1. Thiên Lý
Nhà, xe, bảng hiệu, nhà, xe, bảng hiệu,... từng đợt vụt qua tầm mắt tôi. Tôi đang nằm nghiêng, một bên mặt như áp chặt vào cửa kính, con ngươi chuyển động theo những quần sáng hiếm hoi mà đêm đen có được. Tôi hít sâu để hơi máy lạnh len lỏi vào từng thớ thịt rồi tự tôi run rẩy, dù chỉ cần giơ tay lên và tắt máy lạnh đi. Tôi không giỏi chịu đựng, nhưng tôi quen rồi...
Cả xe đang say ngủ, tôi nghĩ vậy, tiếng hít thở đều đều và tiếng ngáy của bao nhiêu con người hòa vào âm thanh của động cơ. À, còn tiếng nức nở của nhân vật trong vở cải lương bác tài đang nghe và tiếng hát theo khe khẽ của ông. Đó là một vở cải lương xưa, tôi chắc vậy, vì đoạn này tôi đã nghe rất nhiều lần trong những ngày tôi ở cùng ông bà ngoại. Đêm xuống, tôi nằm bên ông, "thưởng thức" tiếng ếch nhái ngoài đêm đen như hát theo: Cô Nguyệt đau đớn ôm con đến giao cho người cũ và cô vợ cưới hỏi đàng hoàng của anh ta.
Không gian tràn ngập tiếng bi thương của Nguyệt. Tiếc là tôi không còn ông ngoại để lau nước mắt khi ông xúc động bùi ngùi, tôi thì không còn khóc nổi, tôi chỉ thấy lạnh thôi. Tôi không biết trở về quê ngoại có phải là quyết định sáng suốt hay không, khi bỏ lại quá nhiều thứ điều sau lưng và bỏ lại những người tôi sẽ nhớ ghê lắm. Trước khi lên xe mẹ tôi có gọi điện thoại - cuộc gọi từ bên kia đại dương - nhưng tôi không muốn nghe nên mẹ không gọi nữa. Ba tôi không hỏi đến tên nên tôi không báo cáo. Chỉ có Thành và ánh mắt buồn rầu của nó là theo tôi lên xe, theo tôi suốt đêm nay...
"Mày đừng đi, mày qua nhà tao ở, tao nuôi mày được. Đừng bảo lưu..."
"Tao không biết Thành ơi, chỉ là tao thấy lòng u uẩn quá,... tao" - Hai ngón cái và ngón trỏ của tôi tì vào cằm vào thái dương, tôi biết giọng tôi lúc này rất nặng nề, tôi sắp khóc. Nước mắt con trai không dễ rơi, nhưng tôi không muốn gồng mình trên đống đổ nát rồi giả đò mình không đau, không chảy máu.
Tôi nhớ Thành đã ngồi cạnh tôi, khuôn mặt đẹp như con gái của nó buồn rười rượi và miệng ngậm thuốc, rít vào một hơi... Ngón tay trắng thon, buông thả điếu thuốc đang cháy dở còn say khói, gót giày đạp bẹp và xoay xoay còn miệng phả ra hơi ấm gây nghiện. Rồi nó đứng dậy, xua tay: "Đi đi, ai nói con trai phải mạnh mẽ. Đi và úp mặt vào chỗ nào đó mày thích rồi khóc thật lớn, tao sẽ tạm quên mình có thằng bạn thân là mày... Nhưng lúc gặp lại, mày mà thảm hại y chang bây giờ thì chết với tao..."
Sau đó, rất buồn cười, hai thằng con trai ôm ghì nhau ở bến xe và vai áo nó ướt đẫm. Có lẽ nước mắt tôi đã rơi hết trên vai thằng Thành nên tôi không khóc thêm được nữa. Tôi suy nghĩ về những nguyên cớ đưa đẩy mình nằm đây, trên chuyến xe về tỉnh, và rút ra ba điều: Thứ nhất, tôi yếu đuối, thứ hai, tôi hèn nhát, và cuối cùng, tôi thua cuộc.
-----‐----------
- Con qua nhà cậu mợ ở đi con, đừng thui thủi một mình - Cậu nói khi tôi thắp nhang lên bàn thờ ông bà ngoại, hai tấm hình hai người tôi thương quý đang cười hiền từ nhìn tôi, đặt cạnh nhau.
