bởi Umio

9
3
1936 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

02. Cậu ấm con nhà hội đồng


Cả làng gọi cha tôi là ông giáo Minh, còn mợ cả của tôi nghiễm nhiên là bà giáo.

Ấy vậy mà má tôi - mang tiếng là vợ lẽ của ông giáo - lại bị người ta làm ngơ đi cái danh phận nhỏ nhoi, từ đứa con nít tới mấy bà bác trong ngõ xóm đều gọi trỏng là "cô Tư", "thím Tư", "chị Tư" mà thôi.

Trước đây gia cảnh nhà họ Huỳnh cũng khấm khá dư dả lắm, nghe đâu cụ cố tổ tôi làm tới chức quan gì đó trên tận triều đình. Về sau phần vì chạy chữa cho bà nội tôi ốm liệt giường, phần vì ông nội tôi chán nản đâm cờ bạc may rủi, cũng phần vì lo cho cha tôi ra Sài Gòn học tới cái bằng Thành Chung, nên gia sản tiêu tán hết cả, đến giờ chỉ còn lại cái danh hão huyền từ thời cụ cố.

Hồi bà nội tôi còn khỏe mạnh, nhà cũng còn có chút đồng ra đồng vô, nội mới đánh tiếng hỏi cưới cô Kim Lan nhà ông phú Đinh làm vợ cho cha tôi.

Nhà phú hộ Đinh giàu lắm, giàu gấp mấy lần nhà họ Huỳnh này, trâu bò lợn gà đầy sân, ruộng đồng bạt ngàn thẳng cánh cò bay, nhưng trong họ ba đời chỉ toàn làm nông, không có lấy nửa con chữ giắt lưng. Vì thế ông phú Đinh quý chữ nghĩa lắm, quý cả cái danh làm quan to của cụ cố tổ tôi nên mới ưng thuận gả cô Kim Lan vào nhà họ Huỳnh.

Cô tiểu thư nhà phú hộ Kim Lan đó, chính là mợ cả tôi bây giờ.

Sau này khi bà nội tôi qua đời, ông nội tiêu tán hết tiền bạc vào món cờ bạc đỏ đen rồi cũng nằm xuống ngay cuối năm đó, cha tôi phải thôi học trên Sài Gòn để về quê làm anh giáo gõ đầu trẻ.

Gia cảnh bần túng là thế nhưng mợ cả vẫn quen thói đỏng đảnh nhà giàu, suốt ngày chỉ lo ăn diện không màng tới việc đồng áng chân lấm tay bùn. Ấy vậy mà cha tôi thương mợ cả lắm, mợ thích thức quà gì cũng gắng làm lụng để chiều lòng mợ... Ngặt nỗi cưới nhau đã được dăm năm mà eo mợ vẫn thắt đáy lưng ong, chả thấy nhô lên chút nào.

Chán nản, cha mới ướm hỏi ý mợ cưới má tôi về làm lẽ. Má tôi thuở thiếu thời là con gái thứ tư trong một nhà đông con, má không xinh xắn trắng trẻo như những cô tiểu thư yêu kiều. Vốn phải làm lụng vất vả từ nhỏ nên dáng người má thấp đậm, làn da bánh mật ngăm ngăm nâu. Người ta bảo dáng má là dáng đàn bà mắn đẻ. Cha cưới má làm lẽ, cũng là vì cái dáng ấy mà thôi.

Nhưng bất hạnh thay má tôi hai năm sanh hai đứa lại toàn là con một bề. Chị em tôi hơn kém nhau có một tuổi tròn, chị Hai Huệ năm nay lên mười sáu, còn tôi vừa vặn cái tuổi trăng rằm mười lăm.

Từ khi chúng tôi chào đời, cha đã chẳng mảy may quan tâm. Sau chị Huệ thì cha còn nuôi trong lòng chút ít hy vọng nhưng khi vừa biết đứa trẻ thứ hai sinh ra cũng là con gái, cha tuyệt nhiên không còn nom ròm gì đến má tôi nữa. Hỡi ôi, cha lấy má cũng đâu phải vì tình ái? Một khi mục đích cha muốn ở má không đạt được thì má tôi nay đâu có khác chi là đứa tôi tớ, đứa ở trong nhà!

