bởi Mer

56
9
2663 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Trà chiều cùng Thị


Kim Lân

Tên khai sinh: Nguyễn Văn Tài (1920-2007)

Quê ở làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Kim Lân bắt đầu sự nghiệp viết văn từ khá sớm với những tác phẩm văn học như: Làng, Vợ nhặt,... Qua các tác phẩm, ông đã thể hiện được nét sắc sảo không khí tiêu điều, ảm đạm của nông thôn và cuộc sống lam lũ của người nông dân Việt Nam.

Kim Lân chuyên viết về làng quê Việt Nam- mảng hiện thực đời sống mà từ lâu ông đã gắn bó và hiểu biết sâu sắc, ông đi sâu vào tái hiện sinh hoạt văn hóa phong phú nơi thôn quê (những trò chơi dân gian, những mảnh đời bị bần cùng hóa).

Năm 2001, Kim Lân được tặng thưởng Giải tưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

   

Vợ Nhặt


Truyện ngắn Vợ nhặt được viết vào 1954, ngay sau khi hòa bình lập lại và dựa trên một phần cốt truyện cũ đã bị mất khoảng mười năm trước là tiểu thuyết Xóm ngụ cư. Tác phẩm được in trong tập Con chó xấu xí (1962).

Lấy bối cảnh trên phông nền u ám của nạn đói, của cái chết, tiếng quạ kêu ta thiết với mùi đống dấm khét lẹt. Kim Lân vẫn pha vào đó một chút màu sắc ấm áp của hạnh phúc lứa đôi, lóe lên hy vọng về một ngày mai tươi sáng, về sự thay đổi vận hộ. Thông qua tình huống dở khóc dở cười vô cùng trớ trêu, tác giả ngầm khẳng định một chân lý mà Nguyễn Khải đã thể hiện trong Mùa lạc: "Sự sống nảy sinh từ trong lòng cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong gian khổ hi sinh. Ở đời này không có con đường cùng mà đây chỉ là những ranh giới. Điều cốt yếu là con người phải chuẩn bị cho mình một sức mạnh để có thể vượt qua những ranh giới ấy."


Th- V anh cu Tràng


Thị là một trong ba nhân vật chính của tác phẩm Vợ Nhặt- nhân vật có tính cách và số phận kì lạ nhất, sự xuất hiện của thị có vai trò đặc biệt quan tọng cho sự vận động và phát triển của cốt truyện.

Vợ Tràng là một người đàn bà với con số không tròn chĩnh: không tên, không lai lịch, không gia đình, không nhà cửa, quê quán và bị nạn đói hủy hoại ghê gớm về hình hài, dáng vẻ và giá trị con người của Thị.


Chiếc nón rách tàng, bộ quần áo rách tả tơi như tổ đỉa,

khuôn mặt lưỡi cày xám xịt với bộ ngực gầy lép và hai con mắt trũng xoáy.

 Đây rồi, cô ấy đã đến, nhân vật chính trong buổi phỏng vấn của chúng ta ngày hôm nay- vợ anh cu Tràng.

 - Chào Thị! Rất vui được gặp chị trong buổi nói chuyện này. Tất cả chúng ta ở đây đều biết đến chị thông qua một tác phẩm rất nổi tiếng của nhà văn Kim Lân đó là tác phẩm Vợ Nhặt. Hình ảnh của chị hiện lên như một biểu tượng thê thảm, điển hình của nạn đói năm 1945 và đã để lại ấn tượng hết sức sâu sắc trong lòng độc giả. Cảm ơn chị đã nhận lời đến buổi nói chuyện này. Nhân đây, chị có thể gửi lời chào cũng như một chút giới thiệu về mình với mọi người được không ạ, mọi người chắc hẳn rất tò mò về tên thật của chị?

