THIÊNG LIÊNG HAI TIẾNG GIA ĐÌNH
THIÊNG LIÊNG HAI TIẾNG GIA ĐÌNH
Truyện ngắn của Hạ Vân
Cơn mưa đầu mùa vừa ngớt là nắng đã lại vàng ươm trở lại, sau những ngày khô cằn được cơn mưa tắm mát thế này chắc đám cây cỏ ngoài vườn thích lắm đây. Bà ngồi trên chiếc phản gỗ trước hiên nhà vừa phe phẩy cái quạt mo trên tay vừa to nhỏ với con Mực nằm dưới chân. Mưa thế này đất cũng mềm ra thiệt tiện biết bao cho việc vườn tược của nhà nông, rồi như nhớ đến điều gì đó bà vội đứng dậy đi ra sau nhà. Bà cắp cái nón rồi gọi Mực ơi mày ra vườn với bà hay ở lại trông nhà, con Mực đang nghịch mấy con cóc trước hiên nhà nghe tiếng bà gọi liền nhanh nhảu theo sau chân bà ra mảnh vườn bên hông. Nhớ đến đám cỏ cứng đầu cứng cổ hôm nào bám riết dưới mấy gốc sầu riêng chẳng chịu lên vì đất khô cứng. Nay mưa đất mềm, thêm bàn tay cần mẫn của bà nữa thì đám cỏ có mà bám đằng trời. Bà thương đám cây trong vườn nhà như con mình, bà chăm chúng kỹ lưỡng lắm nên chẳng có con sâu hay đám cỏ dại nào dám bén mảng đến vườn nhà bà. Gần tám mươi rồi nhưng bà còn khỏe lắm, nói về việc vườn tược, sợ đám thanh niên trong xóm còn chẳng bằng bà. Con cháu mỗi khi về thăm thấy bà cứ luôn tay luôn chân chuyện vườn tược lại bảo bà thuê người làm, chứ già rồi để sức mà vui vầy với con cháu. Nghe chúng bảo thế bà lại cười bảo già rồi mới lên vận động cho xương cốt nó khỏe, chứ cứ ăn rồi lại nằm rỗi tay rỗi chân lại đâm bệnh thêm.
Bàn tay bà khéo léo, chẳng những nuôi chín người con khôn lớn thành người mà vườn tược nhà bà lúc nào cũng sai trĩu quả. Con trai, con gái nhà bà chẳng đứa nào thích cái nghiệp nhà nông nên ba mẫu vườn nhà, đều một tay bà trông nom, giữ gìn. Bà khéo lắm nên vườn nhà bà chả thiếu thứ gì, mít, ổi, chôm chôm, sầu riêng,... thứ gì cũng chục gốc. Mùa nào thức nấy, con cháu bà đứa ở xa hay ở gần cứ đến mùa lại căng bụng với trái cây tay bà trồng. Bà thương cây cối thì chúng cũng thương lại bà, chúng thương bà vất vả chăm sóc nên năm nào đám cây nhà bà cũng đơm hoa, kết trái sớm hơn vườn nhà người ta. Năm nay cũng vậy, đám chôm chôm nhà người ta còn đương bông lá xanh thì vườn nhà bà đám chôm chôm đã chín đỏ cả một góc vườn. Lũ cháu nội, cháu ngoại của bà trên thành phố chắc chúng sẽ thích lắm đây và cả... Bà cắt mấy chùm chôm chôm mà lòng buồn, tay bà cắt còn miệng thì cứ to nhỏ với con Mực đang tíu tít vẫy đuôi dưới chân “lại một mùa chôm nữa thằng Hưng nó không về Mực à!” Con Mực biết có hiểu lời buồn, lời nhớ của bà hay không mà cũng gâu gâu lên vài tiếng trả lời để được bà vuốt ve cái đầu rồi thưởng cho quả chôm chôm chín mọng.
-Bà Chín ơi, bà có nhà không ?
