bởi July D Ami

167
28
2238 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

# 1 - Bước chân lặng lẽ


Ánh tà dương phủ xuống bầu trời như lòng đỏ trứng gà được đánh loang ra khỏi vỏ. Áng mây nhuốm đỏ cuồn cuộn trôi như chìm trong lớp dầu sôi nóng rực. Tiết trời oi bức, nóng hầm hập.

Thế rồi phía đằng tây kia có một đám mây đen ập tới, gió lớn nổi lên cuốn bụi tung bay mù mịt.

Cơn gió hong khô những giọt mồ hôi thấm đẫm trên chiếc áo màu lam cũ kĩ có dính vài vệt đen của muội than trên người cô gái nhỏ.

Dương Nguyệt rảo bước chân nhanh hơn, có lẽ trời sắp mưa rồi, cô bé phải mau về nhà trước khi cơn mưa trút xuống.

Chiếc dép nhựa bị đứt quai được hàn lại bằng cách hơ con dao vào lửa, để lại dấu vết nhựa cháy lùi sùi.

Bước trên con đường sỏi đất gồ ghề đi về phía xóm bờ mương.

"Lộp bộp! Lộp bộp!"

Mưa bắt đầu rơi. Rảo chân nhanh thế mà vẫn không kịp trốn khỏi cơn mưa.

Dương Nguyệt che chiếc cặp sách lên đầu, chạy nhanh hơn. Phải đi một đoạn nữa, đến chỗ ngã rẽ mới có một gốc cây đa to để trú.

"Rào rào!"

Mưa xuống ngày một nhanh hơn, những chỗ lõm trên đường đã bắt đầu đọng lại thành vũng. Đường đất dơ hầy khó đi, chạy đến đâu nước bẩn bắn lên chân đến đó.

Một chiếc xe chạy vội ngang qua vũng nước, hắt một mảng lớn lên người Dương Nguyệt. Áo ướt, tóc ướt. Thôi kệ nó, lỡ rồi chả cần trú mưa nữa, cứ thế mà chạy về nhà.

Qua gốc cây đa to, ngang qua một con mương ngập rác, rẽ vào một con đường đất nhỏ hơn, vượt qua vài căn nhà cũ kĩ, đến cuối ngõ mới là nhà của Dương Nguyệt.

Vừa về đến nhà thì trời tạnh mưa. Ông trời cũng khéo trêu đùa, chỉ tội cho cô gái nhỏ.

Dương Nguyệt đứng trước cửa, đặt cặp sách xuống, múc một gáo nước trong chum nước ngoài sân, xả bớt bùn dính trên dép, rồi xoắn vài góc áo quần vắt cho bớt nước mới định bước vào nhà.

Đột nhiên Dương Nguyệt khựng lại, chưa vào nhà ngay, mà quay ra phía sân, ngước mắt nhìn lên bầu trời.

Nắng tắt rồi, mây cũng dần tan, bầu trời một màu lam pha tím. Giơ hai ngón tay trỏ và hai ngón tay cái bắt thành hình khung ảnh hướng lên cao, gom một mảnh trời nằm gọn trong lòng bàn tay giống như một bức tranh nho nhỏ.

Chả hiểu sao lúc nào Dương Nguyệt cũng thích ngước lên nhìn ngắm bầu trời như thế, bất kể lúc nắng hay mưa, cho dù nó xấu hay nó đẹp. Chỉ vì ngước lên bầu trời sẽ thấy lòng thư thái, dù buồn hay vui thì cảm xúc chỉ còn lại là những mảnh vụn nhỏ bé, sớm hoà tan giữa khoảng trời.

"Về rồi đấy à? Sao còn đứng đó làm gì?" Tiếng mẹ trong nhà vọng ra, có vẻ không kiên nhẫn.

"Dạ vâng, con vừa về."

"Sao muộn thế? Nay cuối tháng có lấy được tiền chưa?"

"Dạ rồi ạ! Nhưng mà..." Dương Nguyệt mở cặp sách, lấy ra mấy đồng tiền nhàu nhĩ đã được cô bé cố gắng vuốt phẳng đưa cho mẹ.

"Sao ít thế? Chỉ có từng này?" Mẹ nhíu mày có vẻ không hài lòng.

"Bác ấy nói người lớn mới được chừng đó, trẻ con bác chỉ trả cho một nửa, hơn nữa con lại chỉ đi làm có nửa ngày..."

"Lão già chết tiệt, dám lật lọng. Lúc nhận người ta thì hứa hẹn đủ điều!" Mẹ cất mấy tờ tiền vào trong túi giắt phía trong chun quần, cất giọng bực bội.

"Thế mày có làm việc chăm chỉ không mà để lão trừ tiền lên trừ tiền xuống thế hả?"

"Con có." Dương Nguyệt vội vã khẳng định, sợ mẹ không tin.

Tất nhiên là về độ chăm chỉ của con bé này thì mẹ nó tin, nó cũng không biết nói dối đâu. Cô Đào biết thế nhưng vẫn phải làm mặt nghiêm với con bé.

