Chương 1: Ác mộng khởi đầu
I
"Thạch..."
"Minh Thạch..."
Giọng nói từ nơi nào đó vô định dội lại khắp không gian. Xung quanh tứ bề yên ắng, không chút động tịnh. Thạch nhìn thấy mình đứng trong một khoảng không đen đặc, cậu chẳng thể nhìn thấy bất cứ thứ gì xung quanh mình. Mặc cho tiếng vọng gọi tên tha thiết, cậu vẫn không có mấy phản ứng.
Mặt đất dưới chân cậu hóa thành hồ nước, rung lên những xung động lan tỏa thành từng vòng tròn kéo dài không dứt. Tiếng gọi tên ngày một gần hơn, rõ hơn. Minh Thạch bắt đầu nghe thấy chúng. Cậu ngước lên nhìn xung quanh tìm kiếm nguồn gốc của giọng nói đó, nhưng chỉ toàn một màu đen đặc. Cảm thấy lo lắng, Minh Thạch bước về phía trước dự định tìm lấy điểm ngừng của không gian này. Càng đi, cậu càng nhận thấy nỗi sợ ngày một dấy lên bên trong mình. Thạch bước nhanh hơn, rồi gần như chạy dài. Có vẻ cậu đang cố thét lên điều gì đó, nhưng thanh quản như bị nghẹn lại và tất cả những âm thanh tồn tại trong vùng không gian này chỉ còn mỗi âm gọi tên kia. Trong cơn hoảng loạn, Thạch vấp vào thứ gì đó rồi té ngã. Loạng choạng ngồi dậy và đưa tay ôm đầu, cậu không thể hiểu được chuyện gì đang xảy ra với mình nữa. Bàn tay cậu trở nên nhớp nháp. Chúng vừa chạm phải mặt đất đen kịt và ướt đẫm.
Minh Thạch nhìn kĩ lại. Một màu đỏ máu vương vãi trên tay và mặt của cậu!
Hoảng hốt, cậu bật người đứng dậy luýnh quýnh ngả về phía sau. Minh Thạch cúi xuống nhìn vật mà mình vừa vấp phải và thét lên kinh ngạc. Cái đầu nát bấy mất quá nửa của Diễm Mộng đang nằm đó. Những mảnh thịt vụn vương vãi khắp nơi. Tròng ngươi của Diễm Mộng bị ép bật ra khỏi hốc mắt, xoay tròn rồi dừng lại ngay trước mũi chân của cậu. Hốc mắt rỉ máu và đôi môi bị xé toạc, lộ cả những thớ thịt quai hàm đang sõng soài ngay dưới chân cậu. Cậu nhìn thấy những phần cơ thể của cô giần giật, như thể vẫn còn sự sống bên trong nó. Vành môi kia mấp máy với hướng nhìn về phía Minh Thạch khẽ gọi tên.
"Mi... h... Thạch..."
"Minh Thạch!"
Cậu giật thót người dậy, cảm giác trên đỉnh đầu đau nhói. Theo phản xạ, cậu cau có xoay người lại xem đứa nào dám gõ đầu mình, nhưng ngay lập tức Minh Thạch liền rụt người lại rồi rặn ra một nụ cười trừ. Ánh mắt nghiêm khắc của vị giảng viên già đang đăm đăm nhìn thẳng vào cậu, dưới mái tóc điểm sương là cái chau mày cau có vì có đứa sinh viên dám ngủ gật trong giờ giảng của ông. Tim Minh Thạch đánh thót một cái, cậu có cảm giác như mồ hôi túa ra sau gáy nhưng vẫn cảm thấy lạnh toát. Vị giảng viên già khẽ thở dài trước vẻ mặt của cậu, rồi chậm rãi bước về phía bục giảng, để lại Minh Thạch phía sau thở phào nhẹ nhõm.
"Cho chừa, ngu vãi ra. Tao gọi mãi méo thèm dậy cái thằng lười này!"
