bởi An Tịnh

33
4
2546 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Đối sách


Hay tin triều đình Cổ Loa chuẩn bị dẫn binh tiến đánh đất Đường Lâm, Sứ quân Ngô Nhật Khánh đã nhanh chóng triệu tập nghị sự bàn kế chống đỡ. Mỗi người mỗi ý, có người bàn kế cầu hòa, cũng có kẻ nhất mực xin xông trận chống trả. Cuộc tranh luận bắt đầu sôi nổi, chia làm hai phe chính. Một bên là các văn sĩ chủ trương cầu hòa, bên còn lại là các tướng lĩnh tay quen chém giết miệng luôn đòi đánh. Sứ quân ngồi thừ người trên ghế da hổ giữa nghị đường, tay chống cằm trông vẻ chán chường nhìn cái bọn ồn ào ở bên dưới. Bỗng nhiên trong đám đông ồn ã vang lên một tràn cười dài, điệu cười sảng khoái mà lại tỏ vẻ tinh tướng lắm.

Cả thảy đều im lặng quay sang nhìn trong hàng mưu sĩ, có một kẻ đang ngồi cười vang như chốn không người.

- Sao ông lại cười, Tư Mạc?

Nghe thấy có người hỏi mình, Tư Mạc mới thôi cười, đứng dậy và tiến tới trước mặt sứ quân vòng tay cung kính. Không đợi sứ quân hỏi, Tư Mạc liền thao thao bất tuyệt luận đàm.

- Ai ai cũng biết, lúc Ngô Vương mất để lại ngôi cho Xương Ngập, Xương Văn phận làm em, cũng chỉ mới chín tuổi thì làm được cái gì? Dương Tam Kha lợi dụng cái sự ấy để cướp ngôi nhưng mà cũng không đến nổi là tận diệt họ Ngô. Nếu không thì Xương Văn, Nam Hưng, Càn Hưng đã sớm về với Ngô Vương rồi, có phải chăng? Lại nói truy bắt Xương Ngập, âu cũng là bắt để phòng hậu họa mà thôi. Cái thù cướp ngôi, đánh đuổi anh trai, bắt làm con nuôi mà không trả thì nhục này nước sông Nhị Hà cũng không rửa hết. Hẳn là Xương Văn hận lắm, hận lắm thay. Khổ nỗi trong tay chẳng có cái gì để mà giành lại ngôi vương của cha cả.

Nói đến đấy, Tư Mạc tặc lưỡi tỏ vẻ tiếc rẻ. Dừng lại vài giây dò xét thái độ mọi người trong nghị đường. Không ai nói gì, cũng không có thái độ gì khác ngoài việc bọn họ đang nhìn chăm chăm vào Tư Mạc, chờ y nói tiếp. Chí phải, Tư Mạc chỉ chờ có thế.

- Xuất binh đánh Đường Lâm, rồi đánh luôn Tam Đái chuyện này không chỉ nực cười mà còn hoang đường hết sức. Liệu chúng có đánh nổi không đây?

Tư Mạc nói với giọng mỉa mai, dùng ánh mắt sắc lẹm nhìn một lượt khắp nghị đường.

- Đương nhiên là không rồi! Chúng mà đến là tôi đánh hết, giết sạch sẽ bọn chúng để chúng biết Sứ quân của ta không phải là người dễ bị ức hiếp!

Một viên tướng đô con, áo giáp sáng loáng nhưng người thì đen sì đứng thét to lên. Tư Mạc nhìn người này một lượt rồi lại cười.

- Cái uy vũ của tướng quân đây quả thực là làm địch phải khiếp sợ đấy. Đúng thật là chúng ta sẽ đánh, thậm chí là đánh thắng nhưng không phải trận này.

- Mưu sĩ nói như vậy thế là ý gì? - Sứ quân Ngô Nhật Khánh hỏi.

- Bẩm sứ quân, chớ nôn nóng. Đánh thôn Đường, Nguyễn chỉ là cái cớ mà thôi. Tôi nghe người ta nói bày trận này do một tay Xương Văn sắp xếp. Một mực xin Bình Vương cho xuất binh đánh ta thậm chí còn mắng mấy lão già ở Cổ Loa một trận đã đời. Trước thế mạnh của binh triều, tôi nghĩ ta đành xin Tam Đái giúp sức vậy. Khi đó triều đình muốn thắng thì chỉ còn cách dời luôn Cổ Loa lên đây.

