5
1
1824 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Tái sinh lại một kiếp người (2)


Một năm sau.

 

Hôm nay là ngày đầy năm con gái Nụ. Bà Lan bán hàng mà lòng ngong ngóng về nhà. Nụ bảo bà cứ lo quán xá, chuyện ở nhà đã có cô lo. Mới đó mà đã một năm kể từ ngày bà theo chiếc xe trắng chở Tâm đến bệnh viện cấp cứu. Bà Lan ngậm ngùi quẹt nước mắt. Bà thu hàng hóa gọn gàng, định bụng về nhà phụ cái Nụ chuẩn bị đám, còn tâm trạng đâu nữa mà bán với buôn. Bà thu hàng để đóng cửa quầy, một thanh niên từ đâu phóng tọt vào trong. Bà định la lên nhưng anh ta đã nhanh tay bịt miệng bà lại. 

  • Suỵt.

  • Cô cho cháu trốn nhờ không bọn chúng chém cháu chết. - Nói rồi anh ta thả tay khỏi miệng bà, tìm một chỗ phía sau quầy hàng núp gọn.

Bà Lan hoảng quá nhưng cố tỏ ra bình tĩnh, bà giả vờ thu vội hàng hóa rồi đóng cửa quán. Mắt ngó quanh xem có kẻ nào đang rượt đuổi người kia thật không. Bà vừa khóa cửa thì mấy tên bặm trợn cầm theo dao rựa và mã tấu chạy tới trước mặt.

  • Bà già, có thấy thằng nào mặc áo bò xanh, đeo sợi dây chuyền bạc chạy qua đây không?

  • Không các chú ơi, tôi làm gì biết ai. - Bà Lan vừa nói vừa run.

Thấy bà như vậy bọn chúng cũng tin lời. Ai mà dám nói dối bọn chúng thì khác nào chán sống. Vội vàng chia nhau chạy ra các ngã, chúng mặc kệ bà già đang đứng khúm núm mà mãi không rời đi khỏi quán. Đợi tới khi chúng đi hẳn, bà mở cửa cho người thanh niên kia bước ra.

  • Cảm ơn cô đã không khai ra. Ơn cứu mạng nhất định sau này cháu sẽ trả.

Bấy giờ bà Lan mới nghe rõ giọng nói của anh ta. Bà cố nhớ xem đã từng nghe giọng nói này ở đâu. Quen quá. Bà nghĩ thầm. Cả cái dáng người to lớn hầm hố cũng quen.

  • Này cậu, có phải năm ngoái cậu cứu một bà già khỏi tên cướp trong con ngõ phía trước không?

  • Sao cô biết? - Anh ta cũng ngạc nhiên hỏi lại.

  • Là tôi, là tôi đấy. Hôm đó tôi còn chưa kịp cảm ơn thì cậu đã đi mất. Tôi vẫn mong có dịp gặp lại cậu để cảm ơn.

  • Chuyện nhỏ có gì đâu mà cô phải cảm ơn. Vậy coi như cô cháu ta hòa nhau. Cháu đi đây.

  • Này, nếu cậu không vội thì đến nhà tôi đi. Hôm nay nhà tôi có đám mà nhà lại neo người.

Chẳng biết nghĩ thế nào, anh ta lại ngoan ngoãn theo bà Lan về nhà. Có cái gì ở người phụ nữ già nua trước mặt làm anh tin tưởng. Anh không cưỡng lại được mà muốn làm cho bà vui lòng.

Căn nhà của bà Lan hôm ấy rộn rã hơn. Tiếng con bé con khóc cười làm căn nhà thêm không khí. Nụ đang chuẩn bị bày biện cơm nước thì bà Lan về. Vừa thấy bóng người theo sau bà, con bé con đã khóc thét lên.

Anh chàng thấy vậy thì ngại, chân tay thừa thãi không biết nên làm gì. Bà Lan bế con bé, vừa dỗ vừa nựng:

  • Ai làm gì Đậu mà Đậu khóc. Đậu chào chú đi nhờ. Chú có làm gì Đậu đâu nhờ.

