641
1
624 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Thiên 1 [学而 Học nhi]: 1.3


_Nguyên văn_

子曰:巧言,令色,鲜矣仁。

_Phiên âm_

Tử viết:  Xảo ngôn, lệnh sắc, tiển hĩ nhân.

_Dịch nghĩa_

Khổng tử nói: Người ưa dùng lời nói khéo hay, làm vẻ mặt hiền lành, như vậy chưa hẳn là người có lòng nhân.

_Kiến giải_

Ngôn ngữ từ miệng lưỡi phát ra là ngọn ở bên ngoài; tâm địa là gốc ở bên trong. Người ta không thể thấy được tâm địa, nhưng xét ngôn ngữ của một người, nếu tinh ý, người ta có thể biết được tâm địa người ấy. Ngôn ngữ xảo trá là biểu hiện của một tâm địa kém thành thật. Người dùng lời nói khéo cốt để che đậy ý đồ xấu của mình; nhất là khi lời nói dối trá được vận dụng để thuyết phục hay biện bạch.

Những tay du thuyết nổi danh thời Chiến Quốc như Tô Tần, Trương Nghi, thời Tam Quốc như Bàng Thống, Hám Trạch... là những ví dụ điển hình, vì họ chẳng bao giờ thành tâm thành ý cả, mà chỉ cố thuyết phục đối phương theo hướng để có lợi cho họ. Đó là điểm thứ nhất có thể dùng để đánh giá về sự thiếu kém của đức nhân.

Điểm thứ hai là chú trọng trau chuốt nhan sắc đẹp đẽ. Nhan sắc đẹp đẽ là điều ai cũng ưa thích, mến mộ, nhưng đó phải là cái đẹp tự nhiên, không cố ý trau chuốt. Nếu người chỉ biết chú trọng đến vẻ đẹp bên ngoài, chỉ biết trau chuốt hình dung, dáng vẻ, thì thực chất trong nội tâm không thể có sự tu dưỡng cao quý. Sự chú trọng quá nhiều đến vẻ ngoài như thế dĩ nhiên không phù hợp với tiêu chuẩn của đức nhân.

Theo quan điểm của Đức Khổng tử, đỉnh cao của đức nhân nằm trong ý nghĩa câu nói mà Ngài dạy cho Nhan Hồi: “Khắc kỷ phục lễ vi nhân. 克己 復禮為仁。” (Chinh phục lấy mình, tuân theo thiên lý là nhân.) Chinh phục lấy mình là không chạy theo ngoại vật, hình sắc dáng vẻ bên ngoài; tuân theo thiên lý là sống trong đạo trời, chân chất thật thà không làm hại đến tha nhân.

Đức Khổng tử lại nói về đức nhân với Tử Trương: “Năng hành ngũ giả ư thiên hạ vi nhân hỹ; viết: cung, khoan, tín, mẫn, huệ.” (Có thể làm năm điều trong thiên hạ là nhân vậy; đó là: cung kính, khoan hoà, trung tín, chăm chỉ, sáng suốt.”

Vì thế, Ngài cũng nói: “Cương, nghị, mộc, nột, cận nhân.” (Cương trực, nghiêm trang, chất phác, trì độn, là 
gần với đức Nhân.)

Từ đó, có thể suy ra người có nhân thì thành tựu, ôn hoà, khiêm nhượng, nhẫn nhục; người bất nhân thì khéo léo, giảo hoạt, giả dối, tàn nhẫn... Do đó, Đức Khổng tử mới nhận thấy trong những người nói năng xảo trá, lại thêm ưa thích trau chuốt cho nhan sắc thêm đẹp, thật ít người có đức nhân.

Để chứng thực nhận xét này, phải đọc lại cổ sử Trung Hoa. Những người nam nổi tiếng đẹp trai như Công Tôn Át (thời Xuân Thu) thì có tính ghen ghét tỵ hiềm, Tống Ngọc (nước Sở), Tràng Khanh (đời nhà Hán) thì nổi tiếng trăng hoa... đều là những kẻ luôn chú trọng quá đáng đến vẻ đẹp bên ngoài. Những con người ấy hẳn không phải là những người dồi dào đức nhân rồi.

_Chú thích_

Chữ “lệnh sắc” nghĩa là “làm ra vẻ mặt theo ý muốn”,  “giả bộ”, thay vì vẻ mặt thể hiện tự nhiên tâm trạng bên trong. Theo mạch câu văn, tạm dịch là “làm vẻ mặt hiền lành”.