Sau, mợ cả tôi nghe theo mấy bà bạn trên tỉnh đi khắp các chùa chiền lễ lạt, tìm những thầy thuốc nổi tiếng "mát tay" về chẩn bệnh. Mợ lặn lội tìm sang cả Bạc Liêu, Cần Thơ, Bến Tre để cúng chùa, tìm thầy.

Khi tôi lên mười một tuổi thì mợ hoài thai cậu Cường.

Khỏi phải nói, cha tôi và mợ cả quý cậu còn hơn quý vàng. Một tiếng "cậu", hai tiếng "cậu", cậu nhăn mặt một tí là đã bế nựng dỗ dành, chẳng bù cho hai chị em chúng tôi...

Má tôi dạy, mợ cả là chính thất trong nhà, mợ có chửi cũng phải cắn răng mà nghe; cậu Cường là con trai lớn, là người nối dõi tông đường, cậu đòi cái gì cũng phải cố mà làm hài lòng cậu.

Còn miệng lưỡi người đời làm sao mà mình quản nổi. Tai liền với miệng đó người nào nói thì người ấy nghe, mình cứ giả điếc, người ta nói chán thì tự khắc sẽ thôi...

*

- Sao Hai đi chợ về muộn thế?

Vừa nhìn thấy dáng chị Huệ xách giỏ đi tới từ xa đi tới, tôi đã vội chạy ù đến bên chị ra chiều trách móc. Chị thong thả đặt cái giỏ đi chợ xuống đất, vừa phe phẩy nón vừa nói:

- Út chưa biết gì hả? À, hai quên mất, em ở nhà từ sáng chắc chưa biết chuyện chi.

Lối nói chuyện của chỉ làm tôi sốt ruột hết mức, tôi tò mò giục chị:

- Chuyện chi chi mà hai cứ úp mở mãi thế?

- Ngoài chợ người ta đồn ầm lên là cậu ấm con ông bà hội đồng sáng nay về nhà nghỉ hè đó Út.

Tôi bĩu bĩu môi ra vẻ khinh thường:

- Thế thôi mà cũng xôn xao!

- Nghe nói cậu đẹp lắm mầy! - Chị Huệ nạt yêu tôi một cái rồi ngẩn người ra, ánh mắt mơ màng như đang nghĩ tận đẩu tận đâu. "Lại còn giỏi giang nữa chớ, cái làng này mấy ai làm tới thầy thông(1), thầy ký(2) như cậu." Chị Huệ đột nhiên lẩm bẩm một mình.

- Nè! - Tôi huơ huơ tay trước mặt chị, gắt lên.

- Hổng nói chuyện với Út nữa, hổng coi thì thôi, vô nấu cơm, hai ra kia coi mặt cậu.

Nói rồi chị quày quả cắp nón đi luôn, dáng vẻ xem chừng hấp tấp lắm. Tôi xách cái giỏ ở dưới đất lên, đuổi theo chỉ nói vống:

- Ai biểu em không coi? Nè, Hai đi chậm lại chút đi!

Ông bà hội đồng có cơ ngơi cao rộng, tôi tớ ở chật nhà. Bà hội đồng sanh được mỗi một cậu con trai, quý như quý vàng. Từ nhỏ cậu đã được đưa lên Sài Gòn sống với ông chú họ, nghe đâu cậu mới được nhận vô làm thầy thông ở trển, hè này về chơi với ba má mấy tháng cho đỡ nhớ.

Mấy cô con gái đứng chật ở cổng làng, hí hửng kháo nhau là cậu Khải coi bộ đẹp trai lắm, lại còn có tài cao học rộng, hiểu biết đầy mình.

Tôi lại bĩu môi, thì thầm với chị Huệ:

- Đẹp mà làm chi, mấy anh thư sinh ẻo lả có khi cầm cái cuốc cũng không vững.

- Nè, người ta là thầy thông đó cô, người ta thèm vào mà cầm cái cuốc của cô đó. - Chị Huệ lườm tôi một cái rồi dẩu môi nói - Cái ngữ cô chỉ thích được anh Ba Thắng xóm trên thôi!

Tôi vừa nghe chị trêu chọc vậy thì sửng cồ lên cãi:

- Cái nhà anh Ba Thắng có xách dép chạy theo em, em cũng không chịu!