Được bà dỗ, con bé dần nín khóc nhưng nó vẫn không dám nhìn anh chàng hầm hố kia. Còn Nụ chỉ gật đầu chào rồi chăm chú vào việc của mình. Bà Lan bảo anh ngồi chơi tự nhiên rồi bà hỏi han anh đủ chuyện. 

Hóa ra anh là Tú "sẹo", từng nổi tiếng là dân anh chị bảo kê trong chợ. Bà Lan từng nghe tên nhưng chưa gặp bao giờ nên không biết mặt mũi ra sao. Bây giờ anh ta bỏ nghề, hoàn lương nhưng ân oán cũ nhiều, thi thoảng vẫn có người tới tìm. Tú muốn sống đời bình thường cũng khó.

Bà Lan nghe xong bảo:

  • Này, hay là cháu xem làm gì được với cái ao và mảnh vườn kia không? - Bà vừa nói vừa chỉ ra ngoài vườn. Nhà bà có vườn rộng, ao sâu chỉ thiếu người làm. 

  • Nếu được thì cháu cứ làm. Cô hỗ trợ. Còn có con bé Nụ này nữa. - Bà nhìn Tú xong lại nhìn Nụ.

  • Dạ sao vậy được cô?

  • Thế nhà cháu ở đâu? Có vợ con gì chưa?

  • Cháu mà ai thèm lấy hả cô? Mẹ cháu mất rồi, cháu không có bố. Ông bà cũng qua đời mấy năm trước. Cháu nay đây mai đó, đâu dám gắn đời mình với ai, còn bám lại nơi này là vì còn cần lo hương khói cho ông bà và mẹ.

  • Vậy cháu cứ nghe cô, cải tạo lại mảnh vườn với cái ao đi. Con bé Đậu cũng cứng cáp hơn rồi. Cháu với cái Nụ bảo nhau mà làm. Làm được bao nhiêu hai anh em chia nhau, lấy vốn. Rồi sau cháu lấy vợ, Nụ nó lấy chồng. Cô không đòi hai đứa phải trả gì cho cô đâu mà sợ.

  • Sao cô lại tốt với người như cháu thế ạ?

  • Người như cháu thì sao? Người như cháu cứu cô một mạng đấy. 

  • Anh cứ nghe lời bác sắp xếp đi ạ. Mẹ con em cũng nhờ có anh Tâm và bác mà mới có một cuộc đời khác. Em thấy mình như được tái sinh. Bây giờ mẹ con em cũng không muốn xa bác nữa. Anh cứ làm rồi em sẽ phụ anh. Xong rồi sau này bác già hơn, hai anh em mình phụng dưỡng bác cũng được anh ạ!

Tú suy nghĩ một hồi rồi gật đầu. Bà Lan với Nụ nhìn nhau cười. Với anh, đó là may mắn. Lần đầu tiên trong mấy chục năm qua, Tú cảm nhận được chút hương vị của tình cảm gia đình, của "mẹ" là như thế nào.

Bà Lan vào phòng Tâm để tìm chiếc hộp bà đựng ảnh hồi nhỏ của anh để khoe với cả nhà. Trong đó còn có cả cái vòng tay bạc bà để dành sau này cho cháu nội. Nhưng bây giờ bà tặng cho cái Đậu. Mở ngăn kéo tủ, bà lôi ra chiếc hộp thiếc vuông to bằng bàn tay. Bên trong là một ít giấy tờ, mươi tấm ảnh cũ. Vòng tay ở dưới cùng. Chợt bà thấy một tờ giấy còn mới được gấp lại ngay ngắn kẹp vào giữa những tấm ảnh cũ. Bà lấy ra đọc:

"Mẹ thương yêu,

Không biết khi mẹ đọc lá thư này con có còn ở bên mẹ nữa không. Con không dám nói cho mẹ biết mỗi khi cơn đau hành hạ thân xác con. Nỗi lo lắng phải bỏ mẹ ở lại một mình giày vò tâm trí con. Con đã cố gắng nhiều để trở thành bác sĩ, để làm mẹ tự hào, để chữa khỏi bệnh cho những người như bố con.

