Tầng Lầu Thứ Hai (END)
Giữa tiếng người cười nói rộn ràng, Tùng Nguyên cùng cô gái bên cạnh bước đến gần Hạnh An. Cô cố giữ nhịp thở đều, gượng nụ cười khi ánh mắt hai người gặp nhau – ánh mắt anh vẫn ấm như xưa, chỉ khác là giờ đây không còn dành riêng cho cô nữa.
“Hạnh An, chúc mừng em nhé.” Tùng Nguyên nói, giọng nhẹ nhàng, quen thuộc đến mức khiến tim Hạnh An khẽ nhói.
Anh đưa bó hoa hướng dương về phía cô. Hạnh An đón lấy, ngập ngừng giây lát rồi mỉm cười:“Em cảm ơn anh. Em không nghĩ hôm nay anh lại tới.”
Tùng Nguyên mỉm cười, nói: “Anh còn chưa giận em vì không thông báo lễ tốt nghiệp với anh đâu nha!”
Không phải là cô không thông báo, mà là… không dám.
“Cũng may là anh có theo dõi page của khoa em nên mới biết hôm nay em tốt nghiệp.” Không đợi cô phản ứng Tùng Nguyên đã nói tiếp.
Lúc này cô gái bên cạnh Tùng Nguyên cũng cúi đầu chào Hạnh An. Cô ấy có vẻ ngoài dịu dàng, ánh mắt hiền hậu.
“Anh ấy bảo hôm nay là lễ tốt nghiệp của ‘đàn em thân thiết’ nên tụi chị ghé qua một chút.” Cô gái ấy cười nói, giọng nhẹ như gió.
Hạnh An gật đầu, cố gắng không để nỗi buồn lộ ra.
Tùng Nguyên nhìn cô một lúc rồi nói, giọng hào hứng: “À… còn một chuyện nữa, anh muốn nói với em. Bọn anh sắp kết hôn. Cuối năm nay.”
Câu nói như một mũi kim lạnh lẽo, chậm rãi xuyên qua tim cô.
Trái tim Hạnh An khẽ thắt lại, nhưng cô vẫn mỉm cười, ánh mắt lấp lánh ánh nắng – hay là nước mắt?
“Vậy à? Vậy thì… chúc mừng anh.” Cô cười, dịu dàng đến nao lòng “Nhớ gửi thiệp mời cho em nha. Không thì em giận đó.”
Tùng Nguyên bật cười, ánh mắt dường như có chút xao động:
“Nhất định rồi.”
Nụ cười của anh, vẫn là nụ cười quen thuộc từng khiến tim cô đập loạn trong những ngày đầu tiên chập chững bước vào đại học. Nhưng giờ đây, nụ cười đó lại hướng về một người con gái khác – không phải là cô.
Chuyện anh kết hôn Hạnh An đã biết trước. Hôm ấy, sau khi ba mẹ về nhà ông bà nội thì có đem theo chút quà quê và đương nhiên người được mẹ giao cho nhiệm vụ đem sang biếu ba mẹ của anh không ai khác mà chính là cô. Trong lúc Hạnh An và cô Nguyệt - mẹ anh Tùng Nguyên trò chuyện, mẹ anh đã vui vẻ kể rằng cuối năm nay gia đình bận lắm, chuẩn bị cưới vợ cho “thằng Nguyên”.
Cô đã cười theo, che giấu cảm xúc bằng cách nhấp một ngụm trà thật chậm. Nhưng lòng cô thì chênh vênh. Hôm ấy, trên đường về, gió không quá lớn mà sao đôi mắt cứ cay…
Cô biết chứ, cái cảm giác rõ ràng đã chuẩn bị tinh thần, rõ ràng đã nhủ lòng mình phải bình thản, thế mà… khi chính miệng anh xác nhận, nó vẫn đau – một nỗi đau âm ỉ, như thể có ai đang xoay nhẹ một lưỡi dao đã cắm sẵn vào tim mình.