Con Mực thiệt là thính tai, đang say sưa gặm quả chôm chôm ấy vậy mà nghe tiếng bà Bảy gọi tít trong nhà là nó chạy vào ngay. Bà Bảy hay cho nó đồ ăn nên chỉ cần nghe tiếng hay thấy bóng bà là nó mừng quýnh cả lên. Đang cắt dở mấy chùm chôm chôm nhưng nghe tiếng bà Bảy gọi í ới trong nhà, bà cũng lật đật chạy vào...
-Chuyện chi thế chị Bảy ơi !
-Có cặp dầu nóng của thằng cháu nó biếu, mang qua cho chị một chai đặng lúc đau nhức có cái mà thoa.
-Sao không để mà dùng, quý hóa quá !
-Mình tôi thì thoa đến bao giờ mới hết cặp dầu nóng.
Tình bạn già, tình làng nghĩa xóm nó quý thế đấy, những người già như bà với bà Bảy đây nếu không bầu bạn với nhau rồi cả nếu không có mảnh vườn làm thú vui thì cũng đâm buồn chán mà sinh bệnh thôi. Con cháu vì cuộc sống mưu sinh mà mỗi đứa một phương, bỏ lại bố mẹ, ông bà ở chốn quê cũ kỹ. Trước thời trẻ hai bà vốn chẳng ưa gì nhau nhưng già nó đổi tính đổi nết, hiểu thấu lòng nhau nên lại đâm ra thân như ruột thịt.
-Vườn nhà chị năm nào cây trái cũng có ăn trước vườn nhà người ta nhỉ?
-Có ít chôm chôm tôi vừa cắt, lát chị có về thì cầm lấy ít quả cho sấp ăn lấy thảo...
Suýt xoa rổ chôm chôm chín đỏ trên tay bà Chín là thế nhưng cái mà bà Bảy để tâm nhất vẫn là đôi mắt đỏ hoe, đượm buồn của bà bạn già. Chẳng cần phải nhiều lời hỏi han bà Bảy cũng biết cớ sự sao mà đôi mắt ấy đượm buồn. Thủng thẳng bà Bảy kéo ghế ngồi, rồi vừa nhâm nhi tách trà bà vừa nói
-Buồn nhớ làm chi ba cái đứa con nuôi, nuôi con nuôi như người dại nuôi tú hú vậy thôi...
Bà chẳng nói tiếng nào khi nghe lời trách của bà Bảy, bà lặng lẽ ngồi mân mê những quả chôm chôm chín đỏ trong rổ thoáng chốc lại đưa mắt nhìn về phía cổng nơi hàng rào râm bụt. “Biết nó có ăn uống đầy đủ không ? Bệnh đau bao tử có hành nó nhiều không ?...” Từ khi Hưng bỏ đi, mỗi khi nhớ anh bà lại tự gieo vào hư không những câu hỏi nhớ thương như thế. Nếu là người mới nghe, mới biết thì còn cùng buồn cùng chia sẻ nỗi nhớ với bà, còn bà Bảy đã nghe hơn chục năm nay rồi nên chẳng còn chút nhẫn nại hay cảm thông gì. Nhất là với câu chuyện buồn đã cũ, về đứa con nuôi trời đánh của bà Chín nên bà bực dọc đứng dậy cắp chiếc nón lá giận dỗi đi về phía cổng. Bỏ lại bà Chín với lời dặn, lời trách rằng tu hú đi tu hú chẳng về nữa đâu...!
