Xuất binh
Năm Canh Tuất 950, Giao Châu đứng đầu là Dương Bình Vương - Dương Tam Kha lệnh cho Ngô Xương Văn cùng tả hữu tướng Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc xuất hơn sáu ngàn binh tiến đánh Ngô Nhật Khánh ở Đường Lâm và Nguyễn Khoan ở Tam Đái. Trước tình hình đó, hai nơi Đường Lâm và Tam Đái đều có những chuẩn bị để đón đánh quân triều đình. Họ đều phòng thủ trong ngoài nhiều lớp, phối hợp với nhau tuần tra liên tục một dải sông Nhị Hà từ ngã ba Bạch Hạt đến tận Hát Môn giang. Hơn mười năm trời ở Tĩnh Hải quân không có chiến sự, nay cái sự ấy sắp sửa nổi lên rồi. Muôn dân với kẻ sĩ trong khắp thiên hạ đang phải đánh trống ngực mà theo dõi trận này vậy.
Giao Châu ngày xuất binh…
Mặt trời dần lên, mới là đầu giờ Thìn. Một chút gió nhẹ thoảng qua khắp kinh đô Cổ Loa mang theo hương thơm lạ phảng phất trong buổi sớm. Hôm nay là ngày triều đình xuất quân tiến đánh Đường Lâm và Tam Đái, mọi sự đã chuẩn bị xong từ mấy ngày trước, rất gấp rút và vội vã.
Đứng từ xa trông lại thành Cổ Loa, ai ai cũng thấy khí thế hừng hực, cờ xí rợp cả một trời. Trước cổng thành, bên trái ba ngàn quân xếp hàng ngay ngắn, bên phải ba ngàn quân gươm giáo chỉnh tề. Trên thành nổi lên một hồi trống vang rền, từ từ rồi hối hả, rồi dồn dập. Từ trong cổng thành, một người một ngựa đi nước kiệu ra trước. Là Ngô Xương Văn, y cầm cương ngựa rất ung dung, kiếm đeo trên thắt lưng, người vận giáp trụ sáng loáng, khoác áo choàng trông uy vũ. Theo sau là tả hữu tướng Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc, cũng vận giáp trụ cứng cáp, binh khí đầy đủ, dáng ngồi ngựa rất uy nghi dũng mãnh. Đi sau tả hữu tướng là cờ hiệu thêu ba chữ bằng chỉ vàng rất to “Dương Bình Vương” cùng mười người ngựa là lính giữ cờ trận. Cuối cùng là năm trăm kỵ binh giáp đen, đội mũ trụ, tay cầm trường thương, kéo cương ngựa đi theo hàng từ từ ra khỏi cổng thành.
Tiếng trống mỗi lúc một giòn giã hơn, ba quân chúng tướng đều hò reo “Hua hua” theo nhịp trống chào đón thống soái cùng các tướng lĩnh ba quân. Khi đoàn kỵ binh rời khỏi cổng thành và dừng lại, trống trận cũng thôi đánh. Từ trên thành, Dương Bình Vương đã đứng đợi sẵn cùng chúng quan lại. Bình Vương gồng người nói thật to khích lệ ba quân trước lúc xuất binh.
- Hỡi ba quân tướng sĩ, đánh trận này phải nhất định chiến thắng, nước nhà mới được yên ổn. Không chỉ có ta, chúng quan ở đây, mà còn có, vợ con, cha mẹ các ngươi đợi các ngươi trở về với chiến công oanh liệt. Lệnh cho các tướng lĩnh, xét thưởng phong tước tại trận mạt cho binh sĩ có công giết được nhiều giặc. Người nào hy sinh thì quyết phải đem được thây về, chôn cất tử tế, thưởng đất đai ruộng điền cho người nhà. Trận này chỉ được thắng!
Ngừng lại một chốc, Bình Vương dõng dạc hô to:
- Xung trận không chạy!
Ba quân liền đồng thanh vang khắp kinh thành “Xung trận không chạy, thấy khó không từ. Thề chết giết giặc, toàn thắng về ta! Hua...!
Tiếng hô vừa dứt, Xương Văn ghì cương ngựa khiến nó cất vó hai chân trước lên rồi dậm thật mạnh xuống, hí vang trời trông rất hăng sức. Con Bạch Mao của Xương Văn xưa nay nức tiếng là chiến mã chạy nhanh như gió, độ hung hiểm trên từng vó chân của nó khiến binh lính phải khiếp sợ. Sau khi ổn định lại con ngựa háo chiến, Xương Văn đưa tay rút kiếm một cách chậm rãi, rồi chém vào không trung một đường từ phía dưới lên. Thanh kiếm đưa thẳng lên trời, ba quân chúng sĩ đều im lặng, nghiêm trang đứng nhìn theo. Xương Văn nghiêm giọng, hét thật to:
- Xuất quân!!!
