bởi dolanminh

0
1
1378 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

3


Chap 3.

Nhìn dáng vẻ “yểu điệu thục nữ” của cậu bạn cùng bàn, Thụy thấy xốn mắt vô cùng. Thụy bĩu môi, kéo dài giọng như thể châm biếm Phương:

- Mày nghĩ cô Linh không nhận ra đâu là nét chữ của tao, đâu là nét chữ của người khác à?


Phương đỏ bừng mặt. Cậu cảm thấy mình thật trẻ con khi đưa ra lời đề nghị như thế. Còn chưa biết phải nói tiếp như nào thì may quá, Chi đã từ ngoài chạy vào lớp, nói to:

- Ê Thụy, cô Linh bảo giảm hình phạt cho mày đấy. Cô bảo mày chép ba trăm lần thôi, nhưng vẫn phải đủ cả ví dụ lẫn bài tập trên lớp.


Thụy buông thõng một câu:

- Thế à?


Chi hí hửng:

- Ừ. Tao phải xin mãi cô mới giảm hình phạt cho mày đấy. Cô bảo nay mày nghe bài nên cô lấy đó làm công chuộc tội.


Mặt Thụy đanh lại:

- Ý mày là bây giờ tao sẽ phải cảm ơn mày à Chi?


Có lẽ ánh mắt Thụy ánh lên tia ghét bỏ rõ quá, nên vẻ vui mừng trên mặt Chi tan biến tức thì. Rõ ràng Chi đang giúp Thụy, vậy mà giờ Chi lại như kẻ mang tội vậy. Cô ấy lắp bắp nói:

- Kh… không…


Quang - “con gấu đen” to nhất lớp xông xáo tới chỗ Thụy, túm bắp tay Thụy kéo dậy:

- Vì mày mà lớp này suốt ngày đứng bét trường, mày còn dám thái độ à?


Cả lớp dồn hết tập trung về phía Quang và Thụy. Có vài bạn nữ sợ hai người đánh nhau, cũng có vài bạn nam hò reo “cổ vũ” màn “giao lưu võ thuật” này.


Quang gằn lên tức tối:

- Chi có lòng tốt giúp mày, mày không cảm ơn còn tỏ vẻ trịnh thượng, đếch cần thế à?


Thụy không né cái túm tay của Quang, điềm nhiên trả lời:

- Tao không nhờ nó giúp. Nó nói như thể việc giúp tao là thành tích của nó vậy.

- Mày còn thích già miệng à?


Nói rồi, Quang đấm vào mặt Thụy một cú, khiến mặt Thụy quay lệch về một bên, cả người Thụy lảo đảo rồi ngã phịch xuống đất. Chi vội kéo lấy tay Quang:

- Thôi mà Quang, chuyện có gì đâu mà đánh nhau. Mày về chỗ đi không chút nữa đội trực tuần thấy la lối om sòm lại trừ điểm thi đua của lớp.


Có Chi can ngăn, Quang bớt nóng hẳn. Cậu ta “hừ” một tiếng rồi về chỗ. Trước khi trở lại chỗ ngồi, Quang tiện chân đá Thụy một cái. 


Thụy chậm chạm ngồi dậy, phủi bụi trên tấm áo đồng phục. Phương rút từ hộc bàn ra một túi khăn giấy ướt, đưa cho Thụy:

- Lau mặt đi.


Nhận khăn giấy từ Phương, Thụy khẽ khàng lau bên má bị đấm. Cú đấm của Quang quá mạnh, khiến má Thụy sưng rõ, đỏ tấy, mao mạch chi chít hiện lên. 


Bây giờ đã là giờ giải lao sau tiết ba, Mặt Trời càng lên cao, ánh nắng càng gay gắt, tới độ nền trời như chuyển thành màu vàng chói. Bầu không khí vốn đã oi bức lại càng oi bức hơn. Cảm tưởng như thể nếu giờ bước ra khỏi lớp học, ai cũng bị thiêu rụi thành than. Sự căng thẳng giữa Quang và Thụy càng làm mọi thứ trở nên ngột ngạt hơn.


Lớp có lắp hai chiếc quạt trần và năm cái quạt con gắn tường, tất cả đều là hàng mới cóng. Vậy mà trán ai cũng chảy mồ hôi, nhiều bạn còn cay xè hai mắt. 


Người ta vẫn nói mùa tựu trường là mùa thu, nhưng rõ ràng, đây đâu phải là khí hậu của mùa thu. Với nhiệt độ ngày càng nóng lên của quả địa cầu này, mùa hạ và mùa thu đã bị trộn lẫn thành một. Tên gọi mới hợp tình hợp lý nhất là mùa chết chóc, nóng nực tới mức giết chết cả sự bình tĩnh của người người, khiến ai cũng trở nên uể oải, dễ cáu bẳn và dễ bị kích động. 