“Nó sẽ về mà !” Chẳng biết bởi đâu bà có niềm tin rằng Hưng, con trai bà sẽ trở về. Bà Bảy về, gian nhà lại vắng lặng chỉ còn mình bà với con Mực, đưa mắt nhìn vào khoảng sân trước hiên mà nỗi nhớ nỗi buồn bám riết lấy bà kéo tâm trí trượt dài về mảng quá khứ năm xưa. Hồi ấy bà đẹp lắm lại thêm cảnh con nhà giáo nên khi vừa tròn mười sáu con trăng, bà đã có đám mang trầu cau đến hỏi. Con gái lớn trong nhà như hũ mắm treo đầu giường nên khi có đám hỏi bố mẹ bà thấy ưng bụng là gả ngay. Lấy chồng năm mười sáu, lấy chồng thì phải sinh con nhưng bà lại chẳng nhanh bầu như các chị em trong làng lúc bấy giờ. Mãi đến năm con trăng thứ mười tám bà mới có bầu như nhưng số kiếp bà bị ông trời bắt vạ sao đấy bà lại sinh toàn con gái. Chồng bà thì lại con trưởng của dòng họ nên việc có con trai nối dõi là việc nghiễm nhiên trở thành trách nhiệm, gánh nặng của bà. Bà cứ sinh năm một, mẹ chồng bà bảo cứ sinh khi nào ra được thẳng con trai thì mới thôi. Bà khóc thương thay cái phận đàn bà như gà, như vịt của mình cũng như năm đứa con gái của bà sau này. Đã có lúc bà tuyệt vọng, bà đã từng nghĩ đến chuyện viết giấy li hôn để chồng bà đi cưới vợ mới mà có đứa con trai nối dõi. Nhưng cái ý nghĩ cao thượng cho dòng họ nhà chồng ấy nó chẳng cao hơn sự ích kỷ của một người vợ cũng như tấm lòng của một người mẹ. Tình yêu bà dành cho chồng, một gia đình đủ bố đủ mẹ cho các con đã kéo bà ra khỏi những ý nghĩ đó. Bà kêu cầu thuốc nam, thuốc bắc, nơi nào nghe việc cầu khẩn linh thiêng bà cũng đều đến, đều thử. Người ta bảo có cầu, có tin thì sẽ được, bà mang bầu lần thứ sáu với niềm tin mãnh liệt vào những thang thuốc những lời cầu khẩn rằng đứa bé trong bụng sẽ là con trai. Cho đến khi hình hài nó ra đời, con khóc mẹ còn khóc to hơn con khi chứng kiến gương mặt thất vọng của chồng, mẹ chồng bên cạnh đứa con đỏ hỏn.
“Các cụ ngày xưa cứ hễ khó nuôi, khó đẻ là sẽ đi xin một mụn con. Hay vợ chồng bay cũng làm giấy xin một mụn con trai về nuôi xem sao?” Những lời ấy của mẹ chồng bà ngày xưa hay bây giờ nghĩ lại nó vẫn cay đắng...thấu tận tim gan. Có phải bà không biết chửa đẻ gì đâu kia chứ, chỉ là bà không sinh được con trai thôi mà. Với người làm mẹ đã qua sáu lần sinh như bà nghe sao mà nó chua xót, cay đắng nhưng vì sự bình yên thuận hòa trong nhà nên bà chấp chận xin nuôi một mụn con trai. Khi nhận nuôi Hưng được khoảng một năm thì bà có bầu rồi sinh liền hai thằng con trai một lúc, vậy là tất thảy bà có chín người con sáu gái, ba trai. Từ lúc ôm Hưng trong vòng tay bà chưa một giây nào nghĩ Hưng không phải con mình. Con nuôi hay con ruột thì cũng đều là con mình, bà phải có trách nhiệm chăm sóc, dạy dỗ chúng lên người. Không những bà mà các con bà dù có biết rõ mọi chuyện thế nhưng chúng chưa bao giờ xem Hưng là người không cùng máu huyết.
