bởi M MT

0
1
2570 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 04


Trong những năm tháng ngồi ghế nhà trường, Ái Vy rất thích đi học vào buổi chiều. Đơn giản là buổi tối cô có thể thoải mái đi chơi và có thể say giấc ngủ ngon đến tận sáng hôm sau. Tất nhiên là ngoại trừ một ngày, đó chính là ngày có tiết học thể dục.

“Nhìn mặt phờ phạc vậy con?” Bà Anh lo lắng hỏi. “Tối qua lại thức đêm hả?”

Vừa bước xuống cầu thang, cô không ngừng ngáp ngủ. “Dạ, con ráng làm nốt bài tập.”

Tất nhiên là cô nói láo rồi. Mẹ mà biết cô “nấu cháo” với bạn, bà sẽ thu điện thoại của cô ngay. Tất nhiên là cô chưa từng bị ba mẹ thu điện thoại, nhưng nhìn cách hai người thu máy chơi điện tử của thằng nhóc Khang, thì cô cũng có thể rơi vào hoàn cảnh tương tự.

“Chị nói chuyện điện thoại với bạn thì có.” Quốc Khang lên tiếng ngay.

Cô liền trợn mắt. “Im không.”

Nhóc Khang em cô học lớp một vào buổi sáng, do vậy cô phải đi chung xe với nó tới trường. Nếu tính quãng đường đi học, thì từ nhà công vụ tới trường tiểu học Tân Thanh của nhóc Khang, gần hơn so với trường THPT Tân Thành của cô. Cả hai trường đều nằm trong phường Tân Hiệp, nên chả lạ lẫm gì khi cả hai đều tồi tàn như nhau.

Trên đường đi ngang qua cánh đồng ngô, nơi màu xanh tô vẽ cả một vùng rộng lớn, cô chợt thấy bóng lưng và chiếc xe đạp đen quen thuộc. Hắn đang chở theo một bé học sinh, làm cô dấy lên suy nghĩ, cô nhóc này liệu là em gái của hắn, hay chỉ là người quen đi nhờ. Nhìn cảnh hai người họ chậm rãi cọc cạch lao trên con đường làng uốn lượn quanh co, nghĩ đến việc mình như vậy, thà cô lao thẳng xe xuống đồng để nghỉ học còn hơn.

“Chị nhìn gì vậy?” Quốc Khang tò mò khi thấy chị mình cứ nhìn về phía sau.

Cô liền ngồi thẳng người lại. “Con châu chấu đáng ghét.”

“Đâu?” Quốc Khang cũng muốn xem.

Cô nhìn ra ngoài. “Bay rồi.”

Thể dục, một môn học mà cô không thích cho lắm. Nhưng như vậy, không có nghĩa là cô yếu về những môn vận động. Cô bắt đầu buổi học đầu tiên với những kĩ thuật nhảy xa. Với lợi thế là đôi chân dài và những năm tháng nhảy qua những vũng nước lớn trước nhà công vụ, nói không ngoa, chứ cô khá tự tin vào môn này.

Sau những phút làm quen lại môn nhảy xa, cô tiếp tục đến với môn đá cầu. Có thể những người ở đây chưa biết, chứ lúc còn ở An Bình, cô được người ta gọi là “Mỹ Vương Cầu”. Trong làng đá cầu của nữ, tới giờ cô vẫn chưa có địch thủ.

“Woah.” Một vài người ồ lên khi thấy Ái Vy tăng cầu.

Tất nhiên ở gần đó, Minh Đức cũng phải trố mắt ngạc nhiên rồi ngưỡng mộ. Từng động tác tăng cầu của Ái Vy đều dứt khoát, nhanh gọn và không kém phần đẹp mắt. Hai mươi rồi đến ba mươi, có vẻ chân cô chưa mỏi và cô hình như cũng chả muốn dừng lại. Những ánh mắt ngưỡng mộ của các bạn nữ lớp anh đã nói lên thay tất cả.

Khi cô giáo chia lớp thành các cặp tập đá cầu với nhau, một lần nữa Ái Vy khiến mọi người phải kinh ngạc. Người đá cặp với cô là Chí Thiện, một bạn nam khuynh đảo làng đá cầu của lớp. Chiếc cầu bay qua người và Ái Vy bình tĩnh hạ thấp người về phía trước, sau đó đưa chân về phía sau đá móc lên. Một đường cong tuyệt hảo được vẽ ra khiến anh cũng phải kinh ngạc thay. Trước đây anh đã từng chứng kiến nhiều lần, nhưng tất cả đều được thực hiện bởi các bạn nam. Đây là lần đầu tiên anh tận mắt thấy một cô gái thực hiện.

Cuối cùng thì Chí Thiện lớp anh đã bị khuất phục. Anh nghĩ mình nên tiếp tục giao cầu với Quang Linh, người đang bị mê hoặc bởi Ái Vy. Anh không biết bạn Linh bị mê hoặc bởi gương mặt xinh đẹp, hay động tác đá cầu trông rất mỹ miều của Ái Vy. Chỉ biết đôi mắt sau lớp kính cận dày cộm đó là những cánh hoa xuân đang nở rộ.

Chưa gì đã bị mình đánh bại, nên Ái Vy cũng không đánh giá thực lực tên này cao lắm. Lúc ở An Bình, có lúc cô từng đá cầu liên tục hơn năm mươi hiệp, chưa phân được thắng bại nhưng giờ ra chơi đã hết. Tên này có là gì, trình độ cùng lắm chỉ đến tầm trung mà thôi. Lớp này, trường này, kẻ nào đá cầu hay nhất, cô đây thật sự muốn gặp.

Lòng đang hân hoan, bởi cô có thể cảm nhận được nhiều ánh mắt đang khâm phục nhìn mình. Ngoại trừ tên Châu Chấu đáng ghét kia đang hớn hở chơi cầu với người khác. Thỉnh thoảng liếc mắt nhìn sang, cô thấy có vẻ hắn đá cầu hơi tệ. Người như hắn thì chơi môn gì giỏi ta. Tiến Long, gã trai thích cô, chơi khá nhiều môn thể thao rất giỏi, nhất là môn bóng đá. Cô không biết hắn ta có đá bóng giỏi không, nhìn dáng vẻ to cao vậy mà.

“Tên ngồi cạnh bà thế nào?” Tối đến, Hoài Thư tò mò hỏi.

“Hắn ta ấy à.” Cô đang nằm trên giường tâm sự với bạn mình. “Hiền như cục bột vậy.” Chiều hôm nay đi học, tất nhiên hắn cũng trò chuyện vài ba câu, sau đó lại nhìn ra ngoài cửa sổ. Làm cô bỗng thấy hụt hẫng khi nghĩ mình có thể trò chuyện nhiều hơn.

Hoài Thư tò mò. “Đẹp trai không?”

Cô chép miệng. “Cũng không đến nổi tệ.”

“Không tệ của bà thì chắc cũng khá đẹp trại. Nếu bà không có ý gì với hắn, thì giới thiệu cho tôi đi.” Hoài Thư phì cười.

Khi câu hỏi của bạn cô vừa vang lên, hình ảnh của hắn bỗng trở nên ngập tràn trong đầu, khiến cô trong một khoảnh khắc, vì cảm thấy sợ mất nên chả muốn phải giới thiệu.

“Mẹ ơi, chị Hai lại không học bài.” Quốc Khang lại lon ton chạy đi.

Vì muốn tránh né cuộc đối thoại này, cô liền nảy nhanh ý. “Cúp máy đã nha bà. Thằng nhóc ấy lại chạy đi mách lẻo rồi.” Vừa dứt lời, tim cô bất ngờ bỗng đập thình thịch. Chưa bao giờ cô cảm thấy xấu hổ vì phải nói láo như lúc này.

Ngày hôm sau đi học, cô lại thấy bóng dáng hắn ngồi giữa cánh đồng ngô. Giờ thì cô mới nhận ra vì sao con trai ở vùng này có làn da ngăm đen. Nắng trưa chiếu xuống như vậy, mà hắn lại chả thèm mặc áo khoác hay mang áo tay dài. Chả bù cho những đứa con trai của lớp cô ở An Bình, luôn biết cách bảo vệ bản thân và phòng ngừa mọi ánh nắng chạm tới thân thể.

Đến khi tiếng trống trường vang lên, khi chưa thấy hắn vác mặt tới lớp, cô mới ngầm đoán xe đạp của hắn có thể bị hư. Đã quá quen với cảm giác im lặng, nhưng việc vắng bóng hắn bên cạnh lại là một cảm giác mới đối với cô. Nhìn thì cũng như nhau vậy, vì đôi lúc hắn tựa như người vô hình, nhưng khi ngồi học, cô lại thấy thiếu thiếu gì đó.

