bởi Bảo Hy

13
4
1939 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Tiếng Thét Của Hoàng Hôn (2)


Nó đi biền biệt mấy năm trời không một tin tức. Cũng chả mấy ai biết gì về tin tức của nó. Nó sống thế nào, học hành ra sao? Chẳng có ai biết. Từ lúc đi lại chưa một lần gửi thư về hỏi thăm người mẹ đang già đi theo thời gian.

Mà cũng khốn thay, từ cái hồi mà nó gom hết tiền trong nhà đi thì chủ nợ cứ ráo riết đòi bà không thôi. Cũng hơn cả trăm triệu bạc chứ phải ít ỏi gì đâu mà ngày một ngày hai là có để trả. Bà lại không lành lặn như người ta, sức khoẻ cũng bữa tốt bữa không nên cũng không kiếm được mấy. Thế rồi cứ đòi mãi không được, người ta siết hết ruộng đất chỉ để lại cho bà cái chòi tranh lụp xụp trong miếng đất bé tẹo. Đất và nhà là do chồng bà khổ cực cày cấy mới có được, mất hết bà đâm ra buồn rầu.

Người xung quanh nhìn thấy cũng bất bình thay. Nhưng cũng có làm gì được. Họ cứ rỉ tai nhau rằng:

- Thằng Khanh con bà Quyến đó, ngày xưa ngoan ngoãn hiếu thảo biết bao nhiêu. Cứ tưởng đi du học rồi thì mẹ nó đỡ hơn, ai biết được đi một cái liền biến mất luôn.

- Khổ thân, vất vả nuôi lớn nó, vì cứu nó mà suýt mất mạng thế mà lớn lại chả nhờ được.

- Bởi vậy, hồi ấy đã bảo cứ nói cho nó biết hết thì có phải đỡ khổ hay không!

Mọi người chỉ biết than thở thay cho bà. Mất chồng rồi cuộc sống còn mỗi đứa con, ấy mà nó cũng bỏ đi nốt. Sức khoẻ của bà dạo này cũng yếu đi nhiều lắm, cũng không biết cầm cự được bao lâu. Cái thằng kia nữa, nó ít nhiều cũng phải nghĩ tới mẹ nó nơi quê nhà không kiếm ra tiền chứ. Con cái gì mà lớn lên đi làm lại không biết gửi tiền về cho cha mẹ. Cái thằng ăn to nói lớn là thế, học giỏi là thế mà chút đạo hiếu cũng không biết thì trời đất nào mà dung cho nổi.

Cánh én muốn lớn cũng phải bay đi, nhưng dù có đi đâu thì một ngày chúng vẫn sẽ về tổ. Con người sống trên đời, chút nhân tình đạo hiếu đó mà chả nhẽ lại thua cả động vật hay sao?

Trời xui đất khiến thế nào mà thằng Khanh lại nhận công tác ở ngay tại quê nhà. Mấy năm ròng rã, nó cũng sớm quên đi người mẹ tàn tật kia của nó. Thế mà hôm ấy, khi cầm trên tay tờ thông báo chuyển công tác, nó như chết lặng. Một xúc cảm ồ ạt trong lòng nó, dòng ký ức bấy lâu khoá lại tự nhiên lại chuyển động như thước phim trong tâm trí nó.

Nó sang đây, học hành xong thì liền được công ty lớn nhận vào, cuộc sống vô cùng tốt. Mới hai năm trước nó còn lấy vợ rồi giờ cũng có đứa con được hai ba tháng tuổi. Tất cả mọi việc nó làm, nó trải qua dù vui hay buồn nó đều không thông báo gì cho bà.

Rồi thì hôm qua, lại trời xui đất khiến thế nào mà vợ nó vô tình hỏi:

- Anh này, lúc nào rảnh anh đưa em về thăm và chào mẹ nhé!

Rồi thì nó cũng ậm ừ chả biết trả lời thế nào. Lúc lấy vợ nó cũng chỉ nói là mẹ nó không tiện sang đây nên vợ nó cũng thôi hỏi đến. Nhận thông báo chuyển công tác nó sững sờ, không biết phải làm gì. Về rồi thì sao? Đi gặp mẹ à? Nhưng để làm gì kia chứ? Nó cũng không biết phải nói gì nếu gặp mẹ nữa.

