem đi đi, nhưng nó lại lắc đầu, miệng vẫn mỉm cười. Sự bi ai và tuyệt vọng của Ưu Đàm thời niên thiếu, chưa bao giờ tôi được nếm rõ ràng đến thế. Có lẽ nó để lại thông báo ấy cho mẹ nó như để đánh dấu đứa con của bà chỉ đi được đến ấy, sống được đến đó, làm được từng ấy thôi. Và cũng để mẹ tôi thấy, rằng tham vọng của bà dễ dàng bị người ta vứt bỏ thế nào.

Có lẽ thay vì dạy tôi cách có thể đánh bại Ưu Đàm, mẹ tôi chỉ nghĩ cách hủy hoại và triệt hạ cô ấy thôi.

Có lẽ bà luôn cho rằng, đã xuất phát cùng một nơi, không một ai có tư cách trở nên thành công hơn tôi. Nhất là khi bà đã cho tôi mọi điều kiện để vượt lên, tìm cách hạ bệ mọi đối thủ trong đời tôi.

Sau đó tôi nhập học vào một trường Y cao đẳng. Năm đầu tiên tôi bị tẩy chay vì tính cách đỏng đảnh không chịu động tay vào bất cứ thứ gì.

Cuối cùng tôi cũng hiểu được ác ý của con gái có thể đáng sợ tới mức nào, và tính tình mình thực sự khó ưa.

Mẹ tôi nghe tin, vội vàng bắt xe vô tận nơi tìm trưởng nhà ký túc xá yêu cầu xử phạt và đổi phòng cho tôi. Đám bạn cùng phòng đứng trước những lời phê bình và dạy dỗ của trưởng phòng phân trần rằng họ chỉ không thân với tôi, chứ nào dám chèn ép gì tôi. Nhưng vừa ra khỏi đó, con bé ghê gớm nhất phòng lại đứng trước mặt tôi và mẹ mỉa mai: "Con gái cô có đi đâu thì cũng không ai chơi với nó đâu. Cô có chuyển chục phòng cho nó cũng vậy."

Mẹ tôi điên lên, kéo tay nó đòi đưa xuống văn phòng chịu kỷ luật. Nó cười ha hả rồi được đám bạn kéo ra: "Cô có dám không? Chú tôi là viện phó và là giảng viên của con cô đó."

Người mẹ tung hoành nhiều năm trong thị trấn nhỏ, luôn tự tin có hết mọi mối quan hệ lần đầu tiên không đáp lại được một con bé mới trạc tuổi tôi. Hóa ra mẹ tôi cũng chỉ có vậy, chỉ mãi mãi có thể bắt nạt kẻ yếu thế hơn mà thôi.

Không ai nói cho bà, chỉ trong cái giếng nhỏ tôi vẫn thua, chứ đừng nói là đi ra ngoài kia, ngoài đó còn rộng lớn hơn nhiều. Và không phải là đứa trẻ nào cũng không nơi nương tựa như Ưu Đàm, chúng nó không chỉ giỏi hơn mà còn có gia đình tốt hơn, tư duy tốt hơn và chỗ dựa vững chắc hơn tôi.

Tôi chẳng là gì cả. Và bà, cũng chẳng là gì cả.

Sau đó tôi chuyển ra ở trọ một mình, suốt nhiều năm cứ lủi thủi như thế. Tôi cũng xa cách với mẹ, không còn tâm sự với bà nữa, vì thể nào lời tôi được nghe cũng là những lời an ủi rằng cả thế giới đều sai và tôi tốt đẹp nhất. Có lẽ trí nhớ bà bị kẹt lại đâu đó lúc tôi bảy tám tuổi, tôi chỉ cần lanh lợi, mặc váy đẹp và múa giỏi hát giỏi, viết chữ đẹp là dư sức đè bẹp bất cứ ai.

