bởi Nho Nhỏ

35
3
1489 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Truyện thứ hai: Vĩ thanh thinh lặng


Tập truyện ngắn: Nhặt tình đan những sợi thương

Truyện thứ hai: Vĩ thanh thinh lặng

Tác giả: Phượng Mai

*

Nhắc đến "Vĩ thanh", Wikipedia Tiếng Việt giải thích như thế này:

"Vĩ thanh (tiếng Pháp: épilogue) là phần bổ sung vào tác phẩm văn học bao gồm những kết luận, những điều mà tác giả cho là cần thiết nhằm làm rõ thêm những gì đã được viết ra trong văn bản.

Vĩ thanh thường đặt ngay sau phần cuối tác phẩm. Vĩ thanh không phải là phần nối tiếp của cốt truyện. Với tư cách là một phần độc lập về mặt cấu trúc, vĩ thanh có liên quan chặt chẽ với tác phẩm bởi ý đồ duy nhất của tác giả là nhằm làm rõ những nguyên do ngoài cốt truyện của những gì đã được mô tả trong đó."

Một thứ tưởng chừng hoàn toàn độc lập, nhưng kỳ thực vẫn có chút ràng buộc nào đó tới thứ khác. Mình nghĩ rằng, đây có lẽ chính là "vĩ thanh" dành cho tất cả các nhân vật tồn tại dưới ngòi bút của Phượng Mai trong "Vĩ thanh thinh lặng".

Phượng Mai bắt đầu câu chuyện với việc chuyển nhà, các nhân vật có cuộc sống mới. Nhưng dường như, căn hộ mới với môi trường sống mới vẫn không đủ sức xoá nhoà đi những kỷ niệm xưa nơi căn nhà cũ. Thực lòng mà nói, khi đọc các chi tiết gợi nhớ về căn nhà cũ mà Phượng Mai viết, cá nhân mình rất xúc động. Bởi mình từng trải qua cảm giác phải chứng kiến nơi mình từng gắn bó cả tuổi thơ bị phá dỡ, sau đó nó được khoác một chiếc áo mới. Nhà mới có thể đẹp hơn, tiện nghi hơn, nhưng có một thứ đã mất đi mà vĩnh viễn không thể có được. Đó là kỷ niệm. Đọc "Vĩ thanh thinh lặng", mình có nhiều sự đồng điệu với nhân vật "tôi". Từ những kỷ niệm mà cậu ấy nhớ về căn nhà cũ, cho đến ký ức về tay cầm Nintendo mà chắc chỉ thế hệ 8x, một số 9x được tiếp xúc. Chi tiết nhân vật "tôi" nhắc đến tay cầm Nintendo với trò chơi Mario mà phải nhét băng vào đầu đĩa mới chơi được ấy, khiến mình dường như được quay ngược thời gian về lại lúc mình 5, 6 tuổi và nằng nặc đòi bố chỉ cho cách chơi. Bạn biết cảm giác bỗng dưng một ngày đọc được một câu chuyện, nhân vật trong câu chuyện ấy lại gợi nhắc những kỷ niệm na ná trong ký ức của mình không? Cảm giác vừa kỳ diệu, vừa khiến lòng mình rung động!

Nhưng, giống như nhan đề bốn chữ kia, xuyên suốt câu chuyện là những bi kịch chồng chéo lên nhau. Đau lòng một nỗi, bi kịch ấy bị đè nén ở trong lòng, không ai nỡ nói ra, thành ra "Vĩ thanh thinh lặng" giống như âm thanh trầm đục của phím đàn cũ vậy. Nó rất nặng nề, bức bối và đầy luyến tiếc.

Chủ đề mà Phượng Mai chọn để khai thác trong "Vĩ thanh thinh lặng" có thể nói là một chủ đề nóng, đã tồn tại dai dẳng trong đời sống rất lâu nhưng vẫn mãi chưa có biện pháp khắc phục. Áp lực về thành tích của phụ huynh vô hình trung trở thành áp lực giết chết cả tinh thần và thể xác của chính những đứa con trong gia đình. Lý do "chỉ muốn tốt cho con" trở thành một cái cớ để phủi sạch những lời giãi bày, mong được thấu hiểu.

Theo cá nhân mình, xét về việc khai thác các tình tiết để làm nổi bật chủ đề thì Phượng Mai làm tốt. Tác giả lựa chọn những chi tiết gần gũi và có tính đại biểu cao, dường như bất kỳ ai khi đọc cũng thoáng thấy bóng hình mình trong đó. Đơn cử là việc bị ép học một cách thái quá và cực đoan.

