bởi Nho Nhỏ

21
5
1878 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Truyện thứ nhất: Hiên nhà có nắng


Tập truyện ngắn: Nhặt tình đan những sợi thương

Truyện thứ nhất: Hiên nhà có nắng

Tác giả: Xuân An

***

 "Hiên nhà có nắng" - một cái tên đọc lên đã thấy tràn đầy sức gợi về mặt hình ảnh và đem đến cho người đọc một cảm giác yên bình khó gọi tên. Tuy nhiên, câu chuyện được kể trong "Hiên nhà có nắng" lại không hoàn toàn bình yên như tên gọi của nó.

Với chủ đề Gia Đình, mình không bất ngờ với cốt truyện mà Xuân An đã lựa chọn. Một gia đình theo đúng kiểu "con tôi, con anh, con chúng ta", một kiểu gia đình luôn tiềm ẩn rất nhiều vấn đề, đặc biệt là mâu thuẫn về mặt cảm xúc. Lựa chọn một câu chuyện dựa trên kiểu gia đình này để kể, có thể nói là một sự dũng cảm. Vì sao mình lại nói là dũng cảm? Bởi nếu không giải quyết ổn thỏa những mâu thuẫn thường thấy trong kiểu gia đình này, thì toàn bộ câu chuyện sẽ trở nên rất "kịch", mà một khi độc giả nhận ra nó "kịch", sẽ rất khó để họ có thể đồng cảm với các nhân vật, hay thấu hiểu những chi tiết mà tác giả đưa ra.

Với "Hiên nhà có nắng", cá nhân mình thấy Xuân An đã làm tốt việc giải quyết mâu thuẫn được đặt ra trong truyện. Bạn đưa ra những "mồi lửa" nhỏ, như việc để cho ấn tượng đầu tiên giữa hai nhân vật Mít và Cá Mắm không mấy tốt đẹp, việc con mèo mướp làm đổ mực lên vở của Cá Mắm nhưng Mít lại bị phạt oan, đến việc Cá Mắm cố tình để mẹ Mít thấy đống bài kiểm tra điểm kém của Mít, vân vân. Nhiều "mồi lửa" như thế tích tụ lâu ngày, cuối cùng thổi bùng lên một ngọn lửa lớn, dẫn đến việc thượng cẳng chân hạ cẳng tay của hai đứa trẻ trở nên vô cùng tự nhiên. Mình đánh giá cao những chi tiết mà bạn đã sắp xếp, đẩy cao trào của truyện lên từ từ, để độc giả hiểu tường tận được khúc mắc của hai nhân vật chính.

Cách giải quyết mâu thuẫn của Xuân An cũng rất tốt. Mặc dù đã để lũ trẻ đánh nhau một trận tơi bời, nhưng đến cuối cùng không hề xảy ra viễn cảnh hai đứa từ mặt nhau, hay tiếp tục chiến tranh, mà lại là một sự bùng nổ cảm xúc chất chứa bấy lâu trong lòng cả Mít và Cá Mắm. Cá nhân mình thấy, đây là cách giải quyết phù hợp với tính cách và độ tuổi lên mười của hai đứa trẻ. Không quá trưởng thành, vẫn còn non nớt và hiếu thắng, nhưng vô cùng chân thật. Mình cũng thích cách mà bạn miêu tả nội tâm nhân vật ở phân đoạn này, đơn cử là đoạn trích này (có thể nói là đoạn mình thích nhất cả truyện):

"[...] Tôi biết người Cá Mắm gọi không phải mẹ mình. Không hiểu sao tôi cũng khóc theo. Hai con nhóc te tua như hai con gà nhúng nước cùng nhau khóc rống lên trên triền đồi, mặc cho cảm xúc tuôn trào. Những bí mật cố giấu đi bị đối phương moi móc đến tận chỗ sâu kín nhất, giờ phơi ra trước nắng rọi, méo mó và thảm thương.[...]"

