17
1
1931 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Ba: Áo


Suốt dọc đường, tên mã phu cứ cằn nhằn mãi. Hắn trách tôi không dưng lại đi "phá bĩnh chuyện tình duyên" mà hắn vất vả lắm mới gặp được. Dẫu tôi chẳng đáp dù chỉ một câu, nhưng lòng tôi đang âm thầm phán xét cách tán tỉnh người ta của hắn. Nếu tôi là cô hàng nước, trừ khi nhà hắn giàu nứt vách, còn không đừng mơ có ngày hắn nhận được lời chấp thuận của tôi. Kẻ gì đâu mà vô duyên gớm, so với Ngô lang thì còn hơn cả một trời một vực. Mặc kệ, tôi đi ngủ. Thà ngủ trong chiếc xe ngựa xóc lên xóc xuống, còn hơn là thức để nghe hắn làu bàu.

Có thể nói, tôi là tiên, vì tôi ăn ngủ còn hơn cả chữ "được". Chỉ có điều mấy giấc mơ của tôi dạo gần đây không được bình thường lắm. Ví như hôm nay, chẳng hiểu sao tôi lại mơ thấy mình đang ở cây liễu cạnh cái ao, đối diện tôi là một cô bé chừng mười tuổi. Nó chạy, nó chơi, rồi nó ngã. Nó vùng vẫy, song vẫn chìm. Lúc người ta vớt lên, nó đã chẳng còn hơi thở nữa. Hình như tôi có đến xem, nhưng sắp nhìn thấy mặt con bé thì tôi lại tỉnh. Dẫu mơ hồ nhận ra giấc mơ này quen đến lạ, nhưng tôi ngồi thừ mấy khắc vẫn chẳng nhớ mình đã từng gặp ở đâu. Dòng suy nghĩ mênh mang chỉ bị cắt đứt khi tên mã phu cao giọng gọi tôi lần thứ tư, sau đó nhận tiền của tôi bằng thái độ kiểu như "Tao sẽ đấm mày.".

Hắn chẳng dám đâu, ít nhất thì tôi vẫn cao hơn hắn. 

Trời tối, bụng tôi lại đói dính vào lưng. Nhìn theo bóng tên mã phu đã đi xa, tôi đồ rằng hắn đã dừng lại ăn ở đâu đó nhưng chẳng thèm gọi tôi lấy một lần. Sự trả thù hay ho đấy, nhưng ở Thái Hòa đâu thiếu quán ngon, cần gì phải so đo với hắn. Tôi cởi áo ngoài, bọc thêm một lớp lên chiếc đối khâm bằng lụa quý của Ngô lang, tránh không để mùi thức ăn ám vào làm hỏng áo. Đoạn tôi ghé ngay quán ăn gần đó, gọi nửa con vịt quay mắc mật để vỗ về chiếc bụng đáng thương. Chủ quán nhìn tôi mãi, không biết do tôi xấu hay do tôi ăn nhiều, mà biết đâu đấy? Là cả hai. Ăn xong, tôi trọ luôn trên tầng, rồi ngủ ngay sau khi vừa nằm xuống. Giấc mơ ban ngày lại đến, không thay đổi gì. Nó cứ nhằm khi tôi đến gần con bé kia mà nhiễu loạn, rồi lặp lại thành một vòng tuần hoàn đến sáng.

Nhưng sau tất cả thì tôi ngủ vẫn ngon, đến tận cuối giờ Thìn, sau đó mới tắm rửa thay quần áo. Lúc thấy tôi xuống tầng, chủ quán nhận ra ngay. Tôi dựa vào quầy, hất hàm hỏi ông ta nhà họ Ngô ở đâu đấy, ông ta xoa tay cười, hỏi lại:

- Khách phương xa đến phải không? Người trong phường ai mà không biết.

- Không xa lắm. - Tôi đáp, thật thà.

Chủ quán chỉ cười rồi đưa tôi ra ngoài cửa, sau đó ông tận tình hướng dẫn cho tôi. Phải đi ra sao, phải rẽ hướng nào. Tôi gật gù, thực ra thì tôi không hiểu lắm. Nhưng mà đường đi ở miệng, rồi thể nào cũng tìm được thôi. Lúc tôi đi, chủ quán chào tôi to lắm. Hẳn ông đang nghĩ rằng mình không thể gặp được người thứ hai ăn một lúc hết nửa con vịt quay nữa. 

