bởi Đức An

40
7
1866 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

1.Trang Giấy Cuối Cùng


Trang Giấy Cuối Cùng

1."Tại sao cậu cứ viết mãi thế?" Đó là câu hỏi đã khiến bản thân tôi, từ khi mới tập tành viết những con chữ nhỏ lẻ cho đến hiện tại, vẫn băn khoăn mãi vể ý nghĩa của nó.

Có lẽ tại tôi thích đọc, những con chữ bình đẳng xếp thành hàng thành  cột có một sức hút thật phi thường. Chúng cơ bản chỉ là những kí tự, nhưng tùy cách xắp xếp chúng có thể thêu dệt lên một khung cảnh đẹp như mơ hoặc chỉ đơn giản, là một câu chuyện kì thú. Nên chẳng biết khi nào, tôi đã bị những con chữ đánh cắp mất tâm hồn.

Tôi lại tư lự nhìn những câu từ do chính mình viết ra, thầm nhớ về ngày ấy.

Mưa rơi.

Như chẳng cần nói một lời báo trước, tự lúc nào, mưa đã bao bọc lấy xung quanh. Tôi vốn không thích mưa, nhưng cũng không ghét nó. Cái cảm giác nửa vời đó cứ ám ảnh tôi mãi, bây giờ, cứ bất cứ cơn mưa nào cũng khiến tôi nhớ về cô, tôi không thể làm rõ được cảm xúc của mình dành cho người ấy. Song, cũng chính vì điều đó, tôi đã đánh mất cô mãi mãi.

Phải rồi, tôi thầm reo lên. Như nhận ra một điều gì đó tinh tế ẩn mình. Thì ra, ngôn từ có thể mang theo mình cảm xúc của người viết nó. Tại sao khi ấy tôi không nhận ra?

Khi đó, mưa xuân bung rơi khắp mọi nẻo đường của khu phố vốn vẫn luôn trầm lắng trong mắt của chúng tôi. Hai đứa trẻ tiểu học, đeo hai chiếc cặp xách ọp ẹp và trông từ xa hao hao như hai cây nấm bé xíu trong lớp áo mưa mỏng. Tôi khi ấy là một cậu nấm xanh dương còn My là bé nấm hồng. Bố mẹ hai đứa luôn đến đón rất muộn, thành ra chúng tôi hay vầy mưa vào những ngày ảm đạm như thế này. Khuôn viên trường tiểu học với đầy những hình vẽ như mất màu trong làn mây xám. Phải nói là khung cảnh đó chán ngắt trong mắt chúng tôi, thành ra tôi hay rủ cô bé nấm đó lội nước, những vũng nước trong vắt, đều sẽ chịu sự oanh tạc của hai đôi ủng xanh và hồng. Lúc đó, cô vừa cười vừa nhảy vào một vũng nước dưới gốc cây phượng đang kì nở hoa và nói câu nói đó.

"Này, tại sao cậu viết mãi thế?"

"Tớ không biết nữa, chắc tại tớ thấy vui vì điều đó."

Rõ ràng đó là một câu nói nước đôi không rõ nghĩa. Nhưng tôi khi ấy có biết nước đôi là gì đâu. Tiếp theo đó là các đoạn hội thoại điển hình của những đứa trẻ tiểu học.

"Sao bố mẹ tớ đến lâu thế?" My đặt cho tôi một câu hỏi.

"Ừ, bố mẹ tớ cũng vậy."

"Tại sao họ lúc nào cũng làm việc vậy nhỉ?"

"Tớ không biết. Chắc họ thấy vui chăng?"

"Hì hì, chắc họ cũng thích công việc như thích viết giống cậu đấy."

"Ồ, vậy tớ có vẻ đã hiểu họ rồi."

"Nhưng cậu cứ như thế thì sẽ phí lắm."

"Phí gì cơ?" Tôi hỏi lại khi My nói một điều khó hiểu.

"Hừm, tớ cũng không biết phí gì nữa. Nhưng tớ cảm thấy phí thôi."

