Hành trình cô giáo mầm non đến blogger giáo dục

Vào 23/01/2022


HÀNH TRÌNH CÔ GIÁO MẦM NON ĐẾN BLOGGER GIÁO DỤC


1. Con đường đến với viết

2021 có lẽ là năm đỉnh điểm của dịch Covid. Mình - một người làm trong môi trường giáo dục mầm non cũng chính thức thất nghiệp. Chắc vì cơ duyên này đã đưa mình đến với con đường viết lách.

Tháng 8/2021 mình bắt đầu viết bài đầu tiên, cũng là lần đầu mình đăng tải bài viết dài lên Facebook cá nhân. Lần đó mình đã thử thách bản thân viết liên tục 21 ngày.

Tháng 9/2021 mình biết đến hai nhóm viết chuyên sâu hơn và tương tác cùng mọi người ở đấy. Chính nơi này mình đã quen được nhiều người bạn mới. Và cũng chính những người bạn này đã là nhịp cầu đưa mình đến những chân trời kiến thức rộng mở hơn.

Tháng 10, 11, 12/2021 mình lại tiếp tục tham gia vào thử thách viết 120 ngày liên tục ở một group khác.

Tháng 1/2022. khi kết thúc hành trình 120 ngày viết, mình lại quay về tiếp tục nghiên cứu và viết lách với chủ đề thuộc ngách giáo dục như hướng đi mà những ngày đầu mình đã chọn. Cuối tháng 12, đầu tháng 1 cũng là thời điểm chiếc blog của mình ra đời.

2. Những nỗi trăn trở khi mới viết và mình vượt qua nó như thế nào?

Sợ phán xét

Đối với những người viết, việc đăng bài ở trang Facebook cá nhân sẽ có một nỗi sợ đầu tiên đó là sợ phán xét, sợ ánh nhìn của người khác. Mình cũng vậy, trước đó mình không hề thích đưa quan điểm cá nhân lên mạng xã hội và mình cũng thuộc tuýp người lười tranh luận trên các diễn đàn.

Chính vì vậy, khi đăng tải các bài viết công khai lên mạng xã hội cũng được xem là một thử thách đối với mình. Khi đối diện với bất kỳ nỗi sợ nào, đó chính là cơ hội để bạn trưởng thành. Rất nhiều người đã từ bỏ những đam mê của bản thân vì cơm áo gạo tiền để rồi không tìm thấy niềm vui trong công việc. Rất nhiều người đã giấu đi những cảm xúc thật của mình và chỉ phơi bày tính cách theo sự kỳ vọng của xã hội.

Bạn mình hay đùa vui rằng người dùng Facebook luôn có 2 tài khoản. Một account phụ để sống thật và 1 account chính để sống ảo. Mình cho rằng điều này đã phản ánh rõ hiện thực tâm lý con người.

Chính việc luôn nhìn vào ánh mắt của người khác để sống, luôn nghĩ xem họ suy nghĩ gì về mình đã khiến cho chúng ta bị chùng bước, cản trở những đam mê, những cá tính riêng.

Mỗi khi mình có cảm giác bị chi phối cảm xúc bởi những người xung quanh thì mình lại nghĩ đến từ khóa “kiểm soát”. Chúng ta có kiểm soát được suy nghĩ của người khác không? Nếu không kiểm soát được thì mình bận tâm làm gì? Việc của chúng ta là kiểm soát những điều trong khả năng của mình, chẳng hạn như suy nghĩ, hành động của bản thân.

Đối với những người mới viết thì nội lực chưa đủ mạnh để chống lại công kích từ xã hội. Nếu không chuẩn bị sẵn tâm thế thì bạn sẽ rất dễ bỏ cuộc. Mình được nghe rất nhiều chia sẻ từ mọi người đi trước bảo rằng dù làm việc nhiều năm trong lĩnh vực viết content trao giá trị nhưng họ cũng bỏ nghề vì quá tải thông tin, drama quá nhiều, không chịu nổi dư luận xã hội,... Họ vốn yêu thích sự thanh tịnh, an nhiên nhưng khi viết content lại khiến họ trở nên sân si và biến thành một con người khác.

Mình cũng trải qua giai đoạn này, ban đầu mình cũng bị quá tải thông tin. Nhưng sau dần mình cân bằng được với nhịp điệu, biết cái gì nên đọc, cái gì nên bỏ qua. Và mình cũng nhận ra rằng mình cần quan tâm, để ý đến người khác (đối tượng mình đang hướng đến) xem họ đang gặp rối trong việc gì để có thể hỗ trợ tốt nhất cho độc giả của mình.