Tùng Nguyên và chị ấy không ở lâu, sau vài câu chào hỏi xã giao, hai người đã tay trong tay rời đi. Để lại Hạnh An đứng một mình giữa khoảng sân đầy hoa và nắng.
Tiếng cười xung quanh vẫn rộn ràng, nhưng với Hạnh An lúc này, như bị kéo ra khỏi thế giới ấy. Cô đứng lặng trước hội trường – nơi mà bốn năm trước, cô đã đặt những bước chân đầu tiên đầy háo hức vào giảng đường đại học.
Ký ức cũ lại ùa về như làn sóng.
Ngày ấy, khi vừa nhận được giấy báo trúng tuyển, cô đã không giấu được sự vui sướng. Cô chạy sang nhà bên, tay còn cầm tờ giấy báo trúng tuyển, tim đập thình thịch:
“Anh Nguyên! Em đậu rồi! Em đậu vào trường anh học rồi nè!”
Tùng Nguyên từ trong nhà bước ra, nhìn tờ giấy trong tay cô rồi bật cười: “Giỏi lắm! Không uổng công mấy năm nay em cày cuốc như trâu!”
Anh xoa đầu cô, cử chỉ quen thuộc mỗi khi cô làm được điều gì đó khiến anh tự hào.
“Vậy là em lại là đàn em của anh nữa rồi.”
Nghe anh nói như vậy Hạnh An đã cười rất tươi. Trái tim khi đó căng đầy hy vọng.
Cả mùa hè năm đó là một chuỗi những ngày dài đầy nắng và tiếng cười.
Tùng Nguyên gần như trở thành “hướng dẫn viên toàn thời gian” của Hạnh An. Anh đưa cô đi khắp thành phố – từ quán cà phê sinh viên quen thuộc, đến thư viện yên tĩnh trong khuôn viên trường, cả những con đường nhỏ rợp bóng cây mà anh từng đạp xe qua không biết bao nhiêu lần suốt những năm đại học.
“Căng-tin trường anh món gì ngon nhất vậy?” Hạnh An hỏi, ánh mắt lấp lánh tò mò.
“Cơm sườn trứng chả, 25 ngàn, ăn xong no tới chiều.” Tùng Nguyên trả lời dứt khoát, làm cô cười phá lên.
Anh kể cho cô nghe về những môn học “đặc sản” của khoa, những thầy cô vui tính nhưng cực khó tính, cả mấy bí quyết sinh tồn mỗi kỳ thi mà anh tự đúc kết bằng mồ hôi và nước mắt.
Mỗi câu chuyện anh kể, mỗi nơi anh đưa cô tới, đều làm trái tim Hạnh An đập nhanh hơn.
Cô nghĩ, khoảng cách giữa họ đang dần được rút ngắn.
Cô nghĩ, cuối cùng thì mình cũng đã đủ “lớn” để được đứng bên cạnh anh, không còn là cô bé lớp dưới ngồi mơ mộng trong những buổi chiều học thêm nữa.
Cô tin rằng, rồi một ngày nào đó, nếu cứ cố gắng như thế này… anh sẽ nhìn thấy cô, không phải như một đứa em gái – mà như một người con gái đủ để cùng anh đi qua những ngày tháng trưởng thành.
Mùa hè ấy, trong lòng cô tràn đầy hy vọng.
Cô đã yêu mùa hè năm đó, bởi vì trong mùa hè ấy – có anh, có cô, và những mộng mơ chưa kịp vỡ.
Mùa hè nhanh chóng trôi qua như cái chớp mắt.
Ngày đầu tiên nhập học, cái ngày mà cô đã mong chờ biết bao nhiêu, cũng cuối cùng đến.
Sáng sớm hôm đó, khi Hạnh An còn đang loay hoay buộc tóc thì điện thoại đã rung lên. Tin nhắn ngắn gọn:
“Anh đang đợi ở cổng, xuống lẹ nhen.”
Cô chạy vội ra, trái tim không hiểu sao đập nhanh hơn bình thường.
Tùng Nguyên đứng dựa vào chiếc xe máy quen thuộc, nón bảo hiểm trên tay, miệng nở nụ cười khi thấy cô.