Tôi cười:
- Con ở đây cũng được mà cậu, lo nhang khói cho ông ngoại bà ngoại ấm cúng.
- Bây nói cứ như tao bỏ cha bỏ mẹ không lo - Cậu tôi chép miệng.
- Con biết cậu không có mà, nhưng nhà có hơi bụi bặm thiệt cậu ơi, để con dọn dẹp sơ qua.
Không chỉ "hơi" bụi bặm, căn nhà đã xưa lắm rồi và không được quét dọn thường: Một lớp bụi lưu niên bám lên nhưng cái tủ gỗ xa xưa, lúc nãy tôi ra nhà sau cất đồ đã nhìn thấy mạng nhện đóng hơi nhiều lớp trong căn phòng xưa. Ngoài sân, dưới những cây ngoại yêu quý, cỏ dại tự do sinh sôi và lá cành bất quy tắc (Ông ngoại mà thấy sẽ làm ầm lên cho coi). Tôi không trách cậu, mợ và ông bà ngoại xưa nay không thuận thảo với nhau. Ông bà cũng không thích sống cùng con cháu, hai người ưa yên tĩnh còn nhà cậu mợ tôi thì hay có rượu chè. Âu cũng là tính cách hai nhà không hợp. Lúc bà ngoại mới mất, bàn thờ vừa lập là ông đã dặn dò cậu và mẹ tôi, nguyên văn: "Tao muốn ở đây với vợ tao, đừng rước tao qua đó. Tụi mày nói sát vách mà bước chân qua đây cũng làm biếng nên tao muốn ở đây luôn để lúc muốn thắp nhang cho bả không phải thấy xa xôi. Chừng tới lúc nhắm mắt xuôi tay rồi tao cũng phải ở đây bên bả, dù bàn thờ lạnh tanh...".
Tôi cũng không muốn trách mợ, đó là chuyện người lớn với, tôi biết mợ làm dâu nhà này cũng tảo tần, tảo tần theo cách mợ nghĩ. Ngôi nhà ít được chăm sóc nhưng bàn thờ không đến nỗi lạnh tanh cũng đã quý lắm rồi. Chị Lành - con gái cậu mợ - đã lấy chồng, thằng Hưng con trai kế đang đi học trên thành phố (đã nhiều lần nó gặp tôi trên ấy nhưng làm như không quen, tôi cũng không hỏi han). Còn cậu mợ cũng bận rộn công ăn chuyện làm riêng, là tiệm tạp hóa và vườn tược các thứ. Hơn nữa, tôi là đứa cháu cưng của ngoại, dù gì tôi cũng đã sống gần mười năm ở đây trước khi về ở hẳn với ba, tôi muốn nơi đây ấm áp và đầy sinh khí để hút lấy những gì tiêu cực trong tôi lúc này.
Cậu mợ không bất hiếu, chỉ là không đủ yêu thương thôi, cha mẹ và con cái bất hòa cũng đã khiến cậu tôi rầu rĩ. Tôi muốn ở đây để sống lại những kỷ niệm êm đềm, để quên đi cái tôi đang trốn chạy, tôi sẽ lờ đi cái người ta khuất lấp...
- Nghe nói con sắp có thêm em?- Cậu hỏi làm bàn tay cầm li trà của tôi run rẩy, khốn thật...
- Dạ.
- Hôm qua mẹ con điện thoại, khóc với cậu. Sao con không nói chuyện với mẹ?
Tôi im lặng, uống trà thôi nào.
Cậu ngần ngừ, hỏi tiếp:
- Vậy cái bà dì kế của con... là bạn gái cũ của con thiệt hả Giang?
Lưỡi tôi nóng quá, đầu tôi như bị ai nhấn vào lu nước:
- Chuyện cũ rồi cậu.
- Nhưng như vậy kì lắm, con không thấy kì sao?
- Ba con không thấy kì thì thôi cậu - Tôi cười cười, chuyện ba tôi làm đám cưới với cô gái nhỏ hơn mình gần ba mươi tuổi chưa phải là đề tài đủ nóng để người ta tàn tán đây mà - Cũng chia tay rồi, không còn tình cảm nữa, con mong cậu đừng nói với ai.