Con người thì âu cũng giống như cây có ngoài vườn đâu thể bé mãi cho bà dễ uốn, dễ dạy. Hưng càng lớn thì sự hiểu biết càng nhiều, lại thêm lời ra tiếng vào của làng trên xóm dưới nên cái phận con nuôi anh đều rõ dù bà có cố giấu đi. Biết mình chẳng phải con ruột nên chẳng có quyền đòi phân chia tài sản hay phân chia công minh gì đó... Hưng buồn bỏ việc vườn tược rồi bỏ đi biệt tăm từ ấy. Mười hai năm rồi, kể từ ngày Hưng đi bà chưa khi nào thôi nhớ mong, thôi nuôi hy vọng rằng con trai mình sẽ trở về. Bất kỳ đi đến nơi nào, có gặp gỡ ai bà đều cậy nhờ người ta tin tức của Hưng nhưng đều vô vọng...
“Năm nay thằng Hưng nó ba mươi tư tuổi rồi, biết đã vợ con gì chưa...” Bà buông lời trăn trở trong lòng tâm sự với con Mực đang gác đầu lên chân bà mà ngủ, dưới cái nắng tắt dần của buổi hoàng hôn.
-Ngoại ơi, canh chua cá lóc ngoại ăn luôn cho nóng nha.
-Nay mẹ bay lại nấu canh chua à ?
-Dạ
Chín người con tất thảy nhưng chúng lớn, đủ lông đủ cánh thì đều bay đi cả. Mỗi đứa một phương, nhiều khi bà nhớ lắm nhưng ráng nén lại cảm xúc nén lại nỗi nhớ đợi đến dịp lễ tết, giỗ chạp bởi bà sợ cái nỗi nhớ của người già ảnh hưởng đến cuộc sống của lớp trẻ. Âu trời cũng còn thương bà mà níu lại cho bà cô con gái út lấy chồng gần, thi thoảng đau yếu tuổi già cũng còn đứa thuốc men. Chén cơm nóng đứa cháu ngoại vừa bới cho bà chưa kịp đụng đũa thì cái điện thoại trên tủ thờ vang lên ỉnh ỏi. Sấp nhỏ đứa chi có chuyện mà lại gọi về giờ này, bà thấy ruột gan mình nóng ran khi từng bước tiến về phía tủ thờ. Nhưng lại là số điện thoại lạ, bà ngập ngừng rồi
-Alo, sấp nhỏ nào bên đầu dây đấy ?
-Dạ chào bác, cháu là y tá gọi đến từ bệnh viện tỉnh. Anh Nguyễn Đông Hưng có phải người nhà của bác...?
Nghe đến tên con mình lại thêm câu bệnh viện tỉnh thì lòng bà nóng như lửa đốt. Bà chẳng còn đủ kiên nhẫn mà nghe cho xong cuộc điện thoại, bỏ dở chén cơm vừa đụng đũa. Như thói quen thường ngày mỗi khi đi ra đường, bà vội vàng cắp chiếc nón lá đi về phía cổng với màn đêm vừa buông xuống. Bà đi về phía nhà cô con gái út, vừa đi bà vừa gọi “Ái ơi, thằng Hưng nó đang nằm bệnh viện tỉnh bay chở mẹ lên với em nó !” Con gái, con rể dù có nói thế nào bà cũng nhất quyết đòi theo lên bệnh viện cho bằng được, suốt cả chặng đường bà cứ khóc mà gọi “Hưng ơi, sao dại quá con ơi !” Bà luôn mong con mình sẽ trở về lành lặn và khỏe mạnh nên khi nhìn thấy Hưng nằm trên giường bệnh trắng toát với mình mẩy đầy dây rợ, bà đã ngã quỵ xuống nền. Mặc cho mọi người can ngăn, bà cứ níu lấy tay ông bác sĩ mà khóc lóc rằng sao con tôi lại thành ra thế này, sao ông lại bó con trai tôi thế kia ?
-Bác à, con trai bác bị tai nạn giao thông ngoài hai chân phải bó bột thì anh ấy không còn vấn đề gì nguy hiểm đến tính mạng cả.
