bởi Đăng Nhân

1
1
2474 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

1. Ảo ảnh của Lòng biển (1)


"Nếu các anh chị nhìn sang bên phải, các anh chị sẽ thấy một tòa tháp lớn phía sau hai khe núi kia kìa, khe núi của dãy Tâm Sơn ấy. Đó là ngọn hải đăng lớn của Lĩnh Quan đấy, chà, có lẽ là công trình lớn nhất ở đây cũng nên. Không có thang máy lên đến mái vòm trên cùng đâu, nhưng leo bộ chắc cũng chỉ mất mươi phút thôi."


Lời của tài xế văng vẳng khi chiếc xe khách đảo bánh chậm rì qua con đường vắng. Nó đã rời bánh khỏi quốc lộ từ rất lâu rồi, và bây giờ thì đang di chuyển trên một con đường nhánh hẹp, xẻ giữa hai bên sườn núi cao ngút. Điều kì lạ hơn cả phải là việc cứ đôi lúc xe lại phải di chuyển chậm lại để tránh ổ gà, điều mà không bao giờ xảy ra ở bất cứ nơi đâu cách Thủ đô bán kính hai trăm cây số. Đó là cách mà Nguyễn Nam Trung biết rằng anh đã rời xa khỏi cuộc sống mà anh coi là văn minh và đang bước vào một thế giới mà anh chưa từng biết đến.


Khi mẹ của Trung nói rằng sớm hay muộn gì anh cũng sẽ phải tới Lĩnh Quan, anh đã cười thầm. Một chàng trai được sinh ra nơi thành phố phồn hoa, lớn lên giữa những tòa nhà chọc trời ngờm ngợp, thì làm gì có lý do gì để tới một hòn đảo cực Nam hẻo lánh, cô quạnh, bị bao bọc bởi núi đá và cồn cát cơ chứ? Hơn nữa, anh chẳng có mối liên hệ nào với Lĩnh Quan cả; Đó không phải quê anh, không phải quê bố mẹ anh, càng không phải nơi mà bất cứ bạn bè hay người yêu cũ nào của anh sống. Thế nên, việc một đứa con thành phố như anh rời xa những tiện nghi hiện đại để 'đi lùi lại một trăm năm lịch sử', hay theo cách mà người bố thiếu đức tin của anh thường móc mỉa, là chuyện khó có thể tưởng tượng nổi.


Ấy vậy mà bây giờ anh đang ôm hành lý trước ngực, tựa đầu nhìn qua cửa kính trên chuyến xe tới hòn đảo 'lạc hậu' đó đây. Anh cũng đâu có muốn. Công việc của anh – một chuyên viên quy hoạch nhà đất tại Thủ đô, trở nên thừa thãi, và dù chủ cũ của anh, ông Quách Sỹ là người tốt bụng đến thế nào, quỹ lương của ông cũng không cho phép họ giữ anh lại. Tuy nhiên, họ không dám sa thải anh. Thứ văn hoá công sở khốn nạn không cho phép đạo đức của họ làm vậy, mà thay vào đó họ 'vẽ' ra những công việc mới cho anh: đóng dấu văn bản, sửa lỗi chính tả, hay túng thiếu ý tưởng quá thì họ biến anh thành tay bê nước. Trung vốn rất giỏi những việc lặt vặt như vậy; Anh đã từng có thể pha một cốc cà phê ngon trong đúng một phút và tìm thấy năm lỗi sai mà không ai khác tìm được cả.


Nhưng sau khi pha cà phê độ gần một năm thì anh chán ghét việc đó rồi. Em gái ông Sỹ luôn khen cà phê Trung pha rất ngon, nhưng dần dà anh không còn thấy được tưởng thưởng bởi những lời động viên đó nữa. Thật vô nghĩa khi mà trong lúc anh tối đa hóa hiệu quả đun nước, kẻ khác cùng tuổi anh đang phụ trách một dự án mới, vượt mức KPI và được đề bạt thăng chức. Năm ngoái, cậu em họ Trung vừa mời anh ăn tiệc mừng lễ thăng chức trưởng phòng. Trung không biết tới bao giờ mình mới có thể mời lại.