Sợ viết không đủ tốt, không đủ chuyên môn

Khi bắt đầu viết mình cũng ngại bản thân không đủ kiến thức sâu sắc để viết những bài mang giá trị cho mọi người. Mình rất ngại với những phụ huynh cũ của mình, những cô giáo hay những người chủ trường mà mình quen. Vì facebook của mình có rất nhiều thầy cô giỏi chuyên môn. Nên việc chia sẻ những kiến thức đó một phần mình cũng có chút tự ti với các thầy cô ấy.

Rồi có đoạn thời gian mình nghỉ, không viết nữa thì cô giáo ở một trường khác inbox cho mình hỏi rằng vì sao không thấy mình lên bài nữa. Lúc này mình vừa vui vừa lo lắng. Vui vì bài viết của mình cũng có bạn quan tâm và mong ngóng. Mình lo lắng vì sợ những bài tiếp theo không biết nên viết thế nào để đáp lại sự kỳ vọng của mọi người.

Chính vì tự ti như thế mà mình đã dừng chia sẻ 4 tháng để tập trung luyện viết ở một group chuyên sâu hơn. Để bây giờ mình lại tiếp tục chia sẻ với chủ đề giáo dục như  những ngày đầu.

Mình nghe ở đâu đó nói rằng những kiến thức được bạn viết lại sẽ giúp bạn nhớ lâu hơn. Chính vì vậy mình sẽ ghi lại những kiến thức mình đã được học và nghiên cứu để phần nào củng cố chuyên môn, đồng thời cũng giúp mọi người có thêm những thông tin hữu ích.

Hành trình của mình đơn giản là ghi chép lại những trải nghiệm cá nhân và học hỏi thêm những điều mới về ngách giáo dục trẻ nhỏ.

Sợ mọi người không nhận được giá trị mới

Việc viết quá nhiều về Montessori mình có cảm giác mọi người sẽ nhàm chán. Chính vì vậy việc nghiên cứu thêm về chủ đề tâm linh, Phật giáo để lồng ghép vào những bài viết sẽ khiến độc giả nhận được giá trị mới mặc dù cũng trong một bài viết với kiến thức cũ. Trong quá trình tìm hiểu về trẻ em và các khía cạnh khác thì mình thấy mọi thứ đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Khi bạn hiểu sâu sắc một vấn đề thì tự bạn sẽ hiểu rõ những vấn đề có tính tương quan.

Mình đã vượt qua cảm giác sợ rằng bài viết không trao thêm giá trị mới gì cho mọi người bằng cách luôn trao dồi và cập nhập kiến thức mỗi ngày.

Quá kỳ vọng vào bản thân và kết quả

Bao giờ mình cũng muốn chỉn chu nhất có thể cho bài viết của mình trước khi đăng tải lên. Điều này vô tình tạo nên áp lực cho bản thân. Thêm cái tính cầu toàn khiến mình luôn muốn một điều gì đó hoàn hảo nhất.

Mà ở đời làm gì có thứ gì hoàn hảo đâu, đợi chờ một điều hoàn hảo chỉ khiến cho chúng ta thêm lo lắng, muộn phiền.

Mình đã học cách giảm kỳ vọng của bản thân bằng cách an nhiên chấp nhận thực tại và viết những gì đang có, làm những gì với chính khả năng của mình ở thời điểm đó. Đi từng bước thật chắc và luôn mang trái tim bên mình trên suốt hành trình.


Nỗi bâng khuâng về việc nên dùng account Facebook nào để hoạt động

Có những đoạn thời gian mình cứ bâng khuâng mãi một việc đó là nên sử dụng account nào để đăng bài. Nếu dùng acc chính thì sợ ánh nhìn phán xét của người quen, còn khi sử dụng acc phụ thì sẽ tự tin viết hơn.

Mình đã từng so sánh với người này người kia về việc người ta sử dụng account nào để hoạt động. Có người sử dụng account phụ vẫn đạt được mục đích như người dùng account chính. Lúc đó mình cứ nhảy qua nhảy lại hai lựa chọn đó mà không thoát ra được.