Phải đến khi nhận được lời đảm bảo từ bác sĩ bà mới vực dậy tinh thần và tin Hưng thực sự không có vấn đề gì nguy hiểm đến sự sống. Bà cứ ngồi cạnh bên nắm lấy bàn tay còn lại của Hưng, bà sợ bà buông ra thì con bà sẽ lại biến mất. Con gái, con rể sợ bà tuổi già sức yếu mà cứ ngồi miết bên giường bệnh thì sẽ gục mất, khuyên bà đi nghỉ nhưng bà nào có để tâm.
-Ái à, gọi cho các chị về thăm Hưng nghe con.
-Dạ, con gọi rồi mẹ yên tâm mai mọi người sẽ mà.
Bà cứ ngồi như thế suốt đêm bên giường bệnh, hết nắn bóp tay rồi thì lại lấy khăn ấm lau mặt cho Hưng. Trời bắt đầu hửng sáng mà mãi chưa thấy Hưng tỉnh làm bà cà cuống cứ chốc chốc năm ba phút lại gọi bác sĩ vào. Hưng tỉnh từ lâu rồi, từ lúc bà nắm lấy bàn tay anh mà thủ thỉ rằng con người ta đâu nhất thiết phải có cùng một dòng máu thì mới được gọi là gia đình. Hưng thực muốn tỉnh dậy mà gọi tiếng mẹ ơi, nói lời xin lỗi nhưng anh lại chẳng biết bắt đầu như thế nào rồi như chỉ đợi bà đứng dậy gọi bác sĩ lần nữa...thì Hưng mới đủ dũng cảm nắm lấy tay bà mà gọi tiếng “mẹ !” Hưng vừa mở mắt cũng là lúc các con bà vừa về đến, tiếng mẹ, tiếng con, tiếng nói cười khóc lóc cùng hòa vào một tạo nên thứ âm thanh hạnh phúc nơi phòng bệnh nồng mùi thuốc. “Đi đâu mà bây mới về ? Em đi đâu để cả nhà phải lo lắng kiếm tìm ?” Chị cả, em út ai nấy cũng đều hỏi han trong nước mắt, những giọt nước mắt của nhớ thương...
-Con đã sống những ngày qua như thế nào ?
Hưng khóc như một đứa trẻ khi nhận ra tình yêu, sự quan tâm của mọi người trong gia đình.
-Con chỉ là đứa con...
-Về nhà đi con, chôm chôm chín đỏ cả một góc vườn chờ con trở về !
Bà biết Hưng định nói điều gì nên bà đã lên tiếng gạt đi cái suy nghĩ về phận mình là con nuôi của anh. Nắm lấy bàn tay Hưng nhìn một lượt các con bằng ánh mắt âu yếm bà bảo ‘gia đình là thứ quan trọng nhất, công danh sự nghiệp các con có thể không có nhưng gia đình chắc chắn phải có. Gia đình được tạo nên bởi tình yêu và sự hy sinh chứ chẳng phải huyết thống. Dòng máu đang chảy trong người dẫu có giống nhau hay không cũng đâu quan trọng bằng tình yêu...’
Lời của bà như mật ngọt thấm đều qua trái tim Hưng, anh òa khóc gọi tiếng ‘mẹ ơi.’ Hưng vòng tay ôm lấy mẹ, áp mặt vào bầu sữa già của mẹ mà hít hà lấy mủi hương của mẹ. mùi hương mà anh thèm khát và nhung nhớ bao năm. Lời của mẹ khi nào Hưng cũng thấy đúng, dẫu cho vạn vật trên thế gian này có đẹp thế nào thì cũng đâu vật nào sánh bằng trái tim người mẹ. Và dẫu cho ngoài kia nhà có năm bảy tầng xa hoa, lỗng lẫy thế nào thì cũng đâu bằng mái nhà mình. Cái vỗ về của mẹ, giọt nước mắt nhớ thương, mừng tủi của chị em làm lòng Hưng ấm lại. Hai tiếng ‘gia đình’ chưa giây khắc nào Hưng quên và thấy thiêng liêng như lúc này...