Trời đất Đại Cồ Việt thái bình, đây là lần thứ hai tôi nói câu này thì phải. Trên đường, người dân qua lại tấp nập. Những hàm răng đen, những đôi chân đất, những tà áo thâm hòa vào màu vàng của nắng, đượm mùi quen thuộc chỉ ngửi thấy ở quê hương. Lấy hơi căng lồng ngực, siết chặt áo trong tay, tôi bắt đầu đi tìm nhà của người con trai họ Ngô ấy. May thay, tiếng chàng vang xa lắm, dân ở đây thì lại càng quen thuộc. Biết tôi đi tìm nhà họ Ngô, họ luôn đáp cùng một câu từa tựa như là "Khách phương xa nhỉ?". Đúng, xa. Nhưng đường từ nhà tôi đến Thái Hòa có xa cũng không bằng hiện tại, khi tôi đứng cách nhà chàng chỉ non chục bước chân mà chẳng dám đi tiếp nữa. Mọi dũng khí của tôi, ngay bây giờ, biến đi đâu mất sạch. Nhà chàng to quá, dễ gấp đôi lần nhà tôi. Mới ngoài cửa thôi, chứ để vào trong có khi nhà tôi chỉ bằng cái giếng. Đẹp lạ. Đó là một vẻ thâm nghiêm pha lẫn với "tĩnh", "lạnh" mà tôi thường gặp ở những nơi cao quý. Dẫu trông thấy đôi người làm ngoài cửa, nhưng tôi lại chẳng dám mở lời. Dùng dằng mãi, tôi quyết định ngồi ở quán nước gần đấy, lòng thầm mong Ngô lang sẽ bước ra khỏi cổng lớn kia để tôi trả áo cho xong. Nhưng trời cao không thấu lời tôi, uống no bụng chè mà cửa vẫn đóng chặt. Còn bà hàng nước đã nhìn tôi bằng điệu phán xét từ nãy tới giờ. Như mất hết hy vọng, tôi đặt xâu tiền lên bàn, hỏi bà cụ với giọng không lấy làm thân thiện:

-  Cho cháu hỏi gần đây có quán trọ nào không?

Bà cụ giật mình, hết nhìn xâu tiền dưới bàn lại nhìn tôi, dè dặt đáp:

- Gần đây thì... không có.

Tôi chép miệng, thầm mắng trời bất công. Đoạn tôi trả tiền, đứng lên, toan rời đi thì bị bà gọi lại:

- Cậu này... chẳng biết cậu làm sao, nhưng cho già nhiều thế kia chắc tâm chưa hẳn xấu. Cái nhà cậu nhìn từ nãy, mấy đời học võ, không làm ăn được gì đâu. Bần cùng lắm, để già giới thiệu cho cậu người quen, theo ông ta kiếm chác không nhiều, nhưng cũng vừa đủ sống...

Tôi ngây người ra, mất một lúc lâu mới hiểu hết ý của bà. Rốt cuộc trông tôi xấu đến mức nào, mà bà nhầm tôi thành phường trộm cướp? Thở dài, tôi toan giải thích, nhưng chẳng hiểu sao lúc mở mồm, lại phát ra một chữ:

- Vâng.

Tồi tệ.

Lần thứ hai quay lại, tôi đã cố gắng làm mặt mình sáng sủa hơn. Vẫn quán nước ấy, vẫn bà cụ ấy. Giờ thì bà không nhìn tôi bằng điệu phán xét nữa, mà mang vẻ thương hại nhiều hơn. Bà hỏi tôi tại sao phải khổ thế, cao lớn lực điền lại nghĩ đến chuyện trộm cắp người ta. Tôi chẳng biết giải thích sao, chỉ cười cho qua chuyện. Thấy tôi không chịu nói gì, bà đành chuyển chủ đề sang cậu trai cả nhà họ Ngô, hay chính xác là Ngô Thường Kiệt. Nhắc đến chàng, mắt bà sáng lên:

- Cậu cả Ngô ít khi ra khỏi nhà nhưng mà tốt tính đáo để, hay giúp già, dễ thương lắm.

Lại chẳng. Hình như tôi thấy lòng dìu dịu, chắc là do tôi biết mình ái mộ đúng người.

- Trước có thời đàn bà thiếu nữ khu này đều đem lòng ưng cậu cả. Nhưng sau cũng bớt, người đẹp quá chỉ để thích thôi, còn kết tóc se duyên lại là chuyện khác. Vả nghe đồn cậu cũng có người đính ước rồi, xứng đôi lắm.