Trước sự an toàn và cơ hội tiến thân, anh đã chọn vế thứ hai: Nghỉ việc. Không việc làm, không tiền bạc, với vật giá đắt đỏ ở Thủ đô thì khoản tiền tích góp của anh sớm rồi sẽ cạn kiệt thôi. Thế nên, khi mà ông Sỹ giới thiệu cho anh về kế hoạch cải tạo vùng quê Lĩnh Quan để tiến tới xây dựng những tòa nhà tích hợp, siêu thị lớn và các khu mua sắm, anh tóm lấy nó bằng cả hai tay. Mức lương không hề tệ, tiền nhà của anh còn được trả bởi công ty, vậy thì chịu sống vài năm ở xứ 'khỉ ho cò gáy' thì cũng đáng chứ?


Còn hơn là thất nghiệp. Thất nghiệp thì cả tiền bạc lẫn danh dự đều chẳng còn.


Trung cho rằng đó là sự vận động của cuộc sống thôi. Anh tới đảo Lĩnh để mưu sinh, để kiếm tiền, chứ chẳng có mục đích gì khác. Nhưng mẹ anh thì không nghĩ vậy. "Cái gì cũng có cơ duyên của nó", bà đã từng nói với anh. Mẹ của Trung, bà Huấn, từng là một người rất sùng tín. Bà từng thân thiết với một bà đồng Chú giáo mang tên Kỹ An Quan. Chẳng biết họ đã quen nhau bao lâu, nhưng tưởng như bà biết hết về đủ thứ thần linh trên đời vậy. Từ nhỏ, bà đã kể cho Trung về ngút ngàn là những tục gọi hồn, những vị thần trong lốt động vật, những sự tích cổ đại ... Trung chẳng còn nhớ mấy. Anh vốn cũng chẳng ghét bỏ gì những thứ được coi là về tâm linh cả, thậm chí còn tôn trọng những bài thuốc cổ truyền mà các ông đồng Ái Nộ đã sử dụng để chữa bệnh cơ. Thế nhưng những tục gọi hồn, những lễ hội cúng bái ... anh không tin.


Vì một lý do gì đó, bà Huấn vô cùng hứng thú với Lĩnh Quan, một hòn đảo bé nhỏ nằm tít ở cực Nam đất nước, bé tới mức còn không có tên trong bản đồ dành cho du khách. Bà dành cả đời mình sưu tầm sách báo, những mẩu tin vắn, những áp phích và những đồ lưu niệm về nơi này. Quân thực sự không thể hiểu lí do vì sao. Bà chưa bao giờ đặt chân tới Lĩnh Quan, không hề có người thân thích ở đây, và công việc của bà cũng chẳng liên quan gì đến những nghề bắt cá và dệt tơ tằm ở hòn đảo đó cả. Nhưng cho tới khi bà qua đời năm Trung hai mươi mốt tuổi, số lượng đồ đạc liên quan tới chốn cận cực này đã đủ chất kín một tủ sách lớn rồi.


"Không tin cũng phải tin", người ta hãy nói thế về những sự tình cờ trùng hợp tới khó lý giải.


Trước khi mất, mẹ Trung đã gọi anh về. Anh đang học trên thành phố cách đó cả trăm cây số, thế nên một trong số những điều khiến anh thấy thanh thản là anh đã kịp về bên mẹ mình lần cuối. Bà nắm chặt lấy tay anh, đôi mắt rưng rưng, đau đáu như thể vẫn còn nhiều điều dang dở. Thế rồi, bà đặt vào tay anh một chiếc la bàn nhỏ. Giọng bà yếu ớt như hết hơi, nhưng anh vẫn nghe được từng chữ.


