35
3
1809 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Một: Ao


Dưới trời Thăng Long, từ lâu, đã lan truyền một câu chuyện về chàng trai anh tuấn bậc nhất đất kinh kì.

Họ nói chàng có khuôn mặt đẹp tựa tranh vẽ, vừa tuổi thiếu niên đã am hiểu binh pháp thi ca. Họ rỉ tai nhau rằng chàng có làn da trắng như bạch ngọc, diễm lệ đến mức trông thấy sẽ xiêu lòng. Họ thầm thì trong những phiên chợ ồn ào đông đúc, miêu tả vóc dáng chàng cao lớn ra sao. Họ khúc khích nơi quán xá khi trà dư tửu hậu, ngưỡng mộ mái tóc dài đen của chàng như thế nào. Hiển nhiên, chàng đã trở thành giấc mộng của biết bao thiếu nữ, dẫu cho quá nửa trong số họ thậm chí còn chưa tường mặt chàng trai họ Ngô ấy. Tôi cũng vậy, nhưng khác họ, tôi không huyễn hoặc bản thân rằng chàng sẽ lấy tôi làm vợ. Tôi hướng đến chàng như một người xấu xí hướng đến cái đẹp ở trên đời, ngày ngày luyện vẽ khuôn mặt chàng dựa theo những gì người ta đồn đoán. Vì vậy tranh hoạ Ngô lang chẳng mấy mà chất đống trong phòng tôi, đa phần đều xấu tệ nhưng tôi không nỡ vứt. Chắc do đôi mắt kẻ tương tư luôn luôn nhuốm màu hồng, thành ra tôi cũng tự phong cho mình hai tiếng danh hoạ.

Mà, tôi xấu thật. Có lẽ vì xấu nên mới ái mộ chàng trai được cả kinh thành khen đẹp kia. Tôi sinh muộn, vóc dáng lại to con. Nói không ngoa, tôi lớn hơn tất thảy những người phụ nữ mình gặp trong suốt mười mấy năm cuộc đời. Dáng đã vậy, mặt tôi còn thảm hơn, nó đen đúa thô kệch đến nỗi mẹ tôi phải thốt lên: "Mặt bây như thế làm sao lấy được chồng!". Giả như tôi là nam nhi, may ra thì được con gái nhà ai hạ cố lấy. Tiếc thay tôi phận nữ, giờ có cho cũng chẳng ai thèm. Ban đầu mẹ tôi còn thấy tủi cho tôi, nhưng bao nhiêu năm trôi qua, bà không còn hơi đâu mà tủi mãi. Em trai tôi sớm ra đời, trở thành hi vọng rực sáng của cha mẹ. Còn tôi, cha mẹ không khiến tôi phải ra ngoài để làm trò cười cho thiên hạ, thành ra tôi suốt ngày phải giả làm đàn ông để được du ngoạn đó đây. Đi nhiều, nên chi tôi biết cũng nhiều. Những câu chuyện xoay quanh chàng trai họ Ngô kia, tôi đã sớm nằm lòng tất cả. Đối với một kẻ xấu, ước mơ lớn nhất có lẽ là được tận mắt chứng kiến người đẹp nhất trên đời. Không phải để buồn, mà là bởi ước vọng.

Ấy vậy mà ông trời cũng không quá tàn nhẫn với tôi, có thể tôi rất xấu, nhưng vận mệnh của tôi ít nhiều vẫn còn chưa quá tệ. Ngày hôm đó, tôi khoác lên người bộ y phục mạnh mẽ của một người đàn ông, đội nón ra ao vớt lục bình. Nhà tôi không nghèo, vớt lục bình cũng nào có tác dụng gì đâu, chỉ là tôi quá chán nên mò ra nghịch chơi vậy. Ai ngờ lần "nghịch chơi" đó lại khiến tôi thực sự gặp được Ngô lang, chàng trai mà tất cả thiếu nữ tại Thăng Long thành đều tơ tưởng. Dưới tán cây, họ Ngô nghiêng đầu tựa như đang ngủ. Những vệt sáng len qua hàng dương liễu, tí tách rơi trên vạt áo chàng ta rồi trượt thành những dòng sáng thật dài, thấm ngang mặt đất. Ban đầu, tôi không biết đó là kẻ mà mình đêm ngày phác họa, thậm chí còn vì nảy tính tò mò mà trượt chân ngã lộn xuống ao, khiến chàng ta tỉnh giấc.