Nói sao nhỉ, hắn như một món đồ vật cô để trong phòng vậy, không bao giờ dùng tới. Nhưng khi mẹ cô lên dọn phòng và mang nó đi, cô lập tức nhận ra sự thiếu vắng của nó. Cô không dùng nhưng nó phải ở đó. Nếu có vứt đi chăng nữa, thì người vứt cũng phải là cô, người khác không được phép đụng tới.

Nói về Minh Đức, trên đường đi học, xe anh bất ngờ bị lủng lốp. Sau một đoạn dắt bộ, qua khỏi cánh đồng ngô, cuối cùng anh cũng tới tiệm sửa xe của chú Tư. Tiệm sửa xe quen thuộc của anh kể từ lúc nhỏ.

“Lúc trước chú bảo mày rồi.” Chú Tư đem lốp mới ra. “Lốp cũ quá rồi, lo mà thay đi, kẻo nguy hiểm.” Lốp vừa cũ, vừa mòn, lại vừa có năm, sáu miếng vá. Đang đi mà nổ lốp, ta nói chứ, rớt xuống ruộng là có ngày.

Anh khẽ cười. “Chưa có tiền chú ạ.” Thật ra, nếu vá được miếng nữa thì giờ anh cũng sẽ không thay lốp.

“Tiền nong gì. Khi nào mày có thì trả.” Chú Tư cười. “Không có thì bảo ngoại mày đem bánh bột lọc qua ăn trừ dần.”

Khi anh tới trường thì lớp đã vào học, chú bảo vệ mở cửa cho vào, thì anh tự hiểu luật mà lên phòng giám thị. Một năm học như vậy, nếu xui xẻo thì anh sẽ bỏ tiết tầm bảy, tám lần. Nếu trời thương, đất mến thì năm đó anh sẽ chỉ viết một bản kiểm điểm mà thôi.

“Học kì mới đã lại gặp em rồi.” Thầy Cường giám thị nhếch môi cười.

Anh khẽ cúi đầu. “Dạ, em xin lỗi.”

“Ngoại vẫn khỏe chứ?” Thầy rất thương cu cậu này.

Anh gật đầu. “Dạ, vẫn khỏe thầy ạ.”

Nói đúng ra thì trước kia thầy giám thị sống gần khu nhà anh. Nghe ngoại bảo ngày xưa, thầy, cô Hà và má anh có quen biết nhau. Không biết đó có phải là lí do không, nhưng bao nhiêu bản kiểm điểm anh viết, thầy đều giữ lại trong ngăn tủ mà không trình lên theo quy định. Cuối năm, chả hiểu kiểu gì anh vẫn được hạnh kiểm tốt.

Thật ra trong thân tâm anh tự hiểu, có lỗi thì phải bị phạt, làm người thì phải tự trách nhiệm với những việc đã làm. Anh tự nguyện lên phòng giám thị, không phải vì ỷ lại thầy Cường. Vì trước đây khi còn học cấp hai, anh vẫn lên phòng giám thị mỗi khi mình mắc lỗi. Nếu hạnh kiểm khá hay trung bình, anh vẫn vui vẻ chấp nhận mà thôi. Hạnh kiểm tốt, với anh, nói trắng ra thì cũng chả nói lên điều gì, ngoài việc làm đẹp sổ liên lạc.

“Ê, Đức Bột Lọc.” Lớp trưởng Hoàng Kiên nói lớn. “Sao giờ mới đi học?”

Ái Vy nghe vậy liền ngước mắt lên.

“Bị lủng lốp xe.” Anh đáp ngắn gọn.

Vâng, biệt danh của anh là Bột Lọc. Vốn dĩ anh được lớn lên nhờ gánh bột lọc của bà ngoại, nên mọi người đã gắn biệt danh này cho anh, mặc cho người anh chả ám mùi. Anh không ghét bột lọc, anh chỉ không thích cách họ chế nhạo bột lọc của ngoại anh mà thôi.