Dương Nguyệt thấy mẹ không nói gì nữa mới vặn vặn mấy ngón tay vào nhau, rón rén hỏi:

"Mẹ... có thể cho con... xin tiền đóng học được không? ...Mai là hạn cuối rồi."

Cơn khó chịu của mẹ chớm tan đã quay trở lại:

"Nghỉ học đi! Mẹ bảo con rồi, nhà mình không còn tiền cho con đi học. Con học hết lớp Bảy, đủ biết chữ biết tính toán rồi, ở nhà kiếm việc làm phụ việc cho mẹ và dượng nuôi em đi!"

Trong lòng Dương Nguyệt run run, nhưng vẫn cố thuyết phục mẹ:

"Mẹ, mẹ cho con đi học đi. Con sẽ vừa học vừa kiếm việc làm thêm. Con sẽ cố gắng học giỏi, sau này có cơ hội kiếm việc làm tốt con mới phụng dưỡng mẹ tốt được!"

Không phải vì con bé này học khá thì cô Đào đã cho nó nghỉ học từ lâu rồi. Dù sao thì...

"Mẹ cũng muốn cho con đi học, nhưng con thấy đấy, tiền mẹ có chừng này..." Cô Đào đổi giọng, chìa vài đồng bạc Dương Nguyệt vừa đưa. "...mẹ đâu thể đưa con được!"

Dương Nguyệt cúi gằm, chỉ cần mẹ không bắt nghỉ học là tốt rồi.

"Dạ vâng, con sẽ hỏi cô giáo có thể khất xin đóng trễ được không."

Tình thế gian nan, Dương Nguyệt cũng chẳng còn nghĩ ra cách nào khác.

"Thôi con vào thay quần áo rồi nấu cơm đi, người ướt rượt như thế kia rồi!"

Dương Nguyệt vâng dạ rồi bước vào trong buồng.

*  *  *

Cơm nước dọn dẹp xong xuôi, Dương Nguyệt lại trở về góc nhỏ của mình, lôi sách vở ra xem.

Căn nhà thuộc xóm bờ mương này, đa phần toàn do lấn chiếm đất mà thành. Nghe nói khu này nằm trong diện giải toả làm đường, nhưng mà khi nào mới làm đường thì chả ai rõ.

Nhà không được cấp phép xây mới, bán cũng chẳng ai mua, hầu hết chỉ còn những người không có tiền ở lại.

Gian nhà chính xây tường gạch phía trước mới chính thức thuộc giấy tờ sở hữu của mẹ và dượng. Phần sân trước là lấn chiếm, mà phần buồng phụ phía sau dành cho Dương Nguyệt ở cũng là do chiếm lấn mà thành.

Khu này không những vị trí không tốt, mà an ninh cũng chẳng cao, đội tuần tra trật tự cũng chả đi tới, ngõ ngách ngoằn ngoèo thông nối nhau, trộm cắp nghiện ngập cũng đầy rẫy.

Bình thường buổi tối nếu không có việc gì quan trọng, thật sự Dương Nguyệt chả dám đi đâu, chỉ lúi húi trong buồng sau được ngăn vách và lợp mái bằng tôn này để học bài.

Ban ngày thì trong buồng này rất nóng, ánh mặt trời như hun lớp tôn thêm mấy tầng nhiệt. Buổi tối mới mát mẻ một chút, ô cửa sổ cánh mở chống lên trên, vừa thu cả gió vừa thu cả sao trời vào tầm mắt.

Mẹ và dượng sợ tốn điện, không cho Dương Nguyệt thức khuya chong đèn học bài, nên cô bé luôn cố gắng hoàn thành bài tập ở trên lớp. Còn hôm nào không xong, về nhà phải thắp nến để hoàn thành. Cũng có những lúc bất khả kháng, bài vở chả xong, hôm sau lên lớp đành bị phạt. Chỉ cần... vẫn được tiếp tục học, vẫn đủ điểm lên lớp, cho dù kết quả không cao cũng chẳng sao.

Hôm nay Dương Nguyệt không phải học bài, vì kì học mới chưa chính thức bắt đầu. Cô bé thắp ngọn nến nhỏ, lôi mấy quyển sách giáo khoa lớp Tám ra xem. Nếu vẫn được học tiếp, Dương Nguyệt sẽ được dùng đến chúng.

Những cuốn sách cũ kĩ rách bìa sờn gáy đến thảm hại mà Dương Nguyệt mua được rẻ theo kí tại cửa hàng sách cũ. Có thể đối với người khác chúng là phế liệu, nhưng đối với Dương Nguyệt lại là kho báu. Cô bé nâng niu trong tay, cố gắng phủi sạch bụi, dùng giấy báo bọc dán lại cẩn thận, cắt mẩu giấy hình chữ nhật, vẽ thêm những cánh hoa để làm nhãn vở. Xong xuôi, cô bé phải nhét vào một cái hòm sắt cũ, khoá cẩn thận rồi nhét sâu dưới gầm giường đơn ọp ẹp. Nếu không cất kĩ đi thì kiểu gì cũng bị thằng em nó phá. Dương Nguyệt hỏng không biết bao nhiêu đồ vì nó rồi.

