0
0
1289 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

VỀ VIỆC THỪA TỰ


Thừa tự (承嗣) được hiểu là việc nối dõi dòng họ để tiếp tục việc thờ cúng tổ tiên. (Theo từ điển Nguyễn Quốc Hùng)

Nước ta có lệ người nào không có con trai thì cho con gái ăn thừa tự; không biết cái lệ ấy có từ đời nào. Ôi! Nội ngoại đã chia ra hai họ, không lẽ lại hợp cả thân sơ mà cúng tế; hợp tế nội ngoại như thế thì loạn mất luân thường.

Huống chi thế thứ càng ngày càng xa, ân tình càng ngày càng bạc, có khi chưa đến tứ đại mà các cụ tổ tiên chỉ trông ngóng về hàng cháu tằng huyền (1) vô phục (2) nó cúng tế, thì sao cho lâu dài được. Hoặc có người quy về họ bản tôn, thì các cụ tổ ngoại lại phải phụ hưởng ở nhà thờ tổ họ khác; thế chẳng hóa ra quay về cái lễ giáo hai gốc đã lâu đời, mà bắt ép quỷ thần hâm hưởng theo về dòng giống họ khác; kẻ nhân nhân (3), người quân tử nghe thấy chuyện ấy, ai chẳng đau lòng. Bởi vậy, cổ nhân phải chăm lo về sự nối dõi; chi trưởng không có con nối dõi thì cho chi thứ kế tự, chứ không để cho con gái kế tự.

Ta thường thấy đời gần đây, có kẻ là con rể hoặc cháu ngoại mà cũng dự chia của, chia ruộng, có khi còn chực muốn tranh phần hơn người thân cận; khi để trở lại cứ theo như lễ thường, nếu có phải phụng dưỡng sớm khuya, thì cháu nội lại khó nhọc hơn cháu ngoại, thậm chí đến nỗi gây ra oán thù tranh cạnh, chỉ đem của đưa vào túi tham của quan lại. Tuy cũng có kẻ ăn ở trung hậu như bà Hứa Hoàn về thăm Vệ hầu, ông Tần Khang Công đưa tiễn Tấn Văn Công, nhưng thói đời càng ngày càng tệ, không thể kể xiết được! (Theo Phạm Đình Hổ, trích trong tác phẩm Vũ Trung Tùy Bút)

Trong quyển Việt Nam Phong Tục của Phan Kế Bính cũng đề cập đến việc thừa tự như sau:

Ta trọng nhất là việc kế tự, nếu không có người kế tự cho mình, thì mình tức là người bất hiếu với tổ phụ. Cho nên không có con, thì phải nuôi, chủ ý là để mai sau có người giữ hương hỏa cho nhà mình.

Cải bổn tâm đối với tổ tiên như thế thì cũng phải, nhưng xét cho kỹ thì cũng có điều nên bàn: Giả sử người bất hạnh mà không có con, nuôi được con anh em hoặc con nuôi đồng họ, để mà nối dõi tông đường, thì dẫu là con nuôi, nhưng cũng là huyết mạch, trong một nhà, chẳng hại gì. Còn những người nuôi con người ngoài, mà thường lại yêu thương quý trọng hơn con anh em, thì tưởng cũng là không phải.

Về phần người con nuôi, người ta đã có công nuôi dạy dỗ mình như con, thì mình cũng phải nên mong mà đền báo cái ơn ấy, chớ đừng nên nghĩ người ta không phải là người sinh ra mình, mà ăn ở phụ bạc.

Về việc cho chi thứ kế tự, hay con nuôi lập tự, nhà nghiên cứu văn hóa Toan Ánh viết:

Nước ta lấy sự thờ phụng tổ tiên làm trọng, nên những người không con phải lo nuôi con nuôi lập tự. Thường, người ta chọn một người cháu gọi bằng bác hay bằng chú, nhưng nếu cháu gần không có, trong trường hợp người không con không có anh em ruột, hoặc anh và em trai ruột người này cũng không con, thì lập cháu xa, nhưng vẫn phải đồng huyết thống, nghĩa là cũng thuộc về họ nội. Tục lệ và luật pháp định rằng việc lập tự phải theo thứ tự chiều thuận, nghĩa là cháu mới được thừa tự cho chú bác, chứ cháu không được lấy chú bác lập tự cho mình.