Mình đã ngộ ra một điều khi nghe sách nói “Hiểu về trái tim” của thầy Minh Niệm. Có đoạn đại khái thế này: “Con chó của nhà sư sống trong chùa cùng với Sư, ngày ngày ăn chay, nghe kinh Phật. Đến một ngày nó ngửi thấy một mùi rất thơm bên kia bờ sông. Ý thức nó muốn lao ngay đến nơi đó nhưng tiềm thức đã giữ nó lại. Rồi cuối cùng nó cũng bị mùi thơm đó kích thích  mà quyết đi qua bên kia bờ sông. Khi đến giữa sông, Sư nhìn thấy và cố gọi con chó trở về. Con chó mủi lòng nhìn về hướng nhà Sư rồi lại ngoáy đầu về bên kia bờ chần chừ lựa chọn. Cứ thế nó loay hoay mãi như vậy. Cuối cùng con chó đã chết đuối vì kiệt sức.”

Khi nghe đoạn này, mình nhận ra rằng chọn cái nào cũng được, quan trọng là sống hết mình với sự lựa chọn đó mà không so sánh với những lựa chọn hấp dẫn khác ngoài kia.

Việc sử dụng account nào cũng vậy. Bạn dùng account phụ cũng được, nhưng hãy sống là chính mình ở nơi đó và khi quay về acc chính bạn cũng hãy là chính mình.

Việc mình lập blog cũng thế. Ban đầu mình đã phân vân nên chọn cái tên gì cho nó thật hay. Rồi cuối cùng  mình lại chọn cái tên lenhuhuynh.com sau khi thấy nhuhuynh chấm com đã có người mua. Chọn tên nào cũng được, theme nào cũng được, miễn nội dung bạn viết chất lượng và mang lại giá trị cho người đọc. Mình đã tập tính quyết định dứt khoát bằng cách ấy.

3. Mình nhận lại được gì trên hành trình này?

Hành trình này cô đơn lắm. Dù có cộng đồng nhưng những người viết luôn cảm thấy cô đơn. Vì mỗi người luôn có lộ trình, có mục tiêu riêng và việc đi từng bước đến đích nó cô đơn cực kỳ. Có những đoạn mình tưởng chừng không có ai đủ hiểu mình để trải lòng. Cứ thế, người viết vẫn miệt mài lặng lẽ bước đi.

Việc dùng mạng xã hội đòi hỏi mình phải có kỹ năng làm chủ cảm xúc. Quan điểm đưa ra sẽ có khen có chê, vì thế việc cân bằng, điều chỉnh cảm xúc mới khiến mình đi dài hơi được. Nhận lời khen không kiêu ngạo, nhận lời phán xét không gục ngã. Nếu có ai hỏi làm thế nào để trưởng thành hơn, mình sẽ khuyên bạn ấy thử viết đi, chỉ một thời gian ngắn thôi bạn sẽ trở thành một người khác hoàn toàn so với lúc bắt đầu.

Viết đã giúp mình chữa lành tinh thần rất nhiều. Từ tháng 6/2021 mình bắt đầu viết nhật ký, đến tháng 8 mới chính thức viết lách.

Hành trình những tháng vừa qua đã giúp mình trưởng thành hơn từ suy nghĩ, lời nói, hành động và thái độ sống tích cực. Bởi những gì chúng ta viết nó phản ánh nội tâm, tâm hồn của chúng ta. Bạn sống lỗi thì câu chữ nó sẽ lỗi theo và sẽ được truyền tải năng lượng đó đến với người đọc. Chính vì vậy, một người viết phải phát triển bản thân liên tục, làm cho tâm hồn thật thuần khiết.

Khi đọc lại các bài viết cũ mình đã bật cười vì sự ngô nghê của những ngày trước. Đây là trải nghiệm mà bất kỳ người viết nào cũng gặp phải. Có khi sáng nay viết, đến tối lại thấy không phù hợp nữa. 

Khi bắt đầu viết cũng là lúc mình đọc sách nhiều hơn. Chính nhờ đọc sách đã giúp mình giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. Những việc như thế, một vài tiền bối cũng có thể giúp mình đưa ra lời khuyên. Nhưng khi tự giác ngộ, mình mới cảm thấy được giải quyết từ gốc rễ của vấn đề. Bởi chỉ có chính chúng ta mới biết và hiểu mình đang như thế nào để tìm cách giải quyết phù hợp nhất.

Điều này các chuyên gia tư vấn tâm lý cũng có đề cập đến. Đó là họ chỉ là người gián tiếp giải quyết vấn đề tinh thần của khách hàng thôi. Còn khách hàng mới chính là người phải tự chữa lành tinh thần của họ.