- Này, có chuyện gì thế?

Tôi luống cuống vùng vẫy thoát khỏi mặt nước, lê cả người ướt sũng lên bờ, gạt mấy thứ trôi nổi trong ao đang bám trên áo rồi cúi đầu lầm bầm chửi mặt đất sao hôm nay lại trơn đến vậy. Người con trai ở bên kia bờ ao trông thấy tôi bị ngã nên chạy sang bên này, tốt bụng hỏi han:

- Anh không sao chứ?

Tôi hơi giật mình, ngước lên nhìn cho rõ dung mạo của chàng trai ấy. Đẹp. Đẹp quá. Đẹp đến độ tôi thấy nôn nao lòng, đó là kiểu nôn nao của những người con gái đương độ xuân thì rực rỡ. Tôi là con gái và cũng độ xuân thì, nhưng vì xấu nên tôi đã tự tước đi cái quyền được nôn nao như bao thiếu nữ cùng trang lứa. Hay vì tôi giả trai quá lâu nên đã dần coi mình là một người đàn ông thực sự? Tôi không biết, mà cũng đâu nghĩ được nhiều như vậy. Thiếu niên kia thấy tôi im lặng không nói thì vỗ vai tôi hai cái, chừng như sợ tôi bị làm sao. Tôi choàng tỉnh, vội vàng giấu mặt đi, bối rối:

- Không... không sao.

Nói đoạn, tôi xách giò chạy thẳng. Đứng trước mặt một người đẹp trai, tôi mới ý thức được sự khiếm khuyết trầm trọng về mặt diện mạo của mình. Nếu ví chàng ta như khổng tước, chắc tôi chỉ xứng làm con quạ đen hôi hám suốt ngày rúc bờ rúc bụi. Người xấu rất khổ, mỗi lần soi gương chỉ muốn dùng tay mà đập vỡ tan tành. Nhưng gương vỡ rồi thì mặt cũng có đẹp lên được đâu? Chỉ thêm mảnh gương cứa vào lòng từng vệt tự ti và đau đớn. Nỗi đau ấy không đủ lớn để khiến họ muốn chết đi, nhưng nó lại càng chẳng nhỏ bé để họ thấy hạnh phúc. Về đến nhà, ngâm mình trong bồn tắm, tôi vẫn còn thấy nôn nao mãi trong lòng. Người đẹp như vậy, chắc cả đời tôi có muốn cũng không thể gặp lại được nữa. Buồn thì buồn thật, nhưng mà chàng ta chắc gì đã mong phải gặp lại kẻ xấu như tôi?

- Người ta có biết mình là nữ đâu...

Bởi không có cô gái nào nhìn thô kệch như tôi cả.

Lần đầu tiên gặp mặt kết thúc một cách dở dang như thế. Nếu không có lần thứ hai, chắc tôi sẽ hối hận cả đời, dẫu sao Ngô lang cũng là con nhà quyền quý, trông thấy bóng người thôi đã khó như xuống biển tìm phượng, lên núi tìm rồng. Phúc mấy đời nhà tôi đều dồn vào cái duyên tương ngộ ấy. Chỉ trách tài hội hoạ của tôi xuất chúng không ngờ, vẽ Ngô lang đẹp đến độ gặp rồi mà nhận ra chẳng đặng. Về sau nghĩ lại, tôi thật không biết nên cười hay nên khóc, người mà tôi ngày đêm thương nhớ ở ngay trước mắt tôi, vậy mà tôi còn đẩy chàng ra để bỏ chạy.