Trống trận trên thành lại nổi lên dồn dập tạo thêm khí thế. Xương Văn giật chân thúc vào mình ngựa giục nó đi tới. Con Bạch Mao đi nước kiệu, các tướng sĩ phía sau cũng bắt đầu giật cương thúc ngựa đi theo. Ba nghìn tả quân hợp vào hàng nối theo sau năm trăm kỵ binh, xong xuôi mới đến lượt hữu quân nhập hàng. Chốc lát, từ cổng thành trông xa ra, con đường lộ dẫn vào thành đã mịt mù khói bụt, thỉnh thoảng lại thấy đoàn người ngựa, khiên giáo sáng lóe hiện ra dưới cái nắng đầu hạ.
Đoàn quân triều đình Cổ Loa đi được năm dặm đường là đã tới bờ sông Nhị Hà. Xương Văn ra hiệu cho tả hữu tướng thúc ngựa lên để bàn việc.
- Chúng ta đã đến bờ sông Nhị Hà rồi, đây là nơi hẹp nhất của con sông mà ta đã cho người đi dò la trước đó. Quả thực nước sông không lớn lắm, cứ theo kế hoạch mà sang sông vậy!
Dương Cát Lợi liền nói:
- Bây giờ tôi sẽ cấp thuyền đưa người cùng quân sang sông trước, xong xuôi tôi sẽ ngược sông lên phía bắc như đã định liệu.
- Dương tướng quân, không cần tướng quân phải lên mạn bắc nữa đâu. Ta còn trẻ tuổi, kinh nghiệm trận mạt còn non nớt, vẫn là cần tả hữu tướng hai vị đây theo giúp sức đấy!
Xương Văn cười khiêm tốn, tả hữu tướng đều tỏ ra thắc mắc.
- Chẳng phải lúc ở kinh thành chúng ta đã định liệu như vậy hay sao? Rồi ai sẽ dẫn binh lên mạn bắc cản địch đây? - Cảnh Thạc hỏi.
- Không sao, ta đã có lo liệu cả rồi. Hai vị cứ giao cho phó tướng Sỹ Đằng làm việc.
Hai tướng nghe thế cũng không nghĩ ngợi gì thêm nữa, rồi lệnh cho quân dừng lại tập trung và chia quân. Sỹ Đằng nghe triệu liền phi ngựa lên diện kiến thống soái.
- Phó tướng kiêm hiệu thủy binh Trần Sỹ Đằng đợi lệnh!
Xương Văn ra hiệu cho hắn đứng dậy, rồi mới nói:
- Việc quân có chút thay đổi. Đợi quân sang sông hết thảy, phong ông làm Chỉ huy thủy binh dẫn một nghìn lính cùng hai trăm thuyền ngược sông lên mạn bắc án ngữ địch nhé!
Sỹ Đằng nghe lệnh, vẻ mặt liền hớn hở “Dạ” rõ to. Hắn toang quay đi để thu xếp thì Xương Văn đã chặn lại.
- Chưa xong việc, ông cứ từ từ đã nào!
Sỹ Đằng nán lại, chăm chú lắng nghe căn dặn.
- Lần này ông lên trên đấy, nhớ là án binh, thăm dò tình hình địch. Không được để chúng phát giác, lại càng không được chủ động đánh bừa. Đầu giờ ngọ, nhìn xuống phía nam mà thấy lửa cháy to thì dâng quân lên cao ở Hát Môn giang. Khi đó, quân Tam Đái tràn xuống thì ông ùa ra đánh chặn. Còn nếu gặp quân của Đường Lâm thì phải đánh kịch liệt hơn nữa. Ta tin cái tài thủy binh của ông có thể chống cự được.
- Hạ tướng nhớ rõ mệnh lệnh.