Nhưng nếu mẹ đã biết, cậu đã biết và mợ tôi đã kịp biết. Thì cái tin ba thằng Giang, cháu ngoại ông Bảy Tị "cướp" người yêu con trai sẽ còn nóng hơn đề tài con gái ông Bảy Tị có bầu một đứa con hoang trong thời gian chồng đi nước ngoài làm ăn.
Mà mẹ tôi luôn muốn người ta biết cả hai người (cha tôi và mẹ tôi) đều sai như nhau, mẹ không muốn người ta chỉ trách mình cắm sừng chồng cũ. Hahaha, nhìn ông ta mà xem cũng đâu hơn gì tôi đâu. Lươn và lịch, hai con nhớt hết.
Chuyện này chắc mẩm không giấu được, tôi sẽ được người ta mổ xẻ đây. Và cõi lòng tôi như bị ai đó cào cấu, máu bầm lênh láng.
Cậu nhìn tôi ái ngại:
- Thôi, mày lo nghỉ ngơi cho khỏe, phần dọn dẹp để cậu lo cho.
Tôi tự mình khâu lại vết đau, làm như tỉnh bơ, nói:
- Con tự làm được.
- Để cậu kêu con Lý qua dọn dẹp trước sau rồi cho nó tiền, cho nó công việc nó còn mừng nữa. Bây ngồi chơi thôi.
- Lý, Lý nào cậu?
- Thì con Thiên Lý con gái thằng Nhường đó. Mà cậu quên, mày chắc chưa gặp nó bao giờ đâu.
Ừ tôi nhớ chú Nhường, cũng ba năm rồi từ ngày vợ chồng chú Nhường chết đuối sau một vụ lật ghe. Cái ghe nhỏ đầy ăm ắp rau quả, đi hết khúc sông này đến khúc sông kia bán dạo - cả gia tài của hai vợ chồng - chìm xuống đáy sông sau một cơn giông dữ. Chuyện sao mà buồn thảm... Lúc hay tin, tôi còn bần thần hồi lâu...
- Con nhớ hai đứa con chú Nhường hình như gửi học trên thành phố, con chưa gặp thiệt.
- Ừ, hai vợ chồng nó giỏi lắm, dành dụm để hai con có tương lai. Nhà họ hàng nó giàu mà dở, cha mẹ không còn là đuổi tụi nhỏ ngay...
- Dạ.
_______________
Tôi cầm ba lô lên, rồi quăng mạnh xuống giường. Cái giường không hề hấn gì, chỉ có bụi là bay lên rồi đu đưa dưới cái nắng lọt vào từ cửa sổ.
Tôi đau đớn, cậu tôi đã khơi lại sự hờn căm cùng ghen tức trong tôi. Tôi biết mình thật hèn, nhưng làm sao được khi bị phản bội mà không thể thụi nắm đấm vào mặt thằng đó, vì thằng đó là ba mình.
Nằm vật ra giường, lửa như bùng cháy nơi cuống họng, nắng làm tôi rát da quá dù nắng đã hong khô mi mắt tôi. Tôi nghĩ mình nên ngủ đi thôi dù cơn mơ làm tôi hãi sợ. Và cái cảnh khiếp khủng ấy làm tôi muốn nôn mửa...
__________
Khi tôi tìm lại ý niệm về thời gian thì nắng đã tắt và tôi vừa thoát khỏi cơn la hét. Tôi tỉnh giấc khi hai tay bấu chặt vào da đầu và cổ họng nhức nhối. Khốn thật.
Tôi bước ra nhà trước, căn nhà đã sạch sẽ như thủa nào, sân vườn đã đâu ra đó và lu nước đong đầy. Tôi trở về ngày xưa ấy rồi ư? Lúc ngôi nhà ba người, và đây, mùi thơm quen thuộc, mùi của cá kho. Tôi như sống lại nếp xưa, vốc nước trong lu rửa tay rửa mặt rồi rón rén vào bếp như con mèo tìm ăn, vào trong chút nữa thôi tôi sẽ thấy bóng dáng bà ngoại khom lưng kho cá và ông ngoại ở bên cạnh đang nhìn bà âu yếm.
Nhưng không có bà ngoại, bà ngoại đã về đất lâu rồi, ông ngoại đi tìm bà ngoại rồi. Chỉ có vóc người ốm o cùng mái tóc ngắn đón tôi. Người đó đang nhìn tôi, cái nhìn hoang mang sao mà tội nghiệp....