“Lên xe, tân sinh viên.”
“Dạ!” Cô cười toe, nhảy lên sau lưng anh.
Con đường đến trường hôm đó thật đẹp. Không phải vì thời tiết, cũng chẳng vì phong cảnh – mà là vì người ngồi phía trước đang nói không ngớt về những điều cô sắp trải qua.
Và rồi, khi xe dừng lại trước cổng trường, Hạnh An ngước lên nhìn tấm biển lớn treo trên hội trường, nơi mà hôm nay cô đang đứng chờ nhận bằng tốt nghiệp, lúc đó lại chỉ là một tân sinh viên bé nhỏ, tay ôm hồ sơ, lòng ngập tràn háo hức.
Anh đưa cô vào sảnh chính, dẫn đường như một “tiền bối” tận tụy.
“Đây là hội trường chính nè, lát nữa em làm hồ sơ ở đây. Lần đầu vô trường thấy chỗ nào cũng to đúng không?”
Cô gật đầu, mắt sáng rỡ.
“Ừm… nhưng mà em yên tâm đi, rồi cũng sẽ quen. Trường này… nhiều chuyện vui lắm.”
Lúc ấy, cô đâu biết rằng chính tại nơi này – sảnh hội trường với những hàng ghế dài và ánh nắng hắt qua cửa kính – sau bốn năm, cô sẽ đứng một mình giữa vô vàn tiếng cười, nhìn anh rời đi bên một người khác.
Cô từng nghĩ, bắt đầu đại học là một cánh cửa mới để đến gần anh. Vậy mà… bốn năm trôi qua, hóa ra cánh cửa đó chỉ là một vòng tròn, đưa cô quay trở lại đúng điểm ban đầu – vẫn là đứng sau lưng anh, vẫn là người chúc anh hạnh phúc… chỉ khác là, lần này, cô đã học cách mỉm cười.
***
Trở về với thực tại, Hạnh An hít một hơi thật sâu. Gió nhẹ thổi qua, làm tóc cô bay lòa xòa. Cô vén tóc ra sau tai, mắt nhìn về khoảng sân trước hội trường – nơi cô từng mơ mộng, từng tin tưởng, từng chờ đợi.
“Vậy là… kết thúc rồi.” Cô lẩm bẩm, nụ cười nhẹ tênh như gió thoảng.
Chẳng ai trả lời cô cả. Chỉ có hàng cây rì rào bên lối đi, như thể cũng đang thì thầm tiếc nuối thay cho một điều gì đó không thành.
Hạnh An nghĩ lại… ngày cô nhận ra mình thích Tùng Nguyên, cô chỉ là một cô học sinh lớp 10 nhạt nhòa giữa bao người, thành tích học tập cũng không mấy tốt. Khi ấy, anh đã là học sinh lớp 12, lúc nào cũng tỏa sáng, dịu dàng và ấm áp như ánh nắng đầu hè. Có lần trời mưa, anh giơ ô che cho cô, nói:
“Đứng sát vô, ướt hết bây giờ.”
Tim cô lúc ấy… như một con chim nhỏ lạc đường, đập rộn ràng chẳng biết lý do vì sao.
Nhưng rồi, cô nghĩ… mình không có gì. Không xinh hơn ai, học hành cũng chưa giỏi, lại nhỏ hơn anh hai tuổi.
Cô không dám nói, vì sợ anh sẽ nói: “Anh chỉ xem em là em gái.”
Thế là, Hạnh Nguyên lựa chọn im lặng. Cô cũng âm thầm vạch cho mình một con đường – một con đường mà đích đến là ngôi trường đại học mà anh từng kể với ánh mắt rực sáng.
“Trường anh vui lắm, sinh viên năng động lắm. Em mà lên đây chắc hợp.”
Hạnh An vẫn nhớ rõ từng câu ấy, từng nụ cười ấy.
Và từ giây phút đó, cô đã quyết định – mình phải thi vào trường đó.
Không phải để tỏ tình.