Có thể nói, chính kiểu gia đình mà bạn chọn để kể là yếu tố quyết định để tháo gỡ khúc mắc trong lòng của Mít và Cá Mắm. Hai đứa trẻ không ai khổ hơn ai, vì chúng nó khổ như nhau. Chính vì kiểu gia đình đặc biệt mà chúng từng trải qua và đang trải qua đã khiến chúng tự thấu hiểu được nỗi đau của nhau. Đây là cách khai thác khá hay, đáng để học tập.

Nói một chút về điểm nhìn câu chuyện. Mình nghĩ với một cốt truyện kiểu này, lựa chọn tốt nhất chính là Mít, theo đúng cách mà Xuân An tin tưởng. Ở Mít có đầy đủ những đặc điểm tính cách mà bất cứ một đứa trẻ lên mười nào cũng có: ham chơi, hơi ích kỷ, sợ ăn chổi lông gà, nghịch ngợm không sợ đau,... Có được tính cách kiểu này là bởi trước đây Mít từng có một gia đình hoàn thiện, được bảo bọc trong tình yêu thương của bố và mẹ. Cho nên khi gia đình hoàn thiện đó tan vỡ, con bé mới có xu hướng không chấp nhận, chối bỏ và thậm chí là hơi ích kỷ, muốn mẹ là mẹ của riêng mình. Trong khi đó, Cá Mắm có vẻ như lại hoàn toàn trái ngược với Mít. Con bé thiếu tình thương của mẹ, lớn lên mang theo đặc điểm mà bất cứ cô con gái của "gà trống nuôi con" nào cũng có, chịu ảnh hưởng nhiều từ tính cách của bố hơn, biết nhẫn nại chịu đựng nhiều hơn. Nhưng Cá Mắm vẫn không hoàn toàn mất đi bản tính trẻ con, đơn cử là chi tiết "trả thù" Mít bằng cách phơi đống bài kiểm tra điểm thấp ra cho mẹ Mít thấy. Giữa hai đứa trẻ có tính cách trái ngược này, nếu là mình, mình cũng sẽ chọn điểm nhìn từ nhân vật Mít. Một đứa trẻ vẫn chưa hoàn toàn có lòng cảm thông và đôi lúc còn hơi ích kỷ như Mít cần một chất xúc tác để có thể hoàn thiện. Thông qua diễn biến của "Hiên nhà có nắng", mình có thể thấy rõ rằng nhân vật này đã thật sự trưởng thành (về mặt nội tâm). Cô bé biết thấu hiểu cho nỗi đau của người chị khác cha khác mẹ, biết chấp nhận rằng quá khứ mãi mãi sẽ chỉ là quá khứ, và biết trân trọng hơn những người thân bên cạnh mình ở hiện tại.