Sỹ Đằng vòng tay cung kính thưa rồi lui ra. Lúc này trời lên cao lắm rồi, nắng ngày một gắt hơn. Binh lính triều đình lục tục nối nhau lên thuyền, hết chiếc này sang bờ lại chiếc khác cập bến. Cả một khúc sông hẹp chi chít thuyền chiến qua lại huyên náo. Mất gần một canh giờ toàn bộ quân mới sang được bên kia sông. Ở đó là một bãi đá rộng rãi, xa là cây bụi um tùm và rừng núi. Băng qua khỏi khu rừng này là một cái hồ nước rộng lớn dài hơn nghìn trượng, phải đi vòng lên phía bắc của hồ thì mới nhanh được. Quân triều đình chấn chỉnh lại binh lính rồi lên đường ngay. Riêng thủy binh thì đã ở sẵn trên thuyền, đang tích cực chèo ngược dòng Nhị Hà để lên Hát Môn giang.
Binh triều xé rừng băng đi, đoàn quân rất khẩn trương nhưng nghiêm chỉnh, hàng người ngựa, cờ xí, trống chiêng, gươm giáo cứ thế lẳng lặng mà đi miệt mài. Qua khỏi khu rừng này là đến Từ Liêm, vẫn còn hơn mười dặm đường nữa là đến sông Hát. Lúc đoàn quân đi vào đất Từ Liêm, Xương Văn lệnh cho toàn quân dừng lại, cắt cử hai tên lính liên lạc chạy thẳng về phía bắc hướng sông Nhị Hà, gửi lệnh cho Sỹ Đằng. Rồi cho một tốp lính hai mươi người ngựa chạy do thám xung quanh. Tranh thủ lúc quân đang dừng chân, Xương Văn gọi tả hữu tướng đến bàn việc.
- Có chuyện gì nguy hiểm chăng? - Cảnh Thạc hỏi.
Dương Cát Lợi im lặng đứng nhìn, chăm chú quan sát thái độ đang có phần phân vân của Xương Văn. Y vẫn tỏ ra chần chừ, hai tướng phải thúc giục lắm y mới chịu nói:
- Xương Văn biết hai vị là võ tướng anh dũng, từng vào sinh ra tử cùng cha ta, Tiên Vương. Xương Văn vốn phận hậu bối, tài đức hèn mọn không sánh bằng hai vị. Lại nói hai vị đáng tuổi cha chú, phận cháu đây không dám qua mặt làm chi cả.
Xương Văn chấp hai tay lại, vái tả hữu tướng rất mực cung kính, mà trịnh trọng. Thấy vậy hai tướng cũng đỡ lấy, không dám để Xương Văn quỳ lạy.
- Ấy, không được. Dẫu sao người cũng là con trai của Tiên Vương, là dòng dõi chính thống. Bọn tôi không phò trợ hết lòng thì thôi sao lại dám nhận cái lạy này!
Xương Văn làm vẻ mặt cảm kích lắm, đứng thẳng người dậy, rồi tự tin hơn hẳn mà thưa:
- Đức của Tiên Vương ta thấm khắp lòng dân, phàm những chính lệnh ban ra không ai là không vui lòng nghe theo. Buồn thay, Tiên Vương đã lìa bỏ quần thần, Bình Vương tự làm việc bất nghĩa, cướp ngôi của anh em ta, tội không gì to bằng. Nay thế sự rối rắm, trong ngoài đều không yên ổn cả. Bình Vương vốn rất muốn diệt Đường Lâm và Tam Đái, nhưng e dè mãi chẳng dám ra quân. Dẫu rằng hai nơi ấy chẳng tội tình chi nhưng mà với Bình Vương thì tiêu diệt chúng là chuyện phải lo nhất. Thôi thì nhân cơ hội này, ta thúc đẩy ông ấy cho xuất binh tiến đánh sớm vậy.
Cảnh Thạc và Cát Lợi trố mắt nhìn nhau, rồi nhìn Xương Văn với ánh mắt ngạc nhiên, lạ lẫm. Họ không tin vào mắt mình, không tin vào tai mình vì một Xương Văn rất khác đang đứng trước mặt, nói ra những lời rất chững chạc, đầy khí chất của một đáng quân vương.
- Nhưng tại sao người lại muốn xuất binh đánh Đường Lâm? Chẳng phải người mới bảo họ vô tội hay sao? Có sự tình gì chăng?
Xương Văn đứng lặng người, hướng về lại phía đông bắc nơi kinh đô Cổ Loa đang ngự, chắp hai tay sau lưng mà rằng:
- Ta muốn mượn cơ hội xé nhỏ binh Cổ Loa ra, làm suy yếu quân lực của triều đình.
Tả hữu tướng nghe thấy liền giật mình, hiểu ra cớ sự định hỏi thì Xương Văn đã nói tiếp.
- Ta biết hai vị đang nghĩ gì. Nhưng ta đã chờ ngày này lâu lắm rồi. Không còn cơ hội nào khác nữa cả!
