Tìm về tuổi thơ qua “Nằm nghe gió thổi sau hè”

Vào 27/12/2023


Tìm về tuổi thơ qua “Nằm nghe gió thổi sau hè”


Ai rồi cũng phải trải qua những năm tháng tuổi thơ. Trong cuộc sống hiện đại dẫu có muôn phần sáng sủa hơn, nhưng những ký ức về một thời hồn nhiên, nhiều thiếu thốn vẫn mãi là những kỷ niệm đẹp in đậm trong tim. Với tôi, trên dòng đời, có những lúc mệt mỏi chùn chân, tôi luôn muốn tìm về bầu trời tuổi thơ ấy để làm dịu mát tâm hồn mình. Gần đây tôi như được “đắm chìm” trong thế giới trẻ thơ khi đọc “Nằm nghe gió thổi sau hè” – một tác phẩm của cây viết trẻ Hải Dương.

Tác giả Hải Dương thuộc thế hệ 9x, từng được đào tạo chính quy trong lĩnh vực báo chí – truyền thông. Hiện tại, Hải Dương đang phát triển sự nghiệp viết về các lĩnh vực như ẩm thực, báo chí...và đào tạo viết lách. Cuốn sách “Nằm nghe gió thổi sau hè” thuộc thể loại tản văn, là sản phẩm đầu tay của Hải Dương. 

Trong thời đại ngày nay, một phần nào đó chúng ta sẽ khó tiếp thu những thể loại sách về kinh tế, chính trị, xã hội... với nội dung, phong cách diễn đạt thiên về logic, có tính khô khan, mang tính thời sự, thực tế của cuộc sống. Nhưng với tác phẩm của Hải Dương, độc giả sẽ như bị “cuốn” theo một “luồng gió mát” giữa bầu trời niên thiếu “ăn chưa no, lo chưa tới” chứa đựng nhiều cảm xúc chạm tới trái tim người đọc.

Với phong cách viết nhẹ nhàng, mộc mạc, “Nằm nghe gió thổi sau hè” là sự “gói ghém” của nhiều kỷ niệm thông qua những câu chuyện giản dị đời thường nhưng vô cùng đáng yêu, đáng trân trọng của tác giả cùng với gia đình, bạn bè ở một vùng quê miền trung Việt Nam. Chính vì vậy mà tác giả từng chia sẻ rằng “Kỷ niệm rồi sẽ bị quên lãng, nhưng những gì có trong sách sẽ còn mãi với thời gian”.

Bằng lối kể chuyện hấp dẫn, tác giả đã lần lượt đưa người đọc “phiêu lưu” trên cỗ máy thời gian ngược về quá khứ. Ở đó có những nhân vật gần gũi như bà nội, ba, mẹ, chị Hai, Mận, Út, bác Năm và những người bạn hàng xóm như cái Ngoan, thằng Lư...Mỗi người với một màu sắc tính cách khác nhau. 

Trong “Nằm nghe gió thổi sau hè”, độc giả sẽ ồ lên thích thú vì như tìm thấy bóng dáng mình qua các nhân vật. Đó có thể là nhân vật chị Hai là người chị hiền lành, chịu khó, thương ba má, thương em, “ra dáng” người lớn khi thay mặt ba má để quán xuyến việc nhà. “Chị tôi rửa rau, làm thoăn thoắt mọi thứ như chẳng có khó khăn gì. Rồi chị đặt rổ rau trên kệ bếp đợi má vào nấu. Dăm ba củ khoai còn lại, chị phân làm hai, một nửa gọt vỏ để cho vào nấu với cơm, số còn lại để vỏ cho vào bếp củi đang đỏ lửa. Tôi đứng trông theo chị, háo hức nghĩ về món canh khoai tối nay”. Đó cũng có thể là nhân vật bé Út với tính cách hồn nhiên, ngây thơ trong vòng tay thương yêu, bảo bọc của cả gia đình, đặc biệt là bà nội. 