Xét về cách xây dựng nhân vật, thú thực là mình không thích nhân vật bố và mẹ trong "Vĩ thanh thinh lặng". Có lẽ đây là kiểu bố mẹ "độc" điển hình. Một người bố nhu nhược, không có tiếng nói trong gia đình, cũng không biết quan tâm con cái. Và một người mẹ độc đoán, ích kỷ và vô tình. Hình tượng người mẹ này khiến mình cảm thấy xót xa cho hai anh em trong truyện. Lần đầu tiên đọc thì mình đã đắn đo rất nhiều với câu hỏi: Liệu Phượng Mai có viết về người mẹ này một cách thái quá không? Bởi vì xuyên suốt cả câu chuyện, mình không tìm thấy một chi tiết nào cho thấy sự thấu hiểu, hay chí ít là chút tỉnh ngộ của người mẹ cả. Từ đầu đến cuối, bà vẫn giữ khư khư quan điểm áp đặt và dùng suy nghĩ "chỉ muốn tốt cho con" để làm cái cớ biện minh cho hành động của mình. Một nhân vật như thể phản diện một chiều vậy. Nhưng rồi mình lại nghĩ, trên thực tế, có rất nhiều người mẹ nhẫn tâm như vậy, thậm chí còn nhẫn tâm hơn vậy... Một thực trạng buồn, nhưng có thật.

Với mình, điểm đặc sắc nhất của "Vĩ thanh thinh lặng" chính là cách chọn điểm nhìn để kể chuyện. Ban đầu đọc, có thể bạn sẽ thấy câu chuyện được kể hơi lan man với nhiều chi tiết về kỷ niệm được gợi nhắc lại. Nhưng đến gần cuối truyện, bạn sẽ rất bất ngờ bởi điểm nhìn này. Nhưng sau khi sự bất ngờ qua đi thì sẽ chỉ còn niềm đau xót và tiếc thương khôn nguôi. Đúng là có những lúc, người ngoài không khiến chúng ta tổn thương sâu sắc bằng người trong gia đình. Khi mà những sợi dây liên kết chẳng còn nữa, không có bất kỳ thứ gì đủ sức giữ ta lại, thì ta sẽ âm thầm biến mất khỏi cuộc đời, "thinh lặng" như chính âm điệu của phím đàn dương cầm đã quá lâu không được chạm đến. Mình sẽ không tiết lộ quá nhiều về điểm nhìn của câu chuyện, hay là về nhân vật "tôi", bởi nếu làm thế thì khi đọc "Vĩ thanh thinh lặng", sự hứng thú của bạn sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.

Chỉ có một điều làm mình hơn lấn cấn đối với câu chuyện này. Đó là cách Phượng Mai chọn hình ảnh chính cho toàn bộ câu chuyện. Như bên trên đã nói, sự thinh lặng trở đi trở lại rất nhiều. Sự thinh lặng của nhân vật "tôi", của người bố, của cả người mẹ sau khi mọi chuyện vỡ lở. Thậm chí là cả sự thinh lặng của Bí Ngô - em gái nhân vật "tôi" đối với mẹ nhằm biểu lộ sự bất mãn của mình nữa. Rõ ràng, sự thinh lặng ấy của các nhân vật đã hằn rất sâu vào tâm trí độc giả ngay cả khi đã gấp truyện lại. Tuy nhiên, đoạn cuối cùng của truyện, Phượng Mai lại nhắc đến hình ảnh cá voi và ngầm so sánh nhân vật "tôi" với cá voi. Cá nhân mình cảm thấy, cá voi là một hình ảnh đẹp, giàu sức gợi và chuyên chở nhiều ý nghĩa. Nó hợp với hình tượng nhân vật "tôi". Tuy nhiên, hình ảnh cá voi có phần lép vế khi đặt cạnh sự thinh lặng, rất khó để lại dư âm mạnh cho độc giả giống như sự thinh lặng mà Phượng Mai đã miêu tả ở trên.

 

Nhìn chung, đối với mình, "Vĩ thanh thinh lặng" là một bi kịch, nhưng tác giả không tước hết hoàn toàn niềm hy vọng vào cuộc sống có thể đổi khác. Điều chứng minh rõ nhất chính là việc Bí Ngô đã có cuộc sống hạnh phúc - một điều mà nhân vật "tôi" không thể có được. Nốt lặng cuối truyện như một cách để xoa dịu tâm hồn độc giả. Mặc dù cách chuyển ngoặt có hơi nhanh, có thể khiến độc giả bị hẫng. Tuy nhiên, nốt lặng này là thứ cần thiết để giải toả sau tấn bi kịch chồng chất ở phía trên, tạo khoảng không cho chiếc lò xo bị nén hết cỡ có thể được bung ra.

Mình đánh giá cao sự sáng tạo của Phượng Mai qua cách chọn ngôi kể và điểm nhìn. Tuy vẫn còn một số điểm lấn cấn, nhưng cá nhân mình thấy "Vĩ thanh thinh lặng" là truyện ngắn đáng được nhiều độc giả đón nhận. Cảm ơn tác giả đã nỗ lực cho ra đời một đứa con tinh thần giống như vậy!