5
0
1674 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

BÀN VỀ LỄ GIA QUAN - LỄ ĐỘI MŨ


Ở nước ta, tinh thần gia lễ có phóng khoáng hơn của người Trung Hoa. Gần như là dân ta không biết tới lễ "Gia Quan" (đội mũ quan) của người Tàu. Có lẽ, vào thời xa xưa, người nước ta cũng biết áp dụng chút ít lễ nghi này theo tục lệ người Tàu, khi bị đô hộ, nhưng về sau, tới khoảng cuối đời Hậu Lê thì lễ Gia quan này bị dân ta bỏ hẳn đi. Như vậy, Gia Lễ của Việt Nam chỉ còn lưu truyền có ba việc Hôn, Tang, Tế.

Tuy nhiên, vì bài trước chúng ta đã đề cập đến lễ "gia quan" nên tôi xin mạn phép nói một chút.

Đúng ra, gọi lễ gia quan, "Gia" là thêm vào, không phải nhà cửa. "Quan", viết chữ Hán, là cái khăn đội của đàn ông. Cái mào con gà gọi "kê quan", mào gà được xem như cái mão, cái nón. Không phải "quan" là là làm quan. Nhiều người lầm lẫn, ngỡ rằng quan là "ông quan", lể Gia quan là một kiểu "thăng quan tiến tước", được lên chức vụ cao hơn thì làm lễ khảo thưởng!

Lễ Gia quan nay không còn, xưa khi chỉ dành cho nhà quyền quý, dòng họ tăm tiếng, nhiều điền sản. Nôm na, gọi là lễ cho đứa con trai lớn lên, được hai mươi tuổi (tuổi ta) đội cái khăn xếp, chứng tỏ nó đã trưởng thành, có thể cưới vợ, thay mặt cha mẹ quản lý gia tài, thừa hưởng đất vườn hương hỏa. Khi được đội khăn, đứa trẻ đương nhiên phải mặc cái áo dài đen (áo the) và đi đôi dép (kiểu hàm ếch) cho đồng bộ.

Chọn ngày lành tháng tốt, nhờ người trưởng lão trong dòng họ hoặc trong thôn xóm đến làm chủ lễ. Nhang đèn, hoa quả trần thiết trên bàn thờ, bà con tề tựu đông đủ, thêm một số quan khách. Đứa thanh niên quỳ gối trước bàn thờ tổ tiên, người trưởng lão làm lễ "lên đèn" đốt hai ngọn nến lớn, chắp tay trước mặt rồi mỗi tay giang ra, đưa cho hai người "trợ lý" gắn vào hai chân đèn. Ông nói, đại khái:

- Con ơi, nay con lớn khôn, bắt đầu từ hôm nay, phải gánh trách nhiệm trong gia đình, xã hội. Phải biết tự trọng nuôi ý chí lập thân, học hành chăm chỉ.

Người cha, hoặc ông kỳ lão thay mặt cho dòng họ tuyên bố đặt tên "tự" là tên chính thức của cậu trai.

Như ta biết, hồi cách đây vài mươi năm, ở miền quê, khi đứa bé chào đời, cha mẹ chưa đặt tên chính thức; ăn đầy tháng, bèn đặt tạm một cái tên, thường là xấu, đề phòng trường hợp ma quỷ rình bắt những đứa mang tên đẹp. Đến hai mươi tuổi, ở gia đình khá giả, dịp lễ gia quan, lại đặt tên chính thức, nào Khắc Cần, nào Trọng Phủ, nào Tế Xuyên,... Người Pháp đến, bắt buộc sau khi đứa bé chào đời, phải làm giấy khai sinh lập tức. Vì vậy nhiều đứa bé mang tên xấu ghi vào hộ tịch lúc còn nhỏ; lớn lên, muốn sửa đổi, thì ra tòa xin phép.

Có thể so sánh: Ngày xưa, lễ Gia quan tổ chức trong gia đình mang ý nghĩa như ngày nay cậu trai được quyền Công dân, được cấp Chứng minh nhân dân, về mặt pháp lý. Sách Lễ Ký ghi, tạm dịch: "Lễ Gia quan đứng đầu mọi lễ hoặc "Con trai đã lớn thì phải làm lễ đội mão và đặt tên, ấy là đạo nên người trưởng thành vậy" (Tất quan nhi tự chi, thành nhân chi đạo dã).

Lễ Gia quan không phổ biến trong xã hội ta, nhưng thói quen gọi "quan" "hôn" "tang" "tế" cho có vần điệu, nghe xuôi tai. Nhưng còn vấn đề nóng bỏng, trong thực tế xã hội ta ngày nay, ấy là cái "khăn đen, áo dài" nên để hay nên bỏ?'

Trên đây là quan điểm của các bác khi nhìn lại lịch sử. Còn chính người xưa nói về lễ Gia Quan - Lễ đội mũ như thế nào? Phạm Đình Hổ đã viết trong tác phẩm Vũ Trung Tùy Bút như sau:

Lễ đội mũ ít lâu nay đã bỏ đi không làm, những bậc trưởng, ấu, lão, thiếu lại không phân biệt rõ ràng, lúc bình thường giao thiệp với nhau chỉ lấy phận vị mà đối đãi. Thành ra, tức giận tranh nhau, thù oán lẫn nhau, cũng bởi thế cả. Có kẻ tuổi chưa đúng mực đã lạm kể bằng cụ già; có kẻ tuổi còn măng sữa đã vội leo lên bậc trưởng thành; trong hàng trăm, hốt, quan tư, lại kể sớm muộn mà lấn át bậc tôn trưởng; ở những nhà quan sang quý thích, thường thấy con cháu nạt cả cha chú; thậm chí có kẻ ngu như cục gỗ mà dám kiêu ngạo với cả quốc dân, phẩm cách tầm thường mà dám tự cao với đồng bối.