Thế rồi nó cũng cứ bay về nước, tiếp nhận công việc. Nó đáp chuyến bay cũng được hai tuần hơn.

Trưa hôm ấy, khi nó đang cùng đồng nghiệp ăn trưa ở quán gần công ty thì nó nhìn thấy bóng dáng gầy khọp quen thuộc.

Đó là mẹ nó. Bà như thể đang đợi gì đó trước cổng công ty. Số là có người nói nhìn thấy thằng Khanh làm việc ở đây nên bà mới đánh liều lên kiếm nó. Nhưng biển người mênh mông, bà lại chả biết phải tìm ai để hỏi nên cứ ở đây chờ vận may xem có gặp được hay không. Nó thấy nhưng không quan tâm. Nó chỉ mong bà không thấy nó mà thôi.

Sau chừng 10 phút, nó cùng đám bạn đi vào công ty. Nó cố len lỏi chỉ mong bà sẽ không thấy nó vì người lúc này cũng đông. Rồi tự nhiên một tiếng kêu vang lên:

- Khanh! Bà lăn xe lại chỗ nó, mắt rươm rướm.

Khuôn mặt người già gầy gò, nhăn nheo khi khóc vết sẹo lớn lại co lại trông thật dễ sợ. Bà đưa bàn tay lên một cách khó khăn và chậm rãi.

- Là... là con phải không Khanh?

Bà định nắm lấy tay nó thì nó bỗng hất ra và lộ vẻ mặt vừa ghê tởm vừa sợ hãi. Bạn bè nó xúm tụm lại hỏi:

- Ai thế Khanh? Ai thế?

Bao nhiêu tiếng hỏi dồn dập khiến nó cứng người. Bà cũng với ánh mắt mong đợi mà chờ nó nói rằng đây là mẹ tôi hay đại loại thế. Nhưng không! Nó dửng dưng và cười như không.

Nó đáp:

- Tớ cũng không biết, chắc ăn xin hay gì đó. Để tớ cho tiền thì họ liền đi thôi!

Rồi nó móc bóp ra, lấy tờ 50 ngàn dúi vào tay bà, cố cười như vẻ lịch sự vậy:

- Rồi, bà đi đi nhé! Đừng có ở đây làm phiền bọn tôi nữa.

Bà như chết lặng. Cả lồng ngực như bị ai bóp chặt. Bà cúi đầu, chỉ biết cười thôi. Có lẽ vì sốc quá không khóc được nên đành cười vậy thôi.

- Đúng, tôi là ăn xin! Cảm ơn cậu nhé!

Rồi bà lặng lẽ nhìn nó bước vào vui vẻ cùng với đám bạn vây quanh. Thế giới xung quanh bà bỗng chốc như sụp đổ. Bà cười nụ cười nhàn nhạt. Tờ 50 ngàn trên tay cũng rơi mất tự lúc nào. Gió thổi như khiến lòng bà đau xót hơn, tan tác hơn.

Chuyện qua đi cũng được nửa tháng. Rồi vào một cái ngày định mệnh ấy đã đưa đẩy nó đến với sự thật ngỡ ngàng. Hôm đó nó đi uống cùng đối tác. Nó say mèm đến không biết trời đất. Người ta bắt xe cho nó, lái xe hỏi nó đi đâu thì liền như quán tính nó trả lời đúng cái địa chỉ nhà của nó. Đúng, chính là cái nhà mà nó lớn lên, cái nhà có người mẹ của nó. Không biết là thói quen, là bất giác hay là như thế nào, nó lại chỉ nhớ mỗi chỗ đó khi người ta vô tình hỏi địa chỉ nhà.

Xe chở nó về nhà, nó lảo đảo mở cửa xe và đi vào bên trong. Cũng bần thần lắm khi nhìn thấy ngôi nhà quen thuộc. Nó định quay lưng đi mà không vào, nhưng hình như có cái gì đó thúc đẩy nó phải đi vào. Ấy thế, nó mở cửa và đi vào trong.