Mà chỉ đơn giản là… muốn có cơ hội được đứng bên anh, một cách xứng đáng hơn.
Cô đã học ngày học đêm, từ bỏ mọi cuộc vui, lặng lẽ bước đi trên con đường đầy áp lực, chỉ để có thể trở thành “đàn em khóa dưới” của Tùng Nguyên. Cô từng nghĩ… khi cô đủ giỏi, đủ trưởng thành, thì anh sẽ nhìn thấy cô, thật khác.
Nhưng mà… cũng nực cười làm sao.
Cô đã trở thành sinh viên xuất sắc.
Cô đã có thành tích mà cô từng mơ tới.
Cô đã bước vào hội trường với tấm bằng danh dự.
Nhưng người ấy – người mà cô muốn thấy điều đó nhất – lại chẳng còn đứng đó đợi cô nữa.
Anh đã bước tiếp.
Và khi cô vất vả đi qua bao mùa thi, bao nỗi lo, bao đêm rơi nước mắt… thì anh đã nắm tay người khác, cùng nhau đi tới một tương lai mà cô chẳng thể chen chân.
Cô bật cười. Không phải vì vui. Mà vì nhận ra một sự thật:
“Hóa ra, vào thời điểm mình trở nên tốt nhất… vẫn chẳng thể nào đuổi kịp bước chân của người mình thích.”
Gió vẫn thổi qua vai áo, mang theo hơi thở của một buổi chiều sắp tàn. Hạnh An đưa tay ôm chặt tập bằng khen vào lòng, như thể đang giữ lấy tất cả những nỗ lực, những hy vọng và cả những cảm xúc chưa từng nói thành lời.
Bên cạnh, Phương Quỳnh đứng lặng im, không nói gì cả. Có lẽ, cô cũng biết, lúc này mọi lời an ủi đều là thừa thãi. Chỉ là… nên để Hạnh An được yên tĩnh khép lại một điều gì đó của riêng mình.
Hạnh An cúi xuống mở túi xách, lục lọi một lúc rồi rút ra một mảnh giấy nhỏ, cũ kỹ, đã hơi nhàu – là tờ giấy cô từng viết vội những dòng chữ khi biết mình đậu vào trường đại học năm ấy. Dòng chữ mực xanh đã hơi nhòe:
“Mình làm được rồi! Cuối cùng cũng được học cùng trường với anh. Hy vọng sẽ có ngày anh nhận ra mình.”
Cô nhìn tờ giấy thật lâu. Rồi mỉm cười.
Không còn gì để níu giữ nữa rồi, phải không?
Hạnh An tiến về phía thùng rác gần góc hội trường. Đứng trước đó, cô nhìn lại mảnh giấy một lần cuối – không phải với sự tiếc nuối, mà là với lòng biết ơn. Vì nhờ những tháng ngày từng thích anh, cô mới biết mình có thể cố gắng đến mức nào, trưởng thành ra sao.
Cô gấp tờ giấy lại làm tư, rồi thả nó vào thùng.
Nhẹ nhàng. Dứt khoát.
Khoảnh khắc ấy, như thể có điều gì trong tim cô cũng rơi xuống… nhưng không còn đau nữa. Chỉ là một khoảng trống dịu dàng, lặng lẽ, đủ để ánh sáng của một điều mới có thể len vào.
Cô quay lại, mắt ánh lên tia sáng khác, không còn là nỗi buồn, mà là sự sẵn sàng.
“Đi thôi.”
Giọng cô vang lên nhẹ như gió, nhưng rắn rỏi hơn bao giờ hết.
Phương Quỳnh khẽ gật đầu, tay siết nhẹ lấy tay bạn. Hai cô gái bước đi trong chiều vàng sắp tắt. Phía trước là những ngã rẽ, những con đường mới. Và phía sau… chỉ còn là một khoảng trời đã được gấp lại như một trang nhật ký cũ.
Một chương khép lại, để chương mới mở ra. Và cô – Hạnh An – sẽ bước tiếp, không còn vì ai khác, mà vì chính mình.