Tôi cũng có một người mẹ chuyên đóng vai "ác"
"Đóng
vai mẹ thường là vai "ác"
Thường hay mắng với la rầy con
Thường hay hỏi những câu chẳng đuôi với đầu
Rất mong sau này con thấu.
Đóng vai mẹ thường là vai "ác"
Vì vai "ác" ấy phải dạy con
Đời đôi lúc chẳng như là phim cổ tích
Thế nên con hãy là vai chính... của đời mình..."
Tôi cứ ngân nga mãi giai điệu của ca khúc "Vai Ác" do ca sĩ Phạm Quỳnh Anh hát trong căn phòng khách nhỏ xinh của mình, tự khắc nước mắt tuôn rơi chẳng hiểu vì sao. Tôi vô tình thấy bài hát này khi lướt mạng, rồi bấm vào nghe, tự nhiên lại bị thu hút, nghe đi nghe lại mãi không thoát ra được. Có lẽ do những hạt mưa đang rơi tí tách ngoài kia làm lòng tôi cũng chùn xuống và thả hồn theo những khúc tâm trạng rối bời này.
Tôi cứ thể để mặc cho dòng ký ức tuổi thơ tràn về trong tâm trí. Tôi cũng có một người mẹ chuyên đóng vai ác. Trong mỗi bước đi cuộc đời tôi luôn có mẹ. Mẹ dọn sẵn từng con đường cho tôi đi. Mẹ bảo đi thẳng thì phải đi thẳng, mẹ bảo rẽ phải thì tôi không được rẽ trái. Mẹ luôn áp đặt mọi thứ lên tôi vì mẹ cho rằng mẹ là người từng trải, mẹ biết hết, mẹ hiểu hết những gì tốt xấu trên đời này. Và thế là để tôi tránh va vấp, mẹ tôi ngang nhiên sắp xếp hết tất cả cho cuộc đời tôi.
Tôi vẫn nhớ ngày nhỏ bị mẹ mắng rất nhiều, cũng bị đánh rất nhiều ở cái tuổi ương bướng, muốn làm chủ đời mình. Mẹ luôn cho rằng những gì tôi làm đều hết thảy không đúng, nên mẹ luôn cấm cản. Tôi cảm thấy ngột ngạt, mất đi sự tự do của mình. Và thế là, những trận cãi vã lớn tiếng, những giọt nước mắt cứ thế tuôn rơi...
***
- Con mau nói cho mẹ nghe, những thứ này là gì?
Mẹ tôi cầm trên tay một quyển lưu bút mà tôi với bạn bè của mình viết vào đó những dòng tâm sự tuổi mới lớn, đập mạnh xuống trước mặt tôi làm tôi vô cùng giật mình. Thoạt đầu tôi có chút hoảng loạn, nhưng nhìn lại thứ đồ riêng tư của mình bị mẹ lục lọi còn xem lén như thế, sự tức giận bắt đầu xâm chiếm tôi. Tôi giật lại quyển lưu bút với vẻ mặt bất mãn trả lời:
- Mẹ làm gì vậy? Sao mẹ lại động vào đồ của con! Mẹ làm như vậy là không tôn trọng con!
- Mẹ là mẹ của con, mẹ còn cần con cho phép mới được lấy đồ của con sao! Còn nữa, nếu mẹ không lấy quyển lưu bút này, làm sao biết được con và bạn bè con học không lo học mà viết nhăng cuội gì vào đó! - Mẹ tôi tức đến đỏ mặt, lớn giọng mắng.
- Cái gì là nhăng cuội chứ mẹ! Chúng con chia sẻ tâm sự với nhau thì có gì sai? Người sai là mẹ đấy, mẹ tự ý xem đồ riêng tư của con là xâm phạm tự do của con! - Tôi cũng không chịu thua kém, dùng lý lẽ của mình để nói với mẹ.
- Con dám nói mẹ như vậy hả? Con lớn lắm rồi, đủ lông đủ cánh rồi, đâu cần xem ai ra gì nữa đúng không? Được, con muốn viết lưu bút chứ gì, mẹ cho con viết này!