Mùi nhang xộc ngay vào mũi khiến nó có hơi khó chịu. Và khung cảnh hiện ra trước mắt khiến nó như tỉnh rượu. Bàn thờ đang được thắp nhang, tấm hình nằm trên đó không phải chính là mẹ nó hay sao. Nó bàng hoàng đến nỗi bất ngờ. Bà qua đời rồi ư? Không phải mấy hôm trước còn...

Rồi bước chân không theo khống chế mà loạng choạng tiến lại gần bàn thờ. Nó chợt nhìn thấy một phong thư trắng đặt cạnh tấm hình. Nửa tỉnh nửa mơ, nó mở thư ra và đọc.

“Con yêu! Mừng con trở về, con trai của mẹ! Mẹ vui vì con vẫn nhớ về với mẹ. Bao năm nay con sống có tốt không? Mẹ rất nhớ con! Từ cái hồi con đi biền biệt không chút tin tức mẹ đã rất lo cho con. Con yêu, mẹ vẫn luôn yêu thương con dù bất cứ chuyện gì. Tuy mẹ không nghe tin con nhưng mẹ vẫn yên tâm về con. Bởi trong một phần ánh sáng mà con thấy, trong mỗi bước chân mà con đi đều có một bộ phận của mẹ. Mẹ vui vì có thể đổi lại cho con ánh sáng, đổi lại cho con đôi chân mạnh mẽ. Và mẹ vui vì con đã đến với thế giới của mẹ. Mẹ luôn giấu con. Thực ra mẹ không phải mẹ ruột con. Con là đứa con mẹ nhặt bên đường về nuôi. Mẹ xin lỗi đã không nói cho con biết sớm hơn. Nhưng con ơi, dù có thế nào con vẫn là con mẹ. Mẹ yêu con!”

Đến bây giờ nó mới bàng hoàng nhận ra mọi thứ. Năm đó cháy nhà là do nó còn nhỏ, trong lúc bố bận bịu sau nhà nó đã nghịch lửa khiến cây đèn cây bị ngã. Và tuy may mắn cứu được nó ra nhưng trên người nó lúc đó đã chi chít vết thương. Một bên mắt của nó bị cây định trên xà nhà đổ xuống và ghim vào, dây chằng và gân chân trái nó cũng đã nát đến không nối lại được.

Mẹ nó khi đó chỉ bị phỏng một bên mặt và tê liệt tay trái. Nhưng bà đã yêu cầu lấy đi một bên đồng tử và dây chằng chân trái của mình để cấy ghép cho nó. Vì lẽ đó mà bà trở thành con quái vật, mụ phù thuỷ trong mắt những người khác.

Nó lúc này mới hiểu được tất cả. Là mẹ, là mẹ đã cứu nó. Là mẹ đã hiến cho nó tất cả. Nó có thể nhìn, có thể đi như bây giờ đều là nhờ mẹ. Và quan trọng là mẹ không phải mẹ ruột của nó. Bà không có một chút máu mủ gì với nó mà vẫn can tâm từ bỏ ánh sáng và có thể đi lại để cứu nó.

- Mẹ ơi! A... a...

Nó thét lên trong sự ăn năn. Nó đã làm gì với người yêu thương nó thế này?

Trái tim nó thắt lại, ruột gan như xé ra. Nó quằn quại trong đau đớn và sự hối lỗi cùng cực. Nó phát hiện nó đã quên. Nó đã quên ngày còn bé nó hứa sẽ yêu mẹ suốt đời, hứa cho mẹ một bữa ăn ngon. Nó ngày đó đã chấp nhận từ bỏ bạn bè để bảo vệ mẹ, chấp nhận sự khinh miệt để bảo vệ mẹ. Nó của ngày đó yêu mẹ nó biết bao. Nhưng nó của hôm nay vì sao lại thành ra thế này? Nó đã vì bạn bè, vì tiền đồ danh lợi mà bỏ quên tình yêu của mẹ sao.

Nó khóc. Nó thét lên. Nó thét đến khản cổ, hét đến khi chỉ còn nghe được tiếng nấc và tiếng kêu khàn khàn. Hoàng hôn buông xuống đỏ rực. Màu đỏ hừng hực như chính màu của ngọn lửa năm ấy.