Hóa ra là xe hắn lủng lốp, nhưng tại sao tên lớp trưởng lại nói là “Đức Bột Lọc”. Đó là biệt danh của hắn sao, “Bột Lọc”. Ái Vy cứ nghĩ đến là thấy buồn cười sao ý. Hắn đâu có tròn, hay có bụng mập ú như bột lọc. Da dẻ cũng đâu được trắng nữa. Bánh Tro hợp hơn, màu sắc hơi giống màu da mặt của hắn. Mùi vị cũng đặc trưng chả bao giờ lẫn đi đâu được. Những dịp Tết Đoan Ngọ, nhà cô hay mua về. Cô không thích ăn, nhưng khi nhà chả có cái gì để lắp đầy cơn đói, thì bỏ tạm vào bụng cũng được.

Có thể nói hơi lạ, nhưng kể từ khi hắn ngồi ở bên cạnh, lòng cô lại cảm thấy bình yên. Không còn cảm giác trống vắng, không còn sự thấp thỏm khó hiểu. An yên này chỉ xuất hiện trùng hợp thôi phải không.

Sau giờ ra chơi, vào lại lớp cô mới thấy tên Bánh Tro đang cặm cụi viết gì đó. Khi tới gần thì cô mới nhận ra, hắn ta đang chép lại bài của môn học tiết đầu. Liếc mắt nhìn sang, chủ nhân của cuốn vở có vẻ là nữ. Nét chữ dịu dàng nhưng chung quy vẫn chưa đẹp bằng cô. Lâu lâu còn có vài chỗ gạch bỏ và tẩy xóa, trông hơi cẩu thả.

“Bà Vy đá cầu giỏi ghê ý.” Bạn nữ ngồi trên bất ngờ quay xuống.

Cô nhận ra người hỏi là Thanh Tâm. “Cũng thường mà. Giỏi gì đâu.” Hai người bàn trên nói chuyện với cô còn nhiều hơn tên Bánh Tro bên cạnh. Nhưng đôi lúc cô chỉ thích hắn mở lời, chả hiểu vì sao.

“Làm sao để được đá giỏi như bà? Dạy tôi với.” Thanh Tâm nhìn với ánh mắt ngưỡng mộ.

Thì luyện tập nhiều vào chứ sao, hỏi gì kì vậy. Cô khẽ cười. “Tôi biết gì đâu. Đá hoài nên quen chân thôi ấy mà.”

“Tôi cũng muốn quen chân như bà.” Quang Linh bất ngờ chem lời vào.

Minh Đức nghe vậy liền cười mỉm.

“Cười gì vậy ông Đức?” Thanh Tâm bất ngờ thấy.

Nghe vậy Minh Đức liền thu lại nụ cười.

Khi cô nhìn sang, bộ mặt tên Bánh Tro vẫn lạnh lùng như trước. Có điều gì khiến ta phải cười chứ. “Trước giờ tưởng ông ấy không biết cười?” Cô cố tình nói khía.

Thanh Tâm như đáp thay. “Ông ấy chỉ cười với bà Ngân thôi.”

“Do mấy bà không làm hắn cười thôi.” Quang Linh nói tỉnh bơ. “Chứ lúc bà Thơ còn đây, hắn cũng cười hoài kìa.”

Cô cảm thấy tò mò. “Bà Thơ là ai?”

“Bà Thơ ngồi chỗ của bà đó.” Thanh Tâm kể. “Chuyển trường rồi. Nghĩ lại mà thấy tội dễ sợ.”

Nghe đến chữ “Thơ”, lòng Minh Đức cũng dấy lên những xáo trộn nho nhỏ. Anh Thơ, người chuyển trường vì hoàn cảnh gia đình, chứ không phải là những lời đồn đoán vì không chịu nổi sự trêu chọc của bạn bè. Sự thật này ngoài anh ra, có lẽ chỉ mình Kim Ngân là hiểu rõ nhất. Nhà hai người này ở gần nhau, nên mọi chuyện xảy ra, Kim Ngân đều nắm được. Cả anh và Kim Ngân thật sự cũng không muốn giải thích nhiều, vì có gắng thế nào đi chẳng nữa, mọi người trong lớp cũng chả tin.

----------

Ngoại truyện:

Vào một hôm, tranh thủ giờ ra chơi không có tên Bánh Tro, Ái Vy liền hỏi Thanh Tâm. “Ủa bà, sao bà Thơ lại chuyển trường vậy?”

Thanh Tâm kể thật. “Bà ấy thích ông Đức, mọi người biết được nên trêu chọc. Bà ấy chịu không nổi nên chuyển trường.”

Đó cũng là một dạng bạo lực học đường. Thế mà Ái Vy tưởng người ở làng quê sẽ hiền lành hơn ở thành phố chứ.