- Tiểu thư nhà họ Dương phải không ạ?

- Cậu cũng biết cơ à, tin đồn lan nhanh nhỉ.

Tôi cười trừ, rồi im lặng. Theo lẽ thường, đáng ra tôi phải thấy thất vọng, hay đau đớn lắm kia. Vậy mà lòng tôi lặng lẽ đến giật mình. Chắc do tôi không nuôi mộng hão huyền, nên mọi việc đều trở nên nhẹ nhàng hơn chăng? Thở dài, tôi đưa chén lên, toan nhấp một ngụm chè cho đỡ nhạt miệng thì bà hàng nước lại chỉ chỉ về phía sau tôi, vẻ bất ngờ:

- Kìa... kìa...

Trời sinh sẵn tính tò mò, mà thực ra con người ai mà chẳng có cái tính ấy, tôi quay đầu lại. Giữa những vạt nắng đẹp đến xiêu lòng, có một chàng trai còn khiến tôi xiêu lòng hơn thế. Chàng tiến lại, nhìn tôi rồi nhoẻn miệng cười. Chết thật, thế này thì mặt trời cũng phải ghen tị. Nắng chưa tới nỗi chói mắt tôi, nhưng chàng thì có. Mà hình như Thường Kiệt nhận ra tôi, chàng hỏi:

- Anh... là người họ Phạm, tên Dương đấy phải không?

Tôi chưa nuốt xong ngụm chè trong miệng, chỉ vô thức gật đầu. Thường Kiệt nghiêng người chào bà hàng nước, sau đó mừng rỡ vỗ vai tôi:

- Gặp anh ở đây thật là trùng hợp quá. Chẳng hay vì sao anh lại qua bên này?

Ngụm chè trôi xuống họng, vị chan chát cũng trở nên ngọt ngào, tôi nhìn Thường Kiệt, không biết nên trả lời ra sao. Bao nhiêu tháng rồi, người ta vẫn nhớ cái tên giả của tôi, còn cả mặt tôi nữa. Bàn tay bất giác mân mê chiếc áo, tôi dè dặt đáp:

- Tôi... có cái này, muốn trả cho anh.

Sau đó tôi chìa tay ra, cho Thường Kiệt xem chiếc áo bên trong hai lớp bọc. Mắt Thường Kiệt sáng lên, đồ rằng chàng đang vui lắm. Chàng nhận lấy chiếc áo với vẻ trân trọng, đoạn ngân "À" với vẻ ngạc nhiên mừng rỡ. Nụ cười của chàng làm lòng tôi nhảy nhộn, tôi cắn môi, cố ngăn cho khóe miệng không rời khỏi vị trí. Mùi máu tanh đang lan dần trong miệng, vậy mà tôi chẳng nhận ra chút nào. Chỉ tới khi Thường Kiệt chỉ chỉ vào môi tôi, tôi mới phát hiện nó đang rỉ máu. Bối rối, vạt áo quệt ngang, tôi cười trừ, bảo:

- Ngại quá...

- Cảm ơn anh. - Thường Kiệt cướp lời.

Tôi vừa cố quản lý biểu cảm sắp đứt cương, vừa lựa lời đáp:

- Có gì đâu, tôi... tôi cứ nghĩ rằng anh sẽ quay lại... nên đợi mãi. - Tôi cấu tay vào đùi, ngăn tiếng cười chực lao ra khỏi miệng, tiếp - Xin lỗi... vì không trả áo được sớm hơn. Với cả, cảm ơn anh vì... vì đã cho tôi mượn áo.

Thường Kiệt cười lớn:

- Tôi mới là người phải cảm ơn anh chứ. Người cương trực, ngay thẳng như anh, gặp được là ý trời đã định. Anh đi đường xa mệt mỏi chỉ để trả tôi cái áo này, nhà tôi ngay kia, hôm nay mời anh ở lại dùng bữa cơm, chẳng hay ý anh thế nào?

Lại nữa, rõ ràng tôi toan từ chối, nhưng nhìn vào đôi mắt như sao sáng giữa ban ngày kia, một chữ "Được" lại thoát ra, hoàn toàn không chủ định. Nghe tôi nói, chàng có vẻ rất vui, vỗ lưng tôi rồi kéo tôi đi thẳng. Về sau, tôi không nhớ rõ vẻ mặt của bà hàng nước khi trông thấy cảnh ấy ra sao nữa. Hơi tiếc, nếu được, tôi cũng muốn nhìn kỹ lại một lần.