"Nay số mẹ đã tận, nhưng vẫn còn một điều nuối tiếc mãi mà chưa thể thực hiện được, là đặt chân đến Lĩnh Quan. Chiếc la bàn này là cổ vật nhà ta, mong con giữ thật kĩ. Rồi có ngày trên đất Lĩnh Quan, con sẽ cần đến nó. Đó là cơ duyên của gia tộc nhà ta."


Anh chưa từng nghĩ tới nơi đó lần nào trong đời, nhưng anh đã mẩn mê chiếc la bàn mà bà đưa cho anh lắm. Nếu đóng nó lại, trông nó chẳng khác gì với những chiếc la bàn khác, nhưng phải tới khi mở ra thì người ta mới nhìn thấy được sự tinh xảo. Mặt trong của nó được khảm ngọc bích; Trong bóng tối, nó phả ánh sáng xanh biếc mờ mờ. Kim chỉ phương Bắc của nó được đính những họa tiết uốn lượn, tựa như bông hoa e ấp chớm nở. Đẹp không? Đẹp chứ, tới cả người khô khan như Trung còn phải công nhận. Nhưng đó không phải lý do anh cất giữ nó kỹ càng.


Nó là kỷ vật của mẹ anh. Bởi thế, nó là vô giá.


Chỉ khi phải tới Lĩnh Quan, Trung mới cảm thấy đống sách vở được chất trong nhà của bà thật hữu dụng làm sao. Anh lục trong đó vài quyển khái quát về văn hóa, lịch sử cũng như mấy mẩu tin cắt ra từ tạp chí du lịch từ vài năm trước rồi nhét đại vào ba lô. Anh vốn chỉ muốn làm việc này cho nhanh, thế nhưng có một thứ đập vào mắt anh.


Ở góc cao nhất của tủ sách là một quyển sách bìa gỗ, lớn và sần sùi. Anh nhấc nó ra khỏi tủ; Nó nặng trịch trên tay anh. Anh mở ra thì chỉ thấy những dòng kí tự tượng hình cổ, được viết theo chiều dọc, anh không tài nào đọc nổi. Nó thật vô dụng, Trung nghĩ, nhưng có khi nó lại là một thứ gì quý giá. Có lẽ cậu Tuấn làm ở bên giám định có thể cho anh biết đôi điều.


Anh nhét nó vào va li.


***


"Từ đây ra đảo là phải đi thuyền," tay tài xế hắng giọng, sau khi lùa hết gần chục người trên chuyến xe khách bốn mươi chỗ của mình, rồi quay xe rời ngay như thể ông không muốn ở đây lâu hơn nữa. Tiếp Trung xuống thuyền là hai người địa phương, giọng của họ đặc sệt đến độ có những câu anh phải hỏi lại ba bốn lần. May là họ không hay nói lắm.


Dù thuyền chỉ có hai người hoạt động, một già một trẻ, nhưng người già hơn thích gọi mình là 'thuyền trưởng'. Ông nhanh nhảu thao tác như một thủ lĩnh, sai đứa trẻ làm đủ thứ việc vặt – tháo mỏ neo, lau bàn, bưng trà cho khách. Trung tự hỏi không biết ông thằng nhỏ đó đã làm việc đó bao nhiêu năm. Có lẽ cậu bé đó nên được thăng chức.


"Từ đây tới đảo, đi bốn nhăm phút," thuyền trưởng nói. Người đàn ông già với làn da ngăm đen, cái đầu hói và bộ râu bạc khởi động thuyền bằng tay; Động cơ thuyền kêu lên còng cọc. Trung chưa từng ngồi lên một thứ nào cũ kỹ như vậy bao giờ. Khoang thuyền rỉ sét khò khè và kêu lên lách tách khi nó ra trườn ra khỏi bến cảng, kéo theo đuôi nó một đám khói đen dày đặc. Anh đã nghĩ rằng không biết có lỗ thủng nào dưới thân thuyền chỉ chờ để bục ra hay không. Chiếc thuyền này vốn không hề nhỏ, đủ cho cả ba chục người đắp chăn nằm sát cạnh nhau, thế nên nếu nó mà chìm thì sẽ là vấn đề lớn đấy.


