2330
40
1251 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Chương 1. Chưa ở gần một ngày đã ngã lòng


Từ hồi về nhà này thị chẳng gặp cậu Hiểu Phong được mấy lần.

Cậu Hiểu Phong sang dạm hỏi, lễ nghĩa đầy đủ, trầu cau đủ đầy. Chẳng là chưa ở nhà được dăm hôm thì đã có lệnh vua, thành ra thị chỉ gặp cậu được hôm về nhà, sau đó đã phải chuẩn bị hành lý cho cậu lên đường từ sớm.

Ngày hôm ấy trời có mây, thị chẳng kịp nhìn rõ cậu thế nào, cậu đã quay người đi thẳng về phía trước. Sương sớm ướt đẫm vạt áo của thị, ướt cả khóe mi đỏ au.

Làm dâu nhà cậu là phải chuẩn bị sẵn tâm lí rồi, ai bảo cậu là tướng, là người của trăm vạn người, không phải của mình thị.

Cậu Hiểu Phong là tướng tài của đất này. Cậu ra trận toàn thắng, đã ba lần đánh tan quân xâm lược, cậu đa mưu túc trí, đàn bà con gái trong kinh ai mà không ái mộ. Thị cũng đem lòng thương, nhưng chẳng bao giờ ngờ được, giữa trăm người, cậu lại hỏi cưới thị.

Đêm ấy mẹ hỏi thị rằng, con có bằng lòng không?

Ánh mắt mẹ ướt sũng, nếp nhăn xô vào nhau như đè nén cảm xúc gì đó thị không rõ ràng. Phận làm con, cha mẹ đặt đâu thị ngồi đấy, thị không dám nói không. Nhưng mẹ vẫn hỏi thị một câu chăng chớ, mẹ bảo với thị:

“U bảo con này, nhà cậu Hiểu Phong cưới thấp, con vào ấy chưa chắc đã là phước đức. U không ép con, cả đời thầy u chỉ có mình con. Nếu con không vừa lòng, u thầy sẽ từ chối.”

Thị nhớ đã thấy cậu Hiểu Phong một lần, khi ấy cậu mới vừa về kinh. Thị đi chợ làng, vô tình nhìn thấy cậu cưỡi ngựa vào kinh. Khi ấy vai áo cậu nhiễm bụi đường, dáng người uy nghi, mày rậm mặt mày nghiêm trang, không giống như mấy văn nhân nho nhã. Cậu không cười, càng không nhìn ngang ngó dọc. Người như vậy, là bậc anh hùng xưa nay hiếm gặp. Quanh quẩn thế nào, nhà bên lại hỏi cưới thị.

Cả đời thị chẳng có gì may mắn, thị chẳng dám tin mình có cơ hội vào lầu vàng ấy.

Thị chẳng nói gì, tránh ánh mắt u. “Vâng ạ.”

Chuyện cưới hỏi cứ vậy mà thành. Sính lễ trao đủ, lễ nghĩa đủ đầy, thị vinh quang bước từ cổng chính vào nhà cậu. Chưa gần nhau được mấy canh, cậu đã lên đường, thành ra ngay cả câu chào chồng thị còn chưa kịp nói.

Nghe bảo cậu Hiểu Phong đánh giặc, không có dịp ở nhà mấy ngày. Trong nhà không có vợ lẽ nào, chỉ có mình thị. Đàn bà trong kinh hâm mộ thị, mấy hôm đi chợ làng người ta chỉ trỏ thị sau lưng, thị nghe loáng thoáng mấy cô chanh chua bảo: “Gớm, nhà này phước lớn, thị có gì hơn người mà bước vào được nhà quan.” Hay mấy câu “đũa mốc lại chòi mâm son” thị nghe cũng đã nhàm.

Đũa mốc là thị không biết có thật đũa mốc hay chăng, ít ra người ngoài nhìn vào chỉ thấy thị sướng thị sang, nghe nhiều quá, nên thị cũng tưởng thật vậy rồi. Nhà thị chẳng có gì hơn người, chẳng là thầy u có dăm ba mẫu đất, mấy trăm thửa ruộng cò bay thẳng cánh. Chỉ ngần ấy thôi.

Đèn canh năm còn sáng, thị ngồi trong phòng, chỗ nào cũng lạ lẫm.

Mấy ngày đầu thị còn lạ chỗ chưa ngủ được, thị đã chuẩn bị tâm lý hầu chồng, nhưng cậu chẳng có nhà, thành ra thị hầu mẹ chồng, cha chồng.

Cứ tưởng cậu Hiểu Phong làm tướng, thì trong nhà quan cũng có nhiều lễ nghi. Thị cứ sợ bóng sợ gió sợ sai phạm, đêm ngủ chẳng được yên, ngày đi đứng cẩn thận, thành ra mấy ngày đầu về thị chẳng nói được mấy lời.

Mẹ chồng không trách, thấy thị chỉ bảo đi vào trong ngồi. Phòng riêng của bà không giống phòng thị, xung quanh chỉ có mấy vật dụng cơ bản, bà thích thêu thùa may vá, tính lại không thích hưởng lạc, thành ra làm việc tối ngày không rảnh tay. Thị từ nhỏ quanh quẩn trong nhà xó bếp, lại chẳng thích giao du với ai, nên mấy việc tỉ mỉ này thị đều thành quen. Thị cứ đứng đấy cả buổi đợi hầu mẹ, nhưng bà từ đầu đến cuối không thèm nhìn thị lấy một cái.

Cậu Hiểu Phong quanh năm suốt tháng không có nhà, mẹ chồng cũng chẳng nặng nề chuyện dâu con. Nhìn thấy thị ngoan ngoãn đứng đấy cũng chẳng lên tiếng dạy dỗ.

Thị yên tĩnh đứng đấy đủ năm canh, đến giờ cơm mới hầu mẹ ăn cơm. Rồi đến chiều lại về phòng ngây người. Trong nhà có người hầu kẻ ở, việc không tới tay thị, thành ra mỗi ngày thị chỉ có quanh quẩn trong xó nhà, đi lại giữa nơi ở và phòng mẹ chồng mà thôi.

Thị không nói với ai, cũng chẳng ai hỏi han thị. Trong nhà thị là mợ, là vợ cả của cậu, thành ra bên dưới chỉ biết cúi đầu hầu hạ thị, chẳng dám nói thị một câu không phải. Thị không bị mẹ chồng mắng mỏ, không bị cha chồng soi mói, chẳng bị người hầu kẻ ở khinh khi. Cuộc sống như vậy, có gì mà thị còn chẳng hài lòng?

Nếu có gì đó, ắt hẳn là cuộc sống quá bình yên, nên thị không biết mình đang mong mỏi gì chờ đợi gì mà thôi. Nửa đêm mưa gió, thị giật mình dậy đóng cửa thổi tắt đèn, chợt nhớ mấy lời u bảo.

“Nhà kia con không muốn thì u thầy sẽ từ chối, nửa đêm hiu quạnh, bên cạnh chẳng có người hỏi han. Con đang tuổi xuân thì, cần gì sống như bà góa vậy.”

Lấy cậu Hiểu Phong, bước vào nhà cậu, đàn bà chỉ nhìn thấy lấy cậu hưởng phước, chẳng ai biết ngồi trong phòng kín, bốn bề mưa gió, chẳng có bờ vai tựa vào là thế nào. Đàn bà ai mà chẳng chờ chồng, thị không phải người đầu tiên, cũng chẳng ngoại lệ duy nhất. Chẳng là u chẳng hay, cái ngày nhìn thấy cậu đi về kinh, trái tim đã chẳng ở chỗ thị nữa.

Một ánh mắt hôm ấy có thể chống đỡ một người bao lâu, nhìn thị là thấy.  

Ngày lại ngày, thị thay chăn đêm mới, pha một tách trà thơm.

Nghe bảo cậu Hiểu Phong thích trà, thích thưởng trà, thích tập võ dưới nắng sớm. Vậy thì thị cũng thích trà, cũng pha trà, cũng dập sớm đón nắng vàng. Chẳng là mấy ngày cậu đi, trong tim không có nắng, nên ngoài sân vàng ươm cũng chẳng sưởi ấm được thị.

Chưa ở gần cậu được một ngày, đã ngã cả lòng về phía cậu.

Ngày thị trông đêm thị ngóng, chỉ cần nghe tin cậu Hiểu Phong thắng trận, đêm sẽ cười ngốc nghếch như một đứa trẻ. Tướng quân Hiểu Phong ấy, người đánh đâu thắng đó ấy, vậy mà là đức ông chồng của thị. Thị còn gì không hài lòng...