Nhưng mẹ ơi, con của mẹ nhận được kết quả bị ung thư dạ dày giai đoạn hai. Con vẫn uống thuốc, vẫn làm theo lời của bác sĩ trưởng khoa nhưng bệnh vẫn ngày một nghiêm trọng hơn.

Bác sĩ nói cơ thể con có tế bào kháng thuốc nên vẫn đang tìm cách điều trị tốt nhất. Nếu cần sẽ làm phẫu thuật. 

Con chỉ có mẹ trên đời, bố đã về trời từ lâu. Con đã thấy mẹ vất vả bao nhiêu để nuôi con nên người. Con không nỡ, không nỡ mẹ ạ! 

Mẹ sẽ vẫn sống tốt nếu không may con chẳng còn bên cạnh, phải không mẹ? Mẹ vẫn sẽ vì bố, vì con mà sống lạc quan mẹ nhé!

Con mong rằng khi mẹ đọc thư, con vẫn là đứa con trai khỏe mạnh của mẹ. Nhưng... chẳng may có chuyện gì, mẹ hãy cho phép con được hiến mình cho y học và cứu những người khác, mẹ nhé!

Cảm ơn mẹ đã dành cả cuộc đời của mẹ cho con,

Con yêu mẹ nhiều lắm! Cảm ơn mẹ vì đã sinh ra con!

Con trai của mẹ,

Khiết Tâm"

Bà Lan mang lá thư ra cho Nụ đọc. Bà ôm Đậu, hôn vào má con bé rồi đeo cái vòng bạc vào tay nó. Vẻ ngây thơ của đứa trẻ an ủi nỗi đau trong lòng bà. Nụ đọc xong thư cũng khóc, ba bà cháu ôm nhau. Tú không hiểu chuyện gì. Đang lúc anh bối rối thì có người ở ngoài về. 

Người ấy mặc chiếc áo blouse trắng, nụ cười rạng rỡ và ánh mắt hiền lành:

  • Mẹ ơi! Con làm về rồi đây! Bác có quà cho Đậu này.

Trên tay người ấy là con búp bê tóc vàng bằng len móc mặc chiếc váy hồng xinh xẵn như cô bé đang ngồi trong lòng mẹ anh.

 

Sáu tháng sau.

 

Khu vườn nhà bà Lan đã được Tú và Nụ cải tạo thành vườn trồng bưởi theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp huyện. Ao cá cũng được hút sạch, thay vào nước mới và thả các giống cá nước ngọt. Con bé Đậu lẩm chẩm tập đi, miệng cả ngày bi bô "Bà, bà". Bà Lan mừng ra mặt. Bà vẫn bán quán nhưng đã có thêm con trai, con gái phụ giúp. Căn nhà cũ được sửa sang lại cho rộng rãi, khang trang để một nhà năm người thoải mái sinh hoạt.

Hôm ấy ngày rằm, Nụ sắm sửa mâm quả cho bà Lan đi chùa. Lần này bà bảo muốn đi một mình. Ngôi chùa cổ nằm lưng chừng một ngọn đồi, gần khe suối nhưng khá xa khu vực dân cư. Bà thường tới chùa vào ngày rằm, mồng một hàng tháng để dâng hương lễ Phật, cầu bình an, trước đây là cho con trai, bây giờ là cho cả nhà.

Quỳ dưới chân tượng Phật, bà vái chín vái lạy tạ ơn Phật đã phù hộ cho con trai bà qua cửa tử, tiếp tục sống, cống hiến cho sự nghiệp cứu người. Bà lạy tạ vì ơn trên đã cho bà có thêm một người con trai rắn rỏi, một người con gái đảm đang và đứa cháu ngoại kháu khỉnh. Bà chẳng mong gì hơn ngoài sức khoẻ, bình an cho cả gia đình.

Thắp hương xong bà đi dạo trong khuôn viên chùa. Tiếng chuông đồng đều đặn vang lên. Bà thấy lòng mình thanh thản vô cùng. Tình thương vẫn luôn là mạch nguồn sự sống, tái sinh con người khỏi những đau thương.