Chúng mưu sĩ, tướng lĩnh nghe thế đều bật cười vì những lời nói hóm hĩnh của Tư Mạc. Đợi nghị đường im lặng, Tư Mạc mới tiếp lời:

- Triều đình có hơn hai vạn binh, nhưng nhìn thế hiện tại vây quanh Giao Châu có Đằng Châu, Nam Sách, Tam Đái, Đường Lâm ta, và một số vùng khác. Thử hỏi triều đình chia binh đánh nhau lúc này thì liệu có đủ sức chống đỡ các nơi khác hay không? Trong khi Xương Ngập ở Nam Sách, chỉ cần một lời hiệu triệu là Phạm Lệnh Công sẽ xuất binh, hợp với Phạm Bạch Hổ là tiến thẳng vào Giao Châu dễ dàng. Vì vậy, tôi cho rằng Xương Văn không thật sự đánh Đường Lâm mà chỉ là tạo thời cơ xé tan binh triều, để phía nam Xương Ngập kéo quân trở về.

Mọi người “Ồ” lên vỡ lẽ. Những lời bàn luận của Tư Mạc quả là chí lý chí tình, sắc sảo mà thấu đáo tường tận. Một số viên tướng không thấy thỏa đáng liền đứng ra tranh luận. Điển hình là tay tướng to con đen sạm khi nãy, Trần Chiêu Ách.

- Đó cũng chỉ là lời phỏng đoán của ông, làm sao có thể chắc chắn như vậy được. Nghe lời ông, chúng ta không phòng bị để khi binh triều ập đến thì đem ông ra tế sống chúng, được không?

Lại một tràn cười trêu ghẹo mưu sĩ Tư Mạc. Tư Mạc điềm nhiên, miệng khẽ cười.

- Nếu tế sống tôi mà quân ta đẩy lui được binh triều thì tôi dốc hết lòng vậy, đỡ phải bỏ mạng những huynh đệ, binh lính Đường Lâm ta, phải không?

Sứ quân nghe thế khẽ gật gù nể phục, lại cảm khái cái tài luận bàn từ nãy giờ của Tư Mạc.

- Không ngờ ngày thường ông cục mịch, chẳng nói năng gì mà hóa ra lại là nhân tài ẩn phục. Ta vui lắm.

Ngô Nhật Khánh vừa nói vừa nhìn Tư Mạc một cách hãnh diện, đầy quý mến. Rồi quay sang nhìn chúng tướng lĩnh mà khẽ lắt đầu ra hiệu. Mọi người im lặng, đứng ngồi ngay ngắn lại rồi chăm chú nhìn về sứ quân. Đoạn sứ quân nói:

- Thế Cao tướng quân có gì muốn bàn luận không? Khi nãy ông còn bảo là phải đánh cơ mà.

Cao Đình Bảo trầm ngâm, tay vuốt nhẹ cằm, nét mặt thanh tú, thần thái toát ra là người có trí, điềm nhiên đến lạ.

- Tư Mạc huynh đệ đây bàn luận rất có lý nhưng cũng không vì vậy mà khinh suất. Vừa chắc chắn cho ta mà còn là dịp thị uy với các sứ quân khác. - Y quay sang nhìn Sứ quân. - Bẩm Sứ quân, tôi nghĩ đây là cơ hội để tổ chức lại nội quân. Nhân dịp tôi mới từ Hoa Lư trở về, những gì thu hoạch được tưởng chừng còn lâu mới đem ra sử dụng, không ngờ lại sớm đến như vậy. Xem ra cũng chẳng uổng công rồi!

Sứ quân Nhật Khánh bật cười khanh khách vì vui quá đỗi, miệng không ngớt lời khen và ca ngợi Cao Đình Bảo lẫn Tư Mạc. Đoạn y thôi cười, lấy lại dáng vẻ nghiêm túc mà nói:

- Những lời mưu sĩ Tư Mạc đây nói không phải là không có lý. Dẫu vậy ta cũng không chủ quan. Phòng khi có giặc dù không phải là binh triều thì vẫn đương cự được.

Mọi người nhất loạt đồng thanh “Sứ quân nói phải”, rồi tiếp tục nghe lệnh.