Phương nhớ ai đó đã nói thời tiết gây ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý con người. 


Còn đang mải suy nghĩ miên man, Phương giật mình khi thấy có đàn anh lớp trên đi theo nhóm bốn người, bước vào lớp cậu hùng hổ. Một anh trông đáng sợ nhất quát:

- Thằng nào là thằng Phương?


Phương đứng lên, lễ phép thưa:

- Em là Phương ạ.


Nhóm bốn nam sinh kéo lại bàn của Phương, vây xung quanh bàn. Đàn anh vừa quát nhìn cậu, cười khinh khỉnh, hỏi:

- Mày đi con xe điện biển 6547 phải không?

- Vâng ạ. Sao thế ạ?

- Xe của mày đẹp phết nhờ?

- Dạ?


Phương ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Xe của cậu đẹp thì có vấn đề gì để đàn anh phải kiếm cậu? 


Đàn anh đưa hai tay vuốt cổ áo sơ mi của cậu:

- Mày có biết xe mày để sai chỗ không?


Trường cậu có hai nhà xe, một nhà xe ở cổng phụ và một nhà xe ở cổng chính. Thông thường, học sinh thường ưu tiên để xe ở nhà xe cổng chính cho tiện đi lại. Sáng nay đi học trễ nên Phương không tìm được chỗ đỗ xe ở nhà xe đó, cậu đành mang xe cất ở nhà xe cổng phụ. 


Phương thành thật trả lời:

- Em thấy đó cũng là nhà xe nên em dắt xe mình vào…


Đàn anh cười khẩy:

- Nhà xe đấy là của khối mười một bọn tao, không phải chỗ cho bọn lớp mười như mày. 


Nhanh như cắt, đàn anh vung tay định đấm Phương. Nào ngờ, Thụy đã kịp túm cổ tay đàn anh lại. Quang thấy bạn cùng lớp bị bắt nạt thì lại gần, gầm gừ với đàn anh:

- Đừng có bắt nạt học sinh lớp tao.


Đàn anh rút tay khỏi tay Thụy, tức tối nhìn Quang:

- Chúng mày muốn láo không?


Thụy thở hắt:

- Lớp mười một nhỉ? Coi chừng nhà trường kỷ luật thì năm sau học bạ không đẹp để ra trường đâu.


Đàn anh chỉ tay vào mặt cả Phương, Thụy và Vũ, hằm hè:

- Chúng mày coi chừng. 


Nhóm bốn nam sinh quay lưng rời đi. Một trong số đó vô tình nói khi vừa ra khỏi cửa:

- Thằng Phương là cái thằng đĩ tính mà mày ghét từ đầu năm đấy à? Xem ra lần tới kiếm chuyện đánh nó thì phải kiếm cái lý nào to hơn mới được.

Một người khác lại nói:

- Ghét đứa nào thì đánh đứa đấy, cần quái gì lý do. Trường này không có chỗ chứa những thằng nửa nạc nửa mỡ như thế!


Mấy bạn nữ trong lớp dõi mắt theo dáng đàn anh đi ngoài hành lang rồi ái ngại nhìn Phương. Chi khẽ nói:

- Hay Phương hạn chế mặc đồ đặc biệt lại để hòa nhập với mọi người đi. Chứ vừa vào năm học đã bị ghét thế này thì những năm học tới còn gặp phiền phức nào nữa?

- Ừ… Tớ sẽ rút kinh nghiệm.


Dẫu nói là vậy, nhưng lòng Phương không hề vui. Cậu ăn mặc gọn gàng, đúng với quy tắc nhà trường đưa ra, hà cớ gì họ lại ghét cậu và nói cậu là “đĩ tính”, “nửa nạc nửa mỡ”? Chẳng lẽ mặc theo xu hướng thời trang là chạm phải luật cấm học đường hay sao?


Phương ngồi ngẩn ngơ, vẻ mặt ấm ức như sắp khóc. Thụy nói vu vơ:

- Kệ chúng nó đi. 


Tiếng của Thụy rất to, không rõ là nói với Chi hay với Phương. Nhưng chẳng hiểu sao, trong giây phút Thụy nói câu nói đó, Phương lại cảm thấy trong lòng có chút ấm áp lạ thường. Cậu trai tuổi mười lăm bỗng thấy thẹn thùng trước cảm xúc kỳ lạ này.


Truyện cùng tác giả