Một thoáng im lặng, đợi cơn gió thổi vù qua làm những lá cờ mang ba chữ “Dương Bình Vương” rũ xuống, thôi phấp phới. Xương Văn lại nói:
- Ta muốn đem quân quay lại đánh úp Bình Vương để khôi phục cơ nghiệp của Tiên Vương, như thế có nên chăng?
Tả hữu tướng đều quỳ xuống, chấp tay cung kính mà đồng thanh:
- Nên thay! Bọn tôi xin nguyện tuân theo ý người.
Xương Văn cảm kích lắm, nước mắt cũng đã trực trào trên khóe mắt, sóng mũi cay xè chỉ muốn khóc thật to cho thỏa lòng kiềm nén bao năm qua. Nhưng vì sự mới khởi đầu, vẫn còn nhiều việc phải làm, thậm chí là đang đối diện với sinh tử, Xương Văn phải nuốt nước mắt vào trong mà gắng gượng quay lại đỡ hai vị tướng đứng lên. Đợi cả ba bình tĩnh lại rồi mới bàn vào việc quân.
Cùng lúc đó ở phía bắc xa xôi. Nguyễn Đại Hùng nhận lệnh của Bình Vương dẫn hai nghìn lính âm thầm lên phía Bắc, hội quân với các đồn gác mà đóng quân dọc theo biên giới với Tam Đái. Đoàn quân này đi trước đoàn quân của Xương Văn hai ngày, tới nơi từ sớm nên đã xong xuôi việc dựng doanh và phòng thủ. Suốt hai ngày chịu gió sương biên thùy, nơi rừng rậm hoang dã mà buồn tẻ, đương đêm gió nổi lạnh sóng lưng mà nghe tiếng thú hoang kêu gào khiến Hùng ta bực bội, miệng không ngừng ca thán, chửi mắng.
- Mẹ nó, cái kiếp con khỉ phải gió. Đang yên đang lành lại phải lên đây bắt muỗi, có giận không cơ chứ!
Bọn phó tướng cũng hùa theo chỉ huy. Giận lắm!
- Nè, bọn bây ra kêu tụi nó đi tuần xa thêm hai dặm nữa rồi về nghỉ. Chiều nay phải đánh rồi!
Hùng ngồi tựa ghế vắt hai chân lên cái bàn gỗ. Hắn có dáng người to cao, rất lực điền, ai thấy cũng khiếp sợ. Lại nói bộ râu lồm xồm, vẻ mặt thì luôn cau có hung tợn, da đen sạm mà săn chắc. Giọng nói to oang oang như gầm thét, tướng và lính dưới trướng đều sợ hắn hơn là nể phục. Tướng lĩnh dưới trướng nghe y nói “đánh” liền điếng hồn mà thất thanh lên.
- Đánh thật hả tướng quân?
Đại Hùng mới cười khà khà mà rằng:
- Đánh cái đầu của ngươi. Làm trái quân lệnh thì bị chém cả lũ à. Dàn quân ra dọa bọn Tam Đái thôi, cho chúng đái luôn trong quần một phen.
Cả bọn đều bật cười hả hê, ra điều thích thú lắm. Bỗng ngoài doanh có tiếng ngựa phi lại, rồi một tiếng “bịch” vang lên giống như có thứ gì vừa rơi xuống đất. Thì ra ở ngoài cửa doanh trại tướng quân Đại Hùng, tên lính tế tác vừa bị ngã ngựa. Vẻ mặt hắn tái mét, nhợt nhạt, mồ hôi vã ra như tắm. Hai tên lính canh vội đỡ dậy rồi dìu vào trong doanh mà báo:
- Báo tướng quân, lính tế tác đưa tin về. Hắn mới ngã ngựa đấy!
Đại Hùng nghe thế liền nhăn mặt, mắng:
- Thằng yếu đuối, sao vào được trong quân của tao hay vậy? - Hùng bật cười, rõ là đang trêu tên lính tế tác. - Lấy ghế cho nó ngồi đi, đưa nước cho nó uống luôn, mau lên!
Đám lính liền vâng lệnh, lấy ghế, rót nước mời tên lính tế tác không khác gì đang hầu hạ. Tên lính tế tác cảm kích lắm, tướng quân đối đãi trọng nghĩa như thế cơ mà. Đoạn lâu hắn tỉnh táo hơn, ráng sức mà báo.
- Bẩm tướng quân, Tam Đái đã hành động!