Nói vậy không có nghĩa là "Hiên nhà có nắng" khiến mình hài lòng 100%. Đôi khi, trong lúc đọc, mình vẫn bị lấn cấn. Mình đã quen với những từ như "cục cằn" (thay vì "cộc cằn") hay "cũn cỡn" (thay vì "cộc cỡn"). Nhưng mình nghĩ, điều này là do khác biệt vùng miền và phong cách văn chương mỗi người mỗi khác, cho nên mình không có ý bắt bẻ Xuân An. Chỉ là cá nhân mình đọc đến những từ như thế thì sẽ có khuynh hướng bị "hẫng" lại vài giây. Bên cạnh đó, có một hình ảnh khiến mình không thích lắm trong "Hiên nhà có nắng": "Như khi bố bỏ đi, giọng van nài rầu rĩ lẫn đôi mắt buồn ngấn nước của mẹ cũng chẳng đáng bận tâm như nắng phủ những ngày đầu hè." Thật lòng mà nói, mình thấy, vế được so sánh và vế để so sánh ở đây không hề thuyết phục, nhất lại là khi Xuân An sử dụng phép so sánh ngang bằng với từ so sánh "như". So sánh là biện pháp tu từ ngữ nghĩa nhằm đối chiếu hai hay nhiều đối tượng khác loại nhau nhưng giống nhau ở một điểm nào đó (không đồng nhất hoàn toàn) để tăng thêm sự lôi cuốn, gợi cảm, gợi hình (cái này mình lấy bên Wikigiaidap). Chí ít, hai vế trong câu có sử dụng biện pháp so sánh phải có một điểm nào đó tương đồng, nhưng mình không thấy "giọng van nài rầu rĩ lẫn đôi mắt buồn ngấn nước của mẹ" với "nắng phủ những ngày đầu hè" có điểm gì tương đồng cả. Ngược lại, vế được so sánh mang nặng nỗi buồn, sự bất lực cam chịu, trong khi vế để so sánh, theo cá nhân mình, lại là một hình ảnh đẹp - nắng đầu hè dịu dàng, không quá gay gắt như nắng giữa hè. Chỉ đến khi đọc câu liền sau câu này, mình mới hiểu được Xuân An muốn diễn giải điều gì. "Như khi bố bỏ đi, giọng van nài rầu rĩ lẫn đôi mắt buồn ngấn nước của mẹ cũng chẳng đáng bận tâm như nắng phủ những ngày đầu hè. Có nóng ấm, có chút khó chịu, nhưng chỉ cần làm lơ chạy về nơi không có nắng là không còn cảm thấy gì nữa." Cá nhân mình cảm thấy, khi viết câu có sử dụng hình ảnh so sánh kia, chính Xuân An cũng cảm thấy nó không đủ thuyết phục độc giả, cho nên mới có thêm câu phía sau, chỉ với một mục đích là giải thích sâu thêm cho câu trước nó. Mình cảm thấy cách viết như vậy vô hình trung đã khiến hình ảnh so sánh mất đi tác dụng của nó, nếu nói nặng lời hơn thì là một hình ảnh so sánh bị thừa. Mình rất thích những câu miêu tả nội tâm nhân vật của Xuân An, nhưng cách bạn miêu tả ngoại cảnh lại hơi bị lép vế.

Mấy điều kể trên chỉ là cá nhân mình cảm thấy không quen hoặc chưa hài lòng với "Hiên nhà có nắng" mà thôi, không đại biểu cho số đông. Mình không dựa vào đấy để phủ nhận đi cái hay trong "Hiên nhà có nắng". Với mình, cách lựa chọn từ ngữ hay sử dụng hình ảnh so sánh chưa thuyết phục chỉ là một chút trình bày chưa đẹp mắt trong một bàn ăn thịnh soạn mà thôi. Nó không khiến mình quên đi sự khéo léo trong cách xây dựng nhân vật, cách giải quyết mâu thuẫn và cảm xúc chân thành mà Xuân An đã truyền tải.

Nói thêm một chút về thế giới trẻ thơ trong "Hiên nhà có nắng". Cái mình thích đầu tiên là biệt danh. Xuân An đã chọn cho hai nhân vật chính những cái tên vừa thân thuộc, vừa gợi hình mà còn đậm chất làng quê Việt Nam. Chỉ cần nghe tên Mít, Cá Mắm thôi là mình đã đoán được bối cảnh truyện rồi. Mà mấy cái biệt danh này cũng vừa khéo thể hiện được đặc điểm ngoại hình của hai nhân vật chính luôn. Điều thứ hai mà mình thích là ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật. Viết thoại luôn là một điều quan trọng và khó khăn trong khi viết truyện, nhưng lại rất dễ bị bỏ qua. Nếu không chăm chỉ quan sát, lắng nghe cuộc sống xung quanh mình thì rất dễ viết ra những câu thoại "kịch", gượng gạo mà ngoài đời chả mấy khi người ta nói. Trong "Hiên nhà có nắng", Xuân An đã viết những câu thoại rất tự nhiên, mộc mạc, nhưng vẫn làm nổi bật lên cảm xúc của nhân vật.

Với "Hiên nhà có nắng", chắc chắn mình sẽ dành thời gian đọc thêm nhiều lần nữa, để đắm chìm trong thế giới mà Xuân An đã vẽ ra.

Xin cảm ơn tác giả đã chăm chỉ với từng con chữ. Cảm ơn Ổ sách đã cho ra đời một tuyển tập truyện hay như vậy!