 - Xin chào tất cả mọi người. Bản thân tôi cũng rất bất ngờ khi được mời tới buổi phỏng vấn này. Để giới thiệu một chút về bản thân thì tôi rất vui và tự hào khi được biết đến là một đứa con tinh thần của nhà văn Kim Lân, là vợ anh cụ Tràng, là con dâu của bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt. Tất cả những gì về tôi chỉ có vậy thôi (cười). Tôi không có tên vì mọi người hay gọi tôi bằng những cái tên khác nhau, họ thấy tôi sao thì gọi vậy, còn tôi thì cũng chỉ lo bám lấy miếng ăn nên cũng chẳng còn nhớ rõ lần cuối cùng người ta gọi tên thật của mình là gì. Tôi hoàn toàn mất ý niệm về cái tên của mình.


 - Vậy còn quê hương, gia đình của chị thì sao, ai cũng phải có một nơi được sinh ra?

 - Thú thật, tôi lớn lên chỉ có một mình, khi tôi ý thức được mọi thứ thì xung quanh không còn ai nữa. Cái đói nó cứ kéo lê và chỉ dẫn tôi đi từ nơi này đến nơi khác, bước từ ngày này qua ngày nọ, tôi lang thang khắp nơi nên đâu cũng là nhà. Ai cho tôi miếng ăn, tôi đều coi họ là gia đình.


 - Đó có phải là lí do mà chị đã đồng ý về làm vợ Tràng khi mà hai người mới gặp nhau có hai lần và chỉ với bốn bát bánh đúc cùng một câu bông đùa?

 - (Cười lớn) Chắc hẳn mọi người ở đây đều cho rằng tôi dễ dãi, không có tự trọng và chính tôi cũng vậy, nhiều lúc nghĩ lại cũng không ngờ là mình lại đồng ý một cách dễ dàng đến thế. Thế nhưng mọi quyết định đều có lí do của nó, tôi chỉ có thể đưa ra quyết định dễ dàng như vậy trong hoàn cảnh đó và hoàn cảnh đó bắt buộc tôi phải làm vậy. Cái chết hiển hiện ngay trước mặt mình, mình đang chìm dần trong vực xoáy của nước thì bỗng dung có một cái phao được ném đến cứu lấy mạng mình thì dại gì mà không bám vào. (Cười) Còn sâu trong tôi thì vẫn luôn mong cho hạnh phúc của đời mình, một mái ấm gia đình, một người mà mình có thể trông cậy cả đời.


- Lại nói về chuyện quyết định theo Tràng về làm vợ. Chị có thể kể lại cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh hai người gặp nhau, sự kiện chị theo không anh chàng đó về làm vợ được không ạ?

- Chúng tôi gặp nhau trong một lần Tràng kéo xe thóc Liên đoàn lên tỉnh , khi ấy anh làm nghề kéo xe bò thuê cho người ta. Và anh cũng chỉ buông câu bông đùa "Muốn ăn cơm trắng với giò, ra đây mà đẩy xe bò với anh" lúc đầu tôi cũng tỏ vẻ khôn ngoan "Có khối mà cơm trắng với giò ấy" nhưng rồi thuận đà lời trêu của đám bạn, tôi cũng ra đẩy xe bò cùng luôn. Sau đó mấy ngày thì chúng tôi gặp lại nhau ở chợ, lúc đầu anh không nhận ra tôi bởi tôi tiều tụy hơn hẳn. Tôi vì đói quá nên phải hạ giá, chanh chua "một tí" để được theo về cùng người ta (cười). Có lẽ vì thương xót cho tôi nên Tràng đã mời tôi bốn bát bánh đúc.


  - Và hai người đã nên duyên với nhau từ đấy?

 - Rõ ràng là như vậy. Bốn bát bánh đúc tưởng ít nhưng lại là cả cuộc đời và tương lai của tôi. Đó vẫn là miếng ăn ngon và ấm bụng nhất của tôi.


 - Vậy còn trên đường về cùng Tràng thì sao, tâm trạng chị như thế nào?