Mẹ tôi vừa nói vừa giật lại quyển lưu bút rồi xé nó ra thành từng mảnh trước mặt tôi làm cơn giận và uất ức trong tôi bùng lên ngày càng dữ dội. Lần đầu tiên tôi hét lớn với mẹ:
- Mẹ quá đáng lắm, con ghét mẹ!
Tôi vừa khóc vừa chạy nhanh về phòng, đóng rầm cửa lại trước sự ngơ ngác của mẹ. Có lẽ, mẹ sẽ không bao giờ ngờ tới có ngày tôi phản ứng mạnh mẽ như vậy với mẹ, còn dám nói ghét mẹ. Trước nay, mẹ đã quen với hình ảnh đứa con nhút nhát cam chịu của mình. Nhưng mẹ không hay, tôi đã lớn rồi, một cô gái nhỏ mười sáu tuổi, có suy nghĩ của mình, có mơ ước của riêng mình.
Mẹ tôi ngồi thẫn thờ trên chiếc ghế dài ở phòng khách, những giọt nước mắt cũng lặng lẽ tuôn rơi, còn tôi cũng gục mặt trên chiếc giường của mình, gào khóc đến khàn cả giọng, thậm chí bỏ luôn cơm chiều.
Tối hôm đó, ba tôi gõ cửa phòng tôi, bảo muốn nói chuyện với tôi. Với tôi, ba là người hiểu tôi nhất, cũng là người có lý lẽ nhất, nên tôi lập tức đồng ý mở cửa cho ông vào. Nhìn đôi mắt sưng húp của tôi, ba tôi xót xa nói:
- Con à, thật ra mẹ rất thương con. Mẹ làm tất cả cũng vì muốn con được tốt hơn thôi.
- Con biết, con biết hết. Nhưng tại sao mẹ lại phải chọn cách la mắng con, áp đặt con, tước đoạt tự do của con? Mẹ không thể ngồi xuống nói chuyện với con như ba sao? - Tôi lại một lần nữa nước mắt lưng tròng hỏi lại ba.
- Con hiểu mẹ con mà, mẹ rất dễ nóng giận nên mẹ chẳng thể ngồi tâm sự với con nhe nhàng thế này. Mẹ con không còn cách nào khác đành phải dùng sự cứng rắn của mình để dạy con.
- Nhưng đó không phải là cách. Mẹ nghĩ mẹ đúng, nhưng sự thật là không đâu ba. Mẹ luôn bắt con làm theo ý mẹ, mẹ luôn cấm đoán con chuyện này chuyện kia, mẹ bắt con sống như con rối dưới tay mẹ. Thường ngày con luôn cố gắng nhẫn nhịn và nghe lời. Nhưng hôm nay mẹ thật sự quá đáng, mẹ đọc trộm lưu bút của con với bạn, còn xé nó trước mặt con! Con không thể chịu nổi nữa! - Tôi càng nói càng thấy uất nghẹn, càng về sau giọng càng lớn hơn như muốn hét lên với ba.
- Ba cũng không đồng tình với việc mẹ làm lần này. Nhưng con hãy nghe ba, đừng giận mẹ nữa nhé con! Con hãy tin rằng tất cả những điều mẹ làm luôn là vì con. Mẹ chỉ sợ con lơ là việc học vào những thứ vu vơ nên mới gay gắt với con như vậy! - Ba tôi vẫn ôn tồn giảng giải cho tôi hiểu tâm tư của mẹ.
- Con... thật ra không ghét mẹ như con đã nói đâu ba! Con chỉ là tức giận nên mới lỡ lời... Con... con... - Tôi cứ ấp úng mãi không nói được trọn câu.
- Được rồi, con và mẹ, ai cũng có cái lý của mình cả. Ai cũng có cái đúng, cái sai. Con hãy dành cả đêm nay để suy nghĩ về mọi chuyện. Sau đó, con hãy nói với mẹ những gì con cần nói!
- Dạ con biết rồi ba!
Những lời ba tôi nói phần nào làm tôi vơi được sự phẫn uất trong lòng mình và hiểu ra nhiều chuyện. Tôi thấy nhẹ nhõm hơn và bắt đầu rà soát lại đầu đuôi câu chuyện xem phần lỗi của mình ở đâu để còn sửa chữa kịp thời.