Cảnh vật xung quanh nhanh chóng làm anh chán chường. Nước trong, gió thì mát và thoang thoảng hương muối biển, nhưng xung quanh cũng chỉ toàn núi và cát. Đi du lịch vài ngày ở đây thì cũng vui đấy. Nhưng anh sẽ chẳng bao giờ hiểu lí do vì sao có những người thích ở những nơi như thế này cả đời.


Tranh thủ, anh giở quyển sách về văn hóa đảo Lĩnh ra đọc. Đập vào mắt anh là dòng chữ 'Lĩnh Quan ảo ảnh'. Đó là cụm từ người từ bên ngoài gọi để chỉ chung những điều thần bí xảy ra ở hòn đảo này, theo tương truyền dân gian của người địa phương. Những câu chuyện đó phong phú tới mức tưởng như ngẫu nhiên, từ câu chuyện về đàn châu chấu ăn sạch rừng gỗ cho tới linh hồn Ô Nại của biển sương mù. Mỗi lần nghe tới cụm từ đó, Trung lại nhếch mép cười. Quả là những chuyện phù phiếm mà. Anh luôn tôn trọng văn hóa và lịch sử, nhưng anh tin rằng thế hệ cha ông dùng giai thoại và điển tích để kể lại những điều họ chưa thể giải thích bằng khoa học.


Tiếng kêu canh cách bên mạn thuyền gián đoạn dòng suy nghĩ của anh. Anh cố lờ nó đi, nhưng tiếng canh cách vẫn thế kêu lên. Ban đầu, nó phát ra từ mũi thuyền, nhưng rồi, nó tiến lại gần hơn, cho tới khi tiếng kêu vang lên ngay sau lung anh. Anh quay sang hỏi người ngồi bên cạnh.


"Cô có nghe thấy gì không?"


"Sao cơ?" Cô gái nhíu mày, có vẻ bất ngờ.


"Tiếng cành cạch vang lên ngay sau lưng mình."


"Không, chẳng nghe thấy gì cả."


Ngay lúc đó, tiếng cạch đó lại phát lên lần nữa. Anh hô lên, "Đó, đó! Cô phải nghe thấy rồi chứ?"


"Không, không nghe thấy gì cả."


Tò mò, Trung xoay mình nhìn xuống mặt nước. Khi đó, anh nhìn thấy một bóng đen màu xanh thẫm đang lượn lờ ngay dưới con tàu của mình. Bóng đen đó không ở gần mặt nước, có vẻ như nó đang ở rất sâu phía dưới. Nó không di chuyển nhiều, nhưng anh có thể nhìn thấy rõ hình dạng của nó: dài đườn đượt như một con rắn, nhưng thân giữa lại to bè giống con đuông. Điều đáng kinh sợ nhất là cái bóng đó to gấp đôi chiếc thuyền của họ.


Trung muốn rụt cổ mà quay lại, nhưng chẳng hiểu vì lí do gì, đôi mắt anh cứ dán vào chiếc bóng lờ mờ đó. Nó ngóc đầu trườn theo hình chữ S như một con rắn, thân hình khổng lồ, giẹo giọ của nó bằng một cách nào đó khuấy động lòng nước, tạo ra những vòng tròn nhỏ như khi nước rơi từng giọt xuống mặt bờ ao tĩnh lặng. Anh nhìn thấy những đợt sóng ngầm lăn tăn bắn lên trên từ dưới đó; Dù di chuyển rất chậm nhưng khi chạm vào đáy thuyền kêu cành cạch. Trung cảm tưởng như con thuyền rung rinh theo chuyển động sóng.


Nó là thứ quái gì vậy, Trung hồ nghi. Rắn biển ư? Không, chẳng có con rắn biển nào to đến vậy. Cá voi ư? Cũng chẳng đúng, con vật đó quá dài để có thể là cá voi.


Khi mà anh vẫn còn đang băn khoăn, con thú biển ... ngẩng đầu lên nhìn anh.