- Triều đình thật sự muốn đánh ta thì phải làm sao đây?

“Đánh! Đánh! Đánh!” lại là hàng tướng lĩnh hô vang. Sứ quân nhìn ngao ngán, bực quá mới quát lên:

- Ta biết rồi, kẻ nào muốn đánh thì đứng ra. Nói! Đánh làm sao?

Cả bọn liền câm như hến. Vừa nãy còn hùng hồn hô vang nhưng khi hỏi đánh làm sao thì lại nín thinh. Sứ quân thở dài mà than rằng:

- Binh triều đánh ta là chuyện sớm muộn, kẻ khác đánh ta cũng là chuyện nay mai. Bao năm qua quân ta không ngừng rèn luyện, không thôi một khắc mạnh lên. Nhưng yên bình lâu ngày sinh ra thói kiêu ngạo, chủ quan. Nay gặp chuyện mà chỉ biết xông vào đánh nhau thì quả thực Khánh ta đây là kẻ bất tài hay sao?

Không ai nói với ai lời nào, thẹn đến nỗi không kịp giấu mặt đi. Chỉ có Tư Mạc là ung dung ngồi thưởng trà, điệu bộ khoan thai, nhàn nhã lắm. Chợt trong hàng tướng bước ra một vị người cao bốn thước, dáng người mảnh khảnh, nhưng nét mặt tuấn tú, ánh mắt toát lên vẻ thần thái anh dũng vô song. Người này vái lạy sứ quân hết sức cung kính, rồi từ tốn thưa:

- Bẩm sứ quân, xin người hãy ra lệnh cho thuộc hạ ngay bây giờ được đem một nghìn quân ra trấn giữ hữu ngạn sông Hát, ngày đêm tuần tra. Nếu địch đến, thuộc hạ xin dốc sức đánh cho chúng không chết trôi trên sông thì cũng là chất thây ở trên bờ.

- Được, ta lệnh cho Nguyễn Bích Kỳ chỉ huy một nghìn lính, cấp hai mười thuyền nhẹ làm tiền quân trấn giữ và tuần tra ngày đêm dọc theo sông Hát. Địch đến thì liệu tình hình mà đánh, sẽ có viện binh ở phía sau yểm trợ. Địch không đến thì đợi lệnh mới rút về.

Bích Kỳ mừng rỡ cảm tạ sứ quân rồi đứng nép vào một bên, xem sứ quân tiếp tục phân phó.

- Đề phòng binh triều ngược sông Nhị Hà lên đây án ngữ giữa ta và Tam Đái, lệnh Tổng quản Đỗ Nhất Bình chấn chỉnh lại thủy quân, tuần tra canh phòng suốt một dải sông từ Đường Lâm đến Hát Môn giang. Cũng là kịp thời giúp sức cho Tiền quân của Bích Kỳ.

- Dạ rõ, thưa sứ quân. Tôi đi chuẩn bị ngay!

Nói rồi Đỗ Nhất Bình dẫn theo Bích Kỳ rời nghị đường. Sứ quân Ngô Nhật Khánh lại lệnh cho Tạ Chu Ý làm chỉ huy Trung quân, dẫn theo một nghìn rưỡi binh bộ đóng quân cách Tiền quân năm dặm về phía tây. Vừa yểm trợ tiền quân vừa phòng thủ làm tuyến giữa cho Đường Lâm, lại có thể dễ dàng kéo đến bờ sông Nhị Hà yểm trợ cho thủy quân.

- Bẩm sứ quân, thiết nghĩ người nên viết một bức thư gửi cho Sứ quân Nguyễn Khoan, ngỏ ý hợp sức chống trả nếu chẳng may địch đến thật không chỉ ở phía đông mà còn ở phía tây nữa đấy!

- Ý mưu sĩ là Kiều Công Hãn chăng?

Tư Mạc khẽ gật đầu. Sứ quân cùng mọi người mới vỡ lẽ mãi phòng bị phía đông mà bỏ quên ở phía tây đang vô cùng trống trải., liền vội sai người soạn thư, thúc ngựa lên Tam Đái. Xong việc ai nấy cũng hối hả rời nghị đường mà chuẩn bị. Tư Mạc được sứ quân giao trọng trách lên đường di dời dân ở những làng gần sông Hát tránh khỏi vùng giao tranh. Có vẻ Đường Lâm đã liệu sự xong cả rồi.