Lần thứ hai tôi và chàng gặp mặt là đã qua hai tháng dài đằng đẵng, dù vẫn ở dưới gốc cây dương liễu, nhưng không phải vào một ngày đầy nắng mà là một đêm sương gió thấm lòng người. Trung tuần tháng sáu, hoa quỳnh bên bờ ao hôm ấy sắp nở, hơn nữa chỉ nở có một lần cho tới tận năm sau. Tôi thích hương hoa quỳnh, không phải thích nhất nhưng ấn tượng nhất. Cái dịu dàng thắm cả bầu trời đêm, tươi mát lòng người mà vẫn yêu kiều mạnh mẽ. Tôi muốn ngắt hoa quỳnh khi nó vừa khoe sắc, bởi khi đó mùi hương non lại vừa đủ nhẹ nhàng để dành làm phấn thơm. Đôi khi tôi cũng tự than thầm rằng tại sao sở thích của mình lại trái ngược hoàn toàn với ngoại hình như thế. Nhưng ít nhất nhờ vậy mà trên người tôi luôn phảng phất mùi êm dịu, dù ngoại hình có tồi tệ cỡ nào, tôi cũng quyết không để mình trông bẩn thỉu xơ xác.

Đêm ấy, chàng thiếu niên vẫn thiu thiu tựa vào cây liễu. Ánh trăng bạc âu yếm từng đường nét trên khuôn mặt của chàng ta, cơ hồ cũng đang kinh ngạc trước nhan sắc trên đời có một. Tôi rón rén vòng ra sau cây liễu, không phải để làm phiền mà là bởi mấy cây hoa quỳnh ở ngay đó, nếu muốn ngắm thì phải lại gần hơn một chút. Hoa nở trong im lặng, tôi cũng tin chàng trai kia chẳng thể tỉnh giấc ngay được. Vậy mà chàng ta tỉnh giấc thật, mà hơn nữa còn nhận ra tôi.

- Chào.

Tôi thấy lòng run rẩy, nhưng khuôn mặt vẫn tỏ vẻ bình tĩnh như không có gì.

- Ch... chào.

- Tôi tưởng anh lại chạy đi.

Đoạn, chàng ta cười, nụ cười nhẹ như tan vào màn đêm vô tận. Tôi, không hiểu sao, lại thấy hơi ngượng ngùng. Bởi vốn tôi đã định chạy đi thật, nhưng thấy như vậy thì hơi lạ lùng vì chàng ta có làm gì tôi đâu? Lấy tay vò góc áo, tôi khe khẽ hỏi:

- Chẳng hay... anh người nơi nào tới?

- Tôi ở phường Thái Hoà mới qua.

Tôi "à" một tiếng, phường Thái Hoà cũng là nơi mà Ngô lang trú ngụ, chắc thổ nhưỡng ở đó tốt nên mới có nhiều mỹ nam đến thế. Băn khoăn một lúc, tôi quyết định hỏi chàng ta tên gì. Đời người đâu có mấy lần được tương ngộ, gặp rồi thì cũng phải biết tên nhau. Chỉ có điều muốn hỏi tên chàng ta thì tôi phải tự xưng tên mình trước, nhưng biết giới thiệu như thế nào đây? Phạm Duyên Linh? Cái tên vừa nghe đã thấy điệu đàng kiểu cách. Đặt cho một người xấu xí như tôi cái tên xinh đẹp đến vậy, chắc chắn mẹ tôi phải kỳ vọng vào tôi rất nhiều. Tiếc thay tôi càng lớn lại càng thô kệch, cuối cùng bao nhiêu mong ước mẹ đặt vào tôi rồi cũng tan tành hết cả. Nhìn lên hàng liễu rủ, tôi cười thầm, không thể xưng Linh, vậy xưng Dương cũng được. Dương trong dương liễu, vừa hay có thể giải thích ý nghĩa của cái tên mới ra đời. Vậy là tôi xoay người bắt chuyện với người ngồi đằng sau, nôn nao hỏi:

- Ban nãy thất lễ rồi. Tôi người họ Phạm, tên Dương. Đáng lẽ tôi phải nói từ lâu mới phải, mong anh bỏ quá cho, vậy còn...

Chàng ta cười, nhẹ nhàng thốt ra từng lời rành rọt:

- Còn tôi tên là Ngô Thường Kiệt.