Lần đầu tiên, chính xác là lần đầu tiên, tôi gặp Thiên Lý.
Nó có mái tóc ngắn, nhưng không đều, tôi nghĩ suối tóc nào đó đã bị nó dùng kéo tàn phá cho lam nham lở nhở. Nó ốm, không tới mức da bọc xương, ốm o theo kiểu u uẩn lâu ngày. Bộ tóc nham nhở hoe hoe đỏ. Nó mặc trên người bộ đồ kì lạ: quần của một bộ đồ mặc ở nhà với cái áo chính xác là đồ hiệu trong một shop mắc tiền.
Nhưng tất cả những điều đó không thu hút tôi bằng ánh mắt của nó.
Một đôi mắt sẽ rất đẹp, nếu tròng trắng tròng đen không ngập tràn sợ hãi, kiểu sợ hãi của con thú non hiền lành gặp con thú săn mồi, mà con thú non dù đang sợ mất mật cũng cố làm ra vẻ gai góc.
Tay nó hơi co lại, cứ như tôi mà tiến lên một bước là bị "ăn đủ" ngay, nó sẽ bộp tôi.
Tôi gãi mũi, như muốn trấn an, tôi lùi lại một bước:
- Lý hả em?
Con bé gãi gãi tay:
- Dạ
- Em nấu cơm cho anh hả?
- Dạ tại chú Long nói chắc anh muốn ăn cơm bên này.
Tôi gật đầu:
- Ờ, vậy thôi em để đó đi, anh lo cho.
Con nhỏ gật đầu, nhưng rồi nó vẫn đem cơm ra mâm. Tôi nghĩ mình nên lịch sự một chút với nó nên mời lơi:
- Em ăn cơm chưa, ăn chung với anh cho vui?
Con nhỏ rụt cổ:
- Dạ thôi anh ăn đi - Nói rồi con nhỏ lủi đi mất, như một con sóc.
Tội nghiệp con bé mồ côi, nỗi đau chắc hẳn phải lớn ghê lắm nên nhìn con bé mới u uẩn thế kia. Còn tôi, tôi cũng khác gì con nhỏ đâu, cha mẹ còn đủ mà như không có, nỗi đau nào cũng là nỗi đau. Nhưng con bé tội hơn tôi, cái cảm giác mất đi người luôn yêu thương ngóng đợi nó thê thảm lắm, thà không có gì còn hơn có mà mất đi. Tôi nghĩ vậy.
Tôi nhìn mâm cơm, tự nhiên hơi nóng bốc lên làm mắt tôi cay xè, tôi nhớ ông bà ngoại quá, tôi cũng được yêu thương ngóng đợi đó thôi. Nhưng con tạo không muốn tôi hạnh phúc lâu nên giấu hai người mất rồi.
Tôi ăn cá kho và tôm xào bông thiên lý mà như sống lại ngày xưa, ngày còn nhỏ bé chưa phải cách xa. Những năm tháng đi học ở thành phố lấy đi của tôi sự vô tư nhưng bù đắp lại cho tôi một tình bạn đẹp và một tình yêu đẹp. Nhưng tình yêu như cánh hoa nhàu nát, và tôi ngồi đây để vuốt ve cánh hoa lần cuối để vĩnh viễn chôn vùi nó vào nơi nhà mồ dĩ vãng...
Và rồi những tiếng la hét cắt đứt dòng tâm trạng chơi vơi...Tôi nghe có tiếng chửi rủa và tiếng chó sủa từ xa vọng lại. "Ùm" một tiếng như muốn làm đêm chông chênh, rồi tiếng quẫy nước, tiếng la của ai đó trên bờ:
- Trời ơi là trời ơi, trời ơi xuống đây mà coi con quỷ cái này nó xô chồng tui xuống nước nè trời.... - Là chị Lành đó ư?
- ĐÁNG ĐỜI THẰNG MẤT DẠY... - Tiếng la lớn hơn cả tiếng huyên náo, dù chỉ nghe một lần tôi cũng nhận ra giọng ai.
Tôi ngồi bật dậy, vọt ra ngoài mà không một giây suy nghĩ.
Thiên Lý!