Và có lẽ độc giả sẽ thấy mình giống nhân vật Mận nhất, cô con gái thứ 2, với nhiều cá tính như hay hờn dỗi, nhạy cảm, có đôi lúc ganh tỵ với em Út nhưng lại là người giàu tình cảm nhất, hoài niệm nhất. “Những năm tháng lang thang nơi phố thị, tôi nhớ về miền dấu yêu, nơi có chị tôi, bé Út, có ba má và có cả cánh sửa sổ nhuốm màu sương gió… Để những khi xô bồ thường nhật cuốn mình đi, khi quay về nhà, nằm lặng yên bên cửa sổ, tôi thấy mình thật nhỏ bé”. “Mười năm xa quê, giữa thị thành xa lạ, giữa ánh đèn lung linh chớp nhoáng, giữa tiếng xe cộ bủa vây tứ bề, tôi thèm một lần về lại mái nhà xưa, nơi có bức tường rêu phong đã cũ, nơi có chiếc võng đu đưa, chỉ để… nằm nghe gió thổi sau hè”.

Với cách sử dụng từ gần gũi, nghệ thuật mô tả sống động, ngôn từ phong phú, tác giả giúp độc giả hình dung ra được bối cảnh vùng quê nhiều “bão tố”, nhiều khốn khó lúc bấy giờ nhưng vẫn tràn đầy tình yêu thương. Đó là những bữa cơm có cải tàu bay “cải tàu bay khó ăn lắm, mùi hăng hắc mà vị lại đắng, chỉ khi muối lên thì mới dễ nuốt. vậy mà hồi đó mấy chị em ăn lấy ăn để, vì ngoài cải còn thứ gì ngon hơn để ăn đâu”. “Ba lượn xe vòng quanh con phố để chị em tôi được ngắm nhìn thỏa thích. Chiếc xe nhỏ thôi nhưng lại chứa đủ cả năm người. Cả nhà ngồi sát vào nhau, người ngồi sau vòng tay ôm lấy người phía trước, siết chặt lấy yêu thương”. 

Ngoài ra, độc giả cũng sẽ như được “sống” lại thời trẻ thơ khi thả hồn vào những cảnh “cánh đồng chăn trâu”, có hoa cỏ may, có hoa sim, đám trẻ cùng đuổi bắt nhau, hoặc chơi trò tập trận giả…mà trong cuộc sống của người trưởng thành, chúng ta khó có thể tìm lại những tình bạn hồn nhiên hay trở về những phút giây vô lo, vô tư như thế. 

Nếu những lúc mệt nhoài với công việc, và cần lắm những không gian ‘tĩnh lặng” để cân bằng lại cuộc sống, bạn hãy dành lúc nào đó gác lại mọi thứ và thưởng thức “Nằm nghe gió thổi sau hè”. Tôi tin rằng quyển sách này sẽ mang đến cho độc giả những cảm nhận tuyệt vời vì ngoài những mạch cảm xúc về kỷ niệm của tuổi thơ, đó còn là những chiêm nghiệm sâu sắc về tình cảm gia đình thiêng liêng không thể bỏ qua. 


----

Bạn cũng có thể tìm hiểu về Hải Dương qua duongstory, nơi cô nàng chia sẻ tất tần tật những câu chuyện và bài học về nghề viết tự do. Và tìm đọc "Nằm nghe gió thổi sau hè" để đắm chìm vào thế giới tuổi thơ đầy cảm xúc nhé.



Nguyễn Thị Thanh Nhàn 






Truyện Xuyên Nhanh Là Gì? Xuyên Nhanh Có Phải Xuyên Không?

vào 10/06/2022

Giới thiệu sách

Truyện xuyên nhanh là gì? Liệu xuyên nhanh có giống xuyên không? Thực ra xuyên nhanh là một thể loại nhỏ của xuyên không, nhân vật chính vẫn là “xuyên” tới một thế giới khác, làm mưa làm gió hoặc ngược lại. Truyện xuyên nhanh cũng bao gồm nhiều thể loại khác nhau, đa dạng và hút người xem ở mọi chủ đề, mọi nội dung....

4 nguyên tắc viết truyện trùng sinh học từ phim "Cô đi mà lấy chồng tôi"

vào 14/02/2024

Kinh nghiệm viết

4 nguyên tắc viết truyện trùng sinh học từ phim "Cô đi mà lấy chồng tôi"



Phim Cô Đi Mà Lấy Chồng Tôi - Marry My Husband là một bộ phim đang gây sốt đầu năm 2024 với chủ đề trùng sinh. Phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của tác giả Shin Yoo Dam. Không chỉ thu hút khán giả Hàn Quốc mà "Cô Đi Mà Lấy...