Ngoài ra anh không có con trai, em có thể ăn thừa tự anh được, trái lại anh không được ăn thừa tự cho em, phải đi việc ăn thừa tự cho con mình tức là cháu ruột của em. Người được lập thừa tự có thể bị phế bỏ, nếu người đó xét ra kém đức hạnh, hoặc làm điều gì phạm tới thanh danh gia đình. Phế người thừa tự này để lập người khác, gọi là lập ái hay lập hiến.

Trong việc lập thừa tự không được chọn con độc đinh hoặc con trưởng, vì những người con này đã có phận sự riêng, lo việc hương khói cho cha mẹ. Người đã được lập tự phải ở với cha mẹ nuôi như cha mẹ đẻ, không được bỏ nhà đi, và được hưởng mọi quyền lợi như một người con đẻ.

Việc lập tự mặc nhiên thành vô hiệu, nếu cha mẹ nuôi, sau khi lập tự con nuôi, lại sinh được con trai. Tuy việc lập tự thành vô hiệu, nhưng người con nuôi vẫn giữ được quyền lợi như một người con đẻ và sẽ được hưởng một phần gia tài với người con đẻ. Khi cha mẹ nuôi đã có con trai, người con nuôi lập tự trước có thề trở về sống với cha mẹ mình.

Người đàn ông lúc sống không con, khi chết đi, vợ có thể thỏa thuận với tộc trưởng đề lập tự cho chồng. Những người đã hỏi vợ mà chưa cưới, hoặc mới cưới vợ mà chết sớm không con, nếu đã trưởng thành rồi, cha mẹ có thể chọn người lập tự cho; những người chết non trong thời kỳ ty ấu không được phép lập tự. Những người này được thờ phụng tại bàn thờ chung của gia đình, cũng có khi linh thiêng được thờ riêng làm ông mãnh và việc cúng giỗ do con trưởng nhớ mà cúng cho.

Những người con nuôi lập tự phải đồng khí huyết với cha mẹ nuôi. Tục không cho lập tự những con nuôi khác họ, những người này chỉ là những nghĩa tử, xưa không được hưởng đủ quyền lợi như con đẻ.

Con rể không được thừa tự cha mẹ vợ. Nếu người con rể ở rể khi cha mẹ vợ chết phải chọn người đồng tông lập tự.

Việc lập tự ngày nay chỉ còn tồn tại ở một số các địa phương và quan niệm lập tự cũng ít nhiều thay đổi. Ta có câu nam vô dụng nữ, vô từ dụng tôn, nghĩa là không có con trai dùng con gái, không có thì dùng cháu. Giờ đây tại nhiều gia đình không có con trai, con gái thường cúng giỗ cha mẹ, hoặc cũng có khi cháu ngoại cúng giỗ ông bà.

Trải qua mọi biến chuyển từ xưa tới nay, việc cúng giỗ đã thay đổi, việc lập tự cũng chịu ảnh hưởng nhiều.

Chú thích:
(1) Tằng là chắt (cháu bốn đời), huyền là chút (cháu năm đời).
(2) Vô phục là không phải để trở.
(3) Những người giàu lòng nhân đạo.
-----------------------------
Trích từ các tài liệu:
(1) Phạm Đình Hổ (1803), Vũ Trung Tùy Bút, Bản dịch của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, Nxb Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh.
(2) Phan Kế Bính (2005), Việt Nam phong tục, Nxb Văn học,
(3) Toan Ánh (1970), Nếp cũ con người Việt Nam, nhà sách Khai Trí.
(4) Toan Ánh (2001), Phong tục thờ cúng cổ truyền trong gia đình Việt Nam, Nxb văn hóa dân tộc.