Tiếng rạt rào từ xa vọng lại kéo theo tiếng chim trú mưa đâu đó. Bầu trời dần xanh hơn rọi xuống tia nắng mùa xuân ấm áp. Những vạt mây từ từ kéo ra xa dần để hoa nắng chiếu rọi, hàng ngàn giọt nước đã ngơi đi tự bao giờ. Tôi và My cùng ngắm nhìn cảnh đó mà cảm thấy trầm trồ. Với cảm quan của một đứa trẻ khi đó, nó là khung cảnh có thể nói là đẹp nhất, ấm áp nhất và cũng là khung cảnh hạnh phúc nhất cuộc đời tôi.

Ồ, mẹ của cậu ấy tới rồi. Từ cổng trường, bác gái đang tiến tới với chiếc ô màu cam. Thấy vậy, My chưa chạy ào ra ngay mà quay lại với tôi.

"Nè Tuấn Anh." My gọi tôi, khẽ mỉm cười trên gương mặt phảng phất nét ngây thơ.

"Cậu chưa viết nốt trang cuối của siêu hiệp sĩ Gun đó. Mai viết nốt cho tớ đọc nha."

Nói rồi, cô chạy vụt đi mất. Vừa chạy My vừa quay lại vẫy tay với tôi. Tôi thấy thế cũng vui vẻ vẫy lại. Lòng vẫn chưa biết gì về sự buồn bã.

Hôm ấy, tôi đợi bố mình cho đến tận tối mịt. Vì trường chẳng còn ai khác ngoài tôi nên bác bảo vệ đã cho tôi vào phòng bác. Căn phòng nhỏ mà tiện nghi ghê, trên chiếc bàn có chiếc ti vi thùng lớn, tôi lục tục lấy trong cặp ra một mảnh giấy. Trong lúc này, tôi tranh thủ viết nốt cái kết cho siêu hiệp sĩ Gun. Thầm nghĩ, cậu ấy vào ngày mai sẽ bất ngờ lắm đây nên ngôn từ chất chứa đầy hi vọng vào ngày đó.

Tôi thuở ấy chẳng biết gì về hai chữ 'cô đơn'.

Khi đang nắn nót viết từng chữ một, tôi liền quên ngay suy tư trước đó. Cậu ấu đã bảo là phí, nhưng mà phí cái gì? Tôi chẳng biết, nhưng chỉ cần cậu ấy thấy vui trước câu chuyện tôi viết thì chẳng có gì là phí cả.

Ngày hôm sau, cô ấy đã cười hớn hở cho cái kết tuyệt vời của siêu hiệp sĩ Gun. Tôi thấy thế mà cũng vui lây, khi ấy tôi chẳng biết phô tô là gì nên đã tặng cho cô nấm hồng câu chuyện dài vỏn vẹn 20 trang giấy trẻ em đó. Cô khi ấy nhìn tôi đầy vẻ ngưỡng mộ. Lần đầu tiên tôi cảm thấy hãnh diện đến mức này.

Tôi mường tượng đến khung cảnh mà tôi gặp cô lần đầu tiên, My là cô nhóc chuyển đến lớp của tôi vào mùa thu, xung quanh, lá vàng rụng rơi lả tả. Chút ánh nắng vàng mật đem theo chút se lạnh. My đứng trên bục, run như cầy sấy khi đọc tên mình trước lớp. Thường thì phụ huynh bữa đó sẽ cùng đi theo nhưng khi đó chẳng thấy bố mẹ cô đâu cả.

Nắng sớm chiếu qua khung cửa thắp sáng con người em, em được bảo bọc trong một thứ ánh sáng ngỡ như là đến từ thiên đường mà khiến tôi, cùng một số đứa con trai trong lớp nhìn mà trầm trồ. Cô nhóc bé tẹo như hạt tiêu, mái tóc ngắn rất duyên ôm lấy khuôn mặt đang ửng hồng đó. Tôi, từ phía sau mảng râm của rèm khi đó tưởng tượng cô như những nhân vật tinh linh hay tiên nữ trong các câu chuyện cổ tích.