 - Thì tôi cũng như bao cô gái khác thôi. Lúc ở chợ, tôi chỉ đơn giản nghĩ là về có miếng ăn nhưng lúc lũ trẻ trong xóm ùa ra trêu "Chông vợ hài" thì tôi mới nhận thức rõ được người đi bên cạnh sẽ là chồng của mình, rồi tôi sẽ là vợ, là con dâu của nhà người ta. Lúc đó tôi thực sự rất bối rối, bước đi với khuôn mặt ngượng nghịu, thiếu tự tin, chân nọ đá chân kia. Lại còn không dám nhìn lên, có cái nón rách tàng thì che mất đi nửa khuôn mặt, khác hẳn với dáng vẻ cong cớn của tôi lúc ở chợ. Giờ nghĩ lại bộ dạng lúc ấy của tôi trông cũng thật buồn cười, đôi lúc tôi cũng hơi xót cho mình. Thấy sao phận mình rẻ rúng và tội nghiệp quá, mình gả về nhà người ta mà bên cạnh lại chẳng có lấy một người thân, cứ đi là đi thôi.


 - Nhưng khi về đến nhà anh cu Tràng thì chị lại nén một tiếng thở dài. Chị có thể cho chúng tôi biết rõ hơn về phản ứng của chị lúc đó không ạ, tại sao lại thay đổi như vậy?

 - À, tôi nén một tiếng thở dài vì tôi thấy ngao ngán và thất vọng khi trông thấy hình ảnh ngôi nhà trước mặt mình nhưng rồi cũng ngay lúc ấy thì tôi cũng đã chấp nhận được luôn tình cảnh này. Dù cái phao tôi bám vào là cái phao rách nhưng vẫn còn hạnh phúc hơn là trước đó tôi không có cái phao nào cả.


- Chắc hẳn ngay chính giây phút đặt chân vào nhà ấy chị cũng ý thức được về hai tiếng "vợ chồng" cũng như "gia đình" đúng không?

 - Đúng vậy. Tôi phải nén tiếng thở dài lại vì tôi biết những ngày tháng sắp tới sẽ không dễ dàng gì. Trong tôi đã bắt đầu có những lo lắng về tương lai, những lo toan và trách nhiệm về gia cảnh nhà chồng cũng dần dần hiện lên trong tôi. Tôi biết tôi phải cùng Tràng xây dựng một gia đình thực sự, một gia đình hạnh phúc, yên ấm, đủ ăn đủ mặc.


 - Thật sự đến đây chúng tôi phải dừng lại để dành một sự ngưỡng mộ đặc biệt đến với chị, quả là một người có tấm lòng đáng quý. Ngay trong một tình cảnh như vậy mà trong chị vẫn giữ được sự lạc quan và ý thức được phận mình thì quả thực là đáng khen và đáng để cho chúng ta học tập.

- Cảm ơn chị.


- Vậy còn lúc ngồi trong nhà để đợi mẹ Tràng về thì sao, chị có thêm phần nào lo lắng và hồi hộp?

- Tất nhiên là phải có rồi. Tôi ngồi chờ bà về trên chiếc giường mà chỉ dám ngồi mớm, thật sự nó không ổn định và thoải mái một chút nào. Tôi thực sự rất lo lắng và hồi hộp, ngồi một chỗ đợi mà tôi cứ tưởng tượng ra trong đầu đủ thứ với đủ mọi thắc mắc, không biết bà là người như thế nào, dáng vẻ tính tình ra làm sao, rồi bà sẽ như thế nào khi thấy tôi ngồi đây, bà nghĩ sao về đứa "con dâu" này, bà có chấp nhận tôi không. Nói chung là tôi đã ngồi chờ bà trong sự hồi hộp và lo lắng.

  

- Và chị cũng đã chào bà là mẹ đến hai lần khi bà mới về đến nhà?

- Đúng vậy, tôi đã chào bà đến hai lần, giọng tôi lí nhí, thêm phần nhiều lo ngại và e sợ nên tôi sợ bà không nghe thấy. Với lại ngoài chào ra tôi cũng chẳng biết phải nói gì thêm.


- Thật sự chúng tôi lại được thấy thêm ở chị là một người rất ý tứ và cung kính đó ạ. Quả là một hình ảnh đẹp của một người con rất mực thước trong quan hệ với mẹ chồng.

- Cảm ơn chị đã dành lời khen cho tôi. Tôi nghĩ mình vẫn còn nhiều thiếu xót lắm.