Ngay cả đối thủ truyền kiếp bà gán cho tôi rồi cố gắng hủy hoại cho bằng được, khi đang học liên thông lên đại học, lúc tìm tài liệu tôi đã nhìn thấy ảnh và tên của cô ấy trên một buổi hội thảo về Tâm lý học lâm sàng. Cô ấy đã đi một quãng đường rất xa, xa hơn bất kỳ ai có thể tưởng tượng được. Và ngay từ đầu, tôi chưa bao giờ đủ sức để đánh bại Ưu Đàm. Cái tôi có có lẽ chỉ là một số mệnh ít lận đận và đau khổ hơn nó, và một chỗ dựa vững hơn nó mà thôi.

Mẹ tôi dần dần cũng không sống nổi trong cái xóm nhỏ đó nữa, theo thời gian chẳng còn ai muốn qua lại giao lưu với một người chỉ giữ lại được sự nghiệt ngã khi già đi. Mẹ tôi về hưu, chăm đi chùa và hay nghe kinh Phật mỗi tối. Rồi thỉnh thoảng tôi gặp mẹ Ưu Đàm, cách bà nhìn tôi làm tôi nghĩ bà đang tìm ai đó qua tôi. Nhưng mà việc hủy hoại con gái của cô, tôi nhủ thầm, ngoài mẹ con ra không phải cô cũng có phần sao?

Nếu cô là một tấm khiên cho nó, mẹ con cũng chẳng làm gì được nó rồi.

Có một đêm, tôi ôm con ngây người nhìn mẹ mình. Nhìn thời gian làm hao mòn đi nét cười giả lả và giọng nói ngọt ngào của bà mà chỉ để lại sự cay nghiệt, nhìn thời gian lấy đi của tôi tuổi trẻ và cuộc đời tôi muốn sống, tôi hỏi bà:

- Mẹ ơi, mẹ có nghĩ đây là quả báo của mẹ con mình không?

Hai năm trước lúc tôi còn đang học dở liên thông, mẹ đã nằng nặc bắt tôi về nhà lấy một nhân viên ngân hàng, tôi không chịu, bà thỏa hiệp là cưới xong vẫn để tôi học tiếp. Học tiếp kiểu gì chứ? Chính là rút hồ sơ về xin học tại một trường đại học Y ở địa phương, hàng ngày bắt chuyến xe bus liên tỉnh đi học.

Sau đó nửa năm thì chồng tôi lén không dùng biện pháp vì bị thúc ép có con, tôi chẳng hay biết gì mà cứ thế mang thai. Tôi chật vật mãi mới lấy được bằng thì bị bắt ở nhà chăm con rồi phát hiện chồng đi ngoại tình, mới đây tôi xin được vào trạm y tế xã thì lại bị mẹ cằn nhằn vì không chịu ở nhà chăm con giữ chồng. Tôi bỗng rất muốn khóc, hỏi bà:

- Nếu ngay từ đầu mẹ muốn con lấy chồng rồi ở nhà chăm con thì mẹ bắt con học nhiều thế làm gì? Mẹ tìm mọi cách để hại Ưu Đàm cho con vượt lên để làm gì?

- Cái gì? Đang không tự nhiên nhắc nó làm gì?

- Con nhắc cho mẹ nhớ thôi.

Tôi vẫn thi thoảng dõi theo Ưu Đàm, follow những tài khoản mạng xã hội của cô ấy. Có một sự nghiệp riêng, một người bạn trai, sống hạnh phúc như bao người con gái bình thường khác. Tôi ngây thơ nghĩ hạnh phúc có lẽ đến hơi chậm, nhưng chung quy vẫn đến.

Nhưng lại có biến cố xảy ra. Tôi chẳng biết rõ cho đến khi có hai phóng viên tìm đến hỏi chuyện về Ưu Đàm. Tôi ngăn mẹ nhận phỏng vấn, dọa rằng rất phiền phức. Nhóm bạn học cũ cũng có người nhận được lời mời phỏng vấn, nhưng đều quyết định im lặng. Phần vì họ không biết nhiều, phần là vì, họ nói trên nhóm lớp, đến lúc này, đây là điều duy nhất chúng mình có thể làm để bảo vệ bạn ấy.