Lầm lẫn theo thói quen mà không biết đâu là phải; muốn sửa đổi thì phải trở lại gốc rễ mới được. Hoặc có kẻ nói "Cứ theo quan lễ thì phải đội mũ và phải dùng lễ tam gia, nay tục nước ta quen thói búi tóc; truy cân (1) cũng là đặt xuống thôi, bức cân (2) cũng không thường dùng đến, mũ phốc đầu (3) không phải bậc sĩ hoạn không được đội; con gái không có lối trang sức búi tóc cài trâm; thế mà nay đám gì cũng muốn theo quan lễ đời cổ thì chẳng buồn cười lắm ru?". Điều này không hề thấy ở người đời Đường (4). Không phải thế đâu. Đời xưa, con trai con gái, nếu đã qua cái tuổi để trái đào rồi, thì con trai cho đội mũ, con gái cho cài trâm mà dạy bảo lấy đạo thành nhân (5). Vậy nên mới đặt ra lễ tam gia, nghĩa là lần thứ nhất thì cho đội mũ vải thâm, lần thứ hai thì cho đội mũ bì biện (6), lần thứ ba thì cho đội mũ tước niệm (7). Đến đời Tống mới đổi ra một thứ truy bố quan (8), một thứ bức cân và một thứ phốc đầu, đó cũng là bắt chước cái lẽ ấy, chứ không nệ gì cổ chế. Người nước ta không đội thứ mũ truy bố quan, nhưng cũng có cái khăn bao đinh để vén tóc; hoặc có người đội khăn bức cân, mũ phốc đầu, song không tiện cho những người chưa làm quan; còn như mũ chữ đinh thì ai cũng dùng cả. Có lẽ nào mũ biện, mũ miện đời cổ có thể biến thành khăn bức cân, mũ phốc đầu đời Tống, mà không thể đổi làm khăn bao đinh, mũ đời nay ư? Còn như con gái không có tục cài trâm, nhưng thói quen vẫn chít khăn lượt, đeo hoa tai để trang sức. Có chí muốn giữ lễ cổ thì bất tất phải nệ lễ văn, chỉ theo lễ ý là đủ (9). Tuy thế, đây chẳng qua vì những bậc sĩ thứ hiếu cổ mà bàn, chứ còn như các bậc anh quân hiền tướng đắc thời mà chấn chỉnh thi hành, thì không có chừng hạn như thường tình tục sáo (10) được.

Ít lâu nay, không mấy người bàn đến lễ, chỉ người nào mới đỗ hương cống, phải theo quan chủ khảo vào diễn tập qua những lễ nghi bái quy, còn ngoài ra không hiểu gì cả. Ta thường thấy những con nhà dòng dõi thế gia, dung mạo trông cũng đẹp đẽ, phục sức ra bộ xa hoa, thế mà đến khi phải đóng mũ áo vào trợ tế hoặc tiếp tân, thì cử chỉ luống cuống; có anh lại rụt rè sợ hãi như cô dâu mới trông thấy mẹ chồng, không khỏi thế tục họ cười cho. Có người muốn sửa chữa thì lại làm ra bộ kiểu cách dối trá, cợt nhả, cười đùa, làm cho loạn mất sự thực đi, không biết rằng trong làm lễ mà tỏ ra trang nghiêm hay cẩu thả, dù trong chốc lát cũng không thể che lấp được lầm lỗi. Vậy thì lễ nghi phải học tập mới được.

Đời xưa thì búi tóc trên đỉnh đầu, lấy mũ bằng vải thâm đội lên cho chặt. Cho nên mũ biện thì nhọn đầu, mũ miện thì dài như cái ống, khăn đội thì làm trùng đài (11) nổi cao lên, đều là làm cái chỗ để chứa búi tóc. Người nước ta bỏ xõa tóc, không cần phải đội mũ cao, vậy muốn biến đổi phong tục thì phải đợi bậc cao minh và phải làm dần dà đến hết đời mới xong được.

Chú thích:
(1) Khăn vải thâm.
(2) Bức cân là đội toàn cả khổ lụa để cuốn tóc.
(3) Mũ phốc đầu từ đời Đường làm bằng sa như cái núi có bốn dải rũ xuống, sau làm như hình mũ cánh chuồn.
(4) Câu này không thấy trong bản dịch.
(5) Bản dịch viết là “đạo thánh nhân”.
(6) Mũ làm bằng da là lối mũ võ.
(7) Một thứ mũ văn theo về lễ phục.
(8) Truy bố quan là mũ vải đen.
(9) Lễ văn là hình thức của lễ, lễ ý là tinh thần của lễ.
(10) tục sáo là khuôn khổ.
(11) Trùng đài là một tầng cao.
-----------------------------
Trích từ các tài liệu:
(1) Phạm Công Sơn (2005), Gia Lễ Xưa và Nay Nxb Thanh Niên.
(2) Sơn Nam (1994), Thuần phong mỹ tục Việt Nam (Quan, Hôn, Tang, Tế) Biên Khảo, Nxb TH Đồng Tháp.
(3) Phạm Đình Hổ (1803), Vũ Trung Tùy Bút, Bản dịch của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, Nxb Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh.