6
2
2630 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

TÊN NGƯỜI XƯA


TÌM HIỂU VỀ TÊN TỤC, TÊN DANH (HÚY), TÊN TỰ, TÊN HIỆU CỦA NGƯỜI XƯA:

Nằm trong khu vực ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, người Việt Nam vào thời kỳ phong kiến cũng đặt tên tự và tên hiệu hoặc biệt hiệu, dựa theo những nguyên tắc của Trung Hoa. Việc đặt tên tự, tên hiệu và biệt hiệu ban đầu được sử dụng trong tầng lớp quý tộc; sau này được mở rộng ra các tầng lớp khác trong xã hội, như: quan lại, nho sĩ, các bậc tao nhân mặc khách, v.v...

Như vậy, người đời xưa thường có tên (danh), có tên chữ (tự) và có tên hiệu (hiệu), có người lại có cả biệt hiệu. Trong quan niệm truyền thống, việc đặt tên danh (húy), tự, hiệu… luôn bao hàm những ý nghĩa mong muốn, hy vọng và thậm chí là kỳ vọng cháu con sẽ vẹn toàn tài đức, để giúp nước phò dân, hoặc chí ít cũng giữ gìn và làm sáng rõ được đức hạnh, đạo lý của thánh hiền, góp phần vun bồi truyền thống gia phong của dòng tộc… Các tên gọi (như tên danh (húy), tên tự, tên hiệu) ứng với nhân cách, chất chứa hoài bão và chính là kim chỉ nam dẫn hướng soi đường, chi phối mọi hành vi, nếp sống, nếp nghĩ và cách ứng xử của người ấy với nhân quần. Nói về truyền thống đặt tên của người Việt, tên danh (húy) - tên tự - tên hiệu luôn có mối quan hệ qua lại, bổ sung ý nghĩa, tương hỗ lẫn nhau.

Danh (húy), tự và hiệu hay biệt hiệu tuy đều là tên người, nhưng khi sử dụng không thể tùy tiện mà phải tuân theo phép tắc nhất định. Do người xưa rất trọng lễ nghĩa, cách dùng danh (húy), tự và hiệu cũng rất cầu kỳ. Trong giao tiếp, danh (húy) thường dùng trong trường hợp khiêm xưng, hoặc trên gọi dưới, còn những người ngang hàng chỉ gọi danh khi thật thân mật. Khi không được phép mà gọi thẳng danh của người đang nói chuyện là bất lễ, danh của cha mẹ mà nhắc tới là bất kính, còn danh của vua chúa mà nhắc tới là đại nghịch. Tự và hiệu dùng trong trường hợp người dưới gọi người trên, hoặc những người ngang hàng nhau. Như người đời thường gọi Nguyễn Trãi là Ức Trai Tiên sinh, gọi Nguyễn Thiếp là La Sơn Phu tử, gọi Lê Hữu Trác là Hải Thượng Lãn Ông, Ngô Thời Sĩ có đạo hiệu là Nhị Thanh Cư sĩ, v.v... Những người khi đặt cho mình tên hiệu là “Cư sĩ” thường thể hiện người đó coi khinh lợi lộc, tự cho mình là thanh cao.

Vậy chúng ta nên hiểu về cách đặt tên và sử dụng các tên ấy như thế nào?

1. TÊN TỤC:

Tên tục (tiểu danh, nhũ danh 乳名), (tên lúc mới sinh ra cho đến khoảng năm tuổi, trước khi đặt tên húy) là một trong những biểu hiện yêu quý của bố mẹ đối với con cái. Không phải chỉ có người dân bình thường mà ngay cả hoàng đế, vua, danh tướng, tài tử, giai nhân khi mới sinh hầu như đều có tên tục. Một trong những đặc trưng của tên tục là thô tục. Nhà nghiên cứu Malaysia Tiêu Dao Thiên nói rất đúng: “Cái thô tục của tên tục khác với cái thô tục của biệt hiệu. Biệt hiệu phần nhiều mang ý chế giễu, còn cái khó nghe của tên tục lại chan chứa tình yêu thương của bố mẹ”.

Ngày xưa nước ta không có hộ tịch, đứa trẻ sinh ra không phải khai sinh ngay. Ta cho rằng vấn đề hộ tịch là vấn đề riêng của từng cá nhân và chỉ liên quan tới cá nhân và gia đình đương sự. Bởi vậy khi đứa trẻ mới sinh ra, người ta có lệ quen gọi nó là thằng cu, cái đĩ, thằng tỷ, con đỏ v.v... tùy theo con trai hay con gái.

Cho tới lớn, nhiều khi lấy vợ lấy chồng, con cái mới bắt đầu được cha mẹ chính thức đặt tên cho, và khi đã được đặt tên rồi, tên vẫn có thể thay đồi được nếu vì trùng - danh hoặc phạm phải tên kiêng, hoặc vi cái tên cũ mang lại những điều không may cho gia đình hoặc cho bản thân đứa trẻ.

Tên tục thường chỉ sử dụng xưng hô nội bộ gia đình và mang tình cảm ruột thịt sâu nặng. Có khi tên tục được dùng xưng hô giữa bạn bè thân thiết. Tên tục tuy không phải là tên chính thức song nó vẫn được khi chép trong sách từ thời xưa.


2. TÊN CHÍNH:

Tên chính (húy 諱) còn gọi là đại danh, bản danh, phổ danh (phả danh), học danh. Ngày xưa khi đứa trẻ bắt đầu đi học hoặc đến tuổi học trò, bố mẹ đặt tên chính thức thay cho tên tục, là “tên chính thức trong giấy tờ hành chính để học hành, thi cử, làm quan… Lúc con trai đủ hai mươi tuổi Âm lịch sẽ làm lễ gia quán (加冠) - đội mũ, biểu thị sự trưởng thành và từ đây bắt đầu kiêng húy. Kiêng húy là phong tục cấm gọi tên húy của người đã “đội mũ”…”.

Việc đặt tên chính cũng có những phép tắc nhất định, như thời nhà Chu, cách đặt tên của tầng lớp quí tộc được qui định: trẻ nhỏ thường phải sau khi sinh ra được 1 tháng hoặc 100 ngày mới được đặt tên. Thời cổ đại, tên người thường được đặt đơn giản và người ta lấy can chi đặt làm danh, đó có thể là có liên quan đến sự coi trọng thời gian của người đương thời. Sau này, theo sự phát triển của văn hóa và ngôn ngữ văn tự, tên người ngày càng được đặt một cách phong phú hơn. Hoặc có người lại cố tình đặt cho con những tên xấu để cho phù hợp với sự quan niệm là dễ nuôi và không bị chết yểu.

Những thứ tự tên tự bối này do tổ tiên đặt ra, cứ mỗi chữ mỗi đời, truyền mãi về sau. Con cháu đời sau không được thay đổi.

Rất nhiều người lấy tên gia phả làm tên chính thức về tên ghi trong học bạ. Có người ngoài tên gia phả ra, còn đặt tên trong học bạ và tên chính thức nữa với lý do là bố mẹ, thầy giáo hoặc bản thân người đó cho rằng tên gia phả không thích hợp với họ, vì vậy lấy tên mới.

THÀNH PHẦN CỦA TÊN:

Tên thường gồm có họ, chữ đệm và tên, nhưng có nhiều khi, người ta không dùng chữ đệm. Họ từ tổ tiên truyền xuống, qua đời này đến đời khác. Thường thì con lấy họ cha, nhưng cũng có trường hợp con theo họ mẹ:

- Khi mẹ không có anh em trai, một trong các người con lấy họ mẹ giữ việc phụng thờ ngoại tộc.

- Khi người mẹ lẳng lơ, sinh con không cha.

Mỗi người thường giữ họ của mình cho đến chết, nhưng cũng có khi có người thay đổi họ:

- Xưa kia thân nhân những tướng giặc, tướng cướp đã bị bắt giết, cùng những họ nhà vua đã bị truất ngôi, phải trốn tránh ở các nơi xa lạ, cần thay họ đổi tên đề khỏi lộ tông tích.

- Những người có công với triều đình được nhà vua ban cho quốc tỉnh, lấy họ vua thay cho họ mình, như ông Thần Bình Trọng chính là ho Lê.

- Con nuôi, đôi khi bỏ họ cha mẹ đẻ để lấy theo họ cha mẹ nuôi.

Chữ đệm dùng để nối liền họ với tên.

Thường đàn bà con gái dùng chữ thị, còn đàn ông con trai dùng mấy chữ văn, đình, thể, huy, duy, hữu,v.v...

Ngày nay, chữ đệm thường thay đổi nhiều, đàn bà con gái nhiều khi không dùng chữ thị mà dùng những chữ khác để cho tên nghe được kêu như chữ mộng, lệ, thùy, V.V..., và đàn ông con trai cũng dùng nhiều chữ khác thay những chữ đã kề trên.

Tên chính là tiếng dùng để gọi, và là phần chốt trong tính danh. Như trên đã nói, tên được chọn sao để nói được cái sở nguyện của cha mẹ, của kẻ mang tên, hay ít ra tên cũng phải có một nghĩa gì.

Con gái, người ta ưa lựa tên các thứ hoa, kèm trước một chữ đệm thật ván vẻ, lan, cúc, mai, đào, liễu, liên. Các tên trên ghép vào các chữ đệm có thể thành Mộng Lan, Thúy Liễu, Lệ, Mai,...

Người ta cũng dùng tên bốn mùa để đặt cho con gái: Mộng Xuân, Lệ Thu, Thúy Hạ, Diễm Đông,...

Tên con trai, thường đặt những tên hùng mạnh hoặc có tính cách về nam phải: Nhân, Trí, Dũng, Tín, Trực,...

Có khi đề giản tiện, người ta lấy ngay năm sinh, theo thập can hoặc thập nhị chỉ đề đặt cho con: Giáp, Ất, Bính, Đinh,... Hoặc , Sửu, Dần, Mão...

Cũng có người lấy địa danh nơi sinh con đặt cho con: Thái, (Thái Bình), Định (Tân Định),...

Tất cả những lối đặt tên trên chỉ có tính cách chỉ dẫn không phải nhất thiết như vậy, nhất là ngày nay trong việc đặt tên có thay đổi nhiều.


3. TÊN TỰ:

Tên chữ (tự 字) là tên gọi của người con trai trưởng thành sau khi làm lễ “gia quan”, được cha mẹ hoặc bề trên, hoặc nhờ người hay chữ chọn lựa, cũng có khi do chính bản thân tự đặt: “Đặt tên tự vô cùng quan trọng, làm sao bao hàm nghĩa, hoặc mở rộng nghĩa của tên húy, đặc biệt có định hướng tương lai. Cách đặt tên tự, người ta thường dùng danh ngôn, thành ngữ, điển cố, những dòng thơ đẹp… để chọn lấy hai chữ ghép thành tên tự mà vừa thay những câu kia, vừa chứa đựng nghĩa tên húy”.

Khi đặt tên tự, người ta thường căn cứ vào danh (húy) để chọn từ tương ứng mang ý nghĩa liên quan và phụ trợ cho danh (húy). Như: Gia Cát Lượng 諸 葛 亮 nhà Thục thời Tam quốc, tự là Khổng Minh 孔 明 (lượng là sáng còn khổng minh là rất sáng); Bao Chửng 包 拯 thời Bắc Tống, tự là Hy Nhân 希 仁 (chửng là cứu giúp còn hy nhân là mong làm điều nhân), v.v...Có trường hợp tự và danh được lấy câu chữ trong cổ thư, như Tào Tháo 曹 操 nhà Hán thời Tam quốc, tự là Mạnh Đức 孟 德 lấy từ câu trong Tuân Tử: “phù thị chi vị đức tháo” (dịch nghĩa: đó là phẩm hạnh của đức), v.v. Lại có người lấy tên tự ngược hẳn nghĩa với danh, như: Chu Hy 周 熹 đời Tống, tự là Nguyên Hối 元 晦 và Trọng Hối 重 晦, hiệu là Hối Am 晦 菴 (hy là sáng còn hối là tối), v.v.

Danh và tự của người xưa còn được dùng để chỉ quan hệ thứ bậc trong gia tộc, biểu thị anh em trong gia đình, và người ta thường có thêm chữ bá (mạnh) là lớn, trọng là thứ hai, thúc là em, quý là út; như Bá Di 伯 夷, Thúc Tề 叔 齊, Trọng Hối 重 晦, Mạnh Đức 孟 德, v.v..

Cũng có người dùng tên sông núi địa phương đề đặt, ông Nguyễn khắc Hiếu lấy tên tự là Tân Đà. Hai chữ tên tự Tản Đà gồm núi Tản Viên và sông Đà Giang, tức là sông núi địa phương quê của ông. Hoặc có người dùng ngay tên làng mình làm tên tự như ông Nguyễn Du lấy hai chữ Tiên Điền, là tên quê hương ông.

Việc đặt tên tự là chứng tỏ người đó bắt đầu được mọi người trong xã hội công nhận và tôn trọng. Bởi thời xưa người dân có tên chính thức nhưng không có tên chữ, chỉ có sĩ đại phu, người có học mới đặt tên chữ. Vì vậy, tên chữ thời cổ còn phản ánh địa vị xã hội của cá nhân.


4. TÊN HIỆU:

Tên hiệu 號 là tên gọi được đặt khi người ta đã thực sự trưởng thành, các sĩ phu và văn nhân, hiệp khách, đạo sĩ, hòa thượng thời phong kiến thường có tên hiệu hoặc biệt hiệu của mình, như Lý Bạch 李 白 thời Đường lấy hiệu là Thanh Liên Cư sĩ 青 蓮 居 士, Đỗ Phủ 杜 甫 thời Đường lấy hiệu là Thiếu Lăng Dã Lão 少 陵 野 老, Vương An Thạch 王 安 石 thời Tống lấy hiệu là Bán Sơn 半 山, v.v... Tên hiệu là một loại biệt danh do chính người trưởng thành đó tìm chọn tên gọi chuẩn xác nhất cho mình, sau khi đã có tên tự, “đặt tên hiệu tương tự như đặt tên tự: bao hàm, hoặc mở rộng nghĩa tên húy”. Tên hiệu không hề bị chi phối bởi gia tộc, thứ bậc trong gia đình. Tên hiệu nói chung phản ánh đặc điểm diện mạo, tính cách của đương sự như Lâm Xung 林冲 hiệu Báo Tử Đầu 豹子头(Đầu con báo), Sử Tiến 史進 hiệu Cửu Văn Long九纹龙 (Rồng chính vằn) (Trong tiểu thuyết Thủy Hử).

Ý nghĩa của tên hiệu thường mang ý tốt. Ví dụ, một thầy thuốc giỏi về phẫu thuật, được mọi người đặt tên hiệu là “Thần Đao" (Dao thần). Tên hiệu này là sự tôn vinh của mọi người đối với thầy thuốc đó. Văn nhân thường đặt tên hiệu theo cách sau: Cư sĩ..., Sơn nhân..., Ông... để tỏ ra thanh cao. Ví dụ như Lương Khải Siêu có hai tên hiệu: thời trẻ lấy tên hiệu là “Nhiệm Công” có ý biểu thị chí lớn cứu quốc. Năm 1898, công cuộc biến pháp (cải cách) thất bại, Lương Khải Siêu chạy sang Nhật lấy hiệu: “Âm Bằng Thất Chủ Nhân”, để tỏ lòng nhớ nước nhà.

Thông qua việc đặt tên hiệu, hoặc biệt hiệu, người ta có thể tự do gửi gắm tư tưởng và tình cảm, biểu lộ chí hướng và hoài bão, thể hiện sở thích của mình trong cuộc sống. Việc đặt tên hiệu hoặc biệt hiệu đôi khi còn để mang dấu ấn địa phương, quê hương bản quán của mình. Một người có thể thay đổi khá nhiều tên hiệu hoặc biệt hiệu, và thông qua sự thay đổi này có thể hiểu được quan niệm sống, tâm tư tình cảm và tư tưởng của người đó trong cuộc sống ở các thời kỳ khác nhau. Tuy nhiên, trong lịch sử cũng có người chọn hiệu hoặc biệt hiệu chỉ là học đòi làm sang, chứ không hề phù hợp với thân thế và sự nghiệp của họ chút nào.


Trích từ các tài liệu:
(1) Trịnh Khắc Mạnh, Tìm hiểu về Danh, Tự, Hiệu của người xưa, Tạp chí Hán Nôm số 3/2002.
(2) Võ Vinh Quang, Tìm hiểu về Tên Húy - Tên Tự - Tên Hiệu của Xuân quận công Nguyễn Nghiễm, Tạp chí KH-CN Nghệ An số 10/2016.
(3) Tôn Nguyệt Hoa (2005), Tên hay kèm điều tốt, Nxb Văn Hóa Dân Tộc.
(4) Toan Ánh (1970), Nếp cũ con người Việt Nam, nhà sách Khai Trí.