Nhưng mẹ tôi vẫn nhận phỏng vấn, tôi nhìn hai phong bì đầy tiền mà cõi lòng vừa bất lực vừa tức điên. Tôi vội vã cầm hai phong bì đứng chờ ở sảnh khách sạn, cô gái cũng trạc tuổi tôi nhưng có gương mặt sắc sảo và tự tin hơn tôi nhiều từ chối không nhận lại, chỉ nở nụ cười đẹp đẽ mà châm chích như có gai:

-   Cứ nhận đi, buổi phỏng vấn đó xứng đáng với số tiền này mà.

-   Không giống như những gì mẹ tôi kể đâu. - tôi nói - Ưu Đàm ấy hả, con bé là một đứa rất tốt, nó cũng rất giỏi nữa.

-   Chuyện đó cả thế giới đều biết rồi, cái tôi cần là những thông tin khác. Vừa hay mẹ cô cũng cung cấp rất chuẩn. - đôi mắt cô ta khẽ liếc sang chiếc nhẫn cưới của tôi - Cô kết hôn rồi à?

-   Vừa tốt nghiệp là tôi kết hôn. Tôi chỉ muốn nói là... - tôi cố bình tĩnh nói - Mẹ tôi luôn không thích Ưu Đàm, nên chắc chắn sẽ nói những thông tin bất lợi.

-   Cô Hoàng Lan - cô ta lên tiếng ngắt lời tôi, vẻ mặt dửng dưng nhưng lời nói lại cay nghiệt - Cô nghĩ khi tôi viết rằng, một người phụ nữ thấy một đứa trẻ bị cưỡng hiếp nhưng không những không giúp đỡ mà còn dùng nó để hủy hoại ngược lại con bé, rồi bán lại tin tức với giá cao cho bên báo chí thì ai mới là người bất lợi đây? Mẹ cô sống độc ác như vậy cô không thấy sợ sao?

Sao lại không sợ chứ? Chỉ là tôi biết bà sẽ không độc ác với tôi thôi. Tôi luôn đứng ở một cán cân cao hơn, việc gì phải kêu gào bất công.

Sau đó Ca Dao nói cô ấy muốn phỏng vấn bạn học của tôi để làm tư liệu về cuộc đời Ưu Đàm, nhằm xoay chuyển hướng công kích của truyền thông đang nhắm vào cô bạn. Tôi cùng một số bạn học chấp nhận phỏng vấn, nói những gì chúng tôi biết, chúng tôi nghĩ về cô gái đó.

Kết thúc phỏng vấn, Ca Dao hỏi cô gái khi xưa thân thiết với Ưu Đàm nhất có tiện nói chuyện với Ưu Đàm không, cô ấy muốn nói lời cảm ơn. Điện thoại kết nối, giọng nói bên kia dịu dàng êm ái, hai người họ nói với nhau đôi ba câu. Tôi không hề lên tiếng, chỉ nhìn cô bạn rơi nước mắt dặn dò Ưu Đàm hãy giữ sức khỏe thật tốt. Tôi trở về nhà, lên phòng, khóa trái cửa, nhìn bé con của mình đang ngủ say.

Gió thổi tung rèm cửa, có mùi mận thanh mát. Chỉ là một lớp vải mong manh, mà tựa muôn trùng vây. Có lẽ, tôi mãi mãi không bao giờ có đủ dũng khí để rời khỏi chiếc lồng đẹp đẽ này. Hoặc là cuộc đời này chưa bị hủy hoại đến mức tôi có thể can đảm sống một cuộc đời mới chưa biết ra sao.

Tôi vẫn từ cửa sổ căn phòng ấu thơ của mình nhìn xuống, như vẫn nhìn thấy thiếu nữ ấy rời đi vào một đêm tối tăm, lá mận xào xạc như vô số vụn giấy xé dán của chúng tôi thuở xưa. Khung cửa sổ có những chấn song tựa lồng chim đối diện từ đó không bao giờ còn ánh đèn hay đôi tay vươn ra nữa.

Chú chim bất hạnh cuối cùng đã biến thành tàn tro, tàn tro bay đến nơi đất lành có thể sẽ hóa thành phượng hoàng. Dẫu không thành phượng hoàng thì cũng tự do.

Đừng ở mãi nơi này, đừng sống một cuộc đời như tôi. 

Cô xứng đáng một cuộc đời tốt hơn.