Việc đọc giúp cho chúng ta thu thập kiến thức và rèn luyện tư duy. Input càng nhiều thì output mới vững. Mình viết về giáo dục trẻ em nhưng mình lại đọc những dòng sách và nghe podcast với nhiều chủ đề khác nhau như kênh của thầy Minh Niệm, Radio Phố, Tri Kỷ Cảm Xúc, Cấy Nền, Hiếu TV hay các dòng sách tâm linh Phật giáo của thiền Sư Thích Nhất Hạnh, Oso, Nguyên Phong,... Kênh giáo dục duy nhất mình quan tâm đó là kênh của thầy Trần Việt Quân - người sáng lập chuỗi Trường Xanh Tuệ Đức.

4. Vì sao mình chọn viết về chủ đề giáo dục và dự định tương lai của mình là gì?

Ra trường làm một công việc trái ngành và mình cũng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm trong môi trường giáo dục. Ngày xưa ba mẹ cứ bảo đi học mầm non đi, mình nhất quyết không học. Rồi nghề chọn người là có thật.

Khi mới làm việc tại môi trường này mình thật sự không thích chút nào. So với việc quản lý 20 người lớn mình cảm thấy dễ dàng hơn với việc quản 20 em bé trong lớp học. Rất may thời điểm đó mình làm bộ phận văn phòng.

Sau này khi được tham gia các khóa học chuyên sâu về Montessori mình dần cảm thấy thích thú và muốn tìm hiểu về trẻ em. Mình đã mua dần các đầu sách để nghiên cứu và mình thật sự đam mê lĩnh vực này từ lúc nào không hay.

Mình có nhiều vấn đề về trẻ em để viết, để chia sẻ với người khác. Và mình nghĩ khi mình cho con đi học mình cũng sẽ rất cần đến những thông tin ấy.

Mình không biết có thể đi được bao xa, nhưng hiện tại mình đang cực kỳ đam mê với việc chia sẻ những gì mình biết qua kinh nghiệm làm việc cũng như quá trình học hỏi, nghiên cứu của mình.

Khi chưa làm mẹ mình chia sẻ dưới danh nghĩa là giáo viên mầm non còn khi làm mẹ rồi thì mình lại tiếp tục kể về quá trình nuôi dạy các em bé.

Mình đọc ở đâu đó nói rằng “Một công việc thỉnh thoảng bạn thấy hứng thú sẽ khác với công việc thỉnh thoảng bạn cảm thấy chán”. Bạn có thể đo lường liệu công việc bạn đang làm có phải là công việc lý tưởng hay không bằng cách kiểm tra xem bạn thuộc vế nào.

Đối với mình, viết bài chia sẻ ở ngách giáo dục trẻ em thỉnh thoảng mình lại thấy chán. Có nghĩa là trừ những lúc hiếm hoi thấy chán đó ra thì mình ngập tràn hạnh phúc khi được viết, được chia sẻ. Và mình cũng đang học hỏi cách viết tốt hơn mỗi ngày để mang đến nội dung hữu ích nhất cho đối tượng độc giả của mình.

Bài viết được đăng lần đầu tại Ổ Sách. Bạn có thể tìm đọc thêm các bài viết của mình tại:

Blog: Lenhuhuynh.com

Fanpage: Như Huỳnh

Cảm ơn bạn đã đọc đến đây, chúc bạn hôm nay an nhiên hơn hôm qua.

Như Huỳnh,

Truyện Đam Mỹ Là Gì Mà Khiến Giới Trẻ “Sốt Sắng” Đến Vậy?

vào 10/06/2022

Giới thiệu sách

Truyện đam mỹ là gì mà khiến dân mê truyện phải sốt sắng, khiến các “hủ” phải thổ huyết vì độ hot của nó. Hai từ “đam mỹ” giờ đây đã không còn trở nên xa lạ đối với giới trẻ, không còn nhiều định kiến, cấm đoán và kỳ thị như trước nữa. Truyện tranh tiểu thuyết, phim ảnh đam mỹ cũng vì thế mà có một chỗ đứng nhất...

Tìm về tuổi thơ qua “Nằm nghe gió thổi sau hè”

vào 27/12/2023

Giới thiệu sách

Tìm về tuổi thơ qua “Nằm nghe gió thổi sau hè”


Ai rồi cũng phải trải qua những năm tháng tuổi thơ. Trong cuộc sống hiện đại dẫu có muôn phần sáng sủa hơn, nhưng những ký ức về một thời hồn nhiên, nhiều thiếu thốn vẫn mãi là những kỷ niệm đẹp in đậm trong tim. Với tôi, trên dòng đời, có những lúc mệt mỏi chùn chân,...