Thích, yêu, thương là 3 điều khác nhau (1)
Các bạn có bao giờ thắc mắc thích, yêu, và thương là gì? Và những điều này có khác nhau chỗ nào không?
Hay tại sao các ông các bà thường bảo "Tôi thương bà/ông." chứ không phải là "Tôi yêu bà/ông."?
Cái này sẽ tùy vào mỗi người có một câu trả lời khác nhau khi họ có được sự trải nghiệm của riêng họ.
Thích, yêu, và thương là ba điều khác nhau.
I. THÍCH.
Thích, chúng ta có thể đơn giản hiểu nó là bước đầu, bước sơ khai tình yêu của một cặp đôi. Chắc chắn trong mỗi người trong chúng ta, ai cũng đã từng rung động trước một người khác giới. Có thể là lúc bạn đi học, cũng có thể là lúc bạn đi làm, thậm chí là bạn lướt các trang mạng xã hội.
Khi chúng ta thích, chúng ta chỉ đơn giản có cảm giác ngượng ngùng mỗi lúc gặp rồi đứng trước người đó, nói không sai chứ tim của chúng ta cứ loạn nhịp lên mà không hiểu vì sao, thậm chí là mặt chúng ta còn đỏ bừng như kiểu sốt cao nữa đấy.
Khi bạn thích người ta, bạn sẽ vui mừng khôn xiết nếu như người ta cũng có cùng cảm giác ấy với mình nhưng nếu bạn biết họ lại không cùng loại cảm giác đó thì bạn cũng chỉ có chút buồn buồn trong người vậy thôi. Vài hôm sau chúng ta lại vui vẻ, vẫn năng động và tiếp diễn cuộc sống hàng ngày của mình.
Và tất nhiên, sau bao muộn phiền đã vứt bỏ được kia, bạn sẽ không còn thích người đó nữa. Bạn sẽ xem người đó vẫn như trước kia - một người bình thường như bao người khác, như chưa từng có chút rung động nào. Nhưng với một vài trường hợp vứt bỏ liêm sỉ để theo đuổi người ta đến tận cùng thì... các bạn đọc ở phần dưới nhé.
Khi ta thích một người, ta có thể quan tâm đến người đó nhưng có thể dễ dàng quên đi.
Tại sao lại có người dễ dàng bỏ cuộc khi biết tin người mình thích không thích lại mình? Nhưng có người lại có người sẵn sàng theo đuổi người mình thích đến tận cùng?
Bởi vì đơn giản, thích có hai loại : Thích từ tận trong đáy lòng và thích nhất thời.
1. THÍCH TỪ TẬN TRONG ĐÁY LÒNG.
Thích từ tận trong đáy lòng là thứ tình cảm bắt nguồn từ tận sâu trong trái tim. Nó có thể coi như là một thứ tình cảm rất chân thành, chung thủy khi bạn thích ai đó.
Nhưng nó không đồng nghĩa với "yêu" và "thương"
Đã gọi là thích thì nó chỉ dậm chân lại ở mép ngoài vùng đất của tình yêu, tức là vùng đất của "yêu" và tất nhiên, bạn còn vùng đất của "thương" phía trước nữa .
"Thích" kiểu này bắt nguồn từ việc bạn bị ấn tượng bởi hành động, cử chỉ hay ngoại hình của bất kì ai. Vậy là từ đó, bạn luôn để mắt đến từng bước chân của người đó. Chuyện này khác với ngưỡng mộ vì một ngày, bạn đột nhiên sẽ nhận ra mình đã không thể thôi nghĩ về người đó, không thể thôi nhớ nhung, hình ảnh người đó cứ thể lấp đầy trong tâm trí bạn.
Thứ mà bạn nhìn thấy đầu tiên chính là gương mặt của người đó, thứ mà bạn nghĩ đến đầu tiên chính là nụ cười của người đó, và thứ mà bạn muốn nghe thấy nhất chính là giọng nói của người đó.
Kết luận, bạn đang thích người đó từ tận đáy lòng.
Vì tất cả những thứ mà bạn đang nghĩ đến đều là về người đó. Thích chính là luôn dán mắt vào người ấy.
2. THÍCH NHẤT THỜI.
"Thích nhất thời" bắt nguồn từ những suy nghĩ thoáng qua.
Khi bất chợt gặp người nào đó có ngoại hình bắt mắt, có những hành động lôi cuốn, hoặc một ai đó cho bạn cảm giác nể phục, xiêu lòng, vậy là bạn thích người đó.
Thích nhất thời chỉ là thích ai đó chỉ trong một thời gian ngắn nhưng lại giúp cho con người ta trưởng thành hơn sau sự việc đó.
Thích nhất thời cũng có vài biểu hiện giống với thích từ tận trong đáy lòng nhưng tiêu biểu của thích nhất thời thường là người đó thường hay mơ mộng xa vời.
Nếu bạn có cảm giác mình rất muốn có được người đó hoặc sẵn sàng làm tất để có người đó bên cạnh, bạn chính là đang thích nhất thời đấy.
Thích nhất thời, có thể xem như là thích kiểu trẻ con.
Nó giống như một đứa trẻ rất thích món đồ chơi đẹp, luôn ganh tỵ với bất kì ai có mà không phải là mình, cực kì không vui khi người khác chạm tay vào, và thậm chí sẽ nổi sung lên nếu món đồ chơi đó không chọn mình, sẽ khóc và nhói đau ở lồng ngực khi món đồ chơi đó quay lưng với mình.Đứa trẻ đó sẽ làm tất cả những gì mà có thể nó chưa từng làm trước kia chỉ để có món đồ chơi đó. Nó nghĩ món đồ chơi đó chỉ thuộc về nó.
Sau bao nhiêu nỗ lực, cuối cùng đứa trẻ cũng có được thứ mà nó muốn. Tuy nhiên, khi đã có thứ đó trên tay rồi, nó lại quăng đi một cách vô thức và nhận ra rằng nó không cần nữa.
Khi ấy cũng giống như là lúc kì hạn của thích nhất thời đã kết thúc.