Dương Nguyệt cũng chẳng thể kể tội nó cho mẹ và dượng, vì họ lúc nào cũng bênh em. Nếu em thích thì Dương Nguyệt sẽ phải nhường cho nó vô điều kiện.

Có đôi khi Dương Nguyệt nghĩ tại sao cuộc sống lại bất công, cùng là chị em với nhau tại sao lại thế? Nhưng sau đó Dương Nguyệt lại tự trả lời: "Vì nó có bố." Nếu Dương Nguyệt cũng có bố thì liệu bố có bênh Dương Nguyệt hơn em không?

Nhưng tại sao ngay cả mẹ là mẹ của Dương Nguyệt mà cũng không bênh Dương Nguyệt? Phải chăng vì Dương Nguyệt là con gái? Giống như mỗi lần dượng uống rượu say lại nhè mẹ ra mà chửi "đồ đàn bà vô dụng", "đàn bà sinh ra đã sai", "đàn bà là cái lũ đái không qua ngọn cỏ"...

*  *  *

Sáng hôm sau khi tiếng gà còn chưa gáy thì Dương Nguyệt đã dậy rồi. Cô bé phải quét tước sân vườn và nấu bữa sáng cho cả nhà. Sau đó mẹ sẽ dậy ăn và chuẩn bị đi làm sớm. Trước khi đi mẹ sẽ vặn tai thằng em lôi dậy. Còn dượng ý à, mẹ chỉ làm phiền dượng ngủ nướng một chút thôi thì người bị vặn tai sẽ đổi sang là mẹ.

Niềm vui mỗi sáng của Dương Nguyệt là quãng thời gian khi cả nhà còn chưa thức, ngay cả ông mặt trời vẫn còn ngái ngủ chưa lên. Nhưng phía đằng đông trời đã kịp nhá chút hồng, phơn phớt loang nhẹ trên nền xanh thẫm.

Phía trước cổng nhà, băng qua phía bên kia con đường nhỏ trước đây là bãi rác. Mà rác từ đâu ra? Từ mấy gia đình sống ở đây vất ra chứ còn ai vào đây nữa.

Dương Nguyệt không hiểu tại sao người ta lại vất rác ngay phía trước nhà, dù là cách một con đường nhỏ nhưng vẫn khiến ruồi muỗi sản sinh ra và chả an toàn cho sức khoẻ chút nào. Trong sách giáo khoa bảo thế, đến đứa trẻ học hết lớp Bảy như Dương Nguyệt còn biết, chả nhẽ người lớn lại không biết sao?

Có khi trong số họ cũng có người biết ấy, nhưng căn bản họ lười, và rồi ỷ lại thành quen. Sống trong cái bẩn họ cũng quen bẩn rồi.

Dương Nguyệt nói chuyện này cho bà Liễu sống một mình đầu ngõ, chỉ nghĩ rằng than thở kiểu trẻ con, không ngờ bà Liễu lại có tiếng nói trong khu, kêu gọi mấy chú bác khoẻ mạnh cùng nhau làm sạch cảnh quan môi trường, rác phải đổ đúng nơi quy định, dù nơi quy định có hơi xa thì cũng không được phép kêu ca vì ngay cả bà già này còn làm được.

Bà già làm được thì trẻ con cũng làm được. Thế nên mỗi ngày khi đi học, Dương Nguyệt lại "tiện đường" xách rác đi đổ. Và khoảnh đất nho nhỏ trước nhà thì cô bé kiếm hạt giống về trồng rau.

Người ta lãng mạn, trồng thì thích trồng hoa. Còn Dương Nguyệt thực tế, trồng hoa chả ăn được, chỉ có trồng rau là hợp lý nhất. Và luống rau này cũng chỉ mình Dương Nguyệt siêng chăm siêng tưới, còn ai hái thì tự do. Dù sao cũng ở bên ngoài, chẳng thể nào cản được họ.

Dương Nguyệt thấy không sao nhưng mẹ thì có vẻ không vui vì điều đó cho lắm, có dăm ba bận bị hái trộm mà mẹ bù lu bù loa chửi hết cả khu, nhưng ai cũng giả ngu coi như mụ ấy chửi ai chứ chừa mình ra nhỉ.

Sớm nay ra xem luống rau nhỏ, thấy cây cà chua đã ra hoa. Khẽ nâng niu trong tay, Dương Nguyệt không khỏi cảm thấy trong lòng vui vẻ.

Hôm nay ra hoa rồi mấy ngày sau sẽ kết quả. Đâu phải mỗi hồng, lan, cúc... mới có hoa. Những bông hoa cà nhỏ bé xinh xinh cũng duyên chứ bộ. Vừa có trái để ăn, vừa có hoa để ngắm.

Cuộc sống chỉ cần những điều bình dị nho nhỏ đó thôi cũng có thể xua tan biết bao u ám thường ngày. Bởi chỉ có biết tìm kiếm niềm vui mới có thêm động lực để sống.

Dương Nguyệt tin rằng, chỉ cần có niềm tin thì mỗi sớm mãi sẽ đều có nắng. Chắc chắn những bông hoa này sẽ đem lại một ngày may mắn cho cô bé đây.