Chị Huệ đang định nói gì đó thì tiếng còi ô tô rộn rã vang lên đã át mất lời của chỉ. Một chiếc xe ô tô màu đen bóng loáng từ từ tiến vào cổng làng, xe lăn bánh chầm chậm rồi dừng hẳn. Cửa xe bất ngờ mở tung, một đôi chân thon dài mặc quần âu trắng tinh từ trên xe thò ra đặt xuống đất.

Tiếp theo đó là mái đầu cắt ngắn được chải gọn ghẽ chui ra, cậu Khải đặt tay lên mui xe dùng đà bật người khỏi ghế sau của ô tô. Dáng người cậu không quá vạm vỡ như các anh trai làng mà dong dỏng cao, nước da trắng như da con gái, gương mặt điển trai hơi xanh xao nom giống người mới ốm dậy. Hàng mày rậm, đôi mắt sáng như sao, sống mũi cao thẳng, đôi môi nhợt nhạt khẽ mím lại. Bộ âu phục màu trắng cắt may vừa vặn ôm sát lấy thân người cậu.

Cậu Khải nheo nheo mắt nhìn đám người đông đúc đứng chờ mình ở cổng làng, coi bộ cậu không ngờ được rằng bản thân được chào đón nồng nhiệt đến thế. Sau đó cậu nở một nụ cười nhẹ nhõm, vươn tay ôm lấy bà hội đồng đang sụt sịt hỷ mũi vào khăn tay.

Toàn bộ quá trình cậu cùng ba má lên xe ô tô trở về nhà như thế nào, đám con gái xung quanh nháo nhào ra sao, tôi đều không để vào mắt. Đầu óc của tôi đã lơ mơ từ lúc cậu nở nụ cười đầu tiên.

Nắng chói chang rọi đến từ sau gáy cậu, đôi môi hơi mím lại bỗng mở rộng hé lộ hàm răng trắng bóc, gương mặt xanh xao của cậu giãn ra, tỏa trên đó là một vẻ nhẹ nhõm mừng rỡ.

Nụ cười của cậu hòa vào nắng, càng thêm phần ấm áp.

*

Suốt cả ngày hôm đó, chị Huệ tôi cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, thi thoảng lại lén che miệng cười khúc khích. Tôi hỏi chỉ, hai cười gì mà cười hoài, người cứ như mất hồn mất vía ấy. Chỉ không trả lời, cũng không nói cho tôi biết tôi nào có khác chỉ là bao. Thì ra cả hai chị em tôi đều giữ trong lòng nụ cười đẹp như nắng của cậu Khải.

Đêm hôm đó trước khi chìm vào giấc ngủ, tôi cứ tạc khắc mãi trong lòng dáng vẻ và gương mặt của cậu. Đột nhiên, chị Huệ chọc chọc vào eo tôi, thì thầm nói với giọng mơ màng:

- Nè, Út có để ý hông, sáng nay cậu Khải có liếc nhìn chị một cái đó.

- Thiệt hông? - Tôi bán tin bán nghi quay sang nhìn chỉ.

Chị Huệ vừa tươi cười vừa nói chắc như đinh đóng cột:

- Thiệt chứ sao! Cậu nhìn chị một lúc lâu lắc à, tận mấy giây lận.

Tôi hơi buồn cười nhưng không nỡ chọc chị hai, tôi đâu có thấy cái "mấy giây" với "một lúc lâu lắc" trong lời chị nói có gì giống nhau. Tôi thầm nghĩ, hai chị em tôi cùng thích cậu Khải cũng chẳng phải vấn đề gì lớn lao, dẫu sao chúng tôi chỉ là những cô gái quê mùa, quanh năm chân lấm tay bùn, nào có ước ao được cậu ngó ngàng tới. Thích trong lòng chị em tôi chỉ đơn giản là đứng từ phía xa ngưỡng mộ nhìn cậu mà thôi...

Nhưng một nơi sâu thẳm nào đó trong trái tim non nớt của tôi, lại âm thầm mong ước ngày sau tôi được khoác áo dài cô dâu, sánh ngang bên cậu bước qua cánh cổng nhà có đề hai chữ Vu Quy...

________________________________

(1) thầy thông: cách gọi người thông dịch theo lối xưa

(2) thầy ký: cách gọi thư ký theo lối xưa


Truyện cùng tác giả