- Tiện đây, chị có thể chia sẻ thêm một chút về bà cụ Tứ trong lần đầu gặp mặt được không?

- Cái ấn tượng đầu tiên của tôi là nét khắc khổ in sâu trên khuôn mặt của bà. Dáng vẻ lom khom nhưng vẫn có vẻ gì đó rất tinh nhạy, bà cho tôi một cảm giác rất dễ gần và không khó để tôi có thể gọi là "mẹ". Thật sự bà rất hiền lành và thương con của mình, lúc tôi thốt ra từ "mẹ", trong lòng tôi như đang dậy sóng lớn, tôi đã rất xúc động. Có lẽ là một khoảnh khắc tôi không thể quên được với bà. Tôi đã rất cảm kích khi bà chấp nhận một người con dâu như tôi. Thực sự tôi đã coi bà là mẹ chứ không chỉ đơn thuần là mẹ chồng ngay trong chính lúc ấy.


- Rồi đến sáng hôm sau thì sao, sáng đầu tiên thức dậy trong nhà chồng, chị có suy nghĩ gì về bát chè khoán của bà cụ Tứ?

- (Cười) Gọi là chè khoán chứ ai cũng biết nó là một nồi cháo cám mà. Nhưng tôi vẫn nhận nó một cách vui vẻ, bằng lòng và đầy chân thành từ tay mẹ của mình. Thật sự bữa cơm đầu ấy cũng thật gây ám ảnh cho mọi người về sự thống khổ của nạn đói lúc bấy giờ. Trước đó tôi cũng đã dậy rất sớm để cùng bà dọn dẹp lại căn nhà, tôi muốn thổi một luồng khí mới, một năng lượng mới cho căn nhà của mình, cho một cuộc sống mới của ba con người.


- Nếu thời gian quay trở lại thì sao, chị vẫn quyết định thế chứ?

- Tại sao lại không? Tràng và bà thương tôi đến như vậy cơ mà. Đó vẫn luôn là quyết định sáng suốt nhất của tôi. Một việc làm mà tôi thấy ý nghĩa nhất của mình trong suốt từng ấy năm tồn tại với cái đói. Tôi thực sự rất biết ơn và trân trọng tình cảm của anh Tràng và bà cụ Tứ đã dành cho tôi.


- Vậy chị có muốn gửi gắm một điều gì đó cho một tương lai sau này không?

- Tôi chỉ đơn giản là muốn một mong ước như bao người là cái đói sẽ qua mau, người người no đủ, gia đình tôi cũng vậy, tôi cũng mong cho sức khỏe của mọi người, xin yêu thương dài lâu. Cảm ơn chị về câu hỏi này.


 - Vâng, cảm ơn chị đã đến với buổi phỏng vấn này để giúp mọi người được gần và hiểu rõ hơn về nhân vật thị. Cảm ơn những chia sẻ và năng lượng hết sức lạc quan mà chị mang lại, chị luôn cười trong suốt buổi trò chuyện. Tôi cũng chúc chị cùng gia đình và mọi người sẽ vượt qua được tình cảnh khó khăn này, mong mọi người luôn yêu thương và đùm bọc lẫn nhau, cùng hướng đến một tương lai lâu dài, ấm no. Chúc chị và gia đình hạnh phúc. Cảm ơn chị.

 - Cảm ơn chị và mọi người. Tôi cũng dành lời chúc yêu thương và tốt đẹp nhất đến với mọi người. Cầu mong cho một cuộc sống bình an và tốt đẹp hơn. Cảm ơn vì buổi nói chuyện này. Tạm biệt mọi người.


Vậy đấy, cuộc trò chuyện giữa chúng tôi đã kết thúc trong một buổi trà chiều với những tiếng cười tràn đầy năng lượng. Cảm ơn sự thoải mái và không khí tươi mới mà thị mang đến. Không quên gửi một lời cảm ơn chân thành đến nhà văn Kim Lân, cha đẻ của tác phẩm, người đã kết nối những tâm hồn đồng điệu lại với nhau.

Vợ nhặt xứng đáng là một tác phẩm để chúng ta kể lại cho nhau nghe về mãi sau này.