Lại nói ở Tam Đái, Sứ quân Nguyễn Khoan từ khi nhận được thư của Ngô Nhật Khánh đã vội triệu tập chúng tướng hội bàn. Trong thư sứ quân Ngô Nhật Khánh nói rằng:

“Gửi sứ quân Nguyễn Thái Bình. Khánh mỗ xưa nay yêu chuộng sự yên ổn, không thích ồn ào đánh đấm chém giết, tranh giành gì với ai. Nay hay tin Cổ Loa xuất quân tiến đánh Đường Lâm, trong lòng có chút lo sợ. Sợ sức mỗ không đương cự được, lại sợ sau khi đánh mỗ xong binh triều sẵn thế uy hiếp sứ quân vậy. Mỗ này đành hết sức chống cự, chỉ mong sứ quân lấy việc này làm hệ trọng mà định liệu. Nay Khánh mỗ xin gửi sứ quân một chút quà mọn, thể hiện tấm lòng với tình giao hảo hai bên. Cùng nhau giúp đỡ vượt qua cơn khốn nguy này.”

- Binh triều tiến đánh Đường Lâm, ta đã sớm biết. Đánh cả Tam Đái thì cũng là chuyện sớm muộn nếu Đường Lâm thất thủ. Nay hắn gửi thư với lễ vật như thế này tức là cầu cạnh ta rồi còn gì?

Sứ quân Nguyễn Khoan bật cười. Đoạn nói tiếp:

- Quân ta không ít ỏi gì, nhưng địa thế ba mặt đều là địch. Chẳng may cùng lúc bị vây đánh thì chống làm sao? Nay thêm một bạn bớt đi một kẻ thù, chẳng phải là điều hay đấy ư?

- Sứ quân nói chí phải. Mấy năm nay Ngô Nhật Khánh yên vị, không làm điều gì trái quấy với ai. Cũng xem như là y không có ý chống đối. Nay họ có ý cầu cạnh ta, nên giúp mới là kế lâu dài. - Một mưu sĩ góp lời.

- Ta nên giúp như thế nào đây?

Sứ quân hỏi, chúng tướng quay sang bàn bạc sôi nổi. Có người bảo rằng chia binh viện trợ, có kẻ thì bác bỏ đi. Không ai chịu nhường ai, ai cũng có lý lẽ đúng cả.

- Bẩm sứ quân, Đường Lâm viết thư có ý nhờ cậy ta, nhưng không nói rõ phải làm thế nào. Chắc hắn cũng đã có kế sách vẹn toàn. Hắn chỉ mong ta không lựa thời cơ mà động binh đánh chiếm Đường Lâm thôi. Nay ta xung quân xuống Đường Lâm, e là không được.

Sứ quân gật gù cho là phải.

- Thời điểm nhạy cảm như thế này, mọi việc vẫn là nên cẩn trọng trong lẫn ngoài. Tri Hựu có ý gì hay không?

- Bẩm sứ quân. Tình thế hiện nay không chỉ có mỗi binh triều là điều khiến ta lo ngại mà còn có Kiều Công Hãn ở Phong Châu. Nay binh triều tiến đánh Đường Lâm, rồi cũng sớm ngày qua đây, cũng là ngày Phong Châu mong đợi nhất. Vì vậy tôi cho rằng, nên phòng thủ dọc sông Nhị Hà từ ngã ba Bạch Hạc đến Đường Lâm. Vừa thủ cho ta cũng vừa thủ cho Đường Lâm nếu chẳng hay Phong Châu lén đưa quân theo sông xuôi xuống. Lại nói phía đông Tam Đái, binh triều đang rục rịch ở biên giới không rõ âm mưu gì. Cũng nên phòng thủ và lập một dải trạm tế tác dọc sông Cà Lồ, ngày đêm chuyển tin tức về đây. Ở phía Nam cho thủy quân kết hợp với quân Đường Lâm giữ sông là được.

Lời của mưu sĩ Tri Hựu nghe lọt tai lắm, Nguyễn Khoan cười đắc chí hết lời tán thưởng rồi sắp xếp ngay việc.

Như vậy cả Đường Lâm và Tam Đái đều sắp xếp phòng bị đâu ra đó. Chỉ chờ ngày binh triều Cổ Loa kéo đến đánh một trận cho đã đời.