Hoàng Chân – đứa bạn thân của cậu ngồi cạnh cười chế giễu. Nhưng Thạch chẳng buồn để ý đến vì cơn ác mộng vẫn chưa tan hẳn khỏi đầu cậu. Day lại hai bên thái dương rồi sờ sau gáy, Thạch cảm thấy mồ hôi mướt tay mình. Da gà nổi rịn trên trán khi cậu nhớ lại giấc mơ vừa rồi, nó khiến cổ họng cậu khô khốc và người thì nóng bừng lên vì hoảng sợ. Thạch lôi chai nước suối vừa mua đầu tiết uống vội vài ngụm, cảm thấy bàn tay của mình run rẩy. Bỗng dưng cậu lại muốn được gặp Diễm Mộng ngay lập tức. Một cú huých nhẹ làm Minh Thạch chú ý, Hoàng Chân đang hất đầu về phía bục giảng như thể nhắc cậu nên chú ý đến tiết học. Cậu hoàn hồn và thở một hơi dài và tự nhủ tất cả chỉ là một cơn ác mộng.
Minh Thạch cố xua đi giấc mơ vừa có được, cậu nhìn thẳng lên người thầy đang viết từng dòng đầu tiên lên chiếc bảng màu xanh rêu sậm. Những con chữ dần hiện lên tạo thành các câu nối nhau xiêu vẹo, vị giảng viên vẫn tiếp tục ghi chép cho đến khi vắt kiệt thân thể của viên phấn trắng. Đoạn, ông quay người lại, đưa đôi mắt sắc bén của mình nhìn qua những gương mặt non trẻ đang tập trung hướng nhìn về phía bục giảng. Chất giọng trầm ấm mà uy nghiêm của một người giáo viên lâu năm đầy kinh nghiệm vang vọng khắp gian phòng, từng lời nói tuôn ra mang sức hút kì lạ khiến những sinh viên đang uể oải phải thẳng lưng lên để lắng nghe như nuốt từng chữ.
"Tất cả chúng ta ai cũng đều biết rõ, con người có Năm giác quan, và các giác quan này là yếu tố mấu chốt giúp chúng ta có thể nhận biết được những sự vật, sự kiện xung quanh. Các giác quan đó chính là: Thính giác, Vị giác, Xúc giác, Thị giác và Khứu giác.Cũng giống như khi các anh chị chạm tay vào một vật, Xúc giác sẽ thông báo cho anh chị biết cảm giác cơ bản về đồ vật đó. Thị giác sẽ cho biết hình dáng của nó và tương tự với các giác quan khác. Nói về căn bản, đây chính là thứ hình thành và khẳng định cho sự tồn tại của mỗi chúng ta. Nói cho tôi biết, những giác quan này có liên kết với nhau như thế nào?"
Người thầy chỉ tay về một góc phòng và ngay lập tức, một anh chàng đứng phắt dậy như thể đã chờ đợi câu hỏi này lâu lắm rồi.
"Về mặt sinh học, cả năm giác quan này đều gửi thông tin tiếp nhận về cơ quan xử lý trung ương là não bộ của con người. Từ đó, não bộ sẽ phân tích và ra quyết định cho các giác quan để chúng phản ứng lại với thông tin vừa nhận được. Do đó có thể nói rằng, não bộ là cơ quan chính và duy nhất xử lý toàn bộ những thông tin nhận được từ năm giác quan của chúng ta. Nói cách khác, não bộ là yếu tố chính để quyết định, xác nhận và khẳng định cho sự tồn tại của một cá thể sống."
Vị giảng viên gật gù, câu trả lời của cậu sinh viên vừa rồi làm ông rất vừa ý. Người thầy quay lên bảng, viết tóm gọn lại những gì cậu sinh viên vừa rồi đã khẳng định. Tiếng sột soạt giấy bút vang lên khắp gian phòng tịch mịch, không còn bất kỳ hành vi xao nhãng nào diễn ra giữa giờ học này. Chấm viên phấn trắng lên nền bảng xanh rêu để kết cho một khái niệm khẳng định, người thầy quay lại với bài giảng của mình.