Tôi thực sự nói chuyện với cô lần đầu tiên trong lớp tiếng việt. Đề tài là hãy kể một câu chuyện. Câu đề chỉ ngắn gọn như thế. Tôi biết đây là lợi thế của mình nên chỉ biết cắm đầu cắm cổ viết với tâm trạng khấp khởi mà không biết cô bé nấm ngồi bên cạnh đang bối rối thế nào. Tôi viết liền mạch sáu trang giấy, câu chuyện kể về một người anh hùng tên là 'súng'. Tiếng loạt soạt của bút chì vang lên khiến tôi như có động lực mà bứt phá đến cuối cùng. Chuông báo hết tiết học và giáo viên thu bài. Chẳng hiểu sao, tôi thấy tờ giấy của cô trắng trơn. My còn ủ rủ gục đầu xuống bàn trông rất thương. Thấy cảnh đó tôi không hiểu sao không kiềm được lòng. Thế là tôi đưa cho cô ba trang giấy đầu truyện của tôi rồi kêu My nhanh viết tên của mình vào đi. My nhìn tôi với con mắt ngỡ ngàng rồi rụt rè làm theo. Thế là chúng tôi nộp bài, tôi nửa kết truyện còn cô nửa đầu truyện.

Nhưng mánh của trẻ con còn lâu mới qua mặt được người lớn, ngay sau đó chúng tôi bị kiểm điểm điểm, lý do rất đơn giản. Câu chuyện của hai bài đều liền nhau, chữ xấu y chang khác với nét chữ vốn rất đẹp và gọn gàng của My.

"Tớ không biết nên kể từ đâu." Lúc đó, cô tâm sự khi cả hai lần đầu tiên ra về muộn do bị kiểm điểm.

"Hả, buồn cười ghê. Cậu cứ viết là được à."

"Thật không?"

"Thật."

"Mà cậu viết dài ghê. Tớ muốn đọc bài của cậu để xem thế nào, cuối cùng..."

"Bị tịch thu rồi chứ gì?"

Tôi và em cùng cười. Chẳng biết vì sao.

Thế là mối quan hệ của chúng tôi bắt đầu từ đó.

Thường thì tôi không biết cô sống ở đâu cũng như cô cũng vậy. Khoảng thời gian chúng tôi có chỉ khoảng nửa ngày khi ở trường tiểu học công lập. Chúng tôi ít khi rời nhau, cứ dính chặt như sam, địa điểm ưa thích nhất của chúng tôi là ở chiếc ghế đá đặt cạnh cây bàng cổ thụ. Tán cao và xanh mướt vào mùa hè, không khí bên dưới tán cây khi nào cũng dịu êm và mát mẻ. Mùa thu, tán cây chuyển màu vàng cũng là lúc tôi và em khoác lên mình những bộ áo lạnh. Chắc hẳn là tôi biết điều này từ My, ở miền bắc nơi tôi sống thì có bốn mùa rõ ràng còn ở miền nam nơi cậu ấy từng ở thì chỉ có hai mà thôi.

Hồi ấy tôi có một niềm vui nho nhỏ. Cũng từ câu chuyện siêu hiệp sĩ Gun kia. Tôi đã mở rộng cốt truyện của nó ra để cho tôi và My cùng đọc. Khi đó tôi viết rõ tệ mà không hề biết là nó tệ cơ. Nhưng khi đó, chính sự thiếu sót của bản thân tôi đã mang lại niềm vui đến cho cậu. Và tôi khi đó đã có suy nghĩ rằng. Không có gì trên đời này đẹp bằng nụ cười của cô gái ấy.

Dường như bố mẹ cậu ấy rất bận nên không hay đến đón sớm. Thành ra chúng tôi lại có thêm thời gian sau giờ học.

Ngoài ra, tôi hay lén mang sách mà mẹ mua cho tôi đến trường để tôi và cậu ấy cùng đọc để khỏa lấp quãng thời gian buồn chán, ngược lại cậu ấy cũng làm vậy. Lúc đầu, tôi còn choáng ngợp trước loại truyện tranh cho con gái và cậu ấy cũng thế. Đọc truyện bạo lực thường chỉ dành cho còn trai mà.

Nhưng quả thực, quãng thời gian đó rất quý giá. Giờ đây nhìn lại, cứ ngỡ như đó là kỉ niệm xa xôi. Nhân duyên của chúng tôi chỉ đến đó thôi.