"Riêng giờ học này, chúng ta sẽ phân tích sâu hơn về tầm quan trọng của não bộ. Khi nắm rõ sự hoạt động của chúng, chúng ta có thể phân tích các vấn đề tâm lý một cách chính xác. Sự nghiên cứu sinh học kết hợp tâm lý là phương pháp tiên tiến để phân tích tình trạng tâm lý của các cá thể, thường được áp dụng trong chuyên ngành tâm lý học tội phạm.Như anh Tùng đây đã giúp tôi giải thích, não bộ chính là cơ quan trung ương và duy nhất điều khiển và đưa quyết định cho tất cả các giác quan của chúng ta, để chúng phân tích và cảm thụ mọi vật xung quanh, hình thành một mối liên kết giữa cá thể sống với môi trường xung quanh.
Tuy nhiên, liệu có phải bất cứ quyết định nào của não bộ cũng là quyết định chính xác và đúng đắn? Nếu như vậy, chúng ta sẽ không ngồi đây mà phân tích. Vì sẽ không có bất cứ ngành học nào liên quan tới tâm lý để chúng ta có thể tìm hiểu và phân tích nữa.Tôi có thể cho các anh chị một ví dụ. Dựa theo tính chất bắc cầu, chúng ta sẽ có: các giác quan giúp chúng ta nhận biết và liên kết với môi trường xung quanh, não bộ là cơ quan trung tâm đưa ra các quyết định cho các giác quan ấy, từ đó chúng ta mới nhận định được rằng mình đang làm gì với các chuẩn mực đã được bộ não đặt ra."
"Nhưng thưa thầy!"
Một giọng nam vang lên giữa gian phòng, xóa đi không khí tĩnh lặng từ nãy đến giờ. Người thầy quay lại, nhìn thấy một cánh tay đưa lên trên không trung. Minh Thạch ngước lên nhìn thằng bạn của mình đứng dậy, trong lòng thầm thở dài khi sắp sửa một lần nữa chứng kiến một cuộc tranh luận kéo dài giờ học.
"Em cho rằng điều đó chính xác, với một người bình thường. Tuy nhiên, những người được xác nhận là loạn trí, là tâm thần hay là điên loạn; não bộ của họ vẫn đưa ra các quyết định cho các giác quan. Bằng chứng là họ vẫn có mối liên hệ với môi trường xung quanh, theo một cách và tiêu chuẩn khác. Nói vậy, não bộ của họ vẫn đưa thông tin chính xác cho các giác quan theo đúng lý thuyết, nhưng tại sao không một người bình thường nào chấp nhận được lý lẽ của một người điên?
Về mặt lý thuyết, não bộ của những người mắc bệnh tâm thần và người bình thường đều có cơ chế hoạt động y hệt nhau, vậy cớ sao lại có sự khác biệt về nhận thức như vậy?"
Hoàng Chân nêu ra câu hỏi với chất giọng rõ ràng, mạch lạc. Lúc nào cũng vậy, người luôn siêng năng nhất, tìm tòi nhất và đặt câu hỏi nhiều nhất luôn là thằng bạn thân của cậu. Kể từ khi cùng cầm chung một loại giấy xét tuyển vào trường đại học, vào chung khoa Tâm lý và cùng chọn cùng chuyên ngành, Hoàng Chân luôn cho cậu thấy những mặt tích cực nhất của một con người. Đối lại, Minh Thạch chỉ muốn bình đạm trải qua cuộc sống sinh viên cùng với đứa bạn thân và cô người yêu tuyệt vời Diễm Mộng, dù điểm số có thấp một chút cũng chẳng sao.
Vị giảng viên già dường như rất có hứng thú với câu hỏi của Hoàng Chân, đôi mắt gần đục của ông bỗng sáng lên đầy minh mẫn. Thạch đã nhìn thấy đôi mắt đó rất nhiều lần, cậu gọi nó là Cặp mắt tri thức, khi một người khao khát tri thức và bất chợt tìm gặp được nó, đôi mắt của họ sẽ sáng lên như sao trời. Thầy Hùng – tên của vị giảng viên vẫn im lặng trước câu hỏi của Chân, không khí trong phòng học bỗng chốc trở nên ngập tràn sự suy tư về vấn đề nan giải này. Cuối cùng, người thầy đứng thẳng lưng dậy như muốn chứng tỏ cho học trò của mình thấy rằng ông đang nghiêm túc hơn bao giờ hết. Đưa khóe mắt lướt qua một lượt những gương mặt đang trầm ngâm, ông chậm rãi bước từng bước dọc căn phòng đi về phía sinh viên vừa hỏi.
"Hỏi hay lắm. Để tôi đưa ra cho các anh chị một giả thuyết, đây là một giả thuyết với ý kiến chủ quan. Lý do đơn giản mà sự nhận thức của những người bình thường như các anh chị với kẻ điên khác nhau đó chính là sự hoạt động và chỉnh lý, điều khiển của não bộ.Tôi đã phân tích trước đó, não bộ nắm toàn bộ quyết định để các anh chị cảm giác được một vật tròn méo ra sao, nhầy nhụa hay trơn láng, vị ngọt hay mặn, tiếng thanh hay trầm... Do đó, chỉ cần não bộ đưa sai quyết định thì mọi giác quan, hay nói tổng thể hơn, là sự nhận thức của các anh chị sẽ chệch ra khỏi quỹ đạo và tiêu chuẩn bình thường mà đại đa số các cá thể sống tồn tại trên thế giới này lấy đó làm chuẩn mực.
Giả dụ như khi các anh chị cầm lấy một viên bi, xúc giác và thị giác sẽ đẩy thông tin về não bộ để đặt câu hỏi "Đây là gì? Nó trông như thế nào? Chạm vào nó có cảm giác ra sao?". Và khi đó, bộ não của chúng ta sẽ nhanh chóng trả lời lại dựa trên kiến thức đã thu nạp và phân tích của các giác quan rằng: "Đó là viên bi. Nó hình tròn. Khi chạm vào trơn nhẵn."
Nhưng, trong một trường hợp khác não bộ không thể nhận định được viên bi đó và trao lại thông tin sai lệch, đơn giản như: "Đó là viên bi. Nó hình vuông. Khi chạm vào gồ ghề." thì sao? Lúc này, xúc giác và thị giác sẽ được điều chỉnh để cảm nhận và thấy được hình ảnh mà não bộ muốn chúng ta thấy. Viên bi tròn sẽ thành hình vuông, và sự trơn nhẵn trở nên gồ ghề.Suy cho cùng, sự nhận thức của con người chỉ tồn tại bằng sự quyết định của các nơ-ron thần kinh não. Nếu vậy làm sao chúng ta có thể biết được vật mà chúng ta chạm vào, nếm thử, nhìn thấy, ngửi được, lắng nghe có tồn tại hay không?Nói đúng hơn và bao quát hơn, làm sao chúng ta có thể biết được các cá thể sống hay vô tri xung quanh là có tồn tại? Hay chính bản thân của chúng ta, có thật sự đang tồn tại hay không?
Và, điều gì sẽ xảy ra, nếu bộ não của các anh chị đang 'Lừa dối' bản thân mình?"
Vị giảng viên già gần như ngân lên ở câu cuối cùng, tiếng nói của ông vang vọng khắp không gian rồi dội lại như một lời tiên tri. Với sự chăm chú lắng nghe của các sinh viên, ông bắt đầu viết lên bảng chương tiếp theo của bài học với sự phân tích chuyên sâu hơn về cơ cấu hoạt động của não bộ tác động lên sự nhận thức của con người như thế nào.
Tiếng phấn gõ lạch cạch trên tấm bảng đen vang lên đều